Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng
Hiện nay, thực trạng nhân sự hành chính vẫn còn nhiều bất cập. Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội khóa XII vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra bức xúc với những vướng mắc trong việc bổ nhiệm, đề bạt hay thuyên chuyển cán bộ. Một đại biểu cho biết: “Thực tế để bổ nhiệm được một cán bộ vào vị trí lãnh đạo phải qua nhiều bước, nhiều cấp xem xét, nhưng con voi vẫn lọt qua lỗ kim, cũng chính vì thế nên việc thuyên chuyển kỷ luật, cách chức một cán bộ công chức vô cùng khó khăn, phức tạp, mặc dù sai phạm và trì trệ của họ đã quá rõ ràng. Có nhiều trường hợp cấp trên đã chỉ đạo bằng văn bản, nhất là trong lĩnh vực giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân nhưng cấp dưới không thực hiện để công dân phải khiếu kiện vượt cấp, thử hỏi tại sao trên nói dưới không nghe, nhưng vẫn không bị xử lý?”.
Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu cùng chung ý kiến cho rằng, một bộ máy hành chính mạnh là khi người đứng đầu có đủ mọi quyền hành để xử lý kỷ luật cấp dưới của mình. Như vậy thì người làm được việc sẽ nhanh chóng được cất nhắc đề bạt và những người sai phạm mới kịp thời bị thay thế. Quốc hội cần xem xét bổ sung sửa đổi các luật có liên quan đến bộ máy Nhà nước. Trong đó thể chế hoá thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cấp được quyền giới thiệu, cất nhắc, bổ nhiệm và xử lý cán bộ dưới quyền kèm theo đó là một hệ thống giám sát chặt chẽ có hiệu quả của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói rằng, muốn dùng cán bộ đúng, người cán bộ lãnh đạo cần có “ 5 phải”: “ Phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ không bị bỏ rơi; Phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gũi với người mình không ưa; Phải có tính chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp họ tiến bộ; Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà cách xa cán bộ tốt; Phải có thái độ vui vẻ thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình”.
Bác từng dạy, muốn có cán bộ tốt thì phải có chế độ đãi ngộ, quan tâm xứng đáng. Thế nhưng, hiện nay lại có không ít ý kiến bức xúc trước những bất cập về chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở, về kinh phí, phương tiện và điều kiện làm việc. Tại phiên thảo luật về tình hình kinh tế-xã hội của Quốc hội ngày 29-10, một đại biểu đã nói: “Hiện không ít cán bộ không chuyên trách ở cơ sở giữ nhiều vị trí quan trọng nhưng chỉ được hưởng chế độ phụ cấp ở mức rất thấp, không đủ nuôi sống bản thân. Chế độ chính sách như vậy không động viên khuyến khích được cán bộ công tác ở cơ sở. Anh chị em tâm tư, thắc mắc, gây khó khăn cho việc điều hành bố trí cán bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hiệu quả hoàn thành công việc, nhiệm vụ ở cơ sở”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn cán bộ tốt thì cơ quan phải quản lý “ phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Đồng thời, phải thường xuyên huấn luyện cán bộ để nâng cao trình độ giác ngộ, phương pháp tư tưởng, phẩm chất đạo đức và năng lực làm việc cho cán bộ, làm cho cán bộ ngành nào thành thục về chuyên môn của ngành ấy; làm sao cho bất cứ cán bộ nào cũng đều phải “ vững về chính trị, giỏi về chuyên môn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “ cán bộ là gốc của mọi việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.