Khảo lược các tác phẩm của “ông tổ” nền kinh tế thị trường
Rất mừng là cuốn sách “ Khảo lược Adam Smith” của tác giả Eamonn Butlerđã kịp thời ra mắt bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của Phạm Nguyên Trường, do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành vào dịp Đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.
Tác giả người Anh – TS E. Butler là Giám đốc Viện Adam Smith, một tổ chức nghiên cứu theo phương thức “think tank” tạm dịch là “túi khôn”, có nhiều ảnh hưởng, đã từng soạn thảo cho một loạt chính sách của Anh quốc nhằm thúc đẩy sự lựa chọn và cạnh tranh trong cung cấp các dịch vụ chủ yếu.
Trong “Lời nói đầu” của cuốn sách này, giáo sư kinh tế học Gavin Kennedyđã khen ngợi tác giả như sau: “ E. Butlerđã viết nên một tác phẩm dẫn nhập đầy sức thuyết phục về cuộc đời và tư tưởng của A. Smith. Đây là tác phẩm ngắn gọn và hay nhất mà tôi từng biết, nó sẽ giúp mọi người hiểu được thực chất tư tưởng của A. Smith”.
Những tư tưởng trọng yếu trong các tác phẩm và bài giảng của nhà triết học và kinh tế học Adam Smith được khảo lược trong cuốn sách này, đó là:
- Của cải các quốc gia có được không hẳn là số vàng bạc chứa trong kho, như những học giả theo phái “ trọng tiền” vẫn nghĩ, mà là tổng giá trị sản phẩm và thương mại của quốc gia đó – ngày nay chúng ta gọi đó là tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
- Tự do mua bán khiến cho cả hai bên đều có lợi. Người ta sẽ không trao đổi khi nghĩ mình bị thiệt. Vì vậy, hoạt động nhập khẩu hay xuất khẩu đều mang lại lợi ích cho chúng ta. Không cần phải làm cho người khác nghèo đi thì mình mới giàu lên. Thực ra, nhà doanh nghiệp sẽ được lợi nếu người tiêu dùng giàu có.
- Năng lực sản xuất của quốc gia phụ thuộc vào việc phân công lao động và tích lũy tư bản. Năng suất lao động gia tăng nhanh chóng nếu biết phân chia quy trình sản xuất thành nhiều công đoạn nhỏ, mỗi công đoạn lại được những người có tay nghề thực hiện. Nhà doanh nghiệp thu được giá trị thặng dư để có thể đầu tư theo chiều sâu và mở rộng sản xuất.
- Thu nhập của mỗi quốc gia trong tương lai phụ thuộc vào tốc độ tích lũy tư bản. Những ngành có năng suất cao càng được đầu tư nhiều thì càng tạo ra nhiều của cải trong tương lai.
- Khi được tự do trao đổi và cạnh tranh lành mạnh thì thị trường tự động điều tiết để tập trung vào những nhu cầu thiết yếu, chẳng cần một “ý chí chỉ huy” chủ quan nào hết.
- Chế độ pháp trị, quốc phòng, luật pháp là để duy trì nền kinh tế thị trường lành mạnh. Tự do trao đổi hàng hóa và cạnh tranh không dẫn đến hỗn loạn, mà ngược lại, như được “ bàn tay vô hình” dẫn dắt, tạo ra trật tự và hài hòa.
- Các nhóm đặc quyền sử dụng quyền lực của Nhà nước nhằm làm méo mó hệ thống thị trường để thu lợi riêng, những điều luật ngăn chặn cạnh tranh lành mạnh sẽ gây tổn hại cho kinh tế thị trường.
- Thuế khóa phải tỉ lệ thuận với thu nhập, phải minh bạch và dễ đóng. Thuế không được gây cản trở cho doanh nghiệp, không được quá nặng và gây phiền hà khiến người ta phải lách luật, trốn thuế.
- Con người vốn có sự đồng cảm tự nhiên với đồng loại. Đây chính là cơ sở, là nguồn gốc đạo đức của con người. Bản chất con người là động cơ dẫn đến sự hình thành xã hội hài hòa, phát triển bền vững. Đặc biệt, bạn đọc cần lưu ý rằng, tư tưởng quan trọng đầy tính nhân văn này của A. Smith thể hiện trong tác phẩm “ Lý thuyết về cảm nhận đạo đức” đã xua tan mọi thành kiến lâu nay xếp A. Smith là một nhà kinh tế theo khuynh hướng vụ lợi. Ngược lại, chính ông là một nhà nhân văn chủ nghĩa, nhà đạo đức học hàng đầu.
Cuốn “ Lý thuyết về cảm nhận đạo đức” không chỉ là quan niệm cốt lõi của A. Smith về đạo đức mà còn là cách trình bày của ông về cách các cá nhân sẽ phải hành xử văn minh trong giao dịch hằng ngày.
Mong rằng cuốn sách nhỏ gọn này (khổ 13 x 19 cm, 140 trang) sẽ sớm đến tay các bạn trong những ngày toàn dân sôi nổi đóng góp ý kiến xây dựng các văn kiện quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XI.