Kỹ thuật trồng cỏ voi
Cỏ voi cũng kháng cỏ dại kém, không chịu được sự dẫm đạp của trâu bò nên không thích hợp làm chăn thả, mà chỉ trồng làm đồng cỏ thu cắt. Điểm tái sinh của cỏ là những thân ngắn, khoẻ ở dưới đất, từ đây sẽ đâm các chồi mới sang hai bên.
Cỏ voi được nhập vào nước ta từ Úc, hiện nay đã phát triển ở rất nhiều nơi trong nước, chủ yếu là giống King grass. Đây là giống cỏ voi có nhiều lông, phát triển chiều cao rất nhanh, nếu thâm canh năng suất có thể đạt tới 400-500 tấn/ha/năm. Cỏ có tính ngon miệng (gia súc rất thích ăn), có thể cho ăn tươi và ủ chua đều tốt. Tuy nhiên, hạn chế rất lớn của cỏ voi là phần thân cứng rất nhanh, nếu cắt không kịp thời, gia súc ăn sẽ chừa phần thân cứng lại và tỷ lệ sử dụng không cao.
Quy trình kỹ thuật trồng cỏ voi như sau:
1. Thời vụ trồng
Cỏ voi được trống tốt nhất vào đầu mùa mưa; nơi có nước tưới có thể trồng cỏ voi quanh năm.
2. Chuẩn bị đất
- Cày đất sâu 20-25cm; bừa và cày đảo làm tơi đất; vơ cỏ dại và san phẳng mặt đất trồng;
- Rạch hàng sâu 15-20cm, khoảng cách hàng là 60-80cm.
Trồng cỏ voi nên chọn vùng đất cao ráo, không ngập úng và cũng không bị bóng râm che phủ. Đất thịt nhẹ, đất nhiều mùn rất thích hợp với cỏ voi.
3. Cách bón phân
Cỏ voi chỉ phát triển tốt, cho năng suất cao khi được trồng trên những cuộc đất nhiều màu, giàu dinh dưỡng. Vì vậy, trồng loại cỏ này phải có phân bón trong lần bón lót đầu tiên và bón thúc sau mỗi đợt thu hoạch. Đầu tư phân bón cho 1 ha cỏ trồng như sau:
- Phân chuồng hoai mục: 15-20 tấn
- Supe lân : 250-300 kg
- Kali : 150-200 kg
- Phân đạm urê : 400-500 kg
Các loại phân chuồng, phân lân, phân kali dùng bón lót toàn bộ theo lòng rãnh hàng, còn phân urê bón lót, bón thúc và chia đều bón sau các lần thu hoạch.
4. Chuẩn bị giống
- Cỏ voi được nhân giống bằng hom: Sử dụng loại thân giống có độ tuổi 80-100 ngày và được chặt thành hom có độ dài 40-60cm/hom, mỗi hom có từ 3-5 mắt mầm (Tốt nhất nên lấy phần thân bánh tẻ).
- Sử dụng từ 6-7 tấn hom giống/hecta.
5. Cách trồng
- Đất sau khi rạch hàng và bón phân đầy đủ thì đặt hom theo lòng rãnh, hom này gối lên nửa hom kia nối tiếp nhau.
- Dùng cuốc lấp kín hom một lớp đất 3-5cm và bảo đảm mặt đất bằng phẳng sau khi lấp hom giống.
6. Nước tưới
Cỏ voi rất cần đến lượng nước tưới dồi dào, vì vậy trước khi chọn đất trồng cỏ voi nên chủ chuẩn bị nguồn nước tưới cho đầy đủ. Trong mùa mưa, công tưới rất nhàn hạ, chỉ cần tưới trong những đợt nắng nóng kéo dài; ngược lại trong mùa nắng, gần như ngày nào cũng phải tưới, tưới như thế cỏ voi sẽ sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
7. Chăm sóc thu hoạch
Khi cỏ mọc được 15-20 ngày thì dăm chỗ dày sang chỗ thưa, đảm bảo mật độ cây cách cây khoảng 25-30cm, sau 30-35 ngày mới xới phá váng, dọn cỏ dại. Thu hoạch lần đầu khi cỏ được 50-60 ngày tuổi, các lần sau 30-40 ngày. Cỏ trồng một lần có thể thu được 5-6 năm nếu chăm sóc tốt.
Trong trường hợp có phân chuồng thì không cần bón nhiều phân đạm, lân và kali. Các nông hộ nuôi trâu bò nhiều có thể dùng nước rửa chuồng và phân bò hàng ngày để tưới cỏ. Khi tưới, ta không nên xịt vòi bơm cao trên mặt lá cỏ làm cỏ bẩn gia súc không thích ăn, mà nên xả nước rửa chuồng theo mặt luống cỏ vừa tiết kiệm nước, vừa làm sạch cỏ và môi trường.
Nguồn: Khoa học công nghệ và Môi trường, số 5/2005, tr 12