Kinh nghiệm trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân
Thời vụ: Giống dưa này có thể trồng nhiều vụ trong năm. Tuy nhiên, trồng vụ xuân là tốt nhất (gieo trước hoặc sau Tết Nguyên đán). Có thể trồng thêm vụ trái, tuy năng suất thấp hơn nhưng lại bán được giá (gieo cuối tháng 7, đầu tháng 8 dương lịch để thu vào cuối tháng 9). Vụ này cần chú ý tính toán kỹ lịch gieo trồng để tránh dưa ra hoa đậu quả vào thời kỳ nhiều mưa.
Xử lý hạt trước khi gieo: Phơi hạt giống dưới nắng nhẹ 1 - 2 giờ, ngâm hạt trong nước 2 sôi + 3 lạnh trong 6 giờ, vớt ra rửa sạch nhớt, để ráo, ủ ẩm cho nứt nanh rồi đem gieo. Có thể xử lý hạt giống bằng các loại thuốc chống nấm để hạn chế bệnh sau này.
- Chỉ nên trồng với mật độ 360 cây/sào Bắc Bộ (1cây/m 2) trên luống có phủ nylon, hạn chế sâu bệnh, giữ ẩm cho cây và tiết kiệm phân bón.
- Lượng phân bón lót cho 1 sào Bắc Bộ (360m 2): 500kg phân chuồng hoai mục + 7 - 8kg NPK 16-16-8 hoặc 35kg phân vi sinh Sông Gianh + 10 - 15kg lân + 3,5kg KCL + 18kg NPK 16-16-8.
- Sau khi trồng 20 - 25 ngày thì bón thúc lần 1 với lượng 18kg NPK 16-16-8 + 8kg KCL; bón thúc lần 2 khi nụ hoa cái thứ nhất nở bằng cách kết hợp tưới rãnh, dùng 3kg NPK 16-16-8. Bón lần 3 khi quả bằng nắm tay (tuyển quả, chỉ giữ lại mỗi dây 1 quả) với lượng 4 - 5kg NPK + 1,5 KCL. Có thể bón thúc thêm lần 4 khi quả có trọng lượng khoảng 1,5kg, liều lượng như lần 3.
- Nên thụ phấn bổ sung cho dưa vào lúc 6 đến 9 giờ sáng bằng cách úp nụ hoa đực vào nhụy hoa cái. Nên chú ý tuyển quả để có chất quả cao; chọn quả ở vị trí thứ 2 trên dây chèo, quả đều, cuống dài, nhiều lông tơ mướt. Mỗi gốc chỉ nên để 1 - 2 quả. Sau khi tuyển quả thì cắt ngọn (trên dây chèo để lại 5 - 6 lá/quả là vừa). Để khắc phục tình trạng mưa nhiều làm rụng quả non, cuộn lá mít thành hình chóp nón rồi chụp vào từng quả dưa nhỏ sau khi đã cắt tỉa hoa để tránh mưa làm rụng lông.
Nguồn: Kinh tế Nông thôn - Số 29 (463) - Ngày 18/7/2005, trang14.