Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 17/08/2005 17:35 (GMT+7)

Hướng tới thành lập một tổ chức trí thức Việt kiều

1.Vai trò của chất xám Việt kiều và sự cần thiết có mặt một diễn đàn cho kiều bào.

Đã hơn 30 năm rồi, sau ngày hòa bình, thống nhất, tôi thường trăn trở về việc này. Đất nước đổi mới, tôi đã có dịp nhiều lần phát biểu trên các diển đàn trong và ngoài nước về việc huy động chất xám Việt kiều trong công cuộc kiến thiết đất nước.

Tháng 3 năm 1989 trong một bài báo dành cho Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tôi đã viết:


"… không thể có phát triển kinh tế, tiến bộ kỹ thuật, nâng cao đời sống nếu nhà cầm quyền không trân trọng sử dụng những chuyên gia, thức giả biết việc, biết làm, nếu không đặt để họ ở những vị trí thật sự có trách nhiệm, có quyết đoán. Mà trân trọng sử dụng chất xám phải chăng trước tiên là chất xám sở tại, có mặt tại Việt Nam. Vì rằng hơn ai hết họ nắm rõ môi trường cụ thể của địa bàn Việt Nam. Sử dụng chất xám một cách trân trọng đúng nghĩa là không câu nệ, không thành kiến, không lý lịch phiền hà, không phân biệt quá khứ, thành phần, không hỏi tra từ đâu về, từ đâu đến…"

Cũng trong bài báo này, tôi đã phát biểu như sau về thái độ cần thiết đối với các chuyên gia và trí thức:

"Chuyên viên, kỹ thuật gia, người trí thức có yêu cầu ưu tiên không thể không có được là không khí cởi mở, dân chủ, có điều kiện phát biểu ý kiến tự do, tôn trọng sự thật, tôn trọng cái hay, cái đẹp, cái đạo lý. Trong một khung cảnh như vậy, vàng thau mới không lẫn lộn, chánh tà mới được phân biệt và những tệ đoạn trù dập, bao che, trấn áp, bảo thủ, hẹp hòi, trục lợi, trục quyền, sẽ dần dần lui vào bóng tối. Và tôi thẳng thắn đề nghị bãi bỏ quan điểm giai cấp công nhân hẹp hòi loại trừ chuyên gia trí thức ra ngoài giá trị tiên tiến trong xã hội, gây ra những sứt mẻ, mặc cảm phi lý vì nói cho cùng người kỹ sư, vị bác sĩ, nhà văn học là những người lao động, người thợ có học trình dài, có năng khiếu, có trí thức rộng, là những đầu tàu của thời đại phát triển kinh tế, kiến thiết mở mang đất nước trong kỹ nguyên hòa bình ngày nay..."

Sau đó 5 năm (1994), nhân dịp được Ủy Ban Trung Ương về Người Việt ở nước ngoài (UBTUNVNONN) và Bộ Giáo dục và Đào tạo mời về tham dự Hội nghị Tư vấn chuyên đề về cải tổ giáo dục được tổ chức tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM, tôi đã gởi về một bài tham luận trong ấy có đoạn như sau:

"…Đến đây tôi không thể không đưa ra một nhận định của tôi về phương thức vận động và tập hợp các chuyên gia Việt kiều. Qua cung cách tổ chức và sinh hoạt có tính cách phong trào hiện nay, cung cách vẫn còn sót lại từ thời bao cấp, sức hấp dẫn của thời trước không còn là bao nhiêu nữa! Tôi nghĩ vì lợi ích chung của dân tộc trong giai đoạn quyết định đầy thử thách hôm nay, để thực hiện có hiệu quả công cuộc vận động trí tuệ Việt Nam, hướng nguồn trí tuệ vô giá ấy vào quỹ đạo xây dựng đất nước trong khối Đại đoàn kết dân tộc.

Đặc biệt là đối với các chuyên gia ta phải có cách làm ăn có tính cách nghề nghiệp, đánh giá các chuyên gia qua khả năng chuyên môn, qua sự thành công của họ trong xã hội phát triển họ đang sống… Ta cần bàn tay có ngón ngắn ngón dài kết hợp lại thành một bàn tay tinh thông tài nghệ, biết đáp ứng trước những tình huống phức tạp của xã hội Việt Nam trên đường phát triển, ta không cần đơn thuần cục mịch một quả đấm…

Bài này đã không được đọc trên diễn đàn chính thức, nhưng sau đó đã được đăng toàn văn trên kỷ yếu của Hội nghị và tạp chí ĐỐI THOẠI xuất bản tại California (Mỹ) số 5 tháng 4 năm 1995, có đăng lại nguyên văn qua những trang trang 50 - 61. Cũng trong bài báo này tôi đã có những đề nghị cụ thể sau đây về vai trò của chuyên gia và trí thức hải ngoại trong công cuộc hiện đại hoá và công nghệ hoá đất nước:

"…Đưa một chuyên gia quốc tế, một giáo sư giỏi, có tầm cỡ vào tham gia một dự án tài trợ không phải là một vấn đề giản dị. Tuy vậy, muốn phát triển nhanh, muốn sự chuyển giao công nghệ được thực hiện qua những dự án cộng tác cần những loại người này. Một hướng để giải quyết khó khăn trên là dựa vào các chuyên gia Việt kiều. Tham gia các dự án giúp đỡ Việt Nam phát triển là một tiền đề phù hợp với tình cảm hướng về quê hương, mong cho đất nước sớm giàu mạnh sánh vai cùng các con rồng của Châu Á - Thái Bình Dương. Đó là tình cảm phổ biến của đại đa số người Việt sinh sống ở hải ngoại. Những chuyên gia Việt kiều có tầm cỡ trên thế giới hiện nay không phải là lá mùa thu, là sao buổi sớm. Sự tham gia của chuyên gia Việt kiều sẽ đảm bảo cho việc khả thi chuyển giao công nghệ, sự trường tồn cũng như sự thực hiện hữu hiệu của những dự án hợp tác. Qua liên lạc của các chuyên gia Việt kiều có uy tín về khoa học, về nghiệp vụ đại học, ta mới huy động một cách có hiệu quả nhân sự cũng như tài chính cho việc hợp tác quốc tế…"

Năm 1999, trong dịp Hội thảo mùa hè được một số trí thức kiều bào tổ chức tại Liège, Bỉ, trong bài phát biểu về quãng đường 3 năm các chương trình Cao học Bỉ & Việt do tôi đề xướng và điều phối tại các trường Đại học Bách khoa TP.HCM và Hà Nội, tôi đã giải bày rõ lý do của sự chọn lựa của mình:

"…Trước nhất tôi thiết nghĩ tham gia giúp đỡ Việt Nam phát triển giáo dục đào tạo, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ Âu-Mỹ-Nhật vào Việt Nam là góp phần xây dựng xã hội công dân Việt Nam. Công dân thế nào thì chính quyền thế ấy. Thời nào cũng vậy, không có một xã hội công dân lành mạnh, thì không thể có một chánh quyền lành mạnh. Đây là điểm chính thôi thúc tôi bắt tay vào việc và bỏ ra rất nhiều công sức.

Sau đó tôi nghĩ ta nên làm ngay những gì trong tầm tay, vật cản càng lớn thì ta làm dự án càng nhỏ. Được công nhận và tin cậy thì mới dần dần mở rộng ra. Chờ đến chừng nào nữa, tóc đã bạc màu, tuổi đã gần về hưu, nếu chần chờ sẽ không còn thì giờ nữa, sẽ mất đi những điều kiện có được hôm nay ở nước ngoài. Con cái tôi thuộc thế hệ thứ hai, ăn học cũng khá đấy, cũng ngoan ngoãn đấy, nhưng làm gì có cái “nghiệp làm người Việt Nam” như chúng ta?

Nhân dịp lễ Giáng Sinh 2002, trong buổi ra mắt Ban Liên lạc Trí thức và Chuyên gia người Việt tại Bruxelles thủ đô Bỉ, tôi cũng đã gợi ý:

"… Chúng tôi lại thiết nghĩ rằng, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, trong giai đoạn đang tìm tòi học hỏi phương cách hoàn thiện cơ thế, tranh thủ học thuật để canh tân phát triển, trong lúc không thiếu người Âu, người Mỹ, người Úc hay các nước khác sang Việt Nam trực tiếp giúp đỡ, chẳng lẽ người Việt sinh sống ở hải ngoại đặc biệt ở Bỉ lại làm ngơ?

Chúng tôi cũng trộm nghĩ nước Việt Nam của chúng ta là vĩnh cửu, dân tộc của chúng ta là sẽ mãi mãi trường tồn, đang và sẽ vươn lên như ngàn xưa, hùng cứ bên bờ Thái Bình Dương theo hình chữ S, "anh hùng hào kiệt thời nào cũng có (Nguyễn Trãi)".

Chúng ta, Việt kiều tại Bỉ, phần lớn là những người đi học, học chuyên nghiệp, học cao đẳng, học đại học; đi du học trước 75, đi du học gần đây trong thời mở cửa, một trong những dân tộc hiếu học vào bậc nhất trên thế giới. Chỗ mạnh của chúng ta như vậy là sở học, là chất xám, chất xám được đào tạo trong một nước phát triển, có công nghệ kỹ thuật cao, có tổ chức xã hội tiên tiến…

Chúng tôi cũng thầm nghĩ rằng chúng ta đã từ nhiều năm tháng, cùng chia sẻ một bức xúc chung: Đất nước Việt Nam của chúng ta vẫn còn chưa phát triển đúng mức, vẫn còn có nhiều thua thiệt so với lân bang !

Chúng ta không ít người cũng đã bao lần tự hỏi phải làm gì, làm gì để giúp đất nước trên con đường hội nhập vào thế giới văn minh hiện đại, tranh thủ thị trường, tạo điều kiện công nghiệp hoá và hiện đại hoá các xí nghiệp, các cơ quan, trong bối cảnh hoà bình, ổn định, vững bền?

Gần đây hơn, nhân dịp Tết Giáp thân 2004, được chỉ định phát biểu thay mặt kiều bào năm châu về thành phố HCM ăn Tết, tôi đã có nhận định như sau về vai trò của Việt kiều trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước:

"…Việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị thu nhập của người dân, việc đi tắt đón đầu để phát triển công nghệ tri thức, công nghệ kỹ thuật cơ bản, không thể thiếu cống hiến của những bộ óc được đào tạo bài bản ở các nuớc tiên tiến, đã được tôi luyện, cọ sát với thực tế công nghệ hiện đại…"

Sáu tháng sau, qua bài phát biểu đọc tại Đại Hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ VI ngày 23.09.2004 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội tôi cũng có đề nghị cụ thể:

"(Nên) sớm tổ chức một ngày hội, một diễn đàn để trí thức và chuyên gia trong và ngoài nước có dịp trao đổi bàn thảo, hiến kế cho…chính phủ nhất là trong những lĩnh vực có tính chiến lược cho công cuộc phát triển…"

Ngay sau khi phát biểu trả lời báo điện tử VietNamNet về việc cần phải làm để thu hút chất xám Việt kiều, tôi đã nêu ý kiến sau đây :

"Tiềm lực của kiều bào ta ở nước ngoài phải nói là rất lớn, chất xám của Việt Nam rất dồi dào. Cái giàu của Việt Nam hiện nay không phải chất xanh đâu, mà là chất xám. Nhưng những tiềm năng ấy vẫn chưa khai thác hết. Mong rằng chính sách mới, quyết tâm mới của Nghị quyết 36 và nhất là mục tiêu đổi mới phương thức hoạt động của MTTQVN, đặc biệt là có chủ trương đại đoàn kết dân tộc như hiện nay, chúng ta không phân biệt người trong và ngoài nước ngay từ ý thức hệ. Ngay cả với những người không đồng ý với đường lối, chủ trương của Đảng vẫn có thể tham gia xây dựng đất nước, miễn là dựa trên tinh thần đoàn kết, xây dựng. Tức là, phải biến Nghị quyết thành hành động cụ thể. Nếu Nghị quyết được thực hiện tốt, nó sẽ có sức công phá rất lớn và nó sẽ tạo ra sự ràng buộc, gắn kết chặt chẽ giữa người cùng một nước, bất chấp khoảng cách về không gian, thời gian. Tôi đang chờ ở khâu thực hiện vì hiện nay theo tôi biết, từ khi Nghị quyết này được ban hành, có nhiều con tim đã vui trở lại…"

Sau ngày tham gia Hội Nghị MTTQ, được chuyên san điện tử "Người Viễn Xứ" của VietNamNet hỏi tôi về tính khả thi của nghị quyết 36 tôi lại nêu lên sự cần thiết của một diễn đàn cho trí thức Việt kiều:

"… Và tôi mong sẽ có một diễn đàn chính thức dành cho tất cả mọi đối tượng, có thể khởi đầu bằng các chuyên gia, trí thức để cùng trao đổi với nhau theo hướng không phân biệt ý thức hệ, tôn giáo, chính kiến, làm sao để thu hút được tài năng, trí lực của cộng đồng về cho đất nước. Cần phải có diễn đàn để tất cả mọi ý kiến đều được trình bày, cùng nhau suy nghiệm trên tinh thần khoa học, xây dựng, cầu tiến. Nếu diễn đàn đó được tổ chức tại Việt Nam thì tôi nghĩ đó sẽ là phương thuốc an thần để mọi người có thể yên tâm, tin tưởng…”.

2.Hướng tới việc thành lập một tổ chức chuyên gia và trí thức Việt kiều.

Sau Tết Ất Dậu năm nay, những trăn trở ấy, những mong ước từ bao năm hầu như có chỗ giải bày, có hướng giải quyết...

Thật vậy, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM đã đề đạt những sáng kiến cụ thể có tính đột phá: Phối hợp với trí thức và chuyên gia Việt kiều đang ở trong và ngoài nước, thành lập một Câu Lạc Bộ Chuyên Gia và Trí thức Việt kiều, phối hợp với trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để hình thành Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học công nghệ của Việt kiều tại thành phố. Đây chính là những bước đệm ban đầu rất thực tế và hữu hiệu ngõ hầu dẫn đến việc hình thành Hiệp Hội Chuyên gia và Trí Thức Việt Kiều hoạt động trên địa bàn cả nước.

Được tham khảo ý kiến chúng tôi đã nhanh chóng đề đạt nội dung sau đây cho tổ chức ấy:

- Liên lạc trí thức chuyên gia Việt kiều (TTCGVK) tại hải ngoại. Tích trữ dữ liệu về chuyên môn của TTCGVK, phối hợp thực hiện những dịch vụ tư vấn ở nhiều tầm mức khác nhau: quốc gia, thành phố, cơ quan, trường Đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội… khi có yêu cầu. Việc đầu tiên là tham khảo để đi đến thành lập Hội đồng Việt Kiều Tư Vấn cho Chánh phủ Việt Nam.

- Đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu những mô hình du học tại chỗ, hình thành những chương trình đào tạo quốc tế trọng điểm có Việt kiều và quốc tế tham gia. Tập hợp những chuyên gia cao cấp VK và quốc tế, phối hợp với các trường ĐH Việt Nam để mở một "Trung tâm Liên lạc các Chuyên gia ĐH VK" sinh hoạt trong khuôn khổ của Hiệp Hội. Bước đầu có thể là Đào tạo Thạc Sỹ và Tiến sỹ và bao gồm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

- Phối hợp với các khu chế xuất, các khu công nghệ cao, thành lập các công ty hoạt động về công nghệ cao.

- Phối hợp với UBNVNON, tổ chức và bố trí Làng Việt Kiều, tạo điều kiện nghỉ ngơi, giải trí và đóng góp chất xám cho các sinh hoạt trên.

- Tham gia tư vấn thành lập Ngân hàng Việt kiều.

- Tham gia thành lập một tờ báo Việt kiều, trước tiên là báo điện tử, sau đó là báo in…

Về những phương pháp tổ chức hoạt động, chúng tôi cũng có những ý kiến cụ thể ban đầu như sau:

Phối hợp với UBNVNON để có ủng hộ của chính phủ Việt Nam hay TP HCM:

- Cơ chế 1 cửa, đất đai, cơ ngơi, vốn ban đầu…

- Phối hợp với các trường ĐHQG, ĐH trọng điểm chung quanh để tạo cộng hưởng chung "synergy", ai cũng thắng, ai cũng có lợi.

- Cắt dự án khung này thành nhiều dự án cơ sở, dự án con, dự án tình thế để xin tài trợ nhà nước, thành phố và quốc tế. Những dự án này sẽ được đề đạt chi tiết và triển khai thực hiện với từng chuyên gia, từng nhóm trên tinh thần tự quản.

- Với sự ủng hộ của chính phủ tranh thủ vốn thông qua các tổ chức quốc tế như UNDP (United Nations Development Programme), Asian Developtment Bank (ADB), Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) để xây dựng một trường Đại học có chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam, nơi các khoa học Việt kiều sẽ có điều kiện thi thố.

Chúng tôi mong mỏi tổ chức này sẽ là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, một tổ chức dân sự có sự hỗ trợ, giám sát quản lý của nhà nước thông qua UBNVNONN.

Chúng tôi cũng nghĩ tổ chức sẽ có những sinh hoạt phù hợp với mục đích căn bản hiện nay: góp phần cụ thể vào công cuộc hiện đại hoá đất nước, tạo điều kiện để đưa đất nước tăng trường nhanh bằng cách thúc đẩy chuyển giao công nghệ, cải cách giáo dục đào tạo, nhanh chóng hội nhập bền vững vào thị trường thế giới.

Chúng tôi cũng có đề nghị là hoạt động của tổ chức phải được mở rộng cho các lĩnh vực có liên quan đến các ngành khoa học nhân văn.

3.Những vướng mắc còn tồn đọng.

Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, trí thức Việt kiều khắp năm châu, chúng tôi rất vui mừng là chỉ qua cá nhân tôi và trong thời mới có 4 tháng đã có trên 80 người đang có nghiệp vụ vững chắc tại Mỹ, Úc, Pháp, Canada, Đức, Anh, Ý, Thụy Sỹ, Hà Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Bỉ… viết thư hưởng ứng tham gia…

Tuy nhiên việc ra đời của tổ chức này còn nhiều điều vướng mắt trong cơ chế hiện hành. Thật vậy, tuy đã có văn kiện chỉ đạo rất đổi mới là nghị quyết 36, có những tuyên bố rất thuyết phục của Thủ tướng chính phủ, việc thành hình một tổ chức dân sự tại Việt Nam có yếu tố nước ngoài vẫn chưa có văn bản hướng dẫn hay luật cụ thể. Cơ chế hiện nay bị đóng khung bởi nghị định 88, một cơ chế rất thiếu thông thoáng, còn tồn đọng từ thời bao cấp, không cho phép kiều bào chính thức tham gia bất cứ tổ chức dân sự nào hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Một tổ chức mang danh Việt kiều mà người Việt tại hải ngoại không có mặt là một nghịch lý khó chấp nhận.

Nếu tổ chức này chỉ bao gồm những Việt kiều đã chính thức hồi hương, đã có cơ sở đầu tư tại Việt Nam thì tôi xin tự hỏi có cần thiết không và làm sao tổ chức này có tính đại diện? Làm sao có thể huy động kiều bào về giúp nước khi ngay chiếc cầu nối lại bị cấm bước qua?

4.Lời kết của bài phát biểu của tôi chính là một kiến nghị.

Tôi mong mỏi chính phủ cho phép sự có mặt một tổ chức Việt kiều bao gồm kiều bào đã về nước sinh sống và đang định cư tại hải ngoại. Hình thức nhẹ nhàng, chẳng hạn một Câu lạc bộ khoa học và kỹ thuật Việt kiều (OVS-Club), được thí điểm tại TP Hồ Chí Minh là một điểm son của xu hướng đổi mới cơ chế.

Tôi còn mong mỏi, cao xa hơn nữa, các cơ quan chức năng sẽ sớm thực hiện nghị quyết 36 bằng hành động cụ thể, bằng con đường ngắn nhất, như hầu hết các nước tiên tiến trên thế giới, để trong những ngày tháng tới sẽ không có sự phân biệt nào hết giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại, mọi người được đối xử bình đẳng về quyền lợi cũng như nghĩa vụ.

GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng*
*Địa chỉ e-mail : H.NguyenDang@ulg.ac.be
Nguồn: http://nguoivienxu.vietnamnet.vn ngày 16/8/2005.

Chúng ta không ít người cũng đã bao lần tự hỏi phải làm gì, làm gì để giúp đất nước trên con đường hội nhập vào thế giới văn minh hiện đại, tranh thủ thị trường, tạo điều kiện công nghiệp hoá và hiện đại hoá các xí nghiệp, các cơ quan, trong bối cảnh hoà bình, ổn định, vững bền?

Xem Thêm

Cao Bằng: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, đồng thời tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi kết quả tư vấn, phản biện được áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô phải minh bạch phương án tài chính
Khẳng định đầu tư theo phương thức đối tác công tư(PPP) đối với dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc thuộc DA Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là cần thiết, chuyên gia lưu ý, Nhà nước phải minh bạch phương án tài chính, có phương án tổ chức giao thông rõ ràng, nhất là đối với các phương tiện liên tỉnh bắt buộc phải đi qua Vành đai 4 để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư.
Các nhà khoa học góp ý cho Dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô
Ngày 12/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Khoa học và kỹ thuật Cầu đường Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tác động của việc xây dựng Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội".
Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn phản biện của Liên hiệp hội Việt Nam
Thời gian qua Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB &GĐXH) rất sôi nổi. Rất nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo đã được tổ chức, các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc đã đóng góp được những ý kiến rất phong phú, bổ ích.
Phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
Hoạt động TVPB&GĐ XH là hoạt động mang tính xã hội, độc lập, khách quan, do trí thức đóng góp trí tuệ, cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở đánh giá, phân tích và quyết định các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn có liên quan về KH&CN, GD&ĐT và chính sách xây dựng đội ngũ trí thức.
Liên hiệp Hội Sơn La: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phản biện
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Phát triển nhà ở xã hội: Cần bổ sung cụ thể vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Trong tờ trình về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.