Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam không ngừng phát triển
Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, tính đến nay với tổng số trên 7000 hội viên và trên 50 Hội cơ sở, chi hội và Hội viên tập thể trên cả nước. Hội đã tập hợp được đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu đầu ngành, các trường đại học, các cơ quan quản lý, các tổ chức tư vấn ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đặc biệt là có sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn chung tay xây dựng, vì sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam.
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam
Từ khi thành lập tới nay, Hội đã đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô. Hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Hội đã được dư luận xã hội đánh giá cao bởi tính chủ động, khách quan, khoa học có tính xây dựng cao và có cách tiếp cận phù hợp với mối quan tâm của lãnh đạo thành phố. Các ý kiến góp ý đã thực sự hữu ích, hiệu quả cho các cơ quan lập pháp và hành pháp ở các cấp.
Chia sẻ với vusta.vn, KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, những năm qua, Hội đã tham gia đóng góp ý kiến cho các quy định của pháp luật liên quan đến quy hoạch và xây dựng (Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Kiến trúc, Luật Quy hoạch đô thị, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa, Luật Thủ đô và nhiều bộ luật có liên quan khác ...).
Từ nhiều năm nay, Hội Quy hoạch Phát triển Việt Nam luôn nhận được nhiều đề nghị đóng góp ý kiến cho các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị của Chính phủ, Bộ Xây dựng, các Tỉnh, Thành phố. Những đóng góp của Hội cho các Luật gần đây nhất như Luật Quy hoạch, Luật Kiến trúc và dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị cũng như các Nghị định hướng dẫn cũng như các góp ý về các Chiến lược, Định hướng, Chương trình phát triển đô thị, nông thôn quốc gia, các dự án xây dựng đô thị xanh- thông minh, mô hình chính quyền đô thị... đã thực sự hữu ích, hiệu quả cho các cơ quan lập pháp và hành pháp ở các cấp và các địa phương. Hội Trung ương và Hội cơ sở ở các địa phương đã tham gia nhiều hội đồng khoa học, Hội đồng Quy hoạch Kiến trúc, góp ý cho nhiều đồ án, dự án lớn có ý nghĩa quan trọng ở các tỉnh/thành phố trên cả nước, với những ý kiến kịp thời, cụ thể.
Đặc biệt trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, để chuẩn bị cho các văn kiện trình Đại hội vào năm 2021, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam đã được Ban kinh tế Trung ương tin tưởng mời tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến vào các nội dung quan trọng trình Bộ Chính trị như: Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án “Đô thị hóa và phát triển Đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định vào thời gian tới. Đây sẽ là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị riêng về đô thị hóa và phát triển đô thị trong quá trình CNH – HĐH tại Việt Nam, với tầm nhìn đến năm 2045, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1945- 2045).
Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN tham dự hội nghị điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050
Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội về các nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch và các đề án nâng cấp đô thị đã được Hội thường xuyên tham gia. Hội đã tập hợp các chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm tham gia phản biện cho đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô ; Điều chỉnh QHXD vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Huế, Cần Thơ, Vũng Tàu, Đà Lạt...; Đóng góp ý kiến cho đồ án thiết kế Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 – Ga Hồ Hoàn Kiếm; Chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường Sông Kim Ngưu; Đô thị hóa và phát triển nông nghiệp ven đô...Do nắm bắt kịp thời các vấn đề quan trọng của từng đồ án, nên các ý kiến góp ý đều thiết thực, cụ thể, có cách tiếp cận phù hợp với các mối quan tâm của các cơ quan quản lý, người lãnh đạo ở các địa phương, có giá trị cho việc nâng cao chất lượng các đồ án trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Kết quả này đã khẳng định và nâng cao vị thế của Hội trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong nhiều năm qua.
Trước trách nhiệm đối với xã hội và sự phát triển bền vững của đô thị, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam luôn quan tâm đến các vấn đề quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Để tham vấn cho các cấp chính quyền các địa phương, các Bộ ngành, Hội đã thường xuyên và chủ động, phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm trong nước và quốc tế như tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh... Các ý kiến đóng góp và các kiến nghị đề xuất được Hội tổng hợp làm báo cáo gửi Thủ tướng chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh/ thành phố và các cơ quan có liên quan. Đây là hoạt động thực sự hữu ích cho các địa phương trong việc tìm kiếm các giải pháp và đóng góp nhiều luận cứ khoa học để đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp, nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị. Hoạt động tư vấn, phản biện xã hội của Hội luôn nhận được sự đồng thuận và chia xẻ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Tổng hội Xây dựng Việt Nam; Hiệp hội công viên, cây xanh Việt Nam; Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Tại các hội thảo, hội nghị, Hội cũng vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Để kịp thời phát hiện, phản ánh và định hướng dư luận xã hội về các nội dung đang được xã hội quan tâm như vấn đề ùn tắc giao thông, môi trường, rác thải, xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô, công tác bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…lãnh đạo Hội đã thường xuyên tham gia trả lời phỏng vấn báo chí, đài truyền hình Việt Nam, truyền hình Hà Nội, Truyền hình nhân dân, Truyền hình Quốc hội... . Các ý kiến đều xác thực, cụ thể, kịp thời và nhận được sự đồng tình của truyền thông, của xã hội và được các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xem xét để từ đó đưa ra các giải pháp điều hành và quản lý phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật và quy hoạch được phê duyệt.
Đặc biệt năm 2018, được sự đồng ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã thành lập giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia. Đây là sáng kiến của Hội về ý tưởng hình thành một Giải thưởng riêng dành cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị Việt Nam. Một giải thưởng mà trong hơn 60 năm hoạt động của ngành xây dựng với sự nghiệp phát triển đô thị Việt Nam chưa có một giải thưởng được đề cập đúng tầm, KTS chính cho hay.
HT