Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 13/03/2024 15:38 (GMT+7)

Lạm bàn về Tạp chí khoa học hiện nay!

Theo công bố của Bộ Thông tin & Truyền thông, hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí (trong đó có hơn 300 tạp chí khoa học); 72 cơ quan phát thanh, truyền hình.

Dù khác nhau về loại hình và vai trò, nhiệm vụ như: chính trị, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hay thông tin khoa học, nhưng cùng chung mục tiêu là để xã hội phát triển. Xin mạn phép lạm bàn đôi điều về một loại hình hiện nay: Tạp chí Khoa học.

tm-img-alt

Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng chúc mừng các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023)

Tạp chí – thời đỉnh cao!

Khoảng những 90 của thế kỷ trước cho đến năm 2010, là khoảng thời gian Tạp chí trong thời kỳ đỉnh cao: Tạp chí in chiếm lĩnh thị trường, văn hóa đọc ổn định, số lượng phát hành nhiều, thu nhập cao,... nguyên nhân có lẽ là nhờ sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và sự năng động của các nhà khoa học, các nhà báo luôn yêu nghề, luôn đi đầu trong quá trình phát triển, họ không  bi quan vì ai cũng thấy đó là chuyện phụ thuộc vào năng lực nội tại của mình, do mình...

Từ năm 2010 đến nay, do xu hướng phát triển của báo chí Thế giới, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự thay đổi của thị hiếu bạn đọc, của cơ chế quản lý, sự hoạt động lệch chuẩn của một số Tạp chí..., làm cho các nhà khoa học, nhà báo giỏi dần xa dời Tạp chí, họ không còn coi đây là diễn đàn để dãi bày, trao gửi sản phẩm trí tuệ của mình. Rất nhiều cơ quan Tạp chí đã gặp khó khăn, bên bờ vực phá sản. Và sự cố gắng miệt mài của những người làm Tạp chí xem ra phụ thuộc khá nhiều vào những yếu tố vốn ở bên ngoài họ, đây thực sự một điều rất đáng tiếc.

Tạp chí – Vẫn là thành tố quan trọng

Hiện nay, Tạp chí invốn được xếp hàng thứ yếu trong quan niệm phổ biến về chiến lược phát triển của một số Tạp chí, nhưng thực tế vẫn có nhiều Tạp chí  bản in vẫn là một tài sản lưu giữ tri thức quan trọng. Nhiều tòa soạn phải đối diện với thực tế khác thường: Phần lớn bạn đọc và danh tiếng của tờ báo đến từ bản digital, nhưng phần lớn doanh thu lại đến từ bản in. Các tòa soạn thành công là dung hòa được các yếu tố đó. Nhìn ra Thế giới, Tờ Guardian sử dụng chiến lược giá bán lẻ cao để khuyến khích bạn đọc vãng lai thành bạn đọc mua gói (để được giảm giá), đồng thời đóng gói các bài báo in cung cấp cho các subscribers của bản online.

Ở nước ta, báo chí là sản phẩm văn hóa, cũng là sản phẩm chính trị, không thể bằng mọi giá để có nguồn thu. Các cơ quan báo chí đều thực thi nhiệm vụ kép, dù cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu một phần hay tự chủ hoàn toàn thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tạp chí in hay điện tử. Tôn chỉ đó xác định vị trí, chức năng… của cơ quan báo chí đó. 

Tạp chí không phải tổ chức thành doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh lấy lợi nhuận kinh tế làm thước đo tồn tại và phát triển. Đồng thời cũng phải xác định, Tạp chí không phải là báo, không chạy theo cập nhật thời sự hàng ngày. Tạp chí phải làm nội dung tốt, với những bài chuyên sâu, mang tính nghiên cứu chuyên ngành, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin báo chí cách mạng…

Tạp chí khoa học có chỉ số ISSN không nên chỉ để “tính điểm”

Theo Giáo sư Phạm Duy Hiển (Nguyên Phó Viện trưởng Viện năng lượng Quốc gia), một bài báo chỉ khi nào được xem là “bài báo khoa học” nếu nó đã qua cơ chế bình duyệt và được công bố trên một Tạp chí chuyên môn, còn lại không thể xem là những bài báo khoa học bởi vì nó không đáp ứng được hai yêu cầu trên. 

Thế nhưng trong thực tế đã có rất nhiều nhà khoa học ở trong nước, có lẽ do hiểu lầm đã liệt kê những bài họ đăng trên các Tạp chí như là những bài báo khoa học trong lí lịch khoa học của họ! Đối với nhiều người không am hiểu hoạt động khoa học thì những ngộ nhận này chẳng ảnh hưởng gì to lớn, nhưng đối với giới làm nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh, một lí lịch khoa học với toàn những “bài báo khoa học” như thế cho biết nhiều về tác giả hơn là khả năng nghiên cứu khoa học của tác giả.

Trên bình diện quốc gia, công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một cách không chỉ nâng cao sự hiện diện, mà còn nâng cao năng suất khoa học của nước nhà. Ở nước ngoài người ta thường đếm số lượng bài báo khoa học mà các nhà khoa học công bố trên các Tạp chí khoa học để đo lường và so sánh hiệu suất khoa học giữa các quốc gia.  Hiện nay, trong bất cứ lĩnh vực nào, phải nhìn nhận một thực tế là hiệu suất khoa học của nước ta chưa cao.  Phần lớn các công trình nghiên cứu tại nước ta chỉ được kết thúc bằng những buổi nghiệm thu hay luận án.  Đối với hoạt động khoa học, cho dù công trình đã được nghiệm thu hay đưa vào luận án tiến sĩ hay thạc sĩ , nếu chưa được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế thì công trình đó coi như chưa hoàn tất, bởi vì nó chưa qua “thử lửa” với môi trường rộng lớn hơn. 

Các nhà khoa học Việt Nam trong nhiều năm qua đã công bố hàng chục ngàn bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước.  Con số này rất là ấn tượng, song đó chỉ là những bài báo “ta viết cho ta đọc” và để tính điểm chứ trên trường quốc tế thì sự hiện diện của các nhà khoa học Việt Nam còn rất khiêm tốn.  Vẫn theo tác giả Phạm Duy Hiển, trong năm 2001 các nhà khoa học Việt Nam chỉ công bố được 354 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế, mà 71% con số này là do cộng tác với các nhà khoa học ngoài Việt Nam.  Trong ngành y khoa, trong suốt 40 năm qua (tính từ 1965) các nhà khoa học tại Việt Nam chỉ có khoảng 300 bài báo trên các tập san y sinh học quốc tế.  Đó là những con số cực kì khiêm tốn, khi so sánh với Thái Lan (5000 bài) hay Singapore (20.000 bài).

Trong quá trình hội nhập thế giới hiện nay, xã hội có quyền đòi hỏi nhà khoa học nước ta phải có tầm vóc và đứng vững trên trường khoa học quốc tế.  Đã đến lúc chúng ta phải đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm túc mà quốc tế đã và đang sử dụng để thẩm định thành tích nghiên cứu khoa học của các giáo sư và nhà nghiên cứu ở nước ta. Qua đó thấy rằng các Tạp chí ở Việt Nam hiện nay không nên hoạt động chỉ với một mục tiêu duy nhất là: Đăng bài tính điểm.

tm-img-alt

Tạp chí khoa học uy tín trên thế giới

Thế nào là một Tạp chí khoa học

Cần phân biệt các tạp chí khoa học: Thông tin lý luận; khoa học chuyên ngành đặc thù và tạp chí khoa học ứng dụng mang tính xã hội, đại chúng. Cần chú trọng vai trò phổ biến kiến thức của tạp chí khoa học trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay. Đón bắt xu thế phát triển của truyền thông về KHCN mà định hướng phát triển cho các loại hình tạp chí khoa học ở Việt Nam hiện nay. Chú trọng tới việc xây dựng đội ngũ các nhà báo hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Xây dựng các điều kiện cần và đủ để được thành lập các loại hình tạp chí khoa học hiện nay cùng với các chế tài nghiêm ngặt để xử lý những hiện tượng lệch chuẩn của một số tạp chí khoa học trong thời gian qua thay vì hạn chế để góp phần huy động triệt để các nguồn lực của xã.hội tham gia vào các hoat động phát triển KHCN của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Hiện nay, ở nước ta có tới 673 Tạp chí, nhưng để Tạp chí nào thực sự là Tạp chí khoa học thì rất cần các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc tiến hành nghiên cứu tổng quan, lựa chọn ra các Tạp chí có tính nghiên cứu và kế thừa, từ đó đầu tư và xây dựng hệ thống Tạp chí khoa học thực sự có chất lượng, đây là một việc rất quan trọng cần phải làm vì trước tình hình hoạt động “hỗn mang” của không ít Tạp chí hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền báo chí cách mạng. Chất lượng của một Tạp chí khoa học theo tôi cần phải được đánh giá dựa trên các yếu tố chính sau: Tòa soạn có bộ máy lãnh đạo giỏi vận hành và nguồn tài chính ổn định; có quy trình kiểm duyệt để đăng bài; có tỷ lệ các bài viết phân tích chuyên sâu chiếm ít nhất 30 % trên từng số phát hành, huy động tốt mạng lưới cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học; có các thống kê về chỉ số được trích dẫn của các bài báo đăng trên Tạp chí đó thông qua chỉ số ảnh hưởng; các Tổ chức xếp hạng đại học sử dụng các chỉ số khoa học công bố trên Tạp chí để đánh giá số lượng, chất lượng nghiên cứu khoa học và xếp hạng các trường đại học trên thế giới, cũng như cá nhân nhà khoa học; có nhiều thông tin chuyên sâu, vấn đề sâu, số liệu sâu, phân tích sâu, kiến giải sâu, chuyên đề sâu, nghiên cứu sâu, lý luận sâu, hội thảo sâu, luật pháp sâu, chính sách sâu, quốc tế sâu...; có đội ngũ phóng viên, nhà báo đủ trình độ chuyên môn, chủ động thực hiện vai trò cầu nối của quá trình xây dựng thực hiện chính sách, cũng như trong tiếp cận các vấn đề kinh tế - xã hội giữa các nhà khoa học và các cơ quan hoạch định chính sách...

Vai trò Tạp chí khoa học trong phổ biến kiến thức

Kiến thức là những dữ kiện, thông tin, sự mô tả, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm hay thông qua giáo dục, có nhiều cách để  lĩnh hội được kiến thức khác nhau nhưng cùng chung mục đích là hiểu biết rộng hơn và phát triển hơn. Một trong những cách đó là thông qua Tạp chí khoa học, vì vậy Tạp chí khoa học có vai trò rất quan trọng trong công tác phổ biến kiếm thức.

So với các hình thức phổ biến kiến thức khác thì loại hình phổ biến trên Tạp chí khoa học có lợi thế là có đông đảo bạn đọc trong nước và nước ngoài. Đặc thù của Tạp chí  khoa học là thực hiện hoạt động thông tin, yêu cầu cơ bản của thông tin là phải nhanh nhạy, kịp thời, cập nhật, nếu không thông tin sẽ trở nên lỗi thời, không còn tính hấp dẫn.

Để góp phần nâng cao chất lượng phổ biến kiến thức nói chung trên Tạp chí khoa học cần thường xuyên có các chuyên mục tùy theo loại hình báo chí để giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật; phản ánh các công trình nghiên cứu, cập nhật, trao đổi  được các kiến thức mới khách quan, thực tiễn trong và ngoài nước, đồng thời thông qua các vụ việc cụ thể có chứng cứu khoa học công nghệ hoặc thông qua hoạt động của các cơ quan Nhà nước; thực hiện giải đáp, tư vấn cụ thể trên Tạp  chí về các kiến thức đã cập nhật.

Vai trò của Tạp chí khoa học trong phổ biến kiến thức vừa đòi hỏi nghiệp vụ báo chí cao của một người làm báo, vừa cần có kiến thức khoa học và công nghệ của một nhà khoa học, vì vậy nếu kết hợp được cả 2 yếu tố trên trong một người làm báo thì sẽ nâng cao được vai trò của Tạp chí, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0.

Vì vậy, dựa vào tính chuyên ngành của mình, hiện nay có nhiều cơ quan Tạp chí khoa học làm tốt việc phổ biến kiến thức, làm cầu nối tư vấn phản biện xã hội từ đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành. Các cơ quan Tạp chí khoa học này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí, đưa nhanh tiến bộ khoa học vào sản xuất đời sống, đóng góp vào việc đẩy lùi tiêu cực, nâng cao dân trí.

Chỉ là một bộ phận rất nhỏ cơ quan Tạp chí khoa học xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế,…

tm-img-alt

Tập huấn “Kể chuyện bằng hình ảnh trên các loại hình truyền thông” 

Vai trò Tạp chí khoa học trong tư vấn phản biện, giám định xã hội

Nhiệm vụ tư vấn phản biện của Tạp chí khoa học nói riêng và báo chí nói chung là để xây dựng các chính sách đúng đắn, có sức sống trong thực tiễn, góp phần vào giữ vững ổn định chính trị và phát triển đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của Nhà nước đối với xã hội. Tư vấn phản biện của Tap chí khoa học là phản ánh và cung cấp những luận cứ khoa học, kịp thời, chính xác, khách quan cho quá trình dự thảo, ban hành và thực thi các chủ trương, đề án, quyết sách của Nhà nước.

Thực tế cho thấy những người soạn thảo các chính sách, quyết sách, bên cạnh những vấn đề đúng đắn, tích cực, phù hợp với đời sống thực tiễn, sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, sai lầm, đôi khi là cả sự áp đặt chủ quan, duy ý chí hay cả những vấn đề vụ lợi cá nhân cho các nhóm lợi ích. Cho nên muốn cho chính sách, quyết sách có được tính khách quan khoa học, đúng đắn vì lợi ích chung cần phải có sự phản biện của báo chí, với tính cách là cơ quan có sự độc lập tương đối với các quyết sách và thực thi các quyết sách đó.

Vì vậy, Tạp chí khoa học tận dụng thế mạnh chuyên sâu của mình để khai thác “chất xám” của các nhà khoa học, đây được coi là  “mỏ vàng” của Tạp chí trong công tác tư vấn phản biện xã hội.

Trọng trách của nhà báo Tạp chí khoa học nặng nề hơn, là nỗ lực thống nhất nhận thức về vai trò, vị thế tư vấn phản biện của Tạp chí khoa học trong việc chủ động thực hiện vai trò tư vấn phản biện của quá trình xây dựng thực hiện chính sách, cũng như trong tiếp cận các vấn đề kinh tế - xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội.

Nhà báo của Tạp chíkhoa học cần nhận thức sâu sắc vấn đề tư vấn phản biện của Tạp chí khoa học cũng là cách thu hút công chúng vào tầm ảnh hưởng của mình. Tạp chí khoa học sẽ chiếm lĩnh, phát triển thị phần thông tin để phát triển kinh tế báo chí.

Tạp chí khoa học cũng như các cơ quan quản lý luôn phải coi việc nâng cao chất lượng, hiệu quả báo chí về tư vấn phản biện bằng cách quan tâm đúng mức, đúng cách, đào tạo, phát triển đội ngũ nhà báo chính luận, có khả năng phân tích, bình luận chính sách cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội. chứ nhà báo của Tạp chí khoa học không đơn thuần chỉ là nhà báo đưa tin thông thường.

Lời kết

Trước những khó khăn hiện nay các cơ quan Tạp chí khoa học đang gặp phải, bản thân các Tạp chí khoa học cũng cần phải có những thay đổi mạnh mẽ và chiến lược phát triển lâu dài, nhất là đầu tư mạnh về công nghệ nhằm thu hút độc giả. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách kịp thời chia sẻ, hỗ trợ để các cơ quan Tạp chí khoa học - công cụ truyền thông thiết yếu hoạt động có hiệu quả. Người làm báo Tạp chí khoa học hãy biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm nhân văn có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả góp phần xây dựng tòa soạn với thương hiệu Tạp chí khoa học vững mạnh, đó cũng là góp phần vào công cuộc đổi mới phát triển của báo chí nước nhà.

Xem Thêm

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam, Cục Xuất bản và Vụ Báo chí - XB (Ban Tuyên giáo Trung ương) làm việc với NXB Tri thức
Ngày 26/2/2024, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LHHVN đã chủ trì buổi làm việc với Nhà xuất bản Tri thức. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh, Tổng thư ký Nguyễn Quyết Chiến, các đồng chí lãnh đạo các phòng ban và toàn thể cán bộ, người lao động của Nhà xuất bản Tri thức.
Truyền thông, phổ biến kiến thức KHCN tạo ra bản sắc riêng của đội ngũ trí thức
Ngày 15/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Tổng kết, đánh giá hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức năm 2023. PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và ThS. Lê Thanh Tùng – Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.