Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 01/03/2005 18:04 (GMT+7)

Kiến tạo một xã hội học tập ở Việt Nam - những hạn chế từ lịch sử

Nền kinh tế trí thức ở quy mô toàn xã hội dĩ nhiên đòi hỏi mọi thành viên của xã hội ấy đồng thời là những người năng sàn bằng trí tuệ. Kiến tạo một xã hội học tập, không nghi ngờ gì nữa, là một con đường tất yếu mà Việt Nam phải khẩn trương hướng tới. Bài viết này xuất phát từ một góc nhìn về tính lôgíc - lịch sử sự vận động của đối tượng, lại chỉ muốn đề cập chủ yếu tới những hạn chế, những khía cạnh không thuận, nói khác, những khó khăn trong việc xây dựng một xã hội như thế, ở ta.

1. Giới trí thức tinh hoa trong lịch sử Việt Nam - những đặc điểm có thể thành chướng ngại cho việc xây dựng một xã hội học tập.

Những người được coi là thuộc giới trí thức sớm nhất ở Việt Nam mà tên tuổi còn lưu lại, còn có thể khảo chứng được đa số lại là người Hán hoặc gốc Hán. Lý do thật đơn giản: cho đến nay, một khi chưa có bằng chứng đầy đủ để khẳng định một thứ văn tự trước Hán và khác Hán từng tồn tại trong quá khứ ở Việt Nam, thì đội ngũ những người dùng chữ viết sớm nhất là những người dùng chữ Hán (sử dụng “công cụ lao động” là chữ viết tuy không phải là tiêu chí duy nhất, nhưng chắc chắn là tiêu chí quan trọng nhất để xác định thành phần cho người trí thức. Có thể có những trường hợp đặc thù, ít hay thậm chí không dùng đến chữ viết để “hành nghề” vẫn có thể là trí thức, nhưng đó chỉ là cái cá biệt làm sáng tỏ hơn quy luật!). Nếu bắt đầu sự khảo sát của chúng ta về lịch sử tầng lớp trí thức Việt Nam từ sau khi Ngô Quyền giành lại độc lập, thì giới trí thức đầu tiên góp mặt đông đảo nhất đến từ đội ngũ các võ tướng và các nhà sư, rồi dần dà nhà nho có số lượng áp đảo. (Tuy đã thuộc về một thời đại lịch sử xa xôi, giai đoạn Lý-Trần rất đáng được nghiền ngẫm trở lại bởi theo cảm nhận của tôi, đó là một giai đoạn còn tiềm tàng nhiều bài học cho cả thời nay).

Như đã rõ, trong lịch sử Việt Nam cho đến tận đầu thế kỷ XX, mẫu hình trí thức tồn tại lâu dài nhất, có tác động lớn nhất đến đời sống tinh thần xã hội là nhà nho. Tinh thần văn hóa Nho giáo thấm sâu vào thành truyền thống, thậm chí thành bản sắc của nền văn hóa dân tộc. Về mặt diện mạo tổng thể, nền văn hóa Việt Nam từ thế kỷ XIV đến hết thế kỷ XIX là nền văn hóa Nho giáo. Nếu lưu ý đến “đặc điểm lớn nhất của xã hội Việt Nam thời đại ngày nay” là sự phát triển bỏ qua (hay ít nhất thì cho đến nay cũng chưa thành một phương thức sản xuất/ một hình thái kinh tế - xã hội hoàn chỉnh) đối với hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, thì phải đồng ý với nhiều nhà khoa học rằng Việt Nam đi từ Nho giáo lên chủ nghĩa cộng sản. Trước khi có nền học vấn Âu hóa của thời hiện đại, và cả khi nền học vấn đó đã, đang trở thành xu thế chủ đạo thì quán tính của nền học vấn truyền thống vẫn chi phối từng bước đi của lịch sử một cách mạnh mẽ, khá vô hình nhưng vẫn khá quyết liệt. La mort saisit le vif - cái chết đang túm lấy cái sống. Sự “túm lấy” này, tuy không hoàn toàn chỉ mang nghĩa tiêu cực, nhưng những tác động tiêu cực của nó là điều không thể xem thường. Trong vòng bảy, tám thế kỷ, đội ngũ trí thức - nhà nho ở Việt Nam đã dần dần thay thế và cuối cùng là thay thế hẳn đội ngũ trí thức Phật giáo, tạo ra một nền học vấn kiểu nhà nho, và vì thế, ngả theo mô hình của nền học vấn Trung Hoa. Nhưng khác với giới trí thức Trung Hoa nói chung, tầng lớp nhà nho Trung Hoa nói riêng, chưa bao giờ tầng lớp nhà nho Việt Nam thực sự có được sự độc lập tương đối về chính trị, nhất là quan hệ với chế độ chuyên chế, để có thể có được những thành tựu độc lập trong sáng tạo tri thức và những giá trị tinh thần đủ để vinh danh chỉ riêng tầng lớp của mình. Lý luận Nho giáo không được khái quát lên từ thực tế Việt Nam, mà lý luận đó chỉ phù hợp khi có thể vận dụng được trên thực tế Việt Nam ở những thời gian lịch sử nhất định, dù quãng thời gian lịch sử ấy có thể và trên thực tế đã kéo dài, thậm chí quá dài. Theo cách nhìn nhận cá nhân, tôi cho rằng tuy Phật giáo ở Việt Nam chỉ thật thịnh trong một khoảng thời gian dài, nhưng lại có những thành tựu về sáng tạo tinh thần đột xuất và có những gương mặt trí tuệ đỉnh cao, khả dĩ vinh danh và đại diện cho trí tuệ Việt hơn cả những đóng góp mà nhà Nho tạo nên trong một thời kỳ lịch sử dài hơn nhiều.

Nhìn vào những sản phẩm đỉnh cao cuối cùng theo cách nhìn cấu trúc đồng đại hóa, sẽ thấy trong đội ngũ trí thức nhà nho Việt Nam thiếu một cách nghiêm trọng những trí tuệ lý thuyết, những xung năng sáng tạo lớn. Các tác giả Trần Văn Giầu, Trần Đình Hượu, Hà Văn Tấn đã nhiều lần lưu ý đến sự thiếu hụt ấy. Nói thiếu vắng hoàn toàn thì không phải, nhưng chắc chắn đội ngũ những người như vậy trong lịch sử Việt Nam khá thưa thớt, có những thế kỷ hầu như không thể tìm thấy được. Điều đáng cảm thán không chỉ là “Ôi thương sao những thế kỷ vắng anh hùng” như Chế Lan Viên từng thốt lên, mà cũng cả “Ôi thương sao những thế kỷ vắng thiên tài”. Nhận xét tương đối tỉ mỉ hơn cả về điều này là ý kiến của cố học giả Trần Đình Hượu:

a.Không có ai có hứng thú đi vào những tư tưởng triết học. Chưa có tác phẩm, tác giả chuyên về tư tưởng triết học. Những người mà ta phải tính là các nhà tư tưởng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... đều là như vậy.

Loại hình chính là những nhà hoạt động nhà nước, những người làm văn học, học thuật (chủ yếu là sử học), và thông qua hoạt động chính trị, học thuật hay nghệ thuật của mình mà đề cập những vấn đề tư tưởng. Những ông thầy khi giảng kinh, sử cũng bàn những vấn đề tư tưởng, mà nhiều khi chính những ông thầy đó lại nói tư tưởng nhiều hơn, nói nhiều nhưng là nói lại, có hay không sửa chữa chút ít.

b.Ở đây chưa hình thành mối quan hệ tác động tương hỗ giữa khoa học kỹ thuật và triết học, tức là triết học làm cơ sở lý luận cho khoa học và phát triển theo sự phát triển của khoa học... Có thay đổi thì cũng chỉ là lấy, bỏ, thêm, bớt từ những cái có sẵn trong và ngoài từng hệ thống...

Nhìn chung, tư duy lý luận không phát triển. Những vấn đề nhận thức, lôgíc, phương pháp không được bàn bạc. ở đây phát triển một cách tư duy thực tiễn nhằm không phải vào sự chính xác mà sự hợp lý (phải khoảng). Cái ngự trị ở trong nhiều phạm vi là một cái lí lẽ phải thông thường. Triết học không tách khỏi tôn giáo, học thuật. Về căn bản, trong lịch sử chưa xảy ra một sự thay đổi đến nền móng sản xuất, tổ chức xã hội, văn hóa, học thuật. Tôi nói văn hóa, học thuật vì khi còn học theo, bắt chước, nói lại thì chưa gây ra tác động sâu từ khoa học sang triết học, không tạo ra cách mạng trong tư tưởng.

Nền học vấn truyền thống theo Nho giáo ấy rốt cuộc ở lớp trên cùng chỉ đẻ ra được nhà nho - ông quan (đường quan hay học quan, võ quan có học hay văn quan, kể cả loại “văn võ kiêm bị” đi nữa thì nói gọn lại, cũng chỉ là quan). Các loại hình trí thức then chốt của một xã hội trí thức, một kết cấu của tầng lớp trí thức thực thụ như nhà kỹ thuật, nhà khoa học (hay học giả), nhà nghệ sĩ, tiếp đến là nhà tư tưởng - nhà triết học, loại thì xuất hiện thưa thớt, mờ nhạt, loại thì hoàn toàn vắng bóng. Học giả lừng danh nhất trong lịch sử Việt Nam trước thế kỷ XX là Lê Quý Đôn, người mà với tất cả sự ngưỡng mộ và lòng kính trọng cũng không thể gán cho là tác giả của bất cứ định lý, định luật hay nguyên lý, quy tắc nào, ý tưởng nào thực thụ mang tính đội phá tri thức, có lẽ danh xưng xứng đáng nhất trong việc phân loại chuyên gia khoa học thời hiện đại là nhà sưu tầm, nhà biên khảo hay nhà thư tịch học. Thật đau lòng khi phải nói lên điều này.

Bộ phận hiền nho - các nhà nho hữu danh và thành đạt - cũng hầu như không có ai đủ can đảm để chỉ “đi đến cùng một con đường đã chọn”, có lẽ trừ Hải Thượng Lãn Ông. Ngày Hải Thượng Lãn Ông cũng chọn con đường trở thành một danh y vào lúc tuổi đời không còn trẻ và tình huống cơ hồ không thể khác. Nói tổng quát, mẫu trí thức nhà nho ở ta chuyên môn hóa khá muộn màng và không trở nên là đội ngũ chuyên gia thực thụ, ở hầu như bất cứ bình diện nào của lao động sáng tạo tinh thần. Trong các hoạt động nghệ thuật, chỉ thơ là có thành tựu nổi bật, nhưng không có ai, kể cả nhà thơ vĩ đại nhất trong lịch sử văn học dân tộc là Nguyễn Du, cũng không trở thành nhà thơ “chuyên nghiệp”.

Một khi hoạt động sáng tạo tinh thần, lao động trí óc chưa được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, thì mọi hoạt động lao động khác gắn liền với các hệ thống tri thức chuyên nghiệp sẽ chỉ trở thành các loại lao động thủ công, nghiệp dư. Tình trạng đó là phổ biến từ các loại làng nghề gắn bó xa gần với hoạt động nghệ thuật cho chỉ các loại làng nghề sản xuất ra các sản phẩm thuần túy mang tính thương mại. “Công tượng” gọi nôm na là thợ, xếp loại ba, sau nông dân, còn được an ủi là xếp trên loại người tiêu thụ sản phẩm cho họ, tức thương nhân, tầng lớp “dưới đáy”, bị gọi miệt thị là loại “con buôn”, ý coi ngang như các loại người bị gọi là con... gì gì khác. Việc cắt giữ các bí mật nghề nghiệp thành tâm lý phổ biến không đơn thuần chỉ để giữ gìn phương tiện mưu sinh: theo ý tôi trong cách hành xử ấy còn tiềm ẩn cả tâm trạng ẩn ức, cả sự chống đối theo kiểu tiêu cực, cả niềm kiêu hãnh về những phẩm tính và kỹ năng ưu việt không được thừa nhận.

Gia nhập xã hội hiện đại theo con đường bị cưỡng bức, không hề được chuẩn bị đầy đủ về mọi phương diện để thích nghi, thiếu nghiêm trọng những kinh nghiệm và thực tế tương ứng được với xã hội hiện đại từ truyền thống, tóm lại, với tính nhược tiểu thể hiện khá “hoàn hảo”, giới trí thức Việt Nam khi trở thành “tầng lớp trí thức bản xứ” thêm một lần nữa bị chủ nghĩa thực dân vầy vò, ép ướp, hoàn toàn có chủ đích nhằm biến đổi họ thành đám vong quốc nô có chữ nghĩa. Lịch sử còn lưu lại vô số bằng chứng cả trực tiếp cả gián tiếp chứng minh cho đường lối chính trị, chính sách trí thức thuộc địa này của thực dân Pháp.

Từ sau Cách mạng tháng Tám, thân phận con người, thân phận công dân của người trí thức được đổi thay về chất. Đại đa số những trí thức trong xã hội cũ vì thế hăng hái tham gia bằng sở học của mình vào các công việc của xã hội mới. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, tuy có quá nhiều khó khăn khách quan, một thế hệ trí thức mới đã xuất hiện, trưởng thành trong thời chống Pháp. Đội ngũ này, tuy về số lượng không thật đông đảo, nhưng lại đặc biệt có chất lượng. Đa số những tên tuổi lớn trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và nghệ thuật thời gian qua của ta là thuộc về hoặc cơ bản là thuộc về thế hệ này. Phần lớn học là những người ra đời trong khoảng từ 1920 đến 1932. Không phải ngẫu nhiên tôi chọn những mốc này: cho đến khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, hầu hết họ đều đã dó một thời kỳ học phổ thông và có được một “lưng vốn trí thức nói chung, tiếng Pháp hay một ngoại ngữ nói riêng đủ để tự đọc sách và tự học tiếp tục. Những người sinh trước năm 1920 nếu thành danh thì đã thành danh trước Cách mạng, mà những người sinh sau 1932 thì “không kịp” có điều kiện như vừa tính tới.

Nhưng cũng từ sau Cách mạng tháng Tám xã hội Việt Nam trải qua hơn 30 năm là xã hội thời chiến hoặc bị chi phối mạnh mẽ bởi những hoàn cảnh thời chiến. Trừ một vài lĩnh vực đặc biệt, chiến tranh không phải là điều kiện dương tính cho sự phát triển của lĩnh vực lao động tri thức. Không quá khó khăn để chỉ ra các lĩnh vực đặc biệt ấy. Dù muốn dù không, tính phục vụ trực tiếp, tính ứng dụng là những yêu cầu được đặt lên hàng đầu đối với lao động của người trí thức, những tên tuổi lớn theo lối hàng loạt trong điều kiện như vậy.

Mặt khác, kể từ sau Cách mạng tháng Tám, nền khoa học non trẻ của Việt Nam nhận được sự bổ sung về nguồn tri thức từ các nước xã hội chủ nghĩa có nền khoa học tiên tiến, chủ yếu là từ Liên Xô, và mức độ khác, từ Trung Quốc. Nhưng rồi giữa Liên Xô và Trung Quốc đã nổ ra những bất đồng. Tiếp theo đó là Đại Cách mạng văn hóa vô sản, tuy diễn ra và tác động tai hại trước hết và chủ yếu là ở Trung Quốc, nhưng không thể nói Việt Nam nằm ngoài vòng ảnh hưởng của biến cố này. Trong giới khoa học Việt Nam những năm 1967-1970 nhiều nạn nhân bị quy kết là chuyên môn thuần túy, thiên tài chủ nghĩa, mặc dù thế một số khá đông trong họ vẫn còn kịp có những cống hiến khoa học xuất sắc, kịp được nhận những giải thưởng khoa học cao quý như giải thưởng Hồ Chí Minh hay giải thưởng Nhà nước.

Có thể nói cho đến nay, ở nước ta mới có những người trí thức lớn - không đông lắm mà nói thực thì cũng chưa thể nói rằng đã có giới trí thức tinh hoa. Mà chừng nào trí thức tinh hoa chưa thành một giới, nôm na là núi không có đỉnh, thì khó lòng bàn đến “tầm” trí tuệ Việt Nam, tuy đó là điều không hiếm người thành tâm khao khát khẳng định.

2. Từ chuyện người có học đến chuyện kiến tạo một xã hội học tập

Việc kiến tạo một xã hội học tập trong đó mọi thành viên đều được học tập lại là điều tuyệt đối không dễ dàng. Bên cạnh đòi hỏi về một nguồn ngân sách nhà nước khổng lồ, một nguồn tài chính từ trong nhân dân hùng hậu, còn cần tạo ra được một cương lĩnh, một chương trình giáo dục vừa phải ưu việt vừa phải mang tính khả thi. Một xã hội học tập lại cũng là một xã hội đòi hỏi một đội ngũ cực đông đảo những người giáo dục và quản lý giáo dục có chất lượng, dù yêu cầu tự học có tăng lên đến mức tối đa chăng nữa.

Một hệ vấn đề tưởng như đã cũ nhưng do việc tìm lời giải đáp cho đến nay còn mơ hồ nên hóa ra lại thành hệ vấn đề thời sự, đó là đáp áp dùng cho những câu hỏi nền tảng: ai là người cần học, học cái gì, học ở đâu, học đến đâu, học để làm gì? Điều lạ lùng là, theo tôi, đối với tất cả các câu hỏi này, tìm từ trong lịch sử, đều chỉ thu về được những lời đáp đáng thất vọng trên thực tế.

Trong những phẩm chất mà nhiều người muốn đề lên thành phẩm chất dân tộc, liên quan đến chuyện học hành, có đức tính hiếu học, và vì thế, truyền thống tôn sư trọng đạo. Thật đáng ngạc nhiên, người ta có thể gán một phẩm chất cho một chủ thể không có khả năng thực tế để thể hiện phẩm chất đó. ít nhất, từ Cách mạng tháng Tám trở về trước, căn cứ vào các con số điều tra và thống kê, tuy có sai khác, nhưng dao động trong khoảng từ 95% đến 99% người Việt Nam mù chữ. Một cộng đồng với tuyệt đại đa số ngưừoi không được học, không đi học, không biết chữ, làm sao xác định rằng cộng đồng đó hiếu học hay không? Tôi nêu lại vấn đề này không phải vì hiểu sự hay thích gây sự, mà nhằm tìm kiếm câu trả lời đúng cho câu hỏi đầu tiên đã nêu ở trên: ai cần học?

Nhu cầu học tập là một loại nhu cầu thứ sinh, không phải là nhu cầu mang tính tự nhiên như nhũng nhu cầu mà Marx đã đề cập ở con người trước khi nó xây dựng nên những cộng đồng xã hội như ăn, mặc, ở, đi lại, sinh con đẻ cái... Loại nhu cầu có tính tự giác, duy lý, mang tính định hướng mục tiêu này chỉ được thoả mãn thật sự khi mục tiêu thực sự rõ ràng.

Như đã rõ, tuy nói rằng, nhà nho từng tự đòi hỏi phải tinh thông “lục nghệ” (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số), và với những người được ca ngợi là thông minh cái thế, thì “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” nhưng nền giáo dục Nho giáo, căn cứ vào việc khảo sát các loại đề thi ở cấp cao nhất là Đình thí hay Điện thí, yêu cầu chủ yếu đối với người đỗ Tiến sĩ (kể cả đệ nhất giáp, tức đỗ đến Trạng nguyên, Bảng nhãn hay Thám hoa), cũng chỉ tập trung vào hai nội dung chủ yếu: văn chương và đạo lý. Nho giáo khởi đầu là một học thuyết đạo đức và cốt lõi của nó cho đến cùng vẫn là những nội dung đạo đức, nền giáo dục mà nó triển khai trong hàng vài nghìn năm bị trói buộc chặt chẽ vào những yêu cầu hiểu và thực hành trước hết là những nội dung đạo đức. Quanh quẩn với những “tu, tề, trị, bình”, với những “hành, tàng, xuất, xử”, cả hai nội dung lớn mà một nền giáo dục lành mạnh bất kỳ nào cũng phải hướng tới là tri thức và kỹ năng lại đã chỉ được nền giáo dục. Nho giáo đáp ứng một cách cực tiểu, tối thiểu. Đối diện với chủ nghĩa thực dân, dù vững tin vào đạo lý, vào chính nghĩa của mình, nhà Nho đã phải nhanh chóng cay đắng thừa nhận “gươm nhân giáo nghĩa” không trụ nổi với “giáp bền gươm sắc”, càng không thể đương đầu có hiệu quả với “tàu thiếc tàu đồng, ngư lôi đại bác”. Sự tỉnh thức của chính các nhà nho Duy tân đầu thế kỷ XX là một tình huống thời sự kéo dài, cho đến nay lại càng ngày càng thêm cấp bách.

Nhưng tri thức, kỹ năng toàn diện và ở trình độ cao, có được là nhờ những nỗ lực cá nhân to lớn và những chi phí còn to lớn hơn, lại là điều quá ư xa xỉ trong một xã hội nông nghiệp sản xuất nhỏ. Không hình thành nổi nhu cầu học tập mạnh mẽ và đích thực một khi không/hay chưa có chỗ ứng dụng những tri thức và kỹ năng học tập được ấy. Chưa bao giờ giáo dục ở ta được hạch toán như là đầu vào (imput) của một chu trình liên tục trong nền kinh tế quốc dân, như là một tham số hữu cơ của nền kinh tế mà chỉ mới được quan niệm như là một vấn đề thuộc phúc lợi xã hội. Những năm gần đây, khi vỡ lẽ ra (chẳng lẽ mãi mà không vỡ lẽ ra cái điều tối thiểu ấy?), rằng giáo dục là động lực để cải tạo nền kinh tế, các quyết sách về giáo dục vẫn chỉ mới chuyển động ở cấp vĩ mô: không ai giải thích với chúng ta, từ ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cho đến các ông Hiệu trưởng các trường chuyên nghiệp, các bộ chuyên ngành rằng tại sao năm nay, thời gian này, từng trường một lại cần và có thể tuyển số lượng sinh viên là như thế như thế, mà không phải là những con số khác. Các giám đốc Sở Giáo dục không thuyết trình rõ tại sao tỉnh này cần đến ngần này loại trường, ngần này loại lớp... Cho đến nay, kể cả ở các trường Đại học lớn, vốn được tiếng, hay nói theo ngôn ngữ hành chính là đảm nhiệm chức năng “máy cái”, vẫn có lượng sinh viên tại chức đông hơn chính quy, trong khi tỷ lệ mà báo chí nêu, có đến 70-80% sinh viên chính quy tốt nghiệp không có việc hay làm việc không đúng chuyên môn được đào tạo.

Vì vậy cùng với việc nâng cao chất lượng các trường đại học, cần hình thành cho được hệ thống các trường dạy nghề đa dạng, phong phú, số lượng lớn, vừa kế thừa và phát huy được những thứ nghề truyền thống, vừa đón bắt nhu cầu của các loại ngành nghề mới của công nghiệp và dịch vụ hiện đại, khiến cho tuyệt đại đa số người lao động còn có khả năng lao động hay lớp trẻ khi nhìn vào tương lai có được sự bình thản khi nghĩ tới chỗ làm, nghĩ tới “đầu ra”, phải chăng một sự tiên lượng về những việc phải làm trong quỹ đạo này, từ trước tới nay, vớn là bất khả, và từ giờ trở đi, vẫn cứ là “chưa phải lúc”? Theo ý tôi, cái xã hội học tập mà ta mong muốn kiến tạo, cần trước hết tập trung vào đối tượng này.

Trần Ngọc Vương
Nguồn: Tia Sáng tháng 1/2005

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.