Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 18/12/2013 22:26 (GMT+7)

Mô hình cho nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay ở Thanh hóa

Quỹ môi trường toàn cầu – Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP-GEF/SGP) chấp nhận ý tưởng của Hội nghề cá Thanh Hóa và đã tài trợ một phần kinh phí cho thực hiện dự án: “ Xây dựng mô hình NTTS thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững ngành thủy sản xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa”. Đây là dự án được triển khai thực hiện bởi Hội nghề cá Thanh Hóa, chính quyền và các hộ nông dân NTTS xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa.

Việc chọn xã Hoằng Châu là vùng đặc trưng NTTS nước lợ chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu bởi những đặc điểm tình hình sau: Xã Hoằng Châu nằm phía ĐÔng Nam huyện Hoằng Hóa, có tổng diện tích đất tự nhiên 1.080 ha, trong đó diện tích mặt nước NTTS401,5 ha chiếm 37% tổng diện tích. Đây là vùng nuôi vừa chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều sông Mã, vừa chịu ảnh hưởng của thủy triều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình từ Bắc Bộ đổ vào; có khí hậu thời tiết nắng nóng, gió lào vào mùa hè,; gió mùa Đông – Bắc khô lạnh suốt mùa đông… Cồn Trường là địa điểm triển khai dự án, có 300ha diện tích NTTS, với 137 hộ dân, cồn nổi giữa hạ lưu sông Mã, nó có ý nghĩa chắn sóng gió cho các vùng dân cư phía trong… Về mặt sinh học cồn Trường còn có đầy đủ các đặc điểm của vùng cửa sông ven biển với sự đa dạng sinh học cả trên cạn và dưới nước. Thời kỳ vào những năm 1970-1980 diện tích rừng ngập mặn tự nhiên rất lớn khoảng 200 ha với nhiều loại hải sản quý như: tôm He, tôm Rảo, cua càng xanh, ngao, hàu, cá Đối, các vược… Cồn trường nằm ở cửa sông lớn nên chịu ảnh hưởng tác động từ ngoài biển vào (sóng gió, xâm nhập măn…) và từ trong đất liền ra( ô nhiễm do các nhà máy ở thượng nguồn, nước thải sinh hoạt của con người…) vì vậy nguồn lợi thủy sản và môi trường suy giảm rất nhiều so với trước đây, việc canh tác cũng như thu nhập của đại bộ phận cư dân trở nên khó khăn và thiếu ổn định.

Dự án được triển khai nuôi các mô hình vào vụ Xuân- Hè 2011, với mục tiêu cần đạt:

- Tìm được các mô hình với công nghệ nuôi thích hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, thích ứng được với diễn biến bất lợi của thời tiết, khí hậu và xâm nhập mặn.

- Trồng, quản lý và khai thác hiệu quả rừng ngập mặn

- Tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng để cùng nhau đối phó với các thay đổi tiêu cực của thiên nhiên.

- Trang bị kiến thức và nâng cao năng lực cho cộng đồng thông qua tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, thao diễn, tham quan, học hỏi kinh nghiệm… có sự hướng dẫn của đội ngũ chuyên gia lành nghề.

- Bảo vệ tái tạo và khai thác hợp lý nguồn lợi tự nhiên.

Nội dung chính của dụ án là xây dựng 3 mô hình NTTS trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, có một số đặc điểm khác biệt so với kỹ thuật nuôi trồng của nhân dân lâu nay, đó là:

MÔ hình 1: Nuôi thủy sản lách vụ: là nuôi sớm (hoặc muộn) hơn thời vụ chính khoảng một thời gian nhất định. Ở đay chọn nuôi lách vụ sớm hơn 1 tháng so với vụ nuôi thông thường, mục đích để tránh được lụt Tiểu mặn đem theo nước ngọt bị ô nhiễm xâm nhập môi trường nuôi thủy sản, đặc biệt lúc này vụ nuôi đã đến kỳ thu hoạch (tôm, cua… thường bị chết do mua lụt đột ngột đổ về), tổn thất đó cứ lặp đi lặp lại hàng năm. Bất lợi đối với việc nuôi sớm là con giống ban đầu sẽ gặp thời tiết rét đậm, rét hại. Giải pháp khắc phục ở đây các chuyên gia tính toán là khi giống nhỏ (tôm sú P15, cua bột – kích thước 1-1,2 cm) được ương lại trong trại giống vì cơ sở trại giống có điều kiện tăng nhiệt giữ ấm, sau 15-20 ngày giống lớn lên (đạt kích thước 2-3 cm) khả năng chịu rét tốt hơn, đồng thời nhiệt độ ngoài trời cũng đã ấm dần, lúc này con giống được thả ra đồng nuôi chắc chắn sẽ ít tổn thất hơn. Thực tế, người nuôi cũng đã nuôi sớm nhiều năm, nhưng giống quá nhỏ đem thả trực tiếp ra đồng mà không có biện pháp ương giống lớn lên thì giống dễ chết rét, vì vậy người dân phải mua giống thả lại, gây tổn thất lớn. Mặt khác, nếu việc nuôi sớm thành công, sản phẩm cung cấp sớm cho thị trường du lịch đầu hè giá bán sẽ cao hơn.

Mô hình 2: Nuôi thủy sản xen ghép: là nuôi nhiều đối tượng trên một diện tích, sẽ tận dụng triệt để nguồn thức ăn trong chăn nuôi mang ý nghĩa như nuôi sinh thái, thân thiện với môi trường. Trong nuôi xen ghép phải xác định một vài đối tượng nuôi chính sau đó chọn một số đối tượng thích thả xen vào trách địch hải là “sát thủ” của nhau… Mô hình ở đây chọn các đối tượng chính là tôm sú, cá đối, rau câu… trước đây kỹ thuật nuôi cho rằng các loại giáp xác (cua, tôm…) không được nuôi lẫn nhau, càng không được thả chung với các loại cá, vì khi lột xác tô, cua sẽ bị vật cùng nuôi khác ăn thịt hết. Thực tế hoàn toàn không như vậy, với tập tính sinh sống và bản năng phòng vệ tự nhiên, các đối tượng trên vẫn tồn tại cùng nhau, tất nhiên có hao hụt, nhưng vù trừ đến cuối cùng sản lượng chung vẫn cho là thu hoạch tốt. Lưu ý một số loài cá dữ không được thả xen ghép như cá vược, cá sủ, cá măng…

Mô hình 3: Nuôi thủy sản bản địa: là nuôi các đối tượng đã quen với môi trường. thời tiết khí hậu địa phương, cũng là để lưu giữ, bảo tồn một số giống loài thủy sản truyền thống, nguồn giống chủ yếu lấy tự nhiên, có thả thêm một ít giống nhân tạo theo hình thức quảng canh.

Triển khai thực hiện nuôi các mô hình trong thời gian 4-5 thang (từ tập huấn, cải tạo ao đầm, ương giống trong trại đến nuôi thả và thu hoạch ) kết quả đạt được như sau:

-       Mô hình 1: Đối tượng nuôi chính là tôm sú, nuôi phụ là cua. Năng suất bình quân: tôm sú 0,4 tạ/ha, cua 0,2 tạ/ha; rau câu 2,0 tạ/ha. Doanh thu đạt 125 triệu đồng, lợi nhuận 40 triệu đồng, thời gian nuôi 3 tháng.

-       Mô hình 2: Đối tượng nuôi chính là tôm sú và cua, nuôi phụ là cá đối, tôm rảo tự nhiên. Năng suất 2,55 tạ/ha, doanh thu 100 triệu đồng, lợi nhuận 30 triệu, thời gian nuôi 3,5 tháng.

-       Mô hình 3: đối tượng nuôi chính là cua, nuôi phụ là tôm sú, cá đối, tôm rảo tự nhiên. Năng suất 2,5 tạ/ha, doanh thu 90 triệu đồng, lợi nhuận 20 triệu đồng, thời gian nuôi 4 tháng.

Nguồn giống tôm sú, cua biển nuôi tại các mô hình đều do Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống hải sản Thanh Hóa cho sinh sản nhân tạo tại trại giống Hoằng Thanh. Hạch toán sản xuất các mô hình lần này đều có lãi khá (25 – 30 % doanh thu) là một tín hiệu đáng mừng. Trong khi đó đối chứng với nhân dân nuôi thủy sản quanh vùng (Hoằng Phụ, Hoằng Phong, Hoằng Lưu, và ngay cả Hoằng Châu), vụ 2011 này, phần đông vẫn giữ thói quen canh tác cũ, tình trạng thủy sản nuôi bị chết hàng loạt, rất nhiều hộ không có thu hoạch. Lý do chính vẫn là lũ Tiểu mãn về sớm làm cho tôm, cua sắp đến ngày thu hoạch bị sốc môi trường và chết; ngoài ra còn do chất lượng con giống xấu, mua bán trôi nổi, không được quản lý chặt chẽ…

Sau 1 vụ nuôi thủy sản theo mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cồn Trường, xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, có thể rút ra một số kết luận sau:

Thứ nhất: tìm mọi điều kiện và giải pháp để nuôi sớm hơn lịch thời vụ ngành thủy sản phổ biến, nhân dân đang áp dụng. cụ thể lịch thời vụ lâu nay chọn thời gian thả giống tôm sú là trước và sau tiết Thanh minh 15 ngày, từ nay đề nghị thả giống sớm hơn lịch thời vụ đó 1 tháng (Mô hình nuôi năm nay thả giống lớn hơn 2-3 cm ngày 6/2 âm lịch, Thanh Minh là 28/2 âm lịch, nếu tính từ ngày thả giống P15 thì mô hình thả sớm hơn lịch thời vụ 40 ngày)

Thứ hai: Thời tiết còn rét không được thả giống nhỏ, cần phải có biện pháp ương giống lớn lên rồi mới thả ra đồng.

Thứ ba: Giống phải được kiểm soát chất lượng theo đúng quy định của Pháp lệnh thú y. Nên chọn mua giống tại các cơ sở sản xuất có thương hiệu, có điều kiện ương thành giống lớn khi thời tiết còn rét đệm, rét hại và cơ sở đó càng gần khu vực nuôi thả càng tốt (trong huyện, trong tỉnh… là tốt nhất, sau đó mới đến các địa phương lân cận).

Thứ tư: người nuôi phải chấp hành nuôi theo quy trình kỹ thuật được tập huấn, hướng dẫn… quá trình nuôi phải chú ý quản lý môi trường tốt, thường xuyên theo dõi thời tiết, khí hậu tại địa phương, đặc biệt lúc thả giống đầu vụ và mưa, lũ Tiểu mãn cuối vụ nuôi.

Về cơ sở hạ tầng đồng nuôi: bờ, cống cấp thoát nước phải chắc chắn, không thẩm thấu, rò rỉ…đảm bảo chủ động ứng phó với bất lợi do thời tiết xấu gây ra. Ngoài ra có thể tăng cường các biện pháp giảm thiểu nóng, lạnh cho môi trường, tạo điều kiện hoạt động sinh thái cho thủy sản nuôi như tạo một phần diện tích sâu hơn trong ao nuôi, trồng cỏ xung quanh bờ hoặc cồn cạn trong ao…

Qua vụ nuôi năm 2011, với điều kiện thời tiết vẫn khắc nghiệt không kém mọi năm (tháng 1 có thời điểm nhiệt độ xuống đến 8,8 0C; tháng 2 nhiệt độ trung bình 12,4 0C; tháng 3 có lục nhiệt độ thấp 9,4 0C), việc xây dựng các mô hình NTTS và với kết quả đạt được khá tốt có thể khẳng định quy trình công nghệ nuôi thủy sản nước lợ bắt đầu đã thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương, đặc biệt mô hình nuôi lách vụ. Hội nghề cá Thanh Hóa đề nghị Quỹ môi trường toàn cầu cho thực thi các mô hình thêm một năm nữa để có đủ cơ sở khoa học, đúc kết được quy trình nuôi chuẩn, mang tính thực tiễn cao, sau đó sẽ phổ biến nhân rộng cho toàn tỉnh.

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.