Lý Thái Tổ, Chiếu dời đô và tầm nhìn quy hoạch
Năm 1009, sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Tiền Lê, Vua Lý Thái Tổ tiếp tục ở lại kinh đô Hoa Lư. Lúc này nền kinh tế nước nhà đã có một bước phát triển mới hoàn toàn có đủ khả năng và sức mạnh đối phó với nạn ngoại xâm. Nhà vua nhận ra vị trí của Hoa Lư không còn phù hợp với việc phát triển mở mang thành chốn phồn hoa đô hội nữa . Vì thế lên ngôi báu vừa tròn 9 tháng, ông đã nung nấu viết Chiếu dời đô để xây dựng kinh đô mới tại Thăng Long. Mùa hè năm Canh Tuất (1010) Lý thái Tổ đã hạ chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Đại La kinh phủ.
Sử sách chép rằng: “Lý Thái Tổ lên ngôi trị quốc bình thiên hạ chưa vội làm việc gì khác, mà trước tiên mưu tính việc định đô, xét về sự quyết đoán, sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp”.
Trong lịch sử dân tộc đây là vị vua duy nhất khi dời bỏ kinh đô đã có quyết định ban chiếu trước văn võ bá quan. Các đời Ðinh, Tiền Lê vun đắp nền độc lập non trẻ sau nghìn năm bị đô hộ, thế nước không thể không thiên về phòng thủ, nên lập đô ở thung lũng Hoa Lư với thế núi bốn bề vây bọc như thành cao, sông suối ngoằn ngoèo như hào sâu, là điều dễ hiểu.
Xét về bối cảnh lịch sử thời đó việc Đinh Bộ Lĩnh định đô ở quê hương Hoa Lư là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, điều đó sẽ phát huy tốt nhất lợi thế nhân hòa, địa lợi của người lãnh đạo. Quê hương bao giờ cũng chính là hậu cứ vững chắc nhất, là nơi nuôi nấng những ước mơ, khát vọng để vị hoàng đế này lập nên những chiến công hiển hách. Tư tưởng này trong lịch sử Việt Nam xuất hiện khá nhiều như Hai Bà Trưng lập đô ở Mê Linh, Hồ Quý Ly dời đô về Thanh Hóa, Nguyễn Huệ lập Phượng Hoàng Trung Đô và ngay cả các triều vua định đô ở Thăng Long cũng đều xây dựng quê hương mình thành kinh đô thứ 2 làm hậu cứ như nhà Trần với phủ Thiên Trường, nhà Lý với phủ Thiên Đức, nhà Hậu Lê với điện Lam Kinh, nhà Mạc với thành Dương Kinh .v.v.
Đã thế, Kinh đô Hoa Lư có một thế phòng thủ cực kỳ vững chắc với đặc trưng: “Núi trong sông, sông trong núi, căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả. Nơi đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa xứng đáng chọn để lập đô được.” Thực tế đã chứng minh khi Cổ Loa là kinh đô, An Dương Vương từng bị quân giặc đuổi ra tận biển. Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha và các con tranh giành quyền lực cũng không giữ nổi ngai vàng để các thế lực khác tiến đánh kinh đô như chốn không người. Với Kinh đô Hoa Lư, không chỉ các thế lực thù trong mà giặc ngoài thời đó như Tống, Chiêm cũng không thể nào hàng phục được.
Hơn nữa, với tiềm lực kinh tế yếu của một dân tộc vừa trải qua 1000 năm Bắc thuộc thật khó có đủ thế mạnh quân sự để chống đối với các thế lực phương bắc. Khi xây thành Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh có thể tận dụng tối đa điều kiện của tự nhiên với các ngọn núi, sông ngòi sẵn có làm thành quách để tiết kiệm sức người và sức của.
Chính vì kinh đô Hoa Lư có một vị thế đặc biệt quan trọng như vậy nên việc dời đô mới thực sự khó khăn và là một việc làm dũng cảm. Mạnh như Tần Thủy Hoàng mà có dám dời đô ra vùng đồng bằng trung tâm của Trung Hoa đâu. Phải có tầm nhìn sáng suốt và thấu đáo suốt chiều dài lịch sử mới dám dời bỏ cả một kinh đô mà các tiền nhân đã bao công xây dựng. Chiếu dời đô đồng thời khẳng định và phủ định vị trí của kinh đô Hoa Lư, nó còn thể hiện sự chuyển dời tất yếu và vai trò phát tích thủ đô Hà Nội trên cố đô Hoa Lư.
Trong “Chiếu dời đô” Lý Công Uẩn đã nhấn mạnh đến hai tiêu chuẩn mang tính nguyên lí khoa học khi chọn vị trí để định đô:
Thứ nhất ông đã đề cập đến vị trí địa lí để xác định việc định đô, nơi định đô phải là nơi địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, nơi đó phải là nơi muôn vật phong phú tốt tươi, nơi bốn phương hội tụ. Điều này được xã hội hôm nay chứng minh ở những vùng trũng, thấp tình trạng ngập nước đã diễn ra gây khó khăn lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống, nó như một bài toán lớn đặt ra cho toàn dân tộc. Vì vậy ngay từ xa xưa ý thức về một địa vực sinh sống của cha ông ta đã phát triển đến một tầm cao trí tuệ và mang tính xã hội, thời đại sâu sắc.
Thứ hai nơi định đô phải được núi sông che chở để cho quốc gia dân tộc mình có thêm điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho việc phòng thủ chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, đạt được thành công trong mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu. Lý Thái Tổ đi đến kết luận xem khắp nước Việt chỉ có nơi đây là nơi thắng địa ấy là Đại La cũ, Thăng Long mới. Nhờ thế núi sông chiến lược được sự trợ giúp của thiên nhiên mà dân tộc ta đã bao phen nhấn chìm bọn giặc xâm lược làm nên những chiến công lịch sử vang dội trên khắp năm châu.
Như vậy: lập luận của “Chiếu dời đô” rất vững, vững vì hợp với lòng người, càng vững vì hợp với khoa học, nền tảng của “Chiếu dời đô” là tư tưởng vì nước, vì dân, chính vì lẽ đó mà nói rằng “Chiếu dời đô” tràn đầy ý nghĩa văn hoá truyền thống. Việc lựa chọn Thăng Long làm kinh đô nước Việt sẽ góp điều kiện quyết định cho sự phát triển văn hoá dân tộc lên những tầm cao, muốn cho văn hoá dân tộc phát triển cao thì trước hết phải bảo vệ độc lập lâu dài, vững chắc. “Chiếu dời đô” đòi hỏi phải chọn đất Kinh Kỳ đủ điều kiện thiên nhiên để phòng thủ và đủ điều kiện nhân sinh để xã hội không ngừng phát triển, không ngừng tiến bộ. Sự phối hợp giữa thiên nhiên và nhân sinh sẽ tạo ra đầy đủ các yếu tố cần thiết để cho nước nhà cường thịnh muôn đời, để cho nhân dân thoát khỏi nỗi khổ lầm than.
Trong “Chiếu dời đô” Lý Công Uẩn đã chú ý đến việc định đô còn tính kế cho con cháu muôn đời sau, đó là sự sinh sôi phát triển không ngừng của dân tộc ta, nhưng để có sự phát triển như vậy thì phải chọn một mảnh đất địa linh thì mới sinh nhân kiệt được, do vậy chỉ có Thăng Long – Hà Nội mới hội tụ những trọng yếu đó của đất trời và sự thật đã được minh chứng cho tới ngày nay khi nơi đây là một trung tâm kinh tế, chính trị vào hàng đặc nhất của nước ta. Một yếu tố quan trọng mà Lý Công Uẩn đã đề cập sâu thẳm trong bài Chiếu Dời đô đó chính là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu ấy sẽ là nhân tố quan trọng quyết định nên tính cách của con người nơi đây, hay nói cách khác chính là những yếu tố văn hoá ứng xử trong môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, và những yếu tố đó đã làm nên giá trị văn hoá cao cả cho người dân nơi đây.
Theo các nhà phong thủy, thế đất ở thung lũng Hoa Lư hãm nhiều hơn phát, thế đất "cường", khí tiêu tán bên trên, ngựng tụ bên dưới, thiên huyệt kết ở chỗ trũng, nên được nghiệp nhưng phúc trạch không dài - như Lý Thái Tổ viết trong Chiếu dời đô: "triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi".
Phong thủy học cũng nói rằng, thế đất đế đô bao giờ cũng kén bậc quân vương có Ðức Sáng,. thì nghiệp lớn mới thành, cơ đồ mới vững, hưng vượng mới bền lâu.Vì thế, sự bền vững thịnh vượng và phát triển của con cháu muôn đời là mục đích tối cao của việc dời đô, mục đích ấy muốn đạt được trước hết phải chọn được thế đất chính giữa cho Thủ đô, (tức Địa lợi), sau nữa phải kính mệnh Trời (Thiên thời), kế đến mới là theo lòng dân (Nhân hoà). Ở đây, yếu tố Địa lợi vốn đứng thứ hai trong quan niệm Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà của người xưa đã được Lý Công Uẩn đẩy lên hàng đầu, chứng tỏ tư tưởng địa linh là yếu tố quan trọng bậc nhất trong tư duy dời đô của Lý Công Uẩn.
Vào thế kỷ thứ XI, văn hoá tâm linh có màu sắc vật linh và tam giáo đã thấm đẫm trong xã hội Việt Nam, với tư cách một Hoàng đế- Thiền sư, Lý Công Uẩn phải tắm mình trong văn hoá của thời đại để tư duy về đại sự. Tư tưởng địa linh có màu sắc phong thuỷ ấy đã thể hiện rất rõ trong Chiếu dời đô khi Lý Công Uẩn nêu rõ những ưu thế về phong thuỷ của đất Đại La:
“Ở trung tâm bờ cõi đất nước được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh thống khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Sử gia Ngô Sĩ Liên khen rằng: “Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiếm, rộng mà dài, có thể là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền, hình thể Việt Nam không nơi nào hơn được nơi này”.
Chiếu dời đô là bản khai sinh của kinh đô Thăng Long rồi Hà Nội ngày nay. Nước nào trên thế giới cũng có kinh đô nhưng hiếm có kinh đô nào có bản khai sinh mang dấu ấn cả ngàn năm như kinh đô Thăng Long của Đại Việt. Bây giờ đọc lại Chiếu dời đô ta đều cảm phục tài năng, trí tuệ, tầm nhìn và ý chí sáng suốt, quyết đoán của Lý Thái Tổ sáng lập triều Lý tồn tại 216 năm trải qua 3 thế kỷ oai hùng.
Tục truyền rằng: Khi đoàn thuyền từ Hoa Lư ra đỗ dưới chân thành Đại La bỗng có rồng vàng hiện ra ở thuyền vua ngự, rồi bay vút lên cao. Nhà vua cho là điềm lành, tin vui liền cho đổi từ Đại La Thành thành “Thăng Long Thành”, xoá bỏ đi cái tên “Đại La” - đô hộ phủ đau thương của ngàn năm Bắc thuộc.
Dời đô ra Thăng Long, lợi ích về giao thương kinh tế đã rõ, còn về quân sự, tuy không có núi non hiểm trở như cựu đô Hoa Lư, nhưng vẫn rất lợi về đường giữ nước, giữ thành. Nếu kẻ thù phương Bắc tấn công xâm lược bằng đường bộ ắt phải vượt qua nhiều sông, mỗi sông là một phòng tuyến chặn giặc, tấn công bằng thuỷ quân, giặc phải qua hàng trăm dặm đường sông, dân làng tả hữu dòng sông sẵn sàng đánh giặc cả khi vào lẫn khi ra.
Đại La - Thăng Long nơi trung tâm trời đất, đúng ngôi nam bắc đông tây, như vậy là ngang tầm với đất Trung Nguyên của nước Trung Hoa láng giềng, rất xứng đáng là Kinh đô Đại Việt. Thăng Long- Hà Nội không chỉ là mảnh đất thiêng theo tinh thần tư tưởng địa linh, mà còn là kinh đô ngàn năm văn hiến với một bề dày trầm tích văn hoá tâm linh không mấy Thủ đô trên thế giới sánh kịp.
Sau hơn 200 năm xây dựng và phát triển, kinh đô Thăng Long thời ấy đã trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của quốc gia Đại Việt, một đô thị phồn vinh, đã bảo vệ vững chắc kinh đô, sơn hà xã tắc, đánh bại nhà Tống trên sông Như Nguyệt, chiến thắng Chiêm Thành khi đã huy động được sức mạnh toàn dân vào trận, tạo được thế nước ở đỉnh cao ngàn trượng đè bẹp quân thù, đập tan mộng tưởng “thôn tính Giao chỉ” như xưa, từ tác động của bài thơ bất hủ của lão tướng Lý Thường Kiệt động viên:
“ Namquốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư....”
Hai năm trước đó, (1075) bằng chiến lược “Tiên phát chế nhân” (tiến công để tự vệ) của triều Lý, Quân dân Đại Việt đánh vào đất Tống tại châu Khâu, châu Liêm diệt mầm mống xâm lược nước ta của vua tôi triều Tống.
Sự tiện lợi mọi mặt của đất Thăng Long đã làm cho triều Lý vững vàng về mặt chính trị, hùng mạnh về mặt quân sự, phát triển nhanh về mặt kinh tế, văn hóa, đạt đến mức độ phồn thịnh chưa từng có trong lịch sử trước đó. Nếu xét về mặt mong muốn chủ quan thì triều Lý cũng như các triều Đinh, Tiền Lê đã qua, đều muốn cho dòng họ mình trị vì được lâu dài, nhưng triều Đinh chỉ được hai đời vua và kéo dài 13 năm (968-980), triều Tiền Lê được ba đời vua và kéo dài được 29 năm (981-1009), còn triều Lý thì trải qua chín đời vua (kể cả Lý Chiêu Hoàng) với thời gian 216 năm (1009-1225). Triều Lý trường tồn như vậy có nguyên nhân ở việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Từ đó đến nay, trừ 143 năm triều Nguyễn di đô vào Huế, 857 năm qua, non sông đất nước ta dù phải trải qua bao vận hội và thử thách có lúc thăng trầm, Thăng Long vẫn là kinh đô của triều Trần, nhà Hậu Lê, Lê Trung Hưng, nhà Nguyễn Tây Sơn, đang là Thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tên gọi mới: Thủ đô Hà Nội - một thủ đô anh hùng, một thủ đô hoà bình đang được mở rộng và phát triển nhiều ưu thế nội tại để trở thành thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng với lòng mong đợi của vua Lý Thái Tổ từ một ngàn năm trước: “Nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.