Khốc liệt năm xưa, bình yên hôm nay
Ngược dòng thời gian
Sau vài lần hẹn, chúng tôi đã gặp được cụ Phạm Bá Miều, hiện ở tổ 10, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Cụ Miều là người trực tiếp tham gia đào hào trên Đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Cụ kể: Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, quân địch có phương tiện kỹ thuật và vũ khí hiện đại còn quân đội ta chỉ có một thứ vũ khí vô cùng lợi hại là lòng quyết tâm và ý chí quật cường. Những ngày đào hào vào đặt bộc phá tại Đồi A1 là thời gian cụ đã phải chứng kiến nhiều đồng đội của mình hy sinh. Chúng tôi phải làm công việc vô cùng đau lòng là chôn cất những đồng đội đã cùng sát cánh chiến đấu với mình. Nhưng cũng chính điều đó càng nung nấu trong chúng tôi ý chí quyết tâm tiêu diệt quân địch. Cuối cùng, chiến hào đã được thông lên Đồi A1, đặt bộc phá để nổ tung căn cứ của thực dân Pháp, tiến tới giành thắng lợi giải phóng Điện Biên Phủ… Trải qua một quãng thời gian dài, sống và được chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất quê hương tôi rất mãn nguyện.
60 năm trước, Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn phía Tây vùng rừng núi phía Bắc. Đây là một căn cứ quân sự rất thuận lợi, do vậy thực dân pháp đã lấy căn cứ này làm chiến lược cơ động. Trong chiến dịch Thu Đông năm 1953 - 1954, lực lượng địch tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Số quân lính địch là 16.200 tên, chúng bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hoả lực nhiều tầng. 8 cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu, phân khu.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng. Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược. Theo lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thì “... đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ 20 và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
“Chiến thắng Điện Biên Phủ” thời kỳ đổi mới
Đã 60 năm trôi qua kể từ ngày quân và dân ta làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, đến nay cũng là khoảng thời gian đủ dài để vùng chiến địa năm xưa thay “màu áo” mới. Được tách ra từ tỉnh Lai Châu năm 2003, sau hơn 10 năm xây dựng, trưởng thành, kinh tế - xã hội Điện Biên đã có nhiều khởi sắc. Lòng chảo Điện Biên Phủ giờ đã trở thành nền tảng của một thành phố mới, trẻ trung và năng động.
Cửa ngõ Him Lam - nơi hoang tàn sau chiến tranh ác liệt, giờ trở thành phường Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ) thanh bình, tươi đẹp và ngày một phát triển. Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND phường Him Lam cho biết: Đời sống người dân phường Him Lam đã thực sự thay đổi, tỷ lệ đói nghèo chỉ còn 1% (24 hộ), thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 28,5 triệu đồng/năm. Trình độ dân trí được nâng cao, các cơ quan, trường học, khu sản xuất kinh doanh mọc lên đan xen với những bản làng khang trang đã làm thay đổi diện mạo của phường.
Trong những năm qua, Điện Biên còn gặp nhiều khó khăn thách thức, song với sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên các mặt kinh tế - xã hội vẫn được duy trì ổn định và phát triển. Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức khá cao; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1996-2000 là 6,55%, giai đoạn 2001 - 2005 là hơn 9%, giai đoạn 2006 - 2011 là 11,6% và năm 2013 tăng trưởng 8,55%.
Điện Biên đã từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chú trọng phát triển thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ. Từ chỗ thiếu lương thực, những năm gần đây tỉnh đã tự túc được lương thực và có một phần trở thành hàng hóa. Toàn tỉnh hiện đã có 125/130 xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 88% dân cư thành thị được sử dụng nước sạch, 72,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và 126/130 xã đã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 35%. Giáo dục, đào tạo cũng từng bước phát triển về quy mô và chất lượng, với hơn 26% hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia; 81,5% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi...
Được coi là vùng đất anh hùng, giàu bản sắc văn hóa, với nhiều di tích lịch sử, ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta. Vì vậy, những năm qua Điện Biên đã thực hiện tốt việc bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa đó để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm gần đây, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Điện Biên ngày một tăng, doanh thu từ các hoạt động du lịch qua đó cũng ngày một tăng lên. Riêng năm 2013, doanh thu từ du lịch đạt trên 400 tỷ đồng đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn quyết tâm xây dựng quê hương. Năm 2014 tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 9,5%; sản lượng lương thực phấn đấu đạt 236.000 tấn, thu nội địa tăng 11%; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41% và giảm tỷ lệ đói nghèo là 3,57% so với năm 2013.
Điện Biên hôm nay vẫn còn đó những dấu tích của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào như: Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, đồi A1, đồi C1, đồi C2, đồi D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng đờ Cát... Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã và đang nỗ lực phấn đấu làm nên “Chiến thắng Điện Biên Phủ” thời đổi mới - công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong niềm hạnh phúc dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biện Phủ tròn 60 năm, nhân dân Điện Biên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của những thế hệ cha anh đi trước đã hi sinh, cống hiến cho Điện Biên của ngày hôm nay.