Luận bàn Minh triết và Minh triết Việt
Minh triết phương Đông và triết học phương Tây (dịch của tác giả Francois Jullien). Minh triết đã được nhắc đến từ rất lâu trên thế giới, song với phần lớn người Việt Nam còn là điều mới mẻ, cho dù, ngay từ thời Ngô Thì Sỹ (1740 -1786) đã có những tác phẩm liên quan đến chủ đề minh triết “ Đem đạo thánh hiền để quở trách thói đời không bằng đem đạo đời thường để cảm hóa lòng người”. Có thể hiểu giản đơn “minh triết là đạo lý đời thường”. Chính bởi vậy, trong mỗi con người, ai cũng có thể có minh triết. Minh triết không đòi hỏi triết luận có năng lực tư duy đặc biệt như triết lý. Vì điều này, không phải ai cũng có thể trở thành triết gia, nhưng mỗi người đều dựa vào kinh nghiệm sống của mình, với trí khôn, tri thức, trí tuệ… của minh triết gắn với kinh nghiệm sống đời thường. Minh triết sinh ra từ đời thường, và là nhịp sống khôn ngoan tử tế, mà theo tác giả Hoàng Ngọc Hiến, người Việt Nam có từ rất phù hợp là “hẳn hoi”. Dựa vào những đặc trưng của ý thức minh triết và nhất là từ tư tưởng hiền minh của Ngô Thì Sĩ, tác giả đưa ra một định nghĩa về minh triết, đó là: “ Minh triết là tính sáng khôn, thiên về diễn ngôn thoáng gọn, chủ yếu được sống và sống ở bình diện đạo lý đời thường, tuy vậy không xa lạ với đạo lý thánh hiền, thiên về cảm hóa lòng người hơn là quở trách thói đời”. Ở nước ta, khái niệm minh triết được phổ biến khá chậm, được nhắc nhiều trong khoảng hai chục năm gần đây. Nhưng trên thế giới, minh triết đã có những thời điểm thăng trầm khác nhau, được nghiên cứu theo nhiều trường phái, có những triết gia coi minh triết là cái gì đó dưới triết học, nhưng theo quan niệm của nhà triết học Pháp Francois Jullien thì minh thiết “là hạ tầng của triết học”.Từ cuối thế kỷ XX, ở nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, có trào lưu phục hưng minh triết rộng lớn, nhằm trả lại cho minh triết địa vị và vai trò xứng đáng của nó trong đời sống tinh thần của nhân loại. Trường đại học Tổng hợp Chicago đưa ra Dự án đề tài Định nghĩa Minh triết, theo đó, học giả của bất kỳ nước nào cũng có thể tham gia, với kinh phí trợ cấp cho dự án là 2 triệu USD. Tác giả đưa ra một số khái niệm minh triết gần gũi với chúng ta. Trần Hưng Đạo cho rằng “Hiểu được mình là anh, thắng được mình là hùng”, với khái niệm này “anh hùng” trở thành một giá trị minh triết; Các dân tộc Tây Nguyên có một bản trường ca “ Đàn ông là sấm, đàn bà mới là sét”; Người H’mông có câu “Con ai không biết, vợ ta đẻ ra là con ta”… Với những khái niệm này, minh triết trở nên gần gũi, và chúng ta có thể thấy đó là những cách hành xử để hóa giải cuộc sống, làm cho cuộc sống trở nên ấm áp, thân thiện, tốt đẹp. Đó chính là lý do, hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, thay vì quan niệm nền kinh tế tri thức, đổi thành nền kinh tế minh triết, nền giáo dục cũng cần xây dựng là nền giáo dục minh triết. Về giáo dục, ngay đầu thế kỷ XX, Gandhi đã đưa ra nguyên lý giáo dục “Giáo dục cơ sở phải lấy minh triết và lòng từ thiện làm nền tảng”. Minh triết là biết sống khôn ngoan và hẳn hoi, nói cách khác, sự khôn ngoan của minh triết thường gắn với những giá trị hướng thượng, hướng thiện. Việc này, hẳn ai cũng thấy mình có thể làm được ở góc độ nào đấy. Hoàn thiện công việc, cuộc sống, …luôn hướng thượng, hướng thiện từ việc nhỏ đến việc lớn của mỗi con người, sẽ xây dựng được một xã hội tốt đẹp. Trong nền minh triết Việt nhiều nguồn, có minh triết “tam giáo”, đạo thờ cúng tổ tiên, minh triết văn hóa các dân tộc anh em… Làm tốt công việc sưu tầm tổng hợp lại, chúng ta có thể hình dung vốn minh triết phong phú và đa dạng tàng trữ trong trí tuệ và tâm đức Việt Nam.Trong sách tác giả còn đề cập ‘Tìm hiểu minh triết tam giáo trong văn hóa Việt”. “…linh hồn của văn hiến, văn học, nghệ thuật, đạo lý sống, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng…kể cả các lễ hội dân gian, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, nhạc lễ, các ngành nghề thủ công, điêu khắc và cả ẩm thực nữa…” nó là “cái nguồn lực, cái tạo nên hồn sống có từ tam giáo đồng nguyên và cái đặc thù của bản sắc dân tộc được cộng hưởng bởi 54 dân tộc anh em…”
Trong phần Sức mạnh văn hóa và sự phát triển của Văn minh (điểm duyệt những nguồn và giá trị của minh triết Việt Nam) tác giả nhấn mạnh đến tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” trong văn hóa Việt. Văn hóa càng phát triển, càng khoan hòa. Tinh thần khoan hòa của văn hóa thể hiện trong sự nhìn nhận ưu tiên của lợi ích tối cao sự phát triển của dân tộc và tiến bộ xã hội. Văn hóa dân tộc cao hơn mọi thành kiến giai cấp hẹp hòi và tiếp nhận mọi giá trị làm giàu cho nó. Cũng cần nhắc đến, mở đầu cuốn sách là bài “lời “lối” linh thiêng” của một nhà văn hóa Giám đốc Trung tâm Minh triết – Nguyễn Khắc Mai, viết: “Người xưa có câu nói: “ Con chim khi sắp chết tiếng kêu đau thương; con người trước khi chết lời nói linh thiêng”. Tập Luận bàn về minh triết và minh triết Việt là những lời nói linh thiêng của một nhà văn hóa sắp mất”.