Lá cây Chay - thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch
Năm 1994, GS Phan Chúc Lâm (Viện Quân y 108) chẩn đoán hồi cứu các bệnh nhân liệt do chứng nhược cơ được xác định là một bệnh tự miễn dịch đã được chữa khỏi bằng lá cây Chay(có vỏ rễ để ăn trầu) theo kinh nghiệm dân gian.
Cây Chay còn có tên Chay ăn trầu, Chay vỏ tía, Chay Bắc bộ. Tên khoa học Artocarpus tonkinensis A chev., họ Dâu tằm (Moraceae). Cây Chay là loại cây gỗ, cao 10-15m. Thân nhẵn, thẳng, phân nhiều cành. Cành non có lông nhung màu nâu nhạt, cành già màu xám. Lá mọc so le, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có lông trên những đường gân. Phiến lá to hình trái xoan hay bầu dục thon, dài 1,5-2cm. Hoa đơn độc ở kẽ lá, trên cùng một cây có hoa đực và hoa cái. Quả phức, khi chín mềm có màu vàng; thịt quả màu hồng, vị chua, hơi ngọt; hạt to (như hạt lạc nhỏ), màu hồng nhạt, rang ăn rất ngon. Mùa hoa: tháng 3-4, mùa quả: tháng 7-9. Cây càng hái lá thì lá lại ra rất nhanh.
Cây Chay mọc hoang ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, còn được trồng để ăn quả và lấy vỏ rễ ăn trầu.
Theo kinh nghiệm dân gian: lá Chay được thu hái phơi khô (quanh năm) để chữa bệnh đau lưng, mỏi gối, phong tê thấp, nhược cơ… dưới dạng thuốc sắc, dùng độc vị hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
Cây Chay đã được nghiên cứu như sau:
Lá Chay được chiết bằng nước, làm bột mịn bằng phương pháp sấy phun sương, đóng viên nhộng 400mg để thử độc tính, thử lâm sàng đối chiếu với cyclosporin A.
Thử độc tính , thấy không độc, có tác dụng tốt cho quá trình sinh trưởng của động vật thí nghiệm.