Luận ngữ - học thuyết của Khổng Tử: sáng mãi tới ngàn sau
Thật hạnh phúc, trong "Một trăm kiệt tác của nhân loại"theo sự lựa chọn của hai tác giải nêu trên thì Việt Nam được đóng góp ba kiệt tác đó là: Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du và Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ba tác giả này đã được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.
Trong bài viết này chỉ xin đề cập về "Luận ngữ" của Khổng Tử cũng được coi là kiệt tác của nhân loại mà từ bấy lâu nay như một vầng hào quang tỏa sáng không chỉ trên đất nước Trung Hoa bao la - quê hương đã sản sinh ra vĩ nhân, mà còn tỏa sáng trên toàn nhân loại.
Đã từ lâu nhiều thế hệ người Việt Nam ta luôn luôn đề cao Đức Khổng Tử - như một hệ thống tư tưởng nho giáo Phương Đông. Nhưng hiểu sâu thêm đôi chút về bậc tiền hiền thì... có lẽ không phải ai cũng đã biết.
Khổng Tử (551- 479 trước công nguyên). Ông học hành và làm quan, ngao du nhiều và truyền đạt cho học trò những học thuyết của mình (cũng như Xô-Crát ở Hy Lạp, Khổng Tử thích dùng lời hơn là viết thành bài vở). Sau khi Khổng Tử qua đời, học trò của ông đã thu thập, hệ thống lại những lời dạy nổi tiếng của thầy. "Luận ngữ" (đàm đạo và trò chuyện) - kết quả công việc thu thập đó, lập tức được coi như thánh kinh và trở thành một trong những di sản vô giá của tư tưởng nhân loại.
Giá trị lớn lao của "Luận ngữ" là ở sự giản dị. Năm khái niệm cơ bản của nó rất gần gũi và dễ hiểu đối với mỗi người:
1.Trí; 2. Nhân; 3. Tín; 4. Lễ; 5. Dũng. Dựa trên năm đức tính đo Khổng Tử xây dựng một hệ thống tư tưởng lôgíc, độc đáo, nhằm thiết lập trật tự trong xã hội, gắn lợi ích cá nhân với lợi ích của cả quốc gia.
Để xã hội phồn vinh thì cần điều gì? - Quốc gia phải thịnh vượng. Để quốc gia được thịnh vượng thì cần điều gì? - Gia đình phải hòa thuận. Để gia đình được hòa thuận thì cần điều gì? - Tâm tư con người phải bình an, thư thái. Muốn đạt đến lý tưởng đó phải gắng giữ lòng ngay và gắng công tu dưỡng, học hành.
Những quan niệm nhân sinh của Khổng Tử dựa trên khát vọng vươn tới hạnh phúc rất tự nhiên của con người. Triết học Phương Đông và Phương Tây cũng dựa trên chính cơ sở đó để tìm kiếm nền tảng khởi nguyên cho các nguyên tắc đạo đức.
Cốt lõi của học thuyết Khổng Tử là những nguyên tắc đạo đức. Nó được trình bày trong "Luận ngữ", dưới dạng tập hợp những lời nói vắn tắt và những cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và học trò. Tất cả gồm 20 chương nhỏ, mỗi chương gồm những đoạn ngắn gắn với một lời nói của thầy. Các đoạn đó thường bắt đầu bằng câu: "Đức Khổng Tử nói rằng".
"Đức Khổng Tử nói rằng: Kẻ học đạo lý mà thường ngày hay rèn luyện cho tinh thông, nhuẫn nhã, há không lấy đó làm vui sao? Nếu có những bằng hữu chẳng ngại đường xa đến thăm mình, há không lấy đó làm vui sao? Dẫu mình là người có học thức, có đức hạnh nhưng không mấy người biết mình, mình không vì thế mà buồn giận, há không phải là bậc quân tử sao?".
"Đức Khổng Tử nói rằng: Người cầm quyền mà biết đem đức để trị thì mọi người đều phục tùng theo. Tỷ như ngôi sao Bắc đẩu ở một chỗ, mà mọi vì sao chầu theo"...
Thông thường, người ta bỏ phần lặp đi lặp lại khi dẫn Khổng Tử. Thế nhưng mỗi từ, mỗi câu, mỗi đoạn được giải thích phân tích rất cặn kẽ cho dễ hiểu, giống như Khổng Tử từng giảng cho học trò của mình.
Ba trăm bài hát có thể tóm gọn trong một câu: "Tư tưởng của ông không bao giờ đi chệch đường".
Trong triết học chúng ta bắt gặp khái niệm "Chủ nghĩa nhân đạo trừu tượng". Đó là thứ nhân đạo xa rời thực tế, viển vông, là thứ lý thuyết suông về lòng nhân ái của con người. Chủ nghĩa nhân đạo của Khổng Tử không hề trừu tượng mà hết sức thực tế, hết sức cụ thể, gắn với đời sống của con người thời dại ông, với nhiều thế hệ tiếp theo và với chúng ta hôm nay.
"Xóm có nhân hậu là xóm tốt. Người nào chọn chỗ ở mà không chọn ở xóm có nhân hậu thì sao gọi là người trí cho được?"
- Kẻ bất nhân chẳng có thể cam chịu cảnh nghèo túng, chẳng có thể an nhiên lâu dài trong cảnh phong lưu. Người nhân thì an vui với lòng nhân của mình, người trí thì biết tận dụng lòng nhân.
- Duy có bậc nhân thì mới biết thương người và ghét người một cách chính đáng mà thôi.
- Người ta nếu thật tha thiết làm điều nhân thì đâu có phạm điều ác...
- Con người, ai là không mắc phải lỗi lầm. Khi quan sát cái lỗi của mỗi người, tùy theo mức độ, ta có thể biết người phạm lỗi có lòng nhân hay không ?".
Khi ông vua của những nhà thông thái Trung Hoa đề nghị giải thích thật rõ ý nghĩa của từ "nhân",ông trả lời: "Đó là tình thương con người". Khổng Tử không phải là người ở ẩn, cũng chưa hề là người khổ hạnh. Nhưng ông vẫn chủ trương một lối sống mực thước thanh bạch.
"Ăn gạo xấu, uống nước lã, co cánh tay mà gối đầu, sống như thế cũng có niềm vui. Bằng những cách không hợp chính nghĩa để có được giàu sang, theo ta chẳng khác mây trôi.
- Xa xỉ mà không khiêm tốn, tiết kiệm mà xo ro, thì bỏ không khiêm tốn mà xo ro vậy".
Và đây là chuẩn mực trong quan hệ con người:
"Làm con người trung thực và ngay thẳng là điều cần nhất. Nếu người ta không như mình thì chớ kết giao, đừng sợ phải sửa các lỗi của mình".
Và đây là câu cách ngôn của Khổng Tử được cả thế giới bết đến:
"Có ba hạng bằng hữu có ích và có ba hạng bằng hữu vô ích. Bạn ngay thẳng, bạn chân thành, bạn học rộng biết nhiều đó là ba hạng bằng hữu có ích cho mình. Bạn hay nịnh nọt, bạn hay giả dối, bạn hay ba hoa đó là ba hạng bằng hữu vô ích cho mình".
Tu dưỡng bản thân không chỉ để cho chính bản thân, mà phải vì lợi ích chung của toàn xã hội, hay nói bằng chính lời của Khổng Tử: "Tu thân chính là làm lợi cho người khác". Trong "Luận ngữ", học trò của ông đã đưa ra những ví dụ chứng minh cho đức tính tốt đẹp của thầy, với lòng thành kính và yêu mến rất mực:
"Đức Khổng Tử khi ở làng xóm, quê hương thì ngài chất phác, dường như ngài chẳng biết ăn nói. Nhưng khi ra nơi tông miếu, triều đình thì ngài biện luận rất rành rẽ và cẩn thận... Ở triều đình, nói chuyện với quan đại phụ bậc dưới thì ngài lộ vẻ ôn hòa vui vẻ, nói chuyện với quan đại phụ bậc trên, ngài giữ nét từ tốn mà cung kính. Khi vua đến rồi thì ngài tỏ vẻ cung kính mà lo lắng, cử chỉ khoan thai...
Ăn cơm không chê gạo trắng tinh, thịt cá không chê thái nhỏ. Trước khi ăn ngài không quên cúng vái với một tấm lòng cung kính".
Ở đây thể hiện một trong những nét đặc biệt của phong tục truyền thống Trung Hoa: tôn thờ tổ tiên và hiếu thảo với cha mẹ. Khổng Tử đã gắn công giữ gìn nếp sinh hoạt xã hội này như giữ gìn sự hài hòa của cộng đồng con người. "Lễ" là một trong những phạm trù trung tâm của "Luận ngữ". Những nghi lễ độc đáo của Trung Hoa đã trải qua rất nhiều lần thể chế hóa, đều dựa trên học thuyết của Khổng Tử, tức là đạo Nho. Nghi lễ đạo Nho gắn liền với những quan niệm nhân văn:
"Làm người nhân là làm chủ bản thân và hiếu thấu được lễ".
Nếu đã có lúc ta làm chủ được bản thân và làm theo điều lễ, tức ta là người có lòng nhân. Lòng nhân có được là tự ở mình, chứ không phụ thuộc vào người khác.
Tri thức và sự thông tuệ của Khổng Tử thật đáng được tôn thờ. Nhưng để đạt được đến đạo của ông, cần phải nỗ lực rất nhiều. Và cần phải có lòng dũng cảm. Nỗ lực để học tập không mệt mỏi, và dũng cảm để vượt qua vô vàn nguy nan trên con đường của người học đạo.
"Người ưa làm nhân mà chẳng ưa học hỏi, thì mối hại ngăn bít là cái ngu muội. Người ưa trí xảo mà chẳng ưa học hỏi, thì mối hại ngăn bít là sự phóng đãng. Người ưa thật thà mà chẳng học hỏi thì mối hại ngăn bít là sự thiệt hại. Người ưa sự thẳng ngay mà chẳng ưa học hỏi, thì mối hại ngăn bít là tính gắt gao. Người ưa dũng cảm mà chẳng ưa học hỏi, thì mối hại ngăn bít là sự phản loạn. Người ưa cương quyết mà chẳng ưa học hỏi, thì mối hại ngăn bít là tính cuồng bạo".
Trung Hoa là đất nước vĩ đại và hùng mạnh. Tiềm năng của nhân dân Trung Hoa là vô cùng vô tận. Trải qua hàng bao thế kỷ, những con người vĩ đại của nhân dân chỉ canh cánh mỗi điều - làm cho quốc gia hưng thịnh. Chính họ, những nhà thông thái vĩ đại, được sinh ra từ trong sâu thẳm của tinh thần dân tộc. Và Khổng Tử là người cao hơn hẳn trong số họ. Hình bóng của ông in trên mọi nẻo đường của hình tinh chúng ta. Đã là như vậy, đang và mãi mãi sẽ là như vậy.
Từ những thế kỷ xa xưa, ông cha ta đã lập Văn Miếu Quốc Tử Giám tại thành Thăng Long - Hà Nội ngày nay làm nơi thi cử chọn nhân tài cho đất nước mà bia tiến sĩ là một nhân chứng học hàm, học vị. Chứng minh cho những tinh hoa của dân tộc làm rạng danh cho tổ tiên, giống nòi. Trong điện thờ chính có đặt bức tượng của Khổng Tử như một vầng hào quang chiếu rọi cho nhiều thế hệ để học tập công đức của Người.
Trải qua bao trầm luân dâu bể, Văn miếu Trấn Biên cùng đất phương Nam dù có phế tích. Song để tri ân các vị tiền hiền, trong tâm thức muôn đời thế hệ con cháu xứ đàng trong không bao giờ vơi cạn. Bởi thế trên nền đất cồ xưa, con cháu đã phục hưng Trấn Biên, Biên Hòa - Đồng Nai không chỉ về quy mô đền thờ, lăng tẩm mà từng bước suy tôn đạo làm người mà 5 khái niệm Trí - Nhân - Tín - Lễ - Dũng của Đức Khổng Tử xa xưa và Bác Hồ muôn vàn kính yêu cũng lấy đó để giáo dục cho con cháu của Người.
Đức Khổng Tử đã tỏa sáng và còn tiếp tục tỏa sáng đến ngàn sau.
Nguồn: Thông tin KH&CN Đồng Nai, 1/2004