Không tán thành có luật sư công
Hơn nữa, Pháp lệnh Luật sư bỏ qui định về luật sư trong cơ quan nhà nước được mấy năm, nay “đã yên ả, quay lại như xưa chẳng hóa ra đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính các cơ quan nhà nước?” - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam băn khoăn.
Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Mai Ngọc Trinh cũng ủng hộ “không nên có luật sư công, tốt nhất khi có việc thì thuê luật sư”. Tân chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Phạm Hồng Hải không đồng tình “luật sư công chức” nhưng lại ủng hộ “luật sư viên chức”. “Nên có những giáo viên, nhà khoa học trong giới viên chức được làm luật sư, có những người dạy nghề luật sư mà bản thân không làm luật sư, e không hợp lý” - ông Hải nói.
Đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật cũng không tán thành việc có “luật sư công”. Ông Vũ Đức Khiển - Chủ nhiệm Ủy ban này, cho rằng một luật sư là công chức thì phải chấp hành các quyết định của cấp trên theo pháp luật về cán bộ, công chức. Như vậy “không phù hợp với nguyên tắc hành nghề của luật sư là độc lập và tuân thủ pháp luật” - ông nhận xét. Đó là chưa kể trong trường hợp “luật sư công” vi phạm kỷ luật, sẽ xử lý theo qui định nào: theo pháp luật về cán bộ, công chức hay theo Luật Luật sư, theo điều lệ của Đoàn Luật sư?
Ngược lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu cho rằng hiện nay nhiều cơ quan, doanh nghiệp “có nhu cầu sử dụng luật sư để tư vấn pháp luật hoặc đại diện cho đơn vị khi tham gia giải quyết các tranh chấp phát sinh”. Thực tế vừa qua, nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhà nước phải thuê luật sư bên ngoài đại diện cho mình, “vừa khó đảm bảo tính kịp thời, thuận lợi khi giải quyết vụ việc, vừa phải thanh toán những khoản chi phí luật sư rất lớn”.
Xung quanh tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên qui định quá chi tiết trong dự án Luật Luật sư. “Tổ chức luật sư không phải như tổ chức Hội Làm vườn mà giữ vị trí rất quan trọng, có thể phản biện đối với các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước” - ông Vũ Đức Khiển có ý kiến. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Uông Chu Lưu, thật ra “Bộ Tư pháp chẳng muốn ôm vào, nhưng đây là trách nhiệm...”.
Không đồng tình, luật sư Phạm Hồng Hải cho rằng qui định về tổ chức Liên đoàn Luật sư Việt Nam như dự luật “là một cách định hướng không xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của chính những luật sư”. Trong khi đó “nhiều quyền, nghĩa vụ của luật sư lại chưa được dự luật qui định rõ ràng” - ông Quốc Anh góp ý kiến. Ông dẫn chứng có vụ án bị can tạm giam cả năm trời mà luật sư không được vào tiếp xúc… Ngay chuyện cấp chứng chỉ hành nghề luật sư “cũng nên có cơ chế để một hội đồng xét công nhận và giao tổ chức luật sư cấp - ông Quốc Anh đề nghị, kẻo sau này có khoảng trên 10.000 luật sư thì “Bộ Tư pháp làm sao cấp nổi”.
Một vấn đề khác được các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là phí dịch vụ pháp lý của luật sư. “Có những trường hợp luật sư cãi tay đôi với khách hàng, đưa ra điều kiện oái oăm không phù hợp điều kiện kinh tế của khách hàng, vì vậy cần qui định mức trần để có cơ sở xử lý vi phạm” - Bộ trưởng Uông Chu Lưu cho biết.
Do nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban này đã đề nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp hoàn chỉnh thêm dự án luật và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số ủy viên Ủy ban Thường vụ, nếu Chính phủ nỗ lực điều chỉnh thì Quốc hội có thể cho ý kiến ngay kỳ họp thứ 8 này.
Nguồn: Tuổi Trẻ 1/10/2005