Không chỉ là trò chơi
Ô chữ ( crossword) là một trò chơi ngôn ngữ trí tuệ ra đời từ rất xa xưa và rất thông dụng ở nhiều nước trên thế giới. Manh nha từ Hy Lạp thời cổ đại, trò chơi này nhanh chóng thịnh hành ở hầu hết các nước phương Tây. Ở Nga, mục ô chữ luôn là chuyên mục không thể thiếu trên các báo. Ở Mỹ, người ta chơi khắp nơi và còn trao những giải rất lớn cho những ai giải đúng, giải nhanh các cuộc thi ô chữ, thường được tổ chức trực tuyến trên mạng. Còn ở Nhật, trò chơi này cũng rất đa dạng, điển hình là các ô số SUDOKU vô cùng hấp dẫn. Các cuốn sách chuyên về SUDOKU đã được xuất bản ở nước ta và xuất hiện dày đặc trên các trang giải trí.
Bạn đọc hẳn ít nhiều đã biết đến tác giả Phạm Văn Tình. Vốn là dân ngôn ngữ học, TS Phạm Văn Tình là một trong những người quan tâm, say mê và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giữ gìn và phát triển tiếng Việt. Anh đặc biệt có sở trường trong các đề tài ngôn ngữ được viết theo hướng xã hội hóa. (Người đã đóng góp khá nhiều bài cho mục Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việttrên báo Lao Độngvà Lao Động cuối tuần.Anh đã kịp công bố 7 cuốn sách về ngôn ngữ học trong vòng 5 năm qua). Trong mấy năm gần đây, anh còn tham gia lập ô chữ cho các báo, nhưng cộng tác nhiều nhất, chặt chẽ nhất, lâu nhất là tờ Gia đình(của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam) mà tôi từng gắn bó từ lâu. Đầu tiên chỉ là người vào vai lấp chỗ trống cho chuyên mục, thế rồi anh nghiễm nhiên trở thành “cầu thủ chính thức”, người duy nhất cung cấp ô chữ cho báo chúng tôi trong suốt 3 năm liền (mỗi tháng 4 số tuần + 1 số cuối tháng). Quả thực, tôi hết sức ngạc nhiên về khả năng nhập cuộc của tác giả. Bởi lập một ô chữ không giống như viết các bài báo khác, nó đòi hỏi năng lực tưởng tượng, một kĩ năng tạo ma trận, vốn liếng ngôn ngữ, văn hóa khá rộng. Người lập cũng phải cẩn thận, cần mẫn và phải “trường vốn” nếu muốn đi xa. Tác giả đã biết tích hợp hài hòa nhiều nhân tố để qua hàng trăm ô chữ của anh, người đọc học được nhiều về cách hiểu từ ngữ, ca dao dân ca, thành ngữ tục ngữ, lịch sử, phong tục về văn hóa, thể thao... Các chủ đề rất cập nhật với cuộc sống và được đặt tên một cách trẻ trung, mang tính văn học: Bầu trời, Biển gọi, Ca dao dân ca, Cô dâu chú rể, Cơm bụi, Đất Tổ cội nguồn, Điện ảnh, Em ơi Hà Nội Phố, Hái sao trên trời, Hoa cỏ mùa xuân, Hoa hậu, Nếu là hoa..., Truyện cổ tích, Từ góc sân nhà em, Từ nhà ra sân, Việt Nam đất nước ta ơi, World Cup...
Dù phục vụ cho đông đảo bạn đọc, nhưng Phạm Văn Tình rất có ý thức đưa trò chơi này nhằm vào giới trẻ, các học sinh sinh viên. Lời đố trong ô chữ của anh đơn giản, không cầu kì, lời giải nhẹ nhàng, dí dỏm và tạo cảm hứng cho người chơi. Đây là một vài lời đố: “Một phần tư lá cờ Tổ quốc” trên vai thiếu nhi Việt nam ( Khăn quàng đỏ, tr. 15); Tên nhân vật “chờ cho táo rụng sân đình” ( Thị Mầu, tr. 49); Tên khác của chùa Một Cột ( Diên Hựu, tr. 56); Sao gì lấp lánh buổi chiều/ Hoàng hôn thấp thoáng bao nhiêu nỗi niềm? Sao gì nơi ấy buồm lên/ Làm vua xứ biển trên nền trời cao? Sao gì tráo chỗ cho nhau? Sao gì là “đất” bay vào không gian? ( Sao Hôm, Sao Hải Vương, Sao đổi ngôi, Sao Thổ,tr. 47); Ai vào đền Ngọc Sơn cũng phải qua đây ( Cầu Thê Húc,tr. 86); Tiếng Anh, có nghĩa là “vô địch” ( Champion, tr. 113); v.v. Có thể nói như tác giả là “mỗi ô chữ, một chân trời mở” (tr. 9). Rất thú vị và rất giá trị. Chính vì lẽ đó mà tôi đã trực tiếp đề xuất với anh Hoàng Dương An - Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa Khai Minh (Hà Nội) vừa mới thành lập - là nên tận dụng thành quả chất xám này. Với Slogan “Hội nhập với thế giới cùng văn hóa Việt”, Công ty Khai Minh đã và đang hợp tác giới thiệu với độc giả những cuốn sách, những hướng khai thác mới nhằm quảng bá tốt nhất về văn hóa và con người Việt Nam , từ truyền thống đến hiện đại. Và chỉ trong thời gian rất ngắn sau khi tôi gợi ý, NXB Tri thức (thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) liên kết với Công ty Khai Minh đã kịp thu thập, biên tập theo hệ thống chủ đề, sắp thứ tự ABC và cho ra đời tập 1 “ Tiếng Việt: Hành trình qua các ô chữ”.216 trang sách chững chạc, ma-két giản dị, sáng sủa, được chia thành 2 phần: 1. Ô chữ theo chủ đềvà 2. Đáp án. Đây chính là bước khởi đầu rất đáng khích lệ cho những cuốn sách theo hướng này.
Chỉ có điều, có lẽ vì thời gian nên lẽ ra tác giả nên có bài giới thiệu kĩ hơn về nguồn gốc xuất xứ, cách chơi, luật chơi các loại ô chữ để người đọc được trang bị những kiến thức cơ bản trước khi bắt tay vào trò chơi này. Bởi các em học sinh của ta nói chung còn bỡ ngỡ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Chưa nắm được cách thức, luật chơi, các em khó tổ chức các cuộc thi giải ô chữ tập thể, hoặc có thể vận dụng thành thục trong quá trình học tiếng Việt ở nhà trường hiện nay.
Địa chỉ tác giả: Trần Hòa Bình
Khoa Báo chí, Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Cầu Giấy, Hà Nội, 0913221690