Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 08/11/2008 00:18 (GMT+7)

Lá lằng - một loại cây thực phẩm bổ dưỡng có nguy cơ bị cạn kiệt

Những ai ăn lần đầu cảm thấy vị đắng, nhưng ăn vài ba lần là cảm thấy thích thú. Giữa thời tiết nắng nóng, ăn canh lá lằng vào ta cảm thấy mát, ăn ngon miệng, tiêu thực tốt. Ăn quen, ta cảm thấy có cảm giác thèm ăn, tác dụng tăng sức khoẻ, yên bụng rất rõ ràng.

Cây lá lằng là cây mọc hoang ở vùng gò đồi các huyện Tây Bắc Nghệ An, tập trung nhiều ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn. Lá lằng là cây thân gỗ, loại cây nhỡ, lá chia thuỳ 5, 6 cánh giống cây ngũ gia bì chân chim nhưng có răng cưa ở mép, phiến lá mỏng màu xanh nhạt, gân lá nổi rõ màu nâu. Người dân thu hái các lá bánh tẻ và lá non vào dịp từ tháng 3 đến tháng 6, một ít đem nấu tươi khi cần dùng ngay còn đa số được rửa sạch phơi khô rồi đem vò nát cho vào túi ni lông buộc kín cất giữ nơi khô ráo ăn dần. Tuỳ theo khẩu vị từng người mà cho vào nồi canh lượng lá lằng khác nhau, dùng lá tươi thì lượng nhiều hơn lá khô. Người ăn quen thì thích ăn với lượng lá lằng nhiều. Lúc đó người ta không còn cảm giác đắng mà cảm thấy thơm, ngon. Theo kinh nghiệm người dân vùng Tây Bắc Nghệ An thì lá lằng giải nhiệt, tiêu thực, tiêu viêm, yên bụng, bổ máu có tác dụng tốt đến sức khoẻ. Khi đã dùng quen thì rất thèm. Trong bữa ăn của người dân vùng này, nhất là vào các bữa ăn trưa, khi trời nắng nóng gió Lào một tô canh lá lằng, với mấy quả cà trắng, dòn, vài con cá trích là đã có bữa cơm khoái khẩu.

Nhiều người vùng này đi làm ăn, lập nghiệp ở các tỉnh xa (cả những Việt kiều) hằng năm vào mùa hè nắng nóng đều tin về nhắc người nhà gửi cho món đặc sản quê nhà, đó là gói lá lằng phơi khô. Mặc dù ở nơi đó họ không thiếu gì các loại thực phẩm ngon bổ dưỡng nhưng vẫn không quên được bát canh lá lằng - đặc sản quê nhà. Ngày nay, ngày càng có nhiều loại thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. Canh lá lằng là giải nhiệt, tiêu thực, bổ dưỡng sức khoẻ nên số người sử dụng ngày càng tăng nhanh. Trong khi đó, vì người khai thác thu hái tự nhiên theo cách bẻ cành hái lá nên lá lằng ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó các vùng đất trồng đồi hoang ngày càng bị thu hẹp nhanh chóng. Cây có giá trị là thực phẩm và bổ dưỡng sức khoẻ như cây lá lằng có nguy cơ bị “huỷ diệt” trong một thời gian gần. Nếu để điều đó xảy ra thì quả là một mất mát không nhỏ.

Hiện nay thế giới đang quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học. Đặc biệt là đầu tư nhiều cho các vùng miền có những cây con đặc sản. Ở nước ta, nhiều đặc sản ở một số địa phương bị lãng quên nay đang được điều tra nghiên cứu và bảo tồn, phát triển. Kinh nghiệm về việc phục hồi và phát triển cây chè đắng của tỉnh Cao Bằng là một ví dụ.

Chè đắng mọc hoang vu ở vùng núi cao của tỉnh Cao Bằng và một số tỉnh Tây Bắc. Người dân khai thác tự nhiên để làm chè uống và bán sang Trung Quốc. Khoảng 5-7 năm gần đây, Trung Quốc mua chè đắng với lượng lớn để chế ra một số biệt dược có giá trị chữa bệnh nên việc khai thác cây chè đắng càng ồ ạt. Trước tình trạng cây chè đắng bị khai thác cạn kiệt và có nguy cơ bị mất giống thì Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng đã có nghiên cứu điều tra và sau đó được Bộ KH&CN đầu tư một dự án nhân giống và chế biến 1 số sản phẩm từ cây chè đắng. Từ đó diện tích chè đắng tăng nhanh. Nhiều sản phẩm từ chè đắng đã được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu, mang lại nguồn thu đáng kể cho tỉnh Cao Bằng và tạo thêm công ăn việc làm, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân miền núi các tỉnh biên giới phía Bắc.

Từ bài học về cây chè đắng ở Cao Bằng, chúng tôi nghĩ rằng Nghệ An nên có sự đầu tư để điều tra, nghiên cứu về cây lá lằng để xác định các hoạt chất chủ yếu tạo nên tác dụng giải nhiệt, tiêu thực, tiêu viêm của loại cây này. Đồng thời tìm các giải pháp gây trồng phục hồi trở lại. Sau đó nên có 1 dự án quy hoạch và hỗ trợ nông dân phát triển mở rộng diện tích trồng cây lá lằng, kết hợp với việc chế biến lá lằng thành 1 số sản phẩm để tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nếu có cách làm bài bản và tích cực, có thể cây lá lằng sẽ là 1 cây thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh được tiêu thụ rộng rãi mang lại nguồn thu đáng kể cho nhân dân vùng gò đồi các huyện Tây Bắc Nghệ An./.

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Công đoàn VUSTA hướng về Điện Biên
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một “Dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Mảnh đất cuối trời Tây Bắc – nơi ghi dấu ấn của chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là nơi là người dân cả nước những ngày này luôn hướng về với niềm tự hào và tri ân sâu sắc.
Những trí thức đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Làm nên thắng lợi đó, có những đóng góp tâm sức và trí tuệ quý báu của đội ngũ trí thức, của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).