Phục vụ đám tang trong thời gian quàn ở nhà cho đến khi chôn cất, có một ban nhạc gồm kèn xô na với một trống to, một cồng nhỏ, một cồng to, một pục pọng, một phèng la, một chũm choẹ: Đây là ban nhạc rất đặc trưng, chỉ dân tộc Thổ mới có. Ban nhạc này không chỉ phục vụ tang lễ mà còn phục vụ một số sinh hoạt văn hoá khác nữa. Ở người Thổ Mọn, Kẹo, nói chung, tại Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và một số xã thuộc Quỳ Hợp ( như: Tam Hợp, Thọ Hợp, Nghĩa Xuân, Văn Lợi, Hạ Sơn…) trong thời gian quàn thi hài trong nhà cho đến lúc đưa đi mai táng thường có một số nghi lễ truyền thống độc đáo như: lễ “ Thăm ún đôộng eng”, lễ “ Thăm bến nước”, lễ “ Cắt xắc (cắt tóc)”, lễ “ Tơm kem”, lễ “ Cúng cơm” và lễ “ Xí vong”. Trong đó lễ “ Thăm ún đôộng eng” khá độc đáo. Người ta dùng rơm hoặc vải bện thành một hình nhân mặc quần áo của người quá cố và đắp mặt na ná như mặt người mới chết, rồi đặt lên cáng bằng gai đến từng nhà bà con, họ hàng, làng xóm.
Tới mỗi nhà, thầy mo thay mặt người quá cố cảm ơn sự giúp đỡ và tình cảm sâu nặng của chủ nhà đối với mình lúc còn sống và chào vĩnh biệt. Còn chủ nhà thì khóc lóc, kể lại công đức của người quá cố và nói lên lòng thương tiếc vô hạn của mình. Lễ “ Thăm ún độông eng” xong, hình nhân được đưa đến các bến sông, giếng nước ( tục này na ná giống ở người Thái…) những nơi mà khi còn sống, người đó thường hay đến để tắm rửa, lấy nước. Tại những nơi này, con dâu hoặc con gái, em gái người quá cố, thay mặt người đó, kể lại sự gắn bó của người này với những kỷ niệm sâu sắc, đồng thời cảm ơn công lao của những nơi này đối với người quá cố khi còn sống, rồi chào vĩnh biệt…
Các nghi lễ truyền thống khá độc đáo như đã nói ở trên cho thấy, từ xa xưa, trước cả khi hình thành tộc danh Thổ, đồng bào đã có sự gắn bó rất sâu sắc giữa thế hệ này với thế hệ khác, tính cộng đồng khá bền chặt giữa người đang sống và người đã khuất và với mảnh đất đã cưu mang mình.
Điểm độc đáo nữa trong đám tang của người Thổ ở vùng Tân Kỳ, Nghĩa Đàn là người ta ít cảm nhận thấy không khí tang tóc, sầu bi. Bên cạnh tiếng khóc tiếc thương của phụ nữ là tiếng kèn xô na, không ai oán, réo rắt, não lòng như tang nhạc của người Thái và người Việt. Tiếng cồng tấu lên với nhịp điệu khá nhanh, nếu là người dân tộc khác, khi nghe tiếng nhạc ấy khó nghĩ rằng đó là nhạc đám ma.
Tìm hiểu kỹ nguyên nhân thì được biết, sở dĩ có hiện tượng ấy, bởi vì người Thổ ở vùng này không quan niệm rằng “ chết” là hết, mà là “ hoá”, nên trước và trong khi đưa người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng, đồng bào thường tổ chức những trò vui nhộn như: múa lang bang, bịt mắt bắt dêvà đấu vật… ở ngay cạnh nơi đặt quan tài ( rất giống người Thái nhóm Tày Mường). Nhưng đám tang người Thổ ở vùng Quỳ Hợp ngày nay, thì khá bi ai, sầu não. Ở đây không có múa “lang bang” ( điệu múa diễn tả các động tác của người đi săn, được biểu diễn trên nền nhạc của ban nhạc tang như đã nói), không có trò chơi “bịt mắt bắt dê” mà chỉ có trò đấu vật.
Trò đấu vật thường diễn ra trước khi đưa đám tại sân nhà và chặng nghỉ giữa đường từ nhà đến “đốông ( đây là trạm dừng chân, giống như tang lễ của người Thái. Đoạn đường này dù ngắn hay dài cũng nhất thiết phải có trạm dừng chân). Sở dĩ có trò đấu vật này vì đồng bào quan niệm đây cũng là một trò chơi mang tính thượng võ, lôi cuốn nhiều người xem là tham gia hò reo, cổ vũ. Vì tế mà đám tang bớt bi ai, buồn thảm. Mục đích là làm cho “con ma” vui vẻ rời nhà đi ra “đốông”, đỡ lưu luyến căn nhà và những người thân đã từng gắn bó với mình, vì ma đã thuộc về thế giới khác.
Khi đưa quan tài ra khỏi nhà thì người Thổ vẫn đi theo cầu thang xuống như hàng ngày. Còn người Thái đi lại theo cầu thang mới do các “chú rể làm phúc” dựng lên. Lúc đưa tang, con cháu đều phải chống gậy sậy ( hoặc gậy lau). Con cháu trong nhà, trong họ là nam đều đội mũ rơm, thắt dây chuối ngang lưng. Riêng con trai trưởng hoặc chồng thì buộc tờ giấy trắng trước mũ rơm;còn nữ giới đều đội “tóc móc” (mũ cuốn). Mũ, gậy, dây lưng, tóc móc sau đó để lại trên phần mộ, trong “ nhà vẹ”.
Đắp mộ xong, con cháu đi theo ông mo quanh mộ 3 vòng trước khi ra về ( giống với tục người Việt). Trong khi đi vòng quanh mộ, người nọ không được nhìn lại người kia. Sau đó, ông mo lấy một cành lá quét hết các dấu chân của những người đưa đám, mục đích là để con ma không biết lối trở lại ngôi nhà cũ của mình ( người Thái thì ngược lại, khi đắp mộ xong, ông mo lấy dao vạch trên mộ 3 con đươờg để chỉ lối cho linh hồn, trong đó có dấu chỉ về bản cũ và ngôi nhà cũ của mình).
Người Thổ chịu tang 3 năm, cách để tang giống như người Việt. Sau bữa cơm mở cửa mả ( cúng 3 ngày), rồi lễ 50 ngày, 100 ngày, linh hồn người quá cố được cúng chung với tổ tiên vào các dịp lễ, tết, hàng năm. Người Thổ Mọn ở Quỳ Hợp, mỗi người qua đời đều được thờ trong một hoọc(bàn thờ) bên cạnh hoọcthờ tổ tiên. Nếu có 2, 3 người mất trong cùng một năm, thì các hoọcthờ được sắp xếp theo thứ bậc như khi còn sống. Vào những ngày lễ, tết, chỉ hoọcthờ tổ tiên là có mâm cỗ, các hoọckhác chỉ thắp hương. Sau 3 năm, mỗi hoọcriêng ấy mới đưa vào hoọcthờ chung với tổ tiên. Khi ấy, người ta đốt hoọcđi.
Về vật chất, đám tang truyền thống của người Thổ ngày xưa, như đã nói, rất tốn kém. Nhà nghèo, thật khómà theo tục lệ được. Thường thì ngày đưa ma, bà con trong làng luôn giúp tang chủ một mâm cơm để thết đãi người đi đưa đám. Các ngày khác, tang chủ thường vật trâu, mổ lợn, nấu cơm, rượu để thết đãi những người đến viếng, đến làm giúp, dù thi hài có quàn trên nhà bao nhiêu ngày cũng vậy. Ngày xưa, trong bữa cơm tang, có một mâm được dọn trên lá chuối để bà con cùng huyết thống bốc ăn mỗi người vài miếng. Đó là tục “ăn ké” để con cháu nhận ra nhau trước linh cữu để không lấy lẫn nhau.
Ngoài tục “ăn ké”, còn có tục “nằm ấm”. Tục này diễn ra trước ngày đưa ma. Đêm đó, tất cả con cháu và người thân trong họ nội, họ ngoại đều có mặt ở nhà tang chủ để “cùng ở” với người quá cố một đêm cuối cùng. Đồng bào gọi đó là “trực họ” để trải mặt với thiên hạ. Tục này cũng có trong cộng đồng người Thái, nhất là nhóm Tày Mường ở Quỳ Hợp (Nghệ An), gọi là tục “ Đống khó”…
… Ngày nay, theo nếp sống mới, đám tang của người Thổ đơn giản hơn nhiều. Cùng với sự biến mất của nhà sàn, đám tang bây giờ cũng na ná như đám tang của người Việt. Tục quàn xác lâu ngày, gây mất vệ sinh đã hoàn toàn chấm dứt. Việc thù tiếp, ăn uống lu bù giảm đi rất nhiều, nhưng tình làng nghĩa xóm thì vẫn tốt đẹp, vẫn đầm ấm trong nếp sống văn hoá mới.