Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 04/10/2005 14:52 (GMT+7)

Lý Công Uẩn người khai sáng kinh thành Thăng long

Cống hiến có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất của Lý Công Uẩn sau khi lên làm vua là việc ông quyết định chọn thành Đại La làm kinh đô, dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên là thành Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay. Đọc Chiếu dời đôcủa Thái Tổ Lý Công Uẩn, với câu “Thành Đại La là khu vực giữa trời đất, giữa Đông Tây Nam Bắc, có thế rồng cuốn, hổ ngồi, sông núi trước sau, đất rộng bằng phẳng, cao ráo sáng sủa, muôn vật phong thịnh, trên khắp nước Việt ta chỗ ấy là hơn cả. Thật là nơi hội họp của bốn phương, là đất kinh đô của muôn đời”, chúng ta thấy ông bằng con mắt đại ngàn, vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển mới của thời đại Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đang vươn lên mạnh mẽ, vừa có tấm lòng và kế sách lo toan cho con cháu muôn đời sau.

Giới nghiên cứu văn học sử Việt Nam xếp Chiếu dời đôvào số tác phẩm văn học sớm nhất của dân tộc thời kỳ độc lập, tự chủ. Nhưng C hiếu dời đôtrước hết là thuộc về sử học, là văn bản sử học đầu tiên của lịch sử sử học Việt Nam .

Lý Công Uẩn làm vua 18 năm. Trong thời gian ấy ông đã làm được một số việc mà chính sử ghi chép như là những việc chính yếu. Thứ nhất, Lý Công Uẩn cho xây dựng kinh thành Thăng Long có quy mô bề thế, bao gồm cung điện và một hệ thống các điện Càn Nguyên (làm chỗ thiết triều), điện Tập Hiền, điện Giảng Võ…cùng kho tàng, hào luỹ. Bốn mặt thành mở 4 cửa Tường Phù (phía Đông), Quảng Phúc (phía Tây), Đại Hưng (phía Nam ), Diệu Đức (phía Bắc). Thứ hai, để đáp ứng nhu cầu của đời sống tâm linh, nhu cầu về tôn giáo tín ngưỡng, mà khi đó Phật giáo là tôn giáo được tầng lớp quý tộc, cung đình cũng như dân chúng tôn sùng, nên Lý Thái Tổ đã cho xây cất nhiều chùa, như ở phía Nam kinh thành, ở phủ Thiên Đức (châu Cổ pháp cũ). Lý Thái Tổ là người đặt nền móng vững vàng cho sự hưng thịnh của Phật giáo thời Lý. Thứ ba, khi vương triều Lý được thành lập, ở một số địa phương, đặc biệt là ở ùng biên giới phía Bắc, có những thế lực nổi dậy cướp phá, cát cứ. Nhằm dẹp yên các cuộc khởi loạn và nắm đặt quyền uy của vương triều Lý trên toàn lãnh thổ quốc gia, Lý Thái Tổ tiến hành những cuộc chinh phạt có hiệu quả ở vùng châu Ái, châu Diễn, châu Vị Long, châu Thất Nguyên…Thứ tư, về đối ngoại, Lý Thái Tổ đã thiết lập được quan hệ khá tốt đẹp với triều Tống. Bên cạnh những thành tựu nêu trên, Lý Thái Tổ còn có công bước đầu xây dựng một bộ máy chính quyền có quy củ từ triều đình xuống tới châu huyện, hương ấp: bổ nhiệm một hệ thống quan chức thái uý, tổng quản, khu mật sứ, thái bảo, thái phó, tả hữu kim ngô, tả hữu võ vệ, thiếu sứ, ngự sử đại phu, đô đốc thượng tướng quân và viên ngoại lang. Đồng thời, Lý Thái Tổ sau khi lên làm vua, đã sớm ban bố chiếu lệnh buộc những người trước kia trốn tránh phải trở về quê cũ sản xuất; định lệ thuế khoá các loại…Trong chính sách thuế, ông có sự chiếu cố đối với người già yếu, kẻ mồ côi, tàn tật, goá bụa.

Các tác giả Đại Việt sử ký toàn thưkhen Lý Thái Tổ “là người khoan từ nhân thứ”. Sử gia Ngô Thì Sĩ khi đánh giá nhà Lý, nhà Trần, có viết “Triều Lý nhân ái, triều Trần anh hùng”. Nền nhân chính thời Lý được hình thành chính là từ Thái Tổ Lý Công Uẩn. Vương triều Lý do Lý Công Uẩn khai sáng tồn tại 215 năm, với 8 đời vua, là một triều đại lớn trong lịch sử Việt Nam có những ông vua anh hùng cứu nước và khai sáng văn hiến dân tộc, như Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1128); những nhà quân sự, chính trị kiệt xuất, như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành…

Khi khảo cứu về chế độ, điển chương thời Lý, Lê Quý Đôn cũng như Phan Huy Chú đều nói, vì thời Lý cách xa quá lâu, tài liệu mất mát, thiếu thốn nhiều, nên có những chuyện không biết căn cứ vào đâu để nói. Mặc dầu thực sự là như vậy, song dựa vào các nguồn tài liệu sách vở, văn kiện hiện còn, chúng ta thấy những dấu ấn văn minh khá rực rỡ của triều Lý vẫn in khắc sâu sắc trong lịch sử Việt Nam . Thí dụ về cơ cấu tổ chức Nhà nước, về quan chế…trên cơ sở những nền móng do triều Lý xây dựng nên mà triều Trần kế thừa, bổ sung. Phan Huy Chú đã khảo cứu chức “Á tướng” đời Lý là tả hữu tham tri chính sự. Đời Trần cũng theo thế , đặt chức Tham tri chính sự, lại đặt chức Tri mật viên sự, đều là chức ở trong chính phủ, dưới chức Tướng quốc. Hoặc như lục bộ, theo Phan Huy Chú, ở nước ta chức Thượng thư đặt ra bắt đầu từ thời Lý, nhưng tên các bộ chia đặt thế nào chưa rõ. Đời Trần theo phép ấy của nhà Lý đặt chức Thượng thư hành khiển, Thượng thư hữu bật, sau mới chia ra Thượng thư các bộ (bộ Lỵa, bộ Binh, bộ Hình).

Về quân sự, nhà Lý buổi đầu đã mô phỏng binh chế thời Đường …đời Tống, nhưng có nhiều sáng tạo độc đáo, trong đó cách hành quân, cách tác chiến chính người Tống lại phải học tập nhà Lý. Những chiến tích quân sự bất diệt của đời Lý đã chứng minh nền quốc phòng và quân sự đương thời là vô cùng mạnh mẽ, tài giỏi.

Cùng với thành tích quân sự, nền ngoại giao triều Lý cũng giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Với một đường lối đối ngoại vừa khôn khéo, vừa cứng cỏi, vương triều Lý đã buộc nhà Tống phải nể trọng, nên trong việc giải quyết về các vụ tranh chấp đất đai ở khu vực biên giới giữa nhà Lý với nhà Tống, phía nhà Lý thường chiếm ưu thế, bởi vậy, lãnh thổ đất nước được bảo vệ chắc chắn, toàn vẹn.

Về phát triển kinh tế, dưới triều Lý có nhiều bước tiến bộ quan trọng, đặc biệt là việc xây dựng các công trình thuỷ lợi, trong đó công trình đắp đê Cơ Xá (sông Hồng, Thăng Long) là một bài ca hùng tráng. Nghề dệt, nhất là nghề làm đồ gốm đạt tới đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật thủ công nghiệp. Ngoại thương phát đạt. Việc giao lưu buôn bán giữa nhà Lý với các nước vùng Đông Nam Á như Xiêm La, Gia Va (Giava), Tam Phật Tề (Palembang)…khá sôi động. Vân Đồn trở thành thương cảng quốc tế quan trọng của Việt Nam khi đó.

Trong lịch sử văn minh Việt Nam , vương triều Lý là vương triều mở đầu kỷ nguyên mới – kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Việc triều Lý mở Quốc Tử Giám, xác lập chế độ đại học, mở khoa thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước là những sự kiện, những cái mốc văn hóa mang ý nghĩa trường cửu.

Phật giáo du nhập nước ta từ rất sớm. Giao Châu từng là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng thời cổ. Nhưng phải đến thời Lý người Việt Nam mới xây dựng được một đạo Phật mang đặc điểm dân tộc rõ nét, đánh dấu bằng sự ra đời của phái Thiền Thảo Đường (1006-1205) với các thế hệ Lý Thánh Tông (1054-1017), Không Lộ, Giác Hải, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông…Dưới ảnh hưởng của tư tưởng Phật Giáo Thiền Tông, ở thời Lý, kiến trúc nghệ thuật xây chùa, đúc tượng đạt thành tựu rực rỡ. Văn học, đặc biệt là thơ Thiền đời Lý, đã trở thành một di sản quý giá trong kho tàng văn chương Việt Nam .

Nguồn: Văn Hiến số 10 (42) - 2004

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.