Lý Liễu và phong trào đại Đông Du
Ngay từ lúc mở mắt chào đời, tuy đã là người dân vong quốc, Lý Liễu luôn luôn được thở không khí cách mạng của gia đình. Lên sáu tuổi, đã tỏ ra có tư chất cực thông minh, nên dù không phải là hạng giàu có, cụ Lý Chánh cũng cố gắng cho con đi học.
Cuối năm 1906, sau nhiều phen tham gia cách mạng mà đại sự không thành, cụ Lý Chánh xoay sang hoạt động cho phong trào Đông Du. Cụ và các cụ Bộ Tòng, Xã Trinh, Huỳnh Hưng… hiệp nhau lo liệu mọi việc trong tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1907, Bùi Chi Nhuận nhận mệnh lệnh của các cụ Cường Để, Sào Nam từ Nhật trở về nước kêu gọi thanh niên xuất dương, cụ Lý Chánh kịp thời hiệp với cụ Nguyễn Thần Hiển trong Khuyến du học hội, cổ động học sinh du học.
Để làm gương cho mọi người, cụ Lý Chánh đưa con mình là Lý Liễu xuất dương ngay trong đợt đầu năm ấy. Lý Liễu bấy giờ mới vào khoảng 14, 15 tuổi cùng với Nguyễn Truyện, con cụ Xã Trinh, tuổi cũng xấp xỉ như thế, được lên đường với các thanh niên du học.
Hình như học sinh hồi đó không nhất thiết phải sang Nhật, hoặc vì ở Nhật sau đó không tiện cư ngụ, nên Nguyễn Truyện là Lý Liễu được đưa tới Hồng Kông, học tại Trung Anh học đường, cũng như Đỗ Văn Y học tại Trung Đức học đường và Lâm Tỷ, Lâm Cần học trường La Mã.
Chân trời hiểu biết từ đó được thênh thênh rộng mở trước tầm mắt Lý Liễu, ông rất say mê học tập và không bao lâu đã đoạt được nhiều thành tích khả quan so với các học sinh ngoại quốc tại Trung Anh học đường. Ông đã được cụ Cường Để nhiều lần khen ngợi và một lần thưởng tiền trong hồi Kỳ Ngoại hầu bị trục xuất ở Nhật, sang Hồng Kông và đi học tiếng Anh (1910).
Cậu bé con ít học ở một nơi nhà quê năm nào tại Vĩnh Long,, nay đã trở thành một thanh niên học sinh ưu tú của Trung Anh học đường. Bao nhiêu hy vọng đuổi Tây cứu nước mơ mơ màng màng trong óc ngây thơ từ trước bây giờ đã được dịp bồng bột lên theo tuổi thanh xuân, Lý Liễu chỉ còn chờ ngày đem tài năng trở về thi thố.
Nhưng ý định đó đã bị dở dang.
Nguyên là trong năm 1913, khoảng cuối tháng 5, một phái đoàn từ Nam kỳ, do Nguyễn Quang Diêu cầm đầu, lên đường sang Hồng Kông với mục đích lãnh chỉ tuệ tín phiếu, mua vũ khí và đưa thêm vài chục học sinh du học. Phái đoàn ngụ tại nhà Huỳnh Hưng ở ven đảo Cửu Long, phía bên kia Hồng Kông.
Huỳnh Hưng tức Huỳnh Văn Nghị, gốc ở Tam Bình (Vĩnh Long), người đồng hương với Nguyễn Truyện và Lý Liễu. Cụ có phận sự liên lạc giữa các đồng chí Nam kỳ và các lãnh tụ cách mạng trên đất Tàu và đất Nhật. Cả hai vợ chồng đều sang ở đây từ lâu, rất tận tuỵ với nhiệm vụ và rất được các lãnh tụ quý mến. Lý Liễu và Nguyễn Truyền ngoài nghĩa đồng chí còn có tình đồng hương, nên thường hay tới chơi nhà Huỳnh Hưng vừa để nhận thư từ gia đình, vừa thăm nghe tin tức trong nước. Bởi vậy từ hôm có phái đoàn ra, Nguyễn Truyện và Lý Liễu được Huỳnh Hưng cho hay và từ ấy hôm nào hai người cũng đến để gặp gỡ bàn bạc với các đồng chí.
Ngày 16 tháng 6 (1913), không rõ vì có ai điểm chỉ, nhà Huỳnh Hưng bị cảnh sát Anh đến khám. Họ xét gặp 13 quả tạc đạn và một ít giấy tờ, nên bắt hết những người có mặt. Lý Liễu lúc đó đến nhà Huỳnh Hưng một chặp, cũng bị cảnh sát bắt luôn. Tất cả bị điệu về bót và bị giam chung để chờ cuộc điều tra sẽ tiến hành của nhà chức trách.
Khi ra toà, như cụ Cường Để đã nói, chỉ một mình Huỳnh Hưng nhận tội và bị án tù, còn các người khác thì toàn tuyên bố tha, tuy nhiên họ chỉ được tha tại Hồng Kông chứ còn phải bị tạm giam để chờ ngày trục xuất cảnh ngoại.
Mùa đông năm 1913, sau khi bị giam tại Hồng Kông ít lâu, Lý Liễu và các đồng chí của ông bị đưa về Hà Nội. Họ bị tra tấn rất đỗi ngặt nghèo. Một phiên toà Đại hình đặc biệt họp tại Hà Nội vào khoảng cuối năm, tuyên án “chính trị phạm” ấy như sau:
- Nguyễn Quang Diêu 10 năm khổ sai.
- Nguyễn Thần Hiến 10 năm khổ sai.
- Nguyễn Truyện chung thân khổ sai.
-Lý Liễu 5 năm khổ sai.
Tất cả bị giam tại Hoả Lò để chờ ngày đi đày. Nhưng Nguyễn Truyện giả đau nằm nhà thương rồi dùng dao mổ bụng tự tử, còn cụ Nguyễn Thần Hiến thì nhịn ăn để phản đối Pháp mà chết. Xét rõ ra trong vụ án này, trừ hai người chết vừa nói và Huỳnh Hưng sau khi mãn tù tại Hồng Kông bị Anh đưa về cho Pháp rồi lại bị đày Cô Dôn, còn lại cả thẩy bốn người: Lý Liễu, Nguyễn Quang Diêu, Đinh Hữu Thuật và Trần Ngọ; họ đều bị đày đi Guyane (Nam Mỹ).
Xứ Guyane là thuộc địa của ba nước: Pháp, Anh và Hà Lan. Thị trấn vùng Pháp chiếm: Cayenne; vì vậy họ đem đày các nhà cách mạng Việt Nam sang đây cũng như họ từng đày đi Madagascar hay Réunion vậy.
Tàu không đi thẳng Cayenne (Mỹ) mà lại về Marseille (Pháp). Các chính trị phạm bị đem lên tạm giam tại đây vài tuần lễ rồi mới đổi sang một chiếc tàu khác mà đi Guyane.
Ở Guyane người ta đem các cụ lên rừng bắt đốn cây, cắt củi… làm những việc nặng nhọc của hạng tù đồ, tuy nhiên các cụ không vì vậy mà thối chí, trái lại vẫn coi thường khổ cực và vẫn quyết tâm hy vọng một ngày quốc vận vinh quang.
Tình hình chính trị thế giới mỗi ngày một căng thẳng, làm các cụ càng nuôi nhiều hy vọng, nên dù là tù phạm, luôn luôn bị canh chừng để ý, các cụ vẫn tìm cách thăm dò tin tức ở ngoài. Công việc khó khăn và có phần nguy hiểm này, các cụ hoàn toàn trông cậy vào tay Lý Liễu.
Lý Liễu như chúng ta đã biết rõ, là một du học sinh của Phong trào Đông Du, vì có mặt tại nhà Huỳnh Hưng mà bị bắt nên chỉ bị án “Châu liên”, ông trẻ tuổi nhất trong số các đồng chí, thông tiếng Anh, tiếng Tàu và biết chút ít tiếng Tây, nên từ khi bị đày sang Guyane, xếp Tây ở trại tù miễn cho ông những việc nặng nề của tù phạm để sai ông liên lạc những chuyện vặt từ trại tù xuống Cayenne. Trại tù ở ven rừng, cách Cayenne hằng chục cây số, cho nên Lý Liễu thong thả tới lui, có khi được ở đêm tại Cayenne, tha hồ đi lại với kiều dân Trung Hoa, Nhật Bản. Nhờ vậy mà ông có phương tiện thi hành công việc của các đồng chí giao phó.
Có một buổi chiều, ai nấy đều nghỉ việc, Lý Liễu ở dâu xồng xộc chạy vào trại tù reo lên:
- Vạn tuế cách mạng Việt Nam !
Ai nấy nhao nhao xúm lại:
- Cái gì mà vạn tuế?
Lý Liễu tỏ vẻ quan trọng, ngồi phệt xuống, hạ giọng thì thầm:
- Một người trong chi điếm thương hội Anh-Hoa vừa cho tôi biết tình hình cách mạng Việt Nam khả quan.
- Sao? Sao?
- Hắn nói Kỳ Ngoại Hầu đã sang Âu Châu với Đỗ Văn Y để vận động ngoại giao, chính hắn đã gặp tận mặt Đỗ Văn Y năm ngoái tại Đức. Hiện nay Kỳ Ngoại Hầu đã về Trung Hoa rồi, đã được Viên Thế Khải và Đoàn Kỳ Thụy nhận viện trợ Việt Nam để đánh Pháp, chúng ta chắc sẽ được phóng thích nay mai!
Cái tin của Lý Liễu làm không khí trong trại tù nóng rực cả lên trong đêm ấy và âm ấm luôn năm bảy ngày sau đó, nhưng dần dần rồi im bặt không nghe thấy có chuyện gì xảy ra tại nhà tù cũng như ở Việt Nam .
Ở xứ người xa lạ, tứ bề bị bưng bít, mà biết được những cái tin như vậy các cụ cũng thấy vui vui.
Một lần khác mọi người đang nghỉ trưa, Lý Liễu từ Cayenne về, lay Nguyễn Quang Diêu và Đinh Hữu Thuật dậy, bảo:
- Vua Duy Tân đã hiệp với Trần Cao Vân chống Pháp, nhân dân trong nước sôi nổi hưởng ứng khả quan…
Đinh Hữu Thuật chận lại:
- Lại khả quan nữa?
- Thì đây, một tờ báo Tàu có loan tin đó, các anh coi…
Cụ Nguyễn Quang Diêu cầm tờ báo xem. Một bài đăng trang đầu, xét về tình hình các nước nhược tiểu giữa thế chiến, có nói phớt qua tình hình Việt Nam và tin tức trên.
Thêm một phen nữa tưng bừng vui nhộn trong lòng các cụ, dù rằng sau đó cũng chẳng có gì.
Thời khắc cứ trôi qua, lòng yêu nước của các cụ vẫn không hề lay chuyển; tuy nhiên đứng trước viễn tưởng mịt mờ của con đường trở về cố quốc, các cụ có lúc không khỏi bồi hồi ngao ngán. Một bức thư của Lý Liễu gửi về cho người thân năm 1915, có kèm theo một bài thơ thăm chị, đã có bộc lộ ý đó:
Có quản chi em bước lạc loài,
Đạo nhà nhờ chị đỡ hôm mai.
Đã rằng chung đội ơn trời đất,
Thôi chớ phân bì phận gái trai.
Ngoài cuộc phong trần em gánh cả,
Trong khi huỡn cấp chị gồm hai…
Mỏi lòng chờ đợi mà tình thế Việt Nam vẫn chưa có gì thay đổi lớn, mặc dù cuộc thế giới chiến tranh đã bùng nổ từ tháng bảy năm 1914, các cụ bàn nhau nhất quyết tìm cách vượt ngục.
Trong thời gian ở Guyane, Lý Liễu có một vai trò rất quan trọng đối với các đồng chí cách mạng: kêu với Tây để đòi quần áo thuốc men là tay ông, bắt tin tức bên ngoài để hiểu biết tình hình chính trị là nhờ ông, gửi thư về thăm gia quyến và nhận thư của gia quyến gửi sang cũng một tay ông, rồi nay tính chuyện vượt ngục, anh em cũng chỉ trông cậy vào ông nốt.
Ông sẵn có quen biết và có nhiều cảm tình với một số kiều dân Trung Hoa. Một lần ông đem ý định muốn vượt ngục đó nói cho vài bạn thân biết và ngỏ ý nhờ họ giúp đỡ, ông được họ bằng lòng liền.
Công việc sắp đặt bắt đầu từ giữa năm 1916, nhưng đến đầu năm 1917 mới có một chuyến khởi hành.
Nguyễn Quang Diêu và Đinh Hữu Thuật đi trước. Hai cụ được đưa xuống một chiếc thuyền đánh cá của thổ dân để từ bờ biển Guyane dong buồm sang đảo Trinidad. Mọi việc lo liệu tốn kém đều do mấy bạn Hoa kiều gánh chịu, họ còn tốt bụng viết thư giới thiệu trước với một thương hội ở Trinidad về tình cảnh của các nhà cách mạng Việt Nam và yêu cầu ủng hộ.
Từ bỏ Guyane thỉnh thoảng có người trốn thoát. Pháp nổi giận, tra khảo những tù phạm còn lại để khám phá manh mối những tổ chức vượt ngục ấy. Các đồng chí của Lý Liễu rất lấy làm lo sợ cho ông, có người bảo ông trốn đi trước kẻo nguy, ông khảng khái trả lời: “Việc này anh em chỉ cậy vào tôi, việc chưa xong, tôi nỡ nào đi trước”. Rồi ông khôn khéo vận động để thực dân bỏ qua những cuộc điều tra; ông lại sắp đặt những chuyến vượt ngục khác và mấy tháng sau, ông cũng trốn được theo anh em sang Trinidad.
Trinidad là một hải đảo thuộc Anh, Pháp gọi là Trinité và Tàu gọi Trì lý-ni đích-đảo; rộng 4.822 cây số vuông, 530.000 dân, tỉnh lỵ là Port of Spain. Sản vật có dầu hoả, cao cao, đường… Kiều dân Trung Hoa ở đó cũng nhiều như ở Guyane và việc buôn bán của họ có phần phát đạt. Họ giúp các cụ có cơ sở làm ăn: Nguyễn Quang Diêu coi về thư từ và giao dịch cho một chi điếm thương hội, Đinh Hữu Thuận kiểm soát hàng hoá xuất nhập cho thương hội đó; còn Lý Liễu thì chỉ ở trong thương hội một thời gian rồi ra lấy vợ Anh; nhờ của hồi môn, vợ chồng ông mở riêng một hiệu buôn để tự lập sinh nhai.
Việc ở ăn được yên ổn, Lý Liễu giao du rất rộng; ông dụng ý dò xét từng chi tiết một về cách tổ chức hành chánh, kinh tế và tìm học những cách sử dụng máy móc của người Anh. Ông thích đọc những sách báo nói về tự do dân chủ và tiểu sử các nhân vật danh tướng của Anh quốc. Ông từng nói với các đồng chí: Sau này về nước phục vụ cho quốc dân, tôi chắc rằng nếu chúng ta có tiến bộ được gì hơn lớp người đi trước, là một phần nhờ kinh nghiệm của chuyến phiêu lưu đầy nguy hiểm này.
Không khí tự do ở Trinidadtuy có làm các cụ dễ chịu về phần thể xác, nhưng tâm hồn các cụ vẫn luôn quằn quại vì trách nhiệm dở dang. Nhất là từ sau ngày thế giới đại chiến chấm dứt, tình hình cách mạng Việt Nam vẫn im lặng, các cụ càng thêm buồn bực. Cụ Nguyễn Quang Diêu có lần nóng nảy xin với thương hội cho cụ nhiệm vụ công tác sang một chi điếm bên Anh. Bề ngoài làm việc cho thương hội thật, nhưng bên trong để cụ có dịp ngóng nghe tin tức. Tuy nhiên, cụ cũng thất vọng hoàn toàn vì không gặp được đồng chí và cũng không tìm hiểu được gì xác thực về tăm hơi của các lãnh tụ cách mạng nước nhà, Lý Liễu có một lần sang Anh, nhưng rồi ông cũng không làm gì hơn được cụ Nguyễn.
Thời gian cứ lặng lờ đi tới mà sự bồng bột trong lòng các cụ vẫn mỗi lúc một mãnh liệt. Khoảng năm 1920, các cụ họp nhau bàn định trở về; cụ Đinh Hữu Thuật nói:
- Mục đích vượt ngục của chúng ta là trốn cái nhục về tâm hồn hơn trốn cái khổ về vật chất, nay thể chất được sung túc mà tâm hồn vẫn không hơn gì khi ở Guyane thì phỏng có sướng gì mà mãi ở đây, vậy tôi đề nghị anh em tìm phương về nước.
Cụ Nguyễn Quang Diêu khoa tay:
-Đồng ý. Nhưng theo tôi thì không thể về nước ngay được, vì hiện nay ta chưa rõ tình trạng nước nhà ra sao; tôi thấy ta hãy về ngay Trung Hoa trước đã mới tiện.
Lý Liễu reo lên:
- Anh Cảnh Sơn nói phải. Chúng ta bây giờ bề ngoài là người Tàu cả, chúng ta hãy về Tàu rồi sẽ liệu cách hiệp đoàn với Tàu mà về trong nước. Vả hiện nay các nhà lãnh tụ chắc còn ở Tàu, chúng ta về đó để may ra có cách gì hoạt động được chăng!
Các cụ vẫn tiếp tục bàn thêm và sau rốt quyết định:
- Yêu cầu thương hội cấp chứng thư và giới thiệu với các hiệu buôn lớn bên Trung Hoa để khỏi bị nghi ngờ trong lúc đi đường.
- Đi lần lượt từng người cho êm chuyện.
- Về Trung Hoa để lắng nghe tin tức chứ chưa về thẳng trong nước.
Trong mấy năm sống ở Trinidadnhờ làm việc siêng năng và chi tiêu tằn tiện, bây giờ ai cũng có dư tiền nên chuyến này ra đi, các cụ khỏi phải nhờ các bạn Trung Hoa chuyên giúp.
Giữa năm 1920, Nguyễn Quang Diêu đáp tàu lên Hoa Thịnh Đốn, cụ ở đó một lúc rồi đổi sang tàu khác mà về Trung Hoa. Lần lượt các cụ khác đi theo.
Riêng Lý Liễu phen này ra đi chắc là khổ tâm chẳng ít. Ông có vợ Anh như đã nói, và đã sanh với nhau được hai mặt con. Hôm ra đi thừa lúc vợ con về quê ngoại, ông lấy một ít tiền, khoá kín tủ lại, để lại một phong thư…
Bỏ vợ trẻ con ngoan ra đi, không được nói lên một câu từ giã, mà là một chuyến đi vĩnh quyết, ai lại không thấy lòng mình xót xa. Lý Liễu ngày về nước, trong một buổi chiều nhàn rỗi ngồi chơi nói chuyện với một ban thân đã than thở:
- Hiện bây giờ, bên kia xa vời vợi, vợ con tôi có dè đâu tôi ở đây! Chắc chúng nó nhớ nhung tôi dữ lắm!
Thật vậy, từ ngày cưới vợ cho tới lúc bỏ vợ ra đi, khoảng sáu năm, ông chưa hề nói thật cho vợ biết mình là người Việt. Vợ con ông vẫn tưởng đâu ông là người Tàu.
Giữa năm 1925, Lý Liễu về tới Hồng Kông. Nhân lúc ở trên tàu, ông có gặp một thiếu phụ người Trung Hoa trước kia là bạn học, nên khi về tới Hồng Kông, ông nhờ người bạn gái ấy lo liệu giúp cho giấy tờ hợp pháp và chỗ nơi nương ngụ.
Trong khoảng ở Tàu, Lý Liễu có tìm được cụ Nguyễn Hải Thần và gặp gỡ một số thanh niên trong nước ra học tại “Hoàng Phố quân quan học hiệu”. Nhưng vì tình hình cách mạng Việt ở đây hồi này rất đỗi rời rạc, không ai làm được việc gì đáng kể, cho nên ông chỉ ở Quảng Châu ít lâu rồi xuống Hồng Kông để liệu phương về nước. Ông hẹn với cụ Nguyễn Hải Thần và các đồng chí nếu cơ hội thuận tiện, năm sau ông sẽ vận động tài chính mang ra và đưa thanh niên ra học.
Bấy giờ là năm 1929, ông đã có được giấy thông hành Trung Hoa, nên giả như người Tàu sang Việt Nam làm ăn, xuống tàu tại Hồng Kông về Sài Gòn.
Khi tàu cặp bến, ông công nhiên lên xe xuống Mỹ Tho. Ở nơi đây, tại quận An Hoá, ông có một người bà con mà trong lúc sửa soạn xuất dương ông nhớ đã có ghé qua từ giã.
Hôm sau, khi cụ Lý Chánh biết tin con về, liền lén sai Lý Thảo - em ruột của Lý Liễu - sang rước anh về Tam Bình cho gia đình gặp nhau. Kể từ khi xuất ngoại (1907) cho tới khi trở về (1929), Lý Liễu đã rời quê hương 22 năm dài đằng đẵng.
Ở Tam Bình không lâu, Lý Liễu lại lên đường tìm kiếm đồng chí. Tới đâu ông cũng nghe than “cách mạng đã thoái trào”. Ông xuống Tân An với Bùi Chi Nhuận, lên Mương Điều với Đinh Hữu Thuật rồi sang Vĩnh Hoà với Nguyễn Quang Diêu, nhưng ai cũng nói là cơ hội chưa thuận tiện, phải nán đợi ít lâu. Ông chạy kiếm Huỳnh Hưng, hy vọng đôn đốc được ông này hoạt động. Nhưng Huỳnh Hưng từ khi được ân xá ở Côn Lôn về, Pháp theo dõi trông chừng nghiêm ngặt lắm nên cũng không rục rịch được. Bực quá, ông phát ngờ, cho rằng có khi các đồng chí này đã già nua không muốn hoạt động nữa, nên xoay sang kết nạp các bạn trẻ.
Nhờ có tài và có nhiệt độ phụng sự cao, nên kết quả thu lượm được khả quan. Nhiều người theo ông một cách say sưa, có kẻ hăng hái quá đến nỗi muốn bạo động, ông phải dàn xếp và cắt nghĩa cho họ biết là càng sớm bạo động thì càng thất bại sớm, phải làm sao cho đa số nhân dân đều có ý thức được cái lợi của sự đoàn kết và thế nào là quyền tự do đã.
Một nhóm thanh niên có đầu óc nghe ông giảng giải về tinh thần dân chủ ở nước ngoài, mê quá, yêu cầu ông mở lớp đào luyện cán bộ, ông từ chối, bảo: “Phi xuất ngoại, yên đắc kiến tự do”. Rồi ông lần hồi tìm cách đưa họ ra nước ngoài học tập.
Thực dân biết tin ông về nước hoạt động, có ý lo, vì ngại ông có tài sẽ lôi cuốn được số đông quần chúng nên sai người chiêu dụ ông ra thú. Họ hứa sẽ không làm tội và ban thưởng quan chức cho. Ông không nhận lời đó, rúc sâu vào đồng quê vững một lòng tranh đấu.
Bấy lâu sống ở ngoài được đi lại thong thả đã quen, nay nằm trong cảnh chật buộc tồi túng, ông rất đỗi bứt rứt. Tuy nhiên chí nhẫn nại có thừa, ông quyết tâm chịu đựng mà đợi chờ cơ hội.
Nhưng cơ hội đó không tới kịp trong đời ông. Thực dân sai người dò tìm tung tích của ông mãi. Ông phải hoá trang, dời đổi chỗ ngụ luôn luôn mà hễ tới đâu ít lâu rồi cũng lậu tiếng. Một ngày về hè đâu vào khoảng năm 1933-1934, ông đang lẩn trốn tại một nơi nhà quê ở Vĩnh Long (trong một căn nhà nhỏ bên Lộ Ông Kế, cách quận lỵ An Hoá không xa lắm), bị lính Pháp đến vây bắt được.
Toà án thực dân gán cho ông tội gây loạn, phá cuộc trị an và truy ra cái án vượt ngục tại Guyane ngày trước, nên lên án 15 năm khổ sai; ông bị đày ra Côn Đôn rồi không chịu đựng được sự khổ sở nhọc nhằn trong cảnh lao tù ông đã bỏ xương ngoài đó sau một thời gian dài đau ốm liên miên mà không có thuốc men.
Cha ông, cụ Lý Chánh, sau ngày ông bị bắt, cũng bị truy tố về tội “làm quốc sự”, cũng bị đày Côn Lôn và cũng chết trên đảo này.
Có ai cắm giùm nơi Lộ Ông Kế, tại mái tranh nghèo che thân của nhà cách mạng này một tấm bia kỷ niệm? Có ai tìm được dấu vết nắm xương tàn của hai cha con nhà ái quốc này để đặt lên đây vài phiến đá cho người đời ghi nhớ và cho linh hồn liệt vị đỡ bớt phần nào nỗi quạnh hiu?...
Nguồn: Xưa và Nay, số 248, 11/2005, tr 13 - 16