Kon Tum: Nâng cao vai trò phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ
Qua hơn 17 năm thành lập, đến nay Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum có 4.146 hội viên, 12 hội thành viên.
Những năm qua, Liên hiệp hội đã phát huy tốt vai trò tập trung trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ (KHCN) để tư vấn, triển khai nghiên cứu phát triển KHCN đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trước thềm Đại hội Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tỉnh khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Thanh Long - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) về vai trò của Liên hiệp hội cũng như những định hướng nhiệm vụ phổ biến kiến thức KH&CN trong thời gian tới.
Ông Đặng Thanh Long phát biểu tại Hội thảo
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết về vai trò, nhiệm vụ mà Liên hiệp Các hội KHKT tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua?
Ông Đặng Thanh Long: Qua hơn 17 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp hội đã tập hợp và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, tham gia tích cực vào công tác tham mưu, đề xuất và chủ động thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các chương trình, đề án của tỉnh… Đặc biệt, Liên hiệp hội đã rất tích cực thực hiện các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức qua Trang thông tin điện tử tổng hợp của Liên hiệp hội, bản tin “Khoa học kỹ thuật và đời sống” để tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ KH&KT vào sản xuất và đời sống, phổ biến các sáng kiến mới về khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy phong trào quần chúng tham gia hoạt động sáng tạo KH&CN, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những kết quả đạt được trong công tác phổ biến kiến thức của Liên hiệp hội những năm qua đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo, được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao.
PV: Đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện phổ biến kiến thức, ông có thể chia sẻ các hình thức mà Liên hiệp Hội thực hiện trong những năm qua?
Ông Đặng Thanh Long: Là nơi tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức KH&CN đa ngành, Liên hiệp hội tỉnh và các tổ chức thành viên đã không ngừng mở rộng, đổi mới nội dung, phương thức và hình thức hoạt động để tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN rộng rãi, nhằm tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phổ biến kiến thức KH&CN được thực hiện bằng cách cung cấp các tri thức KH&CN, nhất là các tri thức mới cho quảng đại quần chúng nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của người dân để mọi người có thể áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; cung cấp tri thức cần thiết để người dân có thể tiếp cận với cuộc sống văn minh, hiện đại, tuân thủ luật pháp, từ bỏ thói quen nếp sống cũ, nâng cao đời sống văn hóa và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đồng thời giúp giới trẻ hình thành các trí thức mới khát vọng trí tuệ cho tương lai. Hoạt động phổ biến kiến thức KH&CN của Liên hiệp hội được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, triển khai trên diện rộng và tác động đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có các chương trình ưu tiên hướng đến người dân ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
PV: Để phù hợp với mọi đối tượng và nhu cầu tiếp nhận tri thức khác nhau, Liên hiệp hội đã có những hình thức tuyên truyền kiến thức KH&CN như thế nào?
Ông Đặng Thanh Long: Công tác phổ biến kiến thức KH&CN được đa dạng hóa với nhiều hình thức như biên soạn xuất bản bản tin, tài liệu, tờ rơi và phát hành các ấn phẩm truyền thông về KH&CN, cũng như phối hợp xây dựng các chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp tổ chức các Hội thảo chuyên đề hoặc thông qua các khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức KH&CN, nâng cao kiến thức và chuyển giao tiến bộ KHKT cho hội viên và người dân được chú trọng. Ở đó, đông đảo người dân có cơ hội tham quan, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt... Đồng thời, Liên hiệp hội cũng phối hợp triển khai các dự án giao đất, giao rừng cho cộng đồng, nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tham mưu tổ chức các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhằm phát hiện, khuyến khích, tôn vinh và tuyên truyền, phổ biến các giải pháp sáng tạo KH&CN, các gương điển hình hoạt động KH&CN trong quần chúng nhân dân, qua đó cũng góp phần tích cực đưa kiến thức mới, tiến bộ KHKT, công nghệ đến với người dân một cách kịp thời và đầy đủ.
PV: Ông có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến kiến thức KH&CN của Liên hiệp hội trong giai đoạn tới?
Ông Đặng Thanh Long: Để tiếp tục phát huy vai trò của Liên hiệp hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, trước tiên là phải bám sát vào định hướng của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh về phát triển sự nghiệp KH&CN và KT-XH, đây là yếu tố mấu chốt quan trọng, quyết định sự thành công của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN đến với quần chúng nhân dân.
Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN sâu rộng tới quảng đại quần chúng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHCN cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các sở, ban, ngành, nhất là với các cơ quan thông tin đại chúng, như: Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, cùng với việc biên soạn, xuất bản bản tin “Khoa học kỹ thuật và đời sống” in ấn tờ rơi, đưa thông tin lên Trang thông tin điện tử của Liên hiệp hội để phổ biến sâu rộng tri thức KHCN tới đội ngũ cán bộ cơ sở và quần chúng nhân dân lao động... Đồng thời, triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng trong việc tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, tổ chức tốt các Hội thi, Cuộc thi... Tổng kết, đánh giá trao giải một cách chính xác, khách quan để tôn vinh các tập thể, cá nhân có các công trình/giải pháp sáng tạo. Đây cũng là một hình thức, một kênh thông tin để tuyên truyền, phổ biến kiến thức một cách hiệu quả, góp phần thiết thực trong việc giáo dục, động viên thế hệ trẻ tích cực học tập, nghiên cứu khoa học.
PV: Trận trọng cảm ơn ông!