Lúa gạo chuyển gen ‘giải pháp cho sự gia tăng dân số’
Lúa là cây lương thực quan trọng cho 3 tỷ người trên thế giới, chủ yếu là ở Châu Á. Tuy nhiên phần lớn những người phụ thuộc vào cây trồng này vẫn trong tình trạng đói ăn. Có khoảng 800 triệu người không đủ ăn, trong số đó có rất nhiều trẻ em và khoảng 5 triệu người sẽ bị tử vong vì các bệnh liên quan tới suy dinh dưỡng. Với dân số thế giới gia tăng 86 triệu người một năm, tình trạng này sẽ còn nghiêm trọng hơn. Theo ước tính sản lượng lúa gạo thế giới sẽ phải tăng khoảng 30% trong vòng 20 năm tới thì mới theo kịp với tốc độ tăng của dân số và sự phát triển kinh tế. Vậy những lương thực này sẽ đến từ đâu?
Có hai cách chính để thúc đẩy sản lượng lương thực: đó là tăng diện tích đất trồng hoặc tăng sản lượng. Cho tới những năm 60, chiến lược được các nước ưa chuộng đó là khai phá đưa thêm nhiều đất vào trồng trọt và dẫn tới việc phá huỷ nhiều rừng tự nhiên và môi trường hoang dã.
Tuy nhiên trong những năm 60, các nhà nhân giống cây trồng như Norman Borlaug đã đi tiên phong trong một chiến lược mới đó là tăng sản lượng cây trồng thông qua việc kết hợp cải tiến hạt giống và đầu vào công nghệ: đó là cuộc cách mạng xanh. Khi các giống cây trồng mới được đưa vào trồng, đầu tiên là ở Mêxicô và sau đó là trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Châu Á, sản lượng thu hoạch gia tăng và tiếp tục tăng khoảng 20% một năm.
Thế nhưng cuộc cách mạng xanh đang ngừng trệ. Trong những năm gần đây sản lượng chỉ tăng rất ít và lúa gạo mọc trên đất được tưới tiêu có hiệu quả nhất hiện đã đạt được mức sản lượng tối đa. Thách thức đối với tương lai đó là phải gia tăng sản lượng trên diện tích đất trồng ngày càng giảm và cây trồng bị tấn công bởi sâu bệnh hay bị phá hại bởi hạn hán hay dịch bệnh. Nhiều nhà khoa học (bao gồm Borlaug) tin rằng cách duy nhất đem lại an ninh lương thực cho dân nghèo của thế giới đó là cây chuyển gen có tính kháng sự tàn phá của tự nhiên.
Giá trị tiềm năng của cây chuyển gen đã được nhấn mạnh hồi đầu năm nay thông qua kết quả nghiên cứu của Trung quốc chứng tỏ giống lúa chuyển gen kháng sâu bệnh giúp sản lượng tăng 10%.
Giáo sư Jikin Huang, Giám đốc trung tâm chính sách nông nghiệp thuộc Học viện khoa học trung quốc cho biết “kết quả thử nghiệm lúa chuyển gen kháng sâu bệnh rất ấn tượng.” Không chỉ giúp sản lượng gia tăng mà việc sử dụng giống lúa này cũng giúp giảm bớt lượng phân bón tới 80% và người trồng cũng giảm được những vấn đề về sức khoẻ liên quan tới việc phun thuốc trừ sâu.
Việc đưa một gen đơn vào cây lúa mới chỉ là sự bắt đầu. Điều mà dự án hệ gen cây lúa cung cấp là một kế hoạch chi tiết của toàn bộ hệ gen và khả năng thiết kế cây trồng đáp ứng nhu cầu của nông dân trên toàn thế giới.
Hệ gen cây lúa được hoàn thiện bởi Dự án hệ gen cây lúa quốc tế, với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu Nhật Bản, Trung quốc, Đài loan, Thái lan, Hàn quốc, Mỹ, Canada, Pháp, Ấn độ, Braxin, Philippine và Anh. Mục tiêu của dự án là cung cấp miễn phí các dữ liệu cho các nhà khoa học ở mọi nơi trên thế giới cùng chia xẻ. Kể cả trước khi công bố hệ gen cây lúa, các nhà khoa học cũng đã khai thác các dữ liệu về hệ gen cây lúa để xác định các gen mới.
Tất nhiên còn có nhiều tổ chức hiện đang phản đối việc tập trung vào công nghệ GM, cho rằng công nghệ này chỉ có đóng góp chút ít để giải quyết các nguyên nhân kinh tế và xã hội sâu xa mà nạn đói nghèo gây ra.
Họ cho rằng một vài thập kỷ trước đây, nạn đói lan tràn cũng được dự báo sau sự bùng nổ về dân số thế giới. Sự bùng nổ về dân số trở thành hiện thực nhưng nạn đói thì không. Lý do đó là trong khi các nước khác tranh cãi về cải cách xã hội thì các nhà nhân giống cây trồng đi tiên phong đã đưa ra cuộc cách mạng xanh và cứu được hàng triệu triệu người khỏi nạn đói. Báo cáo phát triển con người năm 2001 của Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc kết luận rằng “nhiều nước đang phát triển có thể nắm bắt được các lợi ích to lớn từ cây lương thực chuyển gen và các sinh vật khác”
Trên thế giới hiện có khoảng 1,2 triệu người sống dưới 1 đôla một ngày và số tiền này thường dùng để mua gạo. Nhưng cây trồng lại dễ bị tấn công bởi nhiều dịch bệnh, sâu bệnh và sự thay đổi không lường của thời tiết. Chuyển đổi di truyền cây trồng để tạo ra các giống mới kháng sâu bệnh, dịch bệnh, chịu hạn và chịu mặn có thể tạo nên cuộc cách mạng thứ ba trong nông nghiệp. Việc công bố hệ gen cây lúa đã đưa ra một công cụ hữu hiệu cho các nhà nghiên cứu sẵn sàng nâng cao sản lượng cây trồng./.
Nguồn: Guardian Newspapers, 23/08/05; agroviet.gov.vn 31/8/2005