Năm 1442, Johann Gutenberg đã in quyển sách đầu tiên bằng chữ rời. Ông đã giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật đến nỗi phương pháp in của ông hầu như không thay đổi trong gần 400 năm sau. Hơn thế, chính ông đã phát minh ra chất liệu in mới - hợp kim gồm chì, thiếc, ăngtimôn, có thể tiết kiệm chi phí in ấn, và tạo ra mực in dầu không nhạt màu, gồm dầu hạt lanh và bồ hóng (trước kia mực in được người Ai Cập và người Trung Quốc làm bằng bồ hóng và nhựa cây).
Cần biết rằng từ trước khi có phát minh của Gutenberg, con người sản xuất sách bằng cách sao chép cần cù (sử dụng bút lông ngỗng, sao chép bằng tay trên giấy được làm bằng da thú), mất rất nhiều thời gian và công sức. Đã thế, người sao chép có thể chép sai nội dung. Việc chép sách bằng tay làm cho việc truyền bá những tư tưởng mới rất chậm chạp và nhọc công. Sau khi đưa ra những lý thuyết mới và viết thành sách, nếu không đủ điều kiện để sao chép, những tư tưởng của các nhà khoa học dễ dàng mất đi sau khi họ qua đời. Do vậy, con người nhiều lần khám phá lại những kiến thức và giải quyết những vấn đề đã được giải quyết hoàn toàn trước đó.
Đến giữa thế kỷ XV, lĩnh vực in ấn bắt đầu phát triển. Đây là một trong những lý do chính làm bùng nổ các tư tưởng (thời đại Phục hưng). Tri thức của loài người đã nhảy vọt, nhanh hơn nhiều lần so với trước.
Nghề in xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc
Những nhà phát minh ra nghề in là người Trung Quốc. Từ thế kỷ IX, họ đã khắc những trang đầy đủ của văn bản trên những khối gỗ và dùng các khối gỗ này in lại những bản sao. Sau đó, họ lại biết khắc chữ trên những khối rời để có thể sử dụng nhiều lần.
Do thiếu sự liên lạc giữa Trung Quốc với các quốc gia khác nên phát minh về in ấn không được phổ biến rộng và nhanh chóng. Song phát minh về giấy của người Trung Quốc đã lan đến châu Âu từ thế kỷ XI. Người Trung Quốc làm ra giấy từ khoảng năm 105 sau Công nguyên. Họ xay nghiền giẻ vải lanh với nước thành bột, để cho bột giấy khô đi thành một tờ giấy. Làm giấy cách này thuận tiện hơn in trên da thú bởi da thú cần phải được làm sạch, thuộc và đập, đã thế, giấy nhẹ hơn, có độ dày đều hơn, rẻ tiền hơn trong khi cũng dai và bền như da. Nhiều loại cây được sử dụng để làm giấy nhưng thành công nhất là cây lanh. Việc sử dụng giấy trở nên thông dụng, khoảng năm 1450, giấy đã thay thế da (ngoại trừ những tư liệu pháp luật và những tư liệu quan trọng khác). ở Đức, giấy được sản xuất lần đầu tiên khoảng năm 1390, làm cho những kế hoạch in ấn với quy mô lớn trở nên khả thi, đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho phát minh của Gutenberg.
Quy trình in ấn
Thông thường, việc in ấn gồm 2 quy trình: Sắp chữ (ghép những chữ cái rời thành các từ và các từ thành các hàng) và xếp nó vào khuôn trang; Làm ra những bản sao bằng cách ép giấy vào chữ khi nó đã được quét mực (tương tự cách ép trái cây - vận hành máy bằng cách quay một cái trục đinh vít ép hai khối gỗ lại với nhau).
Cách in bằng các khối gỗ không thể dùng thể in những cuốn sách dày bởi sẽ cần cả một đội quân thợ khéo tay, mất nhiều thời gian và chi phí.
Bí quyết của ngành in nằm trong việc sử dụng các ký tự rời - những mẩu gỗ hoặc kim loại rời cho mỗi chữ cái của bảng chữ cái, những chữ hoa cũng như chữ thường, mỗi số đếm và mỗi dấu chấm câu. Những chữ này có thể đặt lại với nhau để làm ra văn bản cho một vài trang của một quyển sách. Sau khi những trang này được in, chữ có thể lấy rời ra và xếp lại cho những trang kế tiếp.
Có người cho rằng người đầu tiên sử dụng chữ in rời là Laurens Coster ở Haarlem (Hà Lan), từ năm 1425. Người khác lại cho rằng một người Italia có tên Pampilo Castaldi đã đi tiên phong. Lại có người khẳng định một người Séc (Czech) sống ở Avignon (Pháp) tên là Procopius Waldfoghel đã thực hiện “cách viết nhân tạo” năm 1444. Tuy nhiên, sau khi xem xét các bằng chứng, các chuyên gia thống nhất rằng chính Gutenberg là người đầu tiên thực hiện việc in một quyển sách bằng cách sử dụng chữ in rời.
Theo một số tài liệu được lưu giữ đến nay, năm 1438, Gutenberg cùng Hans Riffe, Andres Heilmann và Andres Dritzehen thảo hợp đồng hợp tác: ông đã phát minh ra một phương pháp và đồng ý dạy lại cho 3 người bạn để đổi lấy tiền thù lao và những khoản vay mượn lớn. Một khoản tiền đáng kể được dùng để mua chì, các kim loại khác và một máy ép.
Giáng sinh 1438, Andres Dritzehen chết đột ngột. Hợp đồng với Riffe và Heilmann kết thúc năm 1443. Theo xác định của các chuyên gia, từ 1442, Gutenberg hoàn thiện các chữ rời và bắt đầu in mẫu chữ in đầu tiên.
Để có đủ tiền phục vụ việc in ấn, năm 1450, nhà phát minh buộc phải vay Johann Fust, một công dân ở thành phố Mainz, 400 đồng gun - đơn (tiền Hà Lan) với điều kiện sẽ mất hết thiết bị nếu không trả tiền đúng hạn. Hai năm sau, nợ cũ chưa trả, Gutenberg tiếp tục vay thêm 200 đồng nữa. Với những khoản tiền này, nhà phát minh đã hoàn thiện phương pháp đúc chữ in và đúc đủ để bắt đầu in tác phẩm “Kinh Thánh bốn mươi hai dòng” (hầu hết các trang đều có 42 dòng ở hai cột). Cả quyển gồm 1.282 trang, 641 tờ, và khoảng 300 bản đã được in. Các chuyên gia cho rằng tác phẩm này được in thành 10 đoạn, như vậy, Gutenberg phải có đủ chữ in để sắp chữ khoảng 130 trang một lần. Nếu đúng thế thì nhà phát minh đã phải sử dụng gần 400.000 mẫu chữ.
Tuy nhiên, với mỗi chữ được sắp bằng tay và mỗi tờ giấy lần lượt được đặt vào máy in để in, lấy ra, phơi khô rồi lại in mặt bên kia, công việc in Kinh Thánh mất quá nhiều thời gian. Năm 1455, Fust khởi kiện và lấy mất máy in, chữ in, những quyển Kinh Thánh đã hoàn thành của Guntenberg. Nhà phát minh chẳng thu được đồng nào từ phát minh của mình.
Sau khi tiếp nhận cơ sở của Gutenberg, năm 1457, Fust hợp tác với Peter Schoeffer, quản đốc của Gutenberg, một thợ thủ công giỏi, in quyển Thánh Vịnh, quyển sách đầu tiên ghi rõ ngày tháng xuất bản và tên của các chủ nhà in. Fust và Schooffer là những chủ nhà in đầu tiên chấp nhận thói quen (sau này trở thành mẫu mực) giữ lại trong kho các khuôn chữ cho lần xuất bản sau để tiết kiệm phí tổn sắp chữ lại cho những lần tái bản. Trong khi đó, Johann Gutenberg vẫn tiếp tục công việc in ấn sau khi được một người bạn là bác sĩ Konrad Homery cho mượn máy in và chữ in. Năm 1462, ông lại bị lưu vong khỏi Mainz trong đợt thành phố bị cướp phá, nhưng sau đó cũng trở về. Năm 1465, ông được bảo trợ bởi Tổng Giám mục Mainz Adolph II, nay đã trở thành người cai quản nước Đức. Có thể chính vị Tổng Giám mục này đã chính thức ghi nhận thành tựu của Johann Gutenberg.
Ngày 3/2/1468, Johann Gutenberg qua đời nhưng phần mộ không được đánh dấu. Để ghi nhớ công ơn của nhà phát minh có tài này, một tượng đài của ông đã được dựng ở Mainz, nơi có cả Bảo tàng Gutenberg.
Bình Minh (Tổng hợp từ nhiều nguồn) |
|
|
|