Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 27/08/2009 16:24 (GMT+7)

Khoa cử - văn giáo đầu thời Lê Trung hưng (1533 – 623)

Năm 1527, nhà Mạc thoán vị nhà Lê. Sáu năm sau, 1533, nhà Lê bắt đầu trung hưng, lập ra Nam triều để đối ứng với Bắc triều của nhà Mạc. Suốt 21 năm (1533 - 1554), do phải lo cơm ăn, áo mặc, lực lượng mà Nam triều chưa tổ chức được khoa cử. Đây là thời kỳ trứng nước, dụng võ là chính, nhân tài nhóm họp từ các cựu thần và từ các đội quân ứng nghĩa.

Thời điểm Giáp Dần (1533) là một thời điểm hết sức có ý nghĩa. Nhà Lê Trung hưng đang ở năm thứ 6 của đời vua thứ 2 Lê Trung Tông. Thế là lực của Nam triều sau hơn hai thế kỷ bền bỉ dựng xây, giữ gìn này đã khác. Những người cầm cân nảy mực của Nam triều, bấy giờ chắc hẳn đã phải nghĩ đến một tầm chiến lược xa hơn. Cho nên, vào năm 1554 đó, Nam triều đã tổ chức khoa thi đầu tiên tại hành cung An Trường (Thanh Hóa), gọi là chế khoa.Lời chua của cương mụcghi rõ: “Theo Kiến văn tiểu lụccủa Lê Quý Đôn thì thể lệ thi cử thời Lê quy định thế này: những năm: Tí, Ngọ, Mão, Dậu là khoa thi Hương; những năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi là khoa thi Hội. Nhưng khi nào bất thần nhà vua có bài chế ban xuống đặc biệt cho mở khoa thi thì là chế khoa. Phép chế khoa cũng giống như khoa thi Hội (có kinh nghĩa, tứ lục, thơ, phú và văn sách) (1). Như thế thực chất chế khoa cũng là thi Hội.Việc này minh xác một điều là triều đình Nam triều lúc ấy, bên cạnh các võ tướng, đã có những trí thức, văn thần đủ sức cáng đáng việc khảo hạch, thi cử. Nam triều đã bắt đầu tỏ ra là một triều đình có học.

Tuy chiến cuộc với Bắc triều đang ở thế giằng co ác liệt, mà vào 8 năm sau, Nhâm Tuất - 1562, Nam triều vẫn mở trường thi Hương ở Tây Đô. Đây là sự kiện xảy ra sau chiến thắng của Vũ Sư Thước và Lại Thế Khanh ở Vạn Lại vào mùa thu năm trước.

Chế khoa là khoa thi cấp cao. Đến đây, Nam triều mở khoa Hương thi, tức là đã có ý chọn kẻ sĩ ở mức đại trà hơn, mở đường và kích thích sự học trong dân.

Ba năm sau, Ất Sửu - 1565, cuộc chiến đang ở thế rất bất lợi, Nam triều vẫn mở tiếp chế khoa. Chế khoa trước (1554) lấy đỗ 13 người, chế khoa này lấy đỗ 10 người. Bẵng đi 12 năm nữa, đến năm Đinh Sửu - 1577, Thanh Hóa bị thủy nạn đói to, dẫu thế, Nam triều lại mở chế khoa, lấy đỗ 5 vị.

Đến Canh Thìn - 1580, Hội thí được mở trở lại. Sử chép: “từ niên hiệu Nguyên Hòa trở đi, đã lâu không có khoa thi Hội, đến đây mới mở lại. Nhà vua sai chia làm tam giáp, ban cho bọn Nguyễn Văn Giai và Phùng Khắc Khoan sáu người được đỗ Tiến sĩ xuất thân và Tiến sĩ đồng xuất thân có khác nhau. Từ đó về sau, cứ 3 năm một lần thi, đặt làm lệ thường, nhưng hãy còn chưa có thi Đình” (2).

Quả là từ đó về sau, hầu như cứ 3 năm một lần thi. Tính đến 1623 là năm Trịnh Tùng mất, tình hình cụ thể là: 1583 (lấy đỗ 4 người), 1589 (4 người), 1592 (3 người), 1602 (10 người), 1604 (7 người), 1607 (5 người), 1610 (4 người), 1619 (7 người), 1623 (7 người). Chỉ bẵng đi một khóa là Bính Tuất - 1586. Xem sử thì thấy năm nay Nam triều gặp phải quá nhiều tai ách.

Trên kia đã thấy, dù có gặp phải một số khó khăn về chiến cục hay thiên tai nhưng Nam triều vẫn cố gắng để mở các chế khoa 1565 và 1577. Song, rõ ràng đến 1586 với tình trạng thiên tai, hỏa hoạn chồng chất như thế (đến mức mẹ chúa còn phải chết cháy) thì Nam triều khó lòng mà nghĩ đến chuyện khoa cử được. Năm đó không mở được Hội thí cũng là điều dễ hiểu.

Dẫu vậy, phải thừa nhận từ năm 1580 trở đi, thi cử đã thực sự có nề nếp, quy củ và đều đặn.

Nếu so sánh số tiến sĩ của các tỉnh thi đậu ở Bắc triều và số tiến sĩ của các tỉnh thi đậu ở Nam triều, có thể rút ra hai nhận xét:

1. Vẫn có những vị từ Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình ra thi với Bắc triều.

2. Vẫn có những vị, ngược lại từ Hà Nội, Hà Tây, Hà Namvào thi với Nam triều.

Và hệ luận rất nhiên là:

1. Tuyệt đại đa số người thi với Bắc triều là từ các khu vực phía Bắc (từ Ninh Bình trở ra).

2. Tuyệt đại đa số người thi với Nam triều là từ Thanh Hóa trở vào.

Tượng đá các võ sĩ cao 1m95 tại lăng mộ làng Bùi Đảnh (Thanh Hóa).
Tượng đá các võ sĩ cao 1m95 tại lăng mộ làng Bùi Đảnh (Thanh Hóa).
Hệ luận 2 cho thấy, chính cuộc chiến Nam – Bắc triều dường như là một trong những nguyên nhân khách quan, vô hình trung thúc đẩy học phong, thi cử ở Thanh – Nghệ trở vào. Sau này, nhà nho xứThanh, nhà nho xứ Nghệ đi khắp nơi “ngồi chỗ”, phải chăng có lý do là từ đây?

Sau 1592, khi nhà Mạc dần đi vào tàn cục, nhà Lê quay trở lại kinh thành Thăng Long, thì việc thi cử cũng dần trở lại bình thường như đã thấy.

Về cơ bản, khoa cử thời Lê Trung hưng vẫn theo phong khi được mở ra từ thời thịnh trị Lê sơ. Tư tưởng chính vẫn là Nho giáo. Người được đào tạo, đỗ đạt cũng là những kẻ sĩ Nho học. Tức là hành tàng xuất xứ, kinh bang tế thế. Đi học đi thi, trước hết là hiển thanh dương danh; sau là ôm mộng phù thế, giúp đời. Mục đích đào tạo của các bậc quân chủ cũng là đào tạo người cho cơ chế Nho giáo, dùng văn để giáo hóa, dạy dỗ thiên hạ. Hãy xem nhà Lê Trung hưng sử dụng nhân tài thế nào?

Từ khoa Giáp Dần - 1554 đến khoa Quý Hợi - 1623, triều đình lấy đỗ 110 tiến sĩ. Theo ghi chép của sách Các nhà khoa bảng Việt Nam(3) thì chỉ có 1 vị không thấy nói được bổ chức quan gì, còn lại 109 vị thì có đến 19 vị làm đến Đại tư đồ, Tham tụng, Thượng thư; 22 vị làm đến Tả, Hữu thị lang. Rất nhiều vị làm tới Đô ngự sử, Thiêm đô ngự sử, Thừa chính sử, Tham chính, Hiến sát sứ, Tế tửu Quốc Tử Giảm, Cấp sự trung….

Như thế, nhà Lê Trung hưng có thể nói đã sử dụng triệt để các nhân tài mà triều đình có được. Những văn thần có học vị, ít nhiều cũng đóng góp được sức lực của họ trong công việc triều chính. Chính sự không phải chỉ hoàn toàn nằm trong tay các võ tướng.

Khá nhiều vị, sau này lại trở thành các ông thầy, các nhà giáo có uy vọng. Đặc biệt, một số vị trở thành các nhân vật lịch sử, nhân vật văn hóa lớn, như các trường hợp của Nguyễn Văn Giai, Phùng Khắc Khoan…

Con cháu họ Trịnh viếng mộ Tổ chi họ Trịnh tại xã Kim Thư, Thanh Oai, Hà Tây
Con cháu họ Trịnh viếng mộ Tổ chi họ Trịnh tại xã Kim Thư, Thanh Oai, Hà Tây



















Nguyễn Văn Giai người Ích Mậu, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông sinh năm Giáp Dần (1554), mất năm Mậu Thìn (1628) đỗ Hội nguyên khoa thi Hội đầu tiên của triều đình Lê Trung hưng (1580), làm quan đến Tham tụng,Thượng thư Bộ Lại, tước Lễ Quận công, hàm Thiếu bảo, là người có công lớn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc thổ, có nhiều việc làm có ích quốc lợi dân khi tham chính; là một nhân vật lịch sử nổi danh.

Phùng Khắc Khoan người Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Tây. Sinh năm mậu Tí (1528), mất năm Quý Sửu (1613), đỗ Hoàng giáp cùng khoa với Nguyễn Văn Giai. Làm quan đến Thượng thư Bộ Hộ, Tế tử Quốc Tử Giám, hai lần đi sứ Bắc quốc. Từ điển văn học(bộ mới) (4) nhận xét: “Phùng Khắc Khoan tài kiêm văn võ, trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn học… đều có những cống hiến xuất sắc, được người đương thời coi là loại “nhân vật đệ nhất’… Về văn học, Phùng Khắc Khoan là một tác gia lớn, có nhiều tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng nhập thế tích cực của văn học viết…”.

Mấy nhân vật vừa kể đều là kết quả của khoa cử, văn giáo, theo lý tưởng của kẻ sĩ quân tử: nhập thế, hành đạo.

Điều đáng nói nữa là nhà Lê Trung hưng không chỉ sử dụng được hết các “hiền tài nguyên khí” do chính mình đào tạo, mà còn dung nạp được cả những kẻ sĩ của Bắc triều. Đó là các trường hợp:

Đỗ Uông, đỗ Bảng nhãn năm Quang Bảo thứ 2 (1556) dời Mạc Phúc Nguyên, nhà Lê dùng và thăng quan hàm đến Thiếu bảo, tước Thông Quận công.

Đồng Hãng, đỗ Hoàng giáp năm Quang Bảo thứ 5 (1559), nhà Lê cho làm Thừa chính sử.

Ngô Tháo, đỗ Tiến sĩ năm Sùng Khoang thứ 4 (1571) dời Mạc Mậu Hợp, nhà Lê dùng đến Tả thị lang Bộ Lễ.

Hàng loạt các vị đại khoa khác của Mạc như Đàm Văn Tiết, Nguyễn Công Phụ, Ngô Vĩ, Đỗ Hiện, Phạm Như Giao… cũng được nhà Lê thu dùng, trọng đãi. Đó chính là cái “lượng cả” trong chính sách giáo dục nói riêng và trong chiến lược về con người nói chung của thời Lê Trung hưng.

Tóm lại, trong gần một thế kỷ đầu triều Lê Trung hưng thì cuộc chiến Nam - Bắc triều hầu như chiếm trọn đến hai phần ba thời gian. Nhưng việc khoa cử - văn giáo vẫn tiến hành, càng ngày càng đi vào quy củ, nền nếp. Thành quả của khoa cử - văn giáo trong hoàn cảnh lịch sử không bình thường đó càng khẳng định một quy luật tất yếu là: Muốn xã hội hưng thịnh và phát triển thì con đường nhất định là phải đi từ võ công đến văn trị, phải đào tạo và dùng kẻ có học.

Chú thích

1.Khâm định Việt sử thông giám cương mục , Tập II, Viện Sử học và Nxb Giáo dục xuất bản, Hà Nội 1998, tr 131.

2. Sđd, tr 173.

3. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi biên soạn, Nxb Văn học, Hà Nội 2006.

4. Nxb Thế giới, 2004. Ý kiến của GS. Bùi Duy Tân; tr 1431.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.

Tin mới

Quảng Ngãi: Sắp phát hành sách về sự phát triển của ngành Thủy sản
Sáng ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và Hội Nghề cá tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Bản thảo cuốn sách “Thủy sản Quảng Ngãi hình thành và phát triển”.
Đắk Lắk: Góp ý dự thảo Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai
Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị hội đồng Tư vấn phản biện và góp ý dự thảo Nghị định phân định quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
CT Phan Xuân Dũng: LHH Bình Định góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững của tỉnh nhà
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (06/5/1995 - 06/5/2025), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định (LHH) đã khẳng định vai trò là tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, là nơi quy tụ trí tuệ, lan tỏa tri thức, lực lượng nòng cốt phát triển KH&CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà.