Khoa học hay tri thức là lực lượng sản xuất trực tiếp
Một cuộc thảo luận sôi nổi kéo dài
Ở Việt Nam cũng đã có rất nhiều nhà nghiên cứu tham gia vào cuộc thảo luận sôi động này; cũng đã có những luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ và đề tài của các cơ sở nghiên cứu chứng minh khoa học là lực lượng sản xuất trực tiếp. Tác giả Lê Huy Thực có bài nói về cuộc thảo luận này trên Tạp chí Triết học, được đăng lại trên website "Kiến thức" ngày 20.12.2009, trong đó tổng kết như sau: " Có ba loại ý kiến cơ bản: 1) Khẳng định khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; 2) Nhận định khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và cho rằng Marx đã dự báo điều này; 3) Phản bác lại nhận định khoa học đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và cho rằng Marx không dự báo như vậy".
Trong bài viết của mình, tác giả Lê Huy Thực đã góp phần khẳng định rằng: " Trong các tác phẩm của Marx và Engels đã được dịch ra tiếng Việt rõ ràng là các ông có khẳng địnhrằng, tri thức ( khoa học)đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp" (từ "khoa học" đặt trong dấu ngoặc là giải thích của tác giả Lê Huy Thực, nhưng chỗ tô đậm là nhấn mạnh của chúng tôi). Tiếp sau nhận định này, tác giả Lê Huy Thực đã trích dẫn Marx từ cuốn "Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị", bản sơ thảo đầu tiên của bộ Tư bản, được viết trong các năm 1857-1858 (xem Marx-Engels: Di cảo 1857-1858): "Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến [Wissen, knowledge] đã chuyển hoá đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp, do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của chính quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến mức độ nào kiểm soát của trí tuệ phổ biến và đã được cải tạo đến mức độ nào cho phù hợp với quá tình ấy, những lực lượng sản xuất xã hội đã được tạo ra đến mức độ nào không những dưới hình thức tri thức, mà cả như là những cơ quan trực tiếp của quá trình sống thực hiện". Tôi cũng đã tra cứu được kết quả đúng như vậy. Trong đoạn trích nguyên văn này không có thuật ngữ "khoa học" trong dấu ngoặc, mà chỉ có khái niệm "Wissen" và "Knowledge" trong dấu ngoặc mà thôi.
Luận điểm của Marx đã bị giải thích không chính xác
Tổng kết của tác giả Lê Huy Thực phản ánh hoàn toàn xác thực nội dung cuộc thảo luận này không chỉ ở Việt Nam , mà cả ở Liên Xô. Tuy nhiên, cuộc thảo luận này đã xuất phát từ một cách hiểu không thật chính xác một khái niệm trong khoa học. Đó là đã đồng nhất "khoa học" với "tri thức"
Tham khảo các bài viết tham gia cuộc thảo luận này, chúng ta có thể thấy, họ lập luận đúng như tác giả Lê Huy Thực đã nêu: " Trong các tác phẩm của Marx và Engels đã được dịch ra tiếng Việt rõ ràng là các ông có khẳng định rằng, tri thức (khoa học) đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp". Trong câu này, chúng ta thấy khái niệm "tri thức" được mở ngoặc giải thích bằng khái niệm "khoa học".
Trong một ấn phẩm đã xuất bản (Nghịch lý của khoa học và giáo dục trong xã hội Việt Nam đương đại, Nxb Thế giới, 2009), tôi cũng đã từng nêu quan điểm cho rằng, Marx chưa bao giờ nói: "khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp". Trong câu nói được trích dẫn ở trên, chúng ta thấy Marx nói là "trí thức", chứ không hề nói là "khoa học".
Chúng ta hãy thử dùng phương pháp phân tích diễn ngôn (một phương pháp của ngôn ngữ học) để hiểu luận điểm của Marx. Marx viết: " Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến [wissen, knowledge] đã chuyển hoá đến mức độ nào thành lực lướng sản xuất trực tiếp…". Chúng ta thấy Marx đã quá cẩn thận, sau khi viết đoạn tiếng Đức: " Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến…", marx cũng hoàn toàn không giải thích bằng tiếng Đức là "wissenschaft", nghĩa là "khoa học", và cũng không giải thích bằng tiếng Anh là "science", cũng nghĩa là "khoa học". Điều đó có nghĩa, Marx cố ýnói về "tri thức", chứ không cố ýnói về "khoa học".
Như vậy, khi một số tác giả mở ngoặc và giải thích thuật ngữ "tri thức" của Marx là "khoa học", thì phải chăng đã có nghĩa là các tác giả đó cố ýgiải thích khái niệm "wissen" và "knowledge" của Marx là "khoa học" hay không?
Những năm 1960-1970, khi tôi làm việc ở Liên Xô, thì cuộc thảo luận này đang còn rất sôi động, tôi có hỏi một số nhà nghiên cứu Liên Xô về những khía cạnh triết học và xã hội học của "Cách mạng khoa học - kỹ thuật", xem có đúng là một số người đã đồng nhất nghĩa của các khái niệm "khoa học" và "tri thức" hay không, thì nhận được những cách trả lời rất khác nhau.
Cách trả lời thứ nhất mà tôi nhận được khi đó đã khẳng định, người ta đã vô tình giải thích sai lệch "wissen" là "khoa học". Nếu như thế, thì có nghĩa, người ta đã vô tình không hiểu sự khác biệt giữa "tri thức" và "khoa học".
Cách trả lời thứ hai mà tôi nhận được khi đó cho rằng, người ta cố ý giải thích sai, và khẳng định rằng khi Marx nói đến "tri thức" chính là Marx nói về "khoa học", tức là cho rằng khoa học là lực lượng sản xuất trực tiếp (ra của cải vật chất)… Trong khi đó, ở nhiều nước có nền khoa học phát triển, người ta không hề quan tâm khoa học có phải là lực lượng sản xuất trực tiếp hay không.
Trong các ý kiến về lý do các nhà khoa học cố ý giải thích sai khái niệm tri thức của Marx, tôi cảm thấy thú vị nhất là ý kiến của mấy vị giáo sư địa chất học ở Liên Xô. Các vị ấy nói: "Nếu khoa học mỗi ngày đi thực địa để nghiên cứu khoa học về điạ chất chỉ được bồi dưỡng 50 kopek, nhưng nếu cái khoa học này được gọi là "lực lượng sản xuất trực tiếp", thì một ngày được nhận 5 rúp, nghĩa là được gấp 10 lần so với khoa học. còn nếu là lực lượng sản xuất hàng đầu, thì chắc có lẽ phải được nhận 50 rúp(!). Tôi nhớ, vào thập niên 80, giáo sư kinh tế địa chất Tkatchenko (Liên Xô) đã có một loạt bài giảng tại Tổng cục Địa chất Việt Nam (tôi còn giữ một số bài giảng của ông). Trong bài giảng, ông chứng min rằng, nghiên cứu khoa học địa chất là hoạt động sản xuất trực tiếp. Trong lúc giải lao, một vị tiến sỹ địa chất Việt Nam hỏi vui: "Vậy thưa giáo sư, nếu nghiên cứu địa chất là hoạt động sản xuất trực tiếp, thì nó có mang lại một centigram giá trị nào theo cái nghĩa về giá trị và giá trị sử dụng của Marx hay không?". Vị giáo sư của chúng ta trô mắt nhìn người đưa ra câu hỏi "máy móc" này, và sau đó chỉ nhún vai và cười trừ một cách rất hóm hỉnh: "Vậy thì ông sẽ ăn cái khoản bồi dưỡng đi thực địa là 50 kopek nhá".
Không thể đồng nhất "tri thức" với "khoa học"
Đúng là "khoa học" được định nghĩa là "hệ thống tri thức", nhưng ngược lại, không thể thiếu "tri thức" chỉ là "tri thức khoa học".
Xét từ quan điểm khoa học luận (Theory of Science) thì tri thức có hai loại, đó là "tri thức khoa học" và "tri thức kinh nghiệm". Khoa học là một "hệ thống tri thức khoa học", là những sản phẩm tri thức có được không phải do kinh nghiệm (tri thức kinh nghiệm), mà do một phương pháp khoa học sản sinh ra. Cả hai loại "tri thức khoa học" và "tri thức kinh nghiệm" thể hiện trong mọi loại tri thức khác nhau, như "tri thức kinh doanh" (nguyên lý công nghệ/kinh nghiệm về công nghệ), "tri thức kinh doanh" (lý thuyết kinh doanh/kinh nghiệm kinh doanh), "tri thức xác hội" (lý thuyết xã hội/kinh nghiệm hoạt động xã hội), "tri thức quân sự" (học thuyết quân sự/kinh nghiệm quân sự)….
Mối liên hệ giữa các loại tri thức được thể hiện trên hình vẽ sau:
Với cách phân tích khái niệm "tri thức" như vậy, chúng ta có thể hiểu khái niệm tri thức rất rộng, và chúng ta có thể suy đoán, loại "tri thức" đóng vai trò lực lượng sản xuất trực tiếp có lẽ là "tri thức công nghệ", chứ không phải "tri thức khoa học". Đương nhiên, tri thức khoa học càng không thể đồng nhất với tri thức công nghệ, mặc dầu, tri thức công nghệ phần lớn được hình thành từ tri thức khoa học. Nói như vậy, chúng ta vẫn có thể sử dụng một phép tam đoạn luận để nguỵ biện: "Khoa học sản sinh công nghệ; công nghệ là lực lượng sản xuất trực tiếp; vậy khoa học là lực lượng sản xuất trực tiếp". Chúng ta có thể tìm được một phép nguỵ biện tương đương: "Bò ăn cỏ; người ăn thịt bò; vậy người ăn cỏ".
Trong một luận án tiến sỹ về triết học (của) khoa học, tác giả luận án đưa ra cách lập luận như sau: " Ngày nay KH&CN có quan hệ xoắn xuýt vào nhau, đến mức người ta không nói KH&CN nữa, mà sử dụng luôn cụm từ khoa học công nghệ". Chúng ta không thể hiểu được vì sao vị tiến sỹ này đã có sự nhầm lẫn khái niệm một cách kỳ lạ như vậy. Tác giả đã không phân biệt được thế nào là "KH&CN" (science and technology) và thế nào là "khoa học công nghệ" (technological science/engineering science).
Những lỗi sai kiểu này khá phổ biến trong nhiều văn bản của các trường đại học và viện nghiên cứu, cũng như một số cơ quan chính sách KH&CN.
Kết luận
Bài viết này nhằm mục đích làm rõ một số nhầm lẫn về khái niệm trong các văn bản chính sách KH&CN, trong đó tác giả mong muốn chuyển tải những thông tin sau:
1. Marx chưa bao giờ nói: " Khoa học là lực lượng sản xuất trực tiếp", mà nói "Tri thức xã hội phổ biến [wissen, knowledge] đã chuyển hoá đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp".
2. Khi nói: "Khoa học là lực lượng sản xuất trực tiếp", có nghĩa chúng ta đã đồng nhất hai khái niệm "tri thức" và "khoa học". Hơn nữa, đã mang một luận điểm của Marx (khoa học thuộc kiến trúc thượng tầng) đối lập với một luận điểm khác mà ta gán cho Marx (khoa học thuộc cơ sở hạ tầng).
3. Cái "tri thức xã hội phổ biến đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp" mà Marx nói ở đây có lẽ là tri thức công nghệ, chứ không phải tri thức khoa học.
4. Tác giả bài viết này hy vọng cung cấp một số thông tin để các cơ quan tham mưu tham khảo trong quá trình chuẩn bị các văn bản chính sách.