Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh: Tích cực đóng gópvào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố
PGS. TS. Huỳnh Văn Hoàng*
Từ ngày Đảng ta ra đời và thực hiện cuộc Cách mạng vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội ở đất nước ta, trí thức Việt Nam đã luôn một lòng đi theo Đảng, phấn đấu cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, những trí thức trẻ Việt Nam đã xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, những trí thức thành danh đã bỏ sự giàu sang tham gia vào cuộc chiến đấu gian khổ mà anh dũng của dân tộc như Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, v.v... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trí thức Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc đã góp phần thực hiện xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc. Đã có biết bao trí thức hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, biết bao trí thức bị tù đày. Dù hy sinh gian khổ bao nhiêu, trí thức Việt Nam vẫn đi theo con đường Cách mạng của Đảng. Ngày nay, trong sự CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, trí thức Việt Nam luôn đoàn kết trong khối liên minh công - nông - trí dưới sự lãnh đạo của Đảng, cố gắng đóng góp trí tuệ nhiều nhất cho sự phát triển chung của đất nước. Từ khi có Chỉ thị 45-CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị xem Liên hiệp hội là một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội khác tạo thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc CNH, HĐH đất nước, đội ngũ trí thức Việt Nam đã rất phấn khởi được Đảng xác định rõ vị trí và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chung. Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ chính trị, Chỉ thị số14/2000/CT-TTg ngày 01/08/2000 và Quyết định 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng chính phủ đã giúp hoạt động của Liên hiệp hội trung ương và Liên hiệp hội các địa phương được khởi sắc, có hiệu quả hơn rất nhiều. Chúng tôi xin minh họa về sự khởi sắc và có hiệu quả trong hoạt động của Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh, một bộ phận của Liên hiệp hội Việt Nam. Trước tiên, đó là việc tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Từ sau khi có Chỉ thị 45-CT/TW, Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh đã phát triển thêm được 7 hội thành viên, nâng tổng số hội thành viên hiện nay lên được 40 hội. Công tác chính trị - xã hội của Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh cũng được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm trong. Trong cuộc bầu cử HĐND vừa qua, thành phố đã dành cho Liên hiệp hội 12 ứng cử viên, trong khi các đơn vị, đoàn thể khác chỉ được cử 1 hoặc 2 ứng cử viên. Hiện nay, trong HĐND TP, có 9 đại biểu đại diện cho Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh, bằng 1 phần 10 tổng số đại biểu HĐND TP. Trên cơ sở đó, tiếng nói của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong HĐND TP mạnh mẽ hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đối với chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB&GĐXH), Thành ủy và UBND TP đã dành cho Liên hiệp hội TP sự quan tâm đặc biệt. UBND TP đã cấp cho Liên hiệp hội TP 3 tỷ đồng trong 3 năm 2003 - 2005 để trả thù lao công tác TV, PB&GĐXH; hỗ trợ có thu hồi các dự án triển khai nhỏ (dưới 50 triệu đồng) của các nhà khoa học (đối với các dự án lớn hơn 50 triệu đồng thì đăng kí ở Sở Khoa học và Công nghệ); phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các hội nghề nghiệp tổ chức các cuộc thi tài năng trẻ các lĩnh vực toán, tin học, sinh học, vật lý… Thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2003 đến nay, thành phố và các sở, ban, ngành đã giao cho Liên hiệp hội TP thực hiện phản biện và giám định xã hội nhiều công trình, trong đó tiêu biểu là các dự án: Cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm (trị giá hơn 400 triệu USD); Dự án tiền khả thi và sau đó là dự án khả thi 2 tuyến métro TP. Hồ Chí Minh (trị giá hơn 800 triệu USD); Tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (trị giá hơn 400 triệu USD); Chỉnh trị bờ sông Sài Gòn khu vực bán đảo Thanh Đa (Quận Bình Thạnh); Vệ sinh môi trường TP. Hồ Chí Minh, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè... Liên hiệp hội TP cũng đã ký văn bản thỏa thuận phối hợp nhiệm vụ với Sở Giao thông công chính, trong đó nêu rõ 6 hình thức phối hợp: - Tư vấn các công trình, dự án ngay từ bước đề ra ý tưởng, mục tiêu đến lập, thiết kế kỹ thuật, triển khai và hoàn tất dự án - Tư vấn lập dự án, thiết kế và giám sát thiết kế, thi công - Thẩm tra, phản biện dự án - Giám định xã hội các dự án - Nghiên cứu dưới dạng đề tài về tổng quan, cơ sở khoa học và giải pháp cho các vấn đề lớn về giao thông công chính ở thành phố Tóm lại, từ sau khi có Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị, các hoạt động của Liên hiệp hội TP. Hồ Chí Minh đã sôi nổi hơn, có những chuyển biến tích cực hơn, hiệu quả hơn. Tất nhiên, ở thành phố cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết để việc thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị được tốt hơn. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Liên hiệp hội Việt Nam của chúng ta cũng đã có bước tiến dài. Để tiếp tục thực hiện tốt chức năng của mình, chúng tôi đề nghị trong nhiệm kỳ tới chúng ta cần giải quyết một số vấn đề: 1. Bên cạnh việc củng cố, hỗ trợ các Liên hiệp hội tỉnh, thành phố và hội chuyên ngành trung ương hiện có phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, Liên hiệp hội Việt Nam cần có kế hoạch, biện pháp và quyết tâm xây dựng tổ chức Liên hiệp hội đều khắp các tỉnh thành trong cả nước. Nếu được Trung ương Đảng và Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các tỉnh, thành phố chưa có Liên hiệp hội cần thành lập Liên hiệp hội thì quá trình này sẽ nhanh hơn rất nhiều. Các hội thành viên khi mới thành lập có thể còn lúng túng trong hoạt động, nhưng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Liên hiệp hội Việt Nam và kinh nghiệm của các hội thành viên đã thành lập trước, chúng tôi tin chắc rằng, theo thời gian, các hội thành viên sẽ ngày càng lớn mạnh. Chỉ có như vậy Liên hiệp hội chúng ta mới làm tốt vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào quần chúng tiến quân vào khoa học - kỹ thuật. 2. Khi nền kinh tế phát triển, ngành nghề cũng phát triển theo và việc thành lập các hội ngành nghề để bảo vệ quyền lợi người lao động và phát triển ngành nghề là một nhu cầu thực sự. Hơn nữa, chúng ta đang sống trong xã hội pháp quyền, vì vậy cần đề nghị Quốc hội sớm xây dựng và thông qua luật về tổ chức và hoạt động Hội theo hướng tạo điều kiện tập hợp các nhà khoa học, để họ đóng góp tốt hơn cho sự phát triển của đất nước. 3. Hiện nay có rất nhiều cán bộ trí thức lớn tuổi nghỉ hưu nhưng sức khỏe còn tốt, Liên hiệp hội cần có hình thức sử dụng đội ngũ trí thức có nhiều kinh nghiệm và từng trải này tiếp tục đóng góp tốt hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà. Đồng thời, Liên hiệp hội có giải pháp tập hợp đội ngũ trí thức trẻ tham gia vào các hoạt động của Liên hiệp hội, thu hút anh chị em trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về hợp tác, xây dựng đất nước tốt hơn nữa. 4. Liên hiệp hội Việt Nam cần sơ kết rút kinh nghiệm hoạt động TV, PB&GĐXH thời gian qua để hướng dẫn các hội thành viên thực hiện chức năng này được tốt hơn. 5. Từ lâu chúng ta đã nêu một chân lý và một bài học sâu sắc của cách mạng Việt Nam là: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Khi một sự nghiệp có đông đảo người tham gia thì sự nghiệp đó sẽ thành công. Trên tinh thần đó chúng tôi đề nghị trong quan hệ quốc tế chúng ta nên cho phép các liên hiệp hội và hội thành viên địa phương cũng có quyền gia nhập làm hội viên và hợp tác với các hội quốc tế. Trong thời buổi hội nhập và giao lưu, việc làm này giúp các liên hiệp hội và hội thành viên địa phương tìm kiếm những quan hệ hợp tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cả nước. Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực của tất cả chúng ta, sau Đại hội lần thứ V này, đại gia đình Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam sẽ thành một tổ chức đều khắp 64 tỉnh thành trong cả nước và đạt được những thành tích lớn hơn nữa, xứng đáng là một tổ chức chính trị - xã hội đáng tin cậy. ----- * Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT TP Hồ Chí Minh |