Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 08/09/2005 15:02 (GMT+7)

Khoa học Cuba: Bài học cho những nước đang phát triển

Chính sách phát triển khoa học định hướng phát triển kinh tế

Sau cuộc cách mạng năm 1959, Cuba chỉ được biết đến như là điểm thu hút du lịch với những bãi biển dài đầy nắng và những cánh đồng mía bát ngát, cơ sở hạ tầng khoa học hầu như chưa có gì. Khi chính quyền non trẻ do Chủ tịch Fidel Castro mới thiết lập nhận thức được sự cần thiết phải xây dựng một nền khoa học hiện đại làm chỗ dựa phát triển kinh tế, Cuba đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong thời gian này, Cuba cử rất nhiều sinh viên và cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ sang học tập tại Liên Xô và các nước XHCN có trình độ khoa học cao như Đức, Hungary. Nhưng khác với mô hình phát triển khoa học của Liên Xô với định hướng xoay quanh những dự án phát triển các tổ hợp công nghiệp quân sự khổng lồ, Cuba định hướng phát triển mạnh ngành y tế và nông nghiệp làm nền tảng để xây dựng xã hội. “Chúng tôi kết hợp cả nghiên cứu về khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, nhưng tất cả nhằm phục vụ xã hội” – Pedro Valdes Sosa, chuyên gia của Trung tâm Thần kinh học Havana (cơ quan đã đóng góp rất lớn trong việc xây dựng một phòng thí nghiệm nghiên cứu về bộ não đầu tiên ở Cuba từ năm 1970), cho biết.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nền khoa học Cuba cũng bước vào giai đoạn khó khăn do mất đi đối tác thương mại và nguồn viện trợ kinh tế lớn nhất. Trong giai đoạn này, Cuba đã giảm một phần ba tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và do đó ngân sách cho nghiên cứu cũng bị cắt giảm đáng kể. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, khoa học công nghệ vẫn được chính phủ ưu tiên đầu tư, nhưng chủ yếu tập trung vào các dự án nghiên cứu ứng dụng thực tiễn cao. Ngân sách dành cho phát triển khoa học công nghệ vẫn được duy trì ở mức trên 1,5% GDP. Trụ cột của toàn bộ các dự án này là tổ hợp khoa học mang tên Cục Nghiên cứu khoa học Tây Havana, quy tụ hơn 50 trung tâm nghiên cứu có uy tín nhất nước. Tại đây luôn có hơn 4.000 nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu làm việc. Thống kê sơ bộ cho thấy Cuba đã đầu tư vào tổ hợp này hơn 1 tỷ đô la kể từ cuối thập niên 1990 trở lại đây. Thành quả của tổ hợp này là vô cùng lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ sinh học, trong đó phải kể tới công trình nghiên cứu sản xuất vắc xin chống viêm màng não type B, vắc xin chống ung thư. Loại vắc xin này mặc dù bị các thế lực chống Cuba phản đối mạnh mẽ nhưng vẫn được cấp phép sử dụng tại Mỹ. Ông George Morris, Giám đốc tập đoàn dược phẩm Beckpharma, Anh, cho biết hiện có hàng chục tập đoàn dược phẩm nước ngoài ký hợp đồng khai thác đầu ra các sản phẩm công nghệ sinh học dược phẩm của Cuba. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận ở một nước có hoàn cảnh kinh tế còn rất nghèo như Cuba.

Osvaldo Franchi Alffaro Roque là một doanh nghiệp Cuba đã thu hút nhiều sự chú ý của các đối tác nước ngoài nhờ cộng tác chặt chẽ với các đồng nghiệp tại Đại học Nông nghiệp Havana và có một trang trại đặt tại bang San José, được coi là phòng trưng bày của công ty ở Mỹ. Sản phẩm của công ty là thiết bị kiểm soát tưới tiêu, chủ yếu làm từ đồ nhựa và thủy tinh phế thải, chi tiết máy cũ, sản phẩm dễ chế tạo và giá thành thấp nhưng hiệu quả cao, dễ vận hành, chính vì thế được các nông trại của nhiều nước quan tâm đặt hàng. Hàng loạt công ty và trung tâm nghiên cứu nhỏ như của Franchi đã nghiên cứu thành công và đưa vào thử nghiệm nhiều loại thuốc trừ sâu và phân bón hữu cơ có hiệu quả tốt. Thành quả của các công trình nghiên cứu định hướng phục vụ sản xuất của Cuba đã thu hút sự chú ý của nhiều nàh khoa học trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. “Tôi chọn Cuba để làm luận án tiến sĩ vì hệ thống nông nghiệp ở nước này khác với Mỹ” – Catherine Badgley, nghiên cứu sinh của Đại học Michigan đang làm luận án về hệ thống canh tác quy mô nhỏ tại Cuba đã nói. Badgley còn đánh giá cao cách thức mà các chuyên gia cố vấn cho các nước phát triển giống cây trồng và những công nghệ mới để kiểm soát sâu bệnh không sử dụng hóa chất độc hại. “Cuba đã làm nông nghiệp theo một phương thức riêng của họ”.

Những bài học cho các nước đang phát triển

Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nên thành công của nền khoa học Cuba là sự quan tâm của Chính phủ. Hệ thống giáo dục và đào tạo bậc tiểu học, trung học cơ sở được đầu tư rất lớn và đúng chỗ, không thua kém với những nước phát triển nhất tại châu Âu hay Bắc Mỹ. Tỷ lệ dân số biết đọc và biết làm toán của Cuba thuộc hàng cao nhất thế giới. Ở bậc đại học, một số lượng lớn sinh viên được chính phủ cấp học bổng và hỗ trợ đi đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là những nước có quan hệ gắn bó với Cuba là Liên Xô và khối XHCN và hiện nay là tới châu Âu và Mỹ La tinh. Nhà nước cũng đã áp dụng các chính sách khuyến khích lưu học sinh tốt nghiệp trở về nước làm việc, nhất là chế độ đãi ngộ xứng đáng với tài năng của họ.

Nhưng nguyên nhân quyết định nhất có thể nói là sự định hướng của nhà nước. Nhiều quốc gia châu Mỹ như Venezuela và Argentina đã nhiều lần bày tỏ mong muốn xây dựng một nền khoa học công nghệ tiên tiến trên cơ sở kết hợp khoa học có bản và khoa học ứng dụng, mô hình giống như ở các nước phát triển. Cuba đã lựa chọn cách làm khác, theo cách đi riêng, phù hợp với tình hình kinh tế và chính trị của mình: chỉ tập trung vào những lĩnh vực có tính ứng dụng cao và phù hợp với điều kiện cụ thể. Nền khoa học Cuba cơ cấu giống như một tổ hợp công nghiệp – nghiên cứu khổng lồ do các bộ phận đơn lẻ hợp lại, với mục đích phục vụ sự phát triển của xã hội hơn là lợi nhuận thương mại. Nếu một dự án nghiên cứu chứng minh được tính khả thi, có thể cho các sản phẩm thu hút nguồn ngoại tệ hoặc phục vụ lợi ích của cộng đồng, nó sẽ được duyệt cấp ngân sách để phát triển. Mặc dù Cuba không đầu tư nhiều vào các nghiên cứu cơ bản, nhưng các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực này cũng đạt được nhiều thành công và hỗ trợ hiệu quả cho các lĩnh vực khác.

Các nhà khoa học được đãi ngộ cao hơn những người làm việc trong lĩnh vực khác. Họ cũng được tạo điều kiện để ra nước ngoài tham gia các khóa học ngắn ngày, tham dự hội thảo và thực tập ở những phòng thí nghiệm hiện đại ở châu Âu. Vì vậy hầu hết đều hết sức cố gắng phấn đấu, nâng cao trình độ của mình để cho ra đời những công trình có ý nghĩa thực tiễn lớn vì tương lai đất nước.

Ở một nước có điều kiện khó khăn nhiều bề như Cuba, những thành công trong phát triển khoa học công nghệ thực sự là bài học quý. Chính sách thù địch của Mũ đã ảnh hưởng lớn đến nền khoa học của Cuba từ nhiều phía. Chẳng hạn, một dự án nghiên cứu về bệnh sốt xuất huyết (sốt Dengue) giành được giải thưởng 700.000 đôla từ Quỹ Bill &Melinda Gates của tỷ phú Bill Gates, nhưng số tiền này đã bị Mỹ phong tỏa hơn 1 năm mới trao lại cho tác giả của công trình. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được Cuba xây dựng được một nền khoa học công nghệ hiện đại và chứng minh rằng bất cứ một quốc gia nào, dù xuất phát điểm có thấp đến đâu nhưng nếu có chính sách đầu tư đúng hướng của nhà nước trên cơ sở những định hướng phù hợp, chắc chắn sẽ thu được nhiều thành tựu không thua kém bất kỳ một nước nào trên thế giới.

                Nguồn: Thế Giới Mới, số 650, ngày 29/8/2005

Xem Thêm

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.

Tin mới

Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...