Báo Thanh niên và trụ sở Thanh niên được giới thiệu trên báo ảnh Trung Quốc chữ quốc ngữ nhưng Người đã rời nước Pháp trước khi tờ báo ra đời. Kinh nghiệm hoạt động cách mạng cho thấy một tờ báo sẽ định hướng tư tưởng, chính trị cho người đọc, tập trung họ vào một sự đồng tình đoàn kết trong nhân thức và tổ chức đấu tranh, nó là hiện diện tồn tại của một tổ chức cách mạng và đưa ra những sự thật có sức thuyết phục hơn nhiều bài diễn văn, tuyên truyền. Số đầu tiên của tờ Thanh niênra mắt vào ngày 21-6-1925 (sau này, ngày 21-6 được lấy làm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam) và được phân phối cho các học viên như một tài liệu học tập. Tờ báo còn mở thêm hướng gửi về trong nước để tuyên truyền nên báo dự định xuất bản hàng tuần mỗi số hai trang hoặc bốn trang, nhưng vì những khó khăn khách quan nên không đều kỳ. Báo Thanh niênin trên khổ giấy học sinh 18x24, viết bằng bút sắt nhọn trên giấy sáp. ở trang 1 phía trên cùng chỗ trung tâm là tên báo bằng chữ Hán và chữ Việt; góc trái là ngôi sao năm cánh, ghi số báo; phía dưới tên báo ghi ngày tháng ra báo. Mỗi trang chia làm hai cột như tạp chí, mỗi cột từ 23 đến 26 dòng chữ, vì thế số bài ít, thỉnh thoảng mới có bài dài đăng thành nhiều kỳ. Báo cũng in hình vẽ (có thể của Nguyễn Ái Quốc vì nét vẽ tương tự trên tờ Le Paria và một số tờ báo khác sau này). Những mục lớn của báo là Xã luận, Tân văn, Diễn đàn, Phụ nữ, Thanh niên, Vấn đáp, Nghiên cứu lý luận, Thư tín, Trả lời bạn đọc... Mỗi số báo in khoảng 100 bản, hầu hết được bí mật gửi về Việt Nam, một số ít gửi cho các cơ sở ở Xiêm. Từ số 1 đến số 108 không thấy tiêu đề của tờ báo, cho đến số 108 ra ngày 28-7-1929 mới có tiêu đề là: Cơ quan của Đảng Việt Nam Cách mạng Thanh niên; ngôi sao năm cánh được thay bằng một ngôi sao và hình búa liềm. Chi phí cho việc in báo là một khó khăn khá lớn. Khi rời Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc chỉ được Quốc tế Cộng sản trợ cấp một số tiền đi đường 150 đô la, đến đầu năm 1925, trong thư gửi đại diện Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc cho biết đã nợ 350 đô la cho những công tác đầu tiên, vì thế tiền in báo chủ yếu là do Người tự làm thêm, ngoài ra cũng có sự trợ giúp của Tỉnh ủy Quảng Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức. Từ ngày 21-6-1925 đến tháng 4-1927 là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo tờ báo, ra được 88 số. Thời kỳ từ tháng 4-1927 đến tháng 5-1930, báo tiếp tục ra được 120 số nữa, tổng cộng là 208 số nhưng phần lớn bài viết không hoàn toàn phản ánh đúng quan điểm, đường lối của Nguyễn Ái Quốc do Người đã rời Quảng Châu đi Matxcơva. Theo bút danh ký dưới các bài thì đội ngũ cộng tác viên khá đông: Hạ Sĩ, Hương Mộng, H.T, H.L...; thỉnh thoảng tham gia viết bài còn có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lê Duy Điếm... nhưng cây bút chính và linh hồn của tờ báo vẫn là Nguyễn Ái Quốc. Báo ra được mấy chục số thì Nguyễn Ái Quốc chọn lọc lại, in thành những tập sách nhỏ theo chuyên đề như: Xã hội chủ nghĩa, Chủ nghĩa Mã Khắc Tư (Mác), Phê bình Tam dân chủ nghĩa Tôn Dật Tiên...
Nội dung của báo Thanh niênkhông chỉ tuyên truyền lý luận Mác Lênin, đường lối chủ trương của Hội Thanh niên, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam, mà báo còn nâng cao trình độ, bồi dưỡng tri thức nhiều mặt cho quần chúng, trong đó có chuyên mục rất đặc biệt mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho quần chúng làm quen với các danh từ, thuật ngữ mới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đó là mục Từ điển cách mạng. Ngoài tờ Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội, Tổng bộ còn xuất bản ba tờ báo định kỳ khác là Tuần báo Công Nông, bán nguyệt san Lính Cách mệnhvà nguyệt san Việt Nam Tiền phongcho những đối tượng hẹp hơn là công nhân, nông dân và binh sỹ người Việt. Báo Thanh niênđã mang lại cho các giai tầng xã hội Việt Nam một thế giới mới, một nhân sinh quan tiến tiến, một đạo đức cách mạng mới và nó xứng đáng là tờ báo đầu nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam sau này. Đỗ Hoàng Linh Nguồn: Hà Nội ngàn năm, số 21 (134) |