Kỹ thuật trồng dâu "khủng"
NNVN số 69, ra ngày 7/4/2013 có bài phản ánh " Giống dâu siêu ngọt, siêu dài" của Đài Loan được trồng thử nghiệm ở tỉnh Hòa Bình. Theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, chúng tôi tiếp tục đăng tải thêm thông tin và kỹ thuật trồng giống dâu "khủng" này.
Nguồn gốc
Giống dâu Đài Loan quả dài còn gọi là giống dâu quả siêu dài, được các nhà khoa học Đài Loan tuyển chọn trong quá trình lai tạo giống dâu quả thông thường với giống dâu quả dài dại, có tên tiếng Anh là Muberry, tên khoa học Morus macroura, thuộc chi dâu tằm (Morus), họ dâu tằm (Moracace) nguyên sản là vùng thung lũng độ cao 1.000 - 1.300 m của dãy Hymalaya hoặc rừng mưa nhiệt đới.
Cây dâu quả dài có thể ra quả ngay từ năm đầu, năm được mùa thì năng suất có thể đạt 100 kg quả trên 1 cây, mỗi chồi mới có 3 - 6 quả, bình quân quả đơn nặng 4,5 gram, dài 8 - 20 cm, đường kính 0,5 - 0,9 cm, khi chín màu đỏ hoặc đen tía, thịt quả có độ đường 22 độ.
Cây sai quả nhất 4 năm tuổi đạt 26 kg quả/cây, năng suất quả đạt trên 45 tấn/ha/năm, năng suất kỷ lục có thể đạt 70 tấn/ha/năm. Trong điều kiện tự nhiên có thể ra quả một năm 2 lần vào vụ xuân và vụ thu, là giống dâu quả năng suất đặc biệt cao và ổn định.
Quả dâu Đài Loan giàu chất dinh dưỡng. Hơn 2.000 năm trước đây quả dâu đã được xếp vào loại thực phẩm bổ dưỡng dành cho các vị Hoàng đế Trung Hoa. Cây dâu sinh trưởng trong môi trường tự nhiên trong sạch, không bị ô nhiễm nên gọi là loại quả sạch, thơm ngon.
Đặc biệt là dâu quả dài Đài Loan là giống dâu duy nhất không có vị chua, hàm lượng đường cao, ngọt lịm, hương vị tươi mát, dinh dưỡng phong phú, màu sắc đẹp, nên còn được gọi là “quả thánh trong dân gian”, vừa là thực phẩm bổ dưỡng, vừa có thể làm thuốc quý.
Sử dụng quả dâu Đài Loan để ăn tươi, làm mứt dâu, dâu khô, vang dâu… có tác dụng làm giảm mỡ máu, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, làm đẹp da, chống lão hóa, tăng khả năng miễn dịch, kiềm chế u bướu, dưỡng huyết bổ âm… được giới y học đánh giá là “trái cây bảo vệ và tăng cường sức khỏe thế kỷ 21”.
Dâu quả dài có tính thích ứng rộng, có thể vừa trồng lấy lá, vừa lấy quả, quả to vị ngọt, không hạt, năng suất cao có thể đạt trên 30 tấn/ha/năm, năng suất lá cũng rất cao, đặc biệt lá vụ thu, năng suất trên 15 tấn/ha.
Cây dâu thẳng đứng, cành dài, nhiều cành nhánh. Trồng ở Quảng Đông (Trung Quốc) nảy chồi vào tháng 2, tháng 3 bật chồi, cuối tháng 4 bắt đầu có quả chín. Trồng ở Việt Nam tháng 3 đã có quả chín.
Kỹ thuật trồng
- Mật độ: Mật độ trồng khoảng 5.000 cây/ha (1,5 m x 1,2 m).
- Làm đất: Đất trồng dâu được cày bừa kỹ rồi rạch hàng sâu 50 cm, bón lót mỗi cây 10 kg phân chuồng và phân lân.
- Chăm sóc: Vào đầu xuân trước khi nảy chồi thì cắt bằng các cành chỉ để 15 - 20 cm. Vào vụ xuân năm thứ 2 thì mỗi cây chỉ để 3 - 4 cành khỏe dưới gốc cắt cành chỉ để dài 15 - 20 cm. Đến năm thứ 3 sau khi kết thúc thu hái quả thì cắt toàn bộ cành ở phía gốc để cây mọc mầm mới, tỉa hết những cành nhỏ, cành yếu, tập trung dinh dưỡng cho cành chính.
Mỗi năm bón thúc 2 - 3 lần. Lần thứ nhất bón 15 tấn phân chuồng hoai cho 1 ha. Vào vụ thu đông ở thời kỳ ra hoa kết quả (từ tháng 2 đến tháng 3) thì bón khoảng 500 kg phân chuồng, 150 kg kali và ở nơi có điều kiện bón thêm phân trên lá KH2PO4 nồng độ 0,3% phun 10 ngày 1 lần.
Vào sau lúc tỉa cây (mùa hè) lại bón thêm 25 tấn phân chuồng + 450 kg ure + 600 kg supe lân trên 1 ha. Vào cuối mùa hè (tháng 7) bón thêm 300 kg phân phức hợp, vào cuối tháng 8 lại bón thêm 250 kg phân phức hợp, đến vụ thu đông bón thêm mỗi ha 30 tấn phân chuồng.
Viện Nghiên cứu & phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây đã trồng thử 2 giống dâu quả tròn và quả dài vào tháng 4/2013 tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đến tháng 3/2014 đã có quả. Viện đã phân tích thành phần dinh dưỡng của 2 loại quả này như sau:
TT | Loại giống | Brix (%) | Chất khô (%) | Đường tổng số (%) | Axit tổng số (%) | Vitamin tổng số (mg/100g) |
1 | Dâu quả tròn | 8,8 | 9,95 | 6,05 | 0,682 | 57,57 |
2 | Dâu quả dài | 8,6 | 16,96 | 6,89 | 0,256 | 60,60 |