Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 30/05/2013 23:00 (GMT+7)

Hội Cao Đài cứu quốc - Một nét son trong lịch sử đạo Cao Đài

Chỉ một thời gian ngắn sau ngày khai đạo (Rằm tháng 10 năm Bính Dần, tức ngày 18 - 11 - 1926), đạo Cao Đài đã nhanh chóng phân hóa thành nhiều chi phái hoạt động độc lập với nhau.

Cách mạng tháng Tám thành công, rồi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Những sự kiện lịch sử dồn dập ấy là ngọn lửa thử vàng đối với các chi phái Cao Đài.

Thực hiện chính sách chia để trị, dùng người Việt đánh người Việt, thực dân Pháp tìm mọi cách ve vãn các chi phái Cao Đài, song họ chỉ lôi kéo được một số chức sắc cấp cao của phái Tây Ninh. Đại diện phái này ký với Pháp Thỏa ước ngày 9 - 6 - 1946 chấp nhận đầu hàng Pháp, cam kết hỗ trợ hết mình cho việc lập lại trật tự và an ninh công cộng bằng một sự cộng tác trung thành với Pháp. Nửa năm sau, phái này bước thêm một bước dài trên con đường chống lại dân tộc với Thỏa ước ngày 8 - 1 - 1947 về việc lập ra “Quân đội Cao Đài”. Đạo quân ngụy này “được sự giúp đỡ của Quân đội Pháp” trong việc trang bị và trả lương; bù lại, nó “phải chịu sự kiểm soát của Quân đội Pháp và được điều động để chống lại quân du kích”. Một chức sắc được đưa ra làm “tổng tư lệnh” đạo quân ngụy này, nhưng quyền chỉ huy trong thực tế nằm trong tay một viên đại tá Pháp đứng dầu một phái bộ quân sự gồm 17 sĩ quan cấp tá và cấp úy cùng 24 viên chức. Trước đó, ngày 15 - 11 - 1946, Pháp đưa Lê Văn Hoạch, một chức sắc (bảo sanh quân) phái Tây Ninh, lên làm thủ tướng Nam kỳ quốc nhằm âm mưu tách phần đất này khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Việc một số chức sắc cấp cao phái Tây Ninh đầu hàng và cộng tác với thực dân xâm lược khiến những tín đồ Cao Đài chân chính không khỏi đau lòng và lo lắng cho tiền đồ của đạo.

Thay mặt những người Cao Đài yêu nước, cụ Cao Triều Phát, người đứng đầu Hội thánh Hậu Giang, tuyên bố trong cuộc mittinh ngày 12 - 10 - 1946, tại Bạc Liêu: “Trung thành với Chính phủ Hồ Chí Minh, cương quyết đấu tranh cho nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc” (theo tường thuật của báo Cứu Quốc,ngày 20 - 10 - 1946).

Để biến lời tuyên bố đó thành hiện thực, ngày 2 - 11 - 1946, cụ mở “Quyển sổ vàng Cao Đài cứu quốc”. Những tín đồ đóng góp tài chính vào Quyển sổ vàng này được tặng một bằng cấp mang những dòng chữ:

Trung thành với Tổ quốc!

Hy sinh cứu nước!

Đem độc lập cho dải non sông gấm vóc Việt Nam!

Tức là ba khẩu hiệu của quốc đạo, một tinh thần sắt thép trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chống xâm lăng để gìn giữ lãnh thổ Việt Nam”.

Để làm gương cho các đồng đạo, cụ Cao Triều Phát là người đầu tiên đóng góp với số tiền lên tới 1.000đ (trị giá 1.000 giạ lúa).

Ngày 17 - 10 - 1947, bên dòng kênh Dương Văn Dương trong chiến khu Đồng Tháp Mười, cụ tập hợp đại biểu của 12 phái Cao Đài trên toàn Nam bộ về dự hội nghị. Đặc biệt trong số 12 phái này có cả “phái Tây Ninh trung thành” do các ông Cao Huệ Chương, Nguyễn Văn Khảm, Hoàng Minh Viễn… đại diện (phân biệt với phái Tây Ninh phản quốc, theo Tây). Các đồng chí Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp và giáo sư Phạm Thiều - thay mặt cho Xứ ủy, Ủy ban Hành chính Kháng chiến và kỳ bộ Việt Minh Nam bộ đến dự. Hội nghị nhất trí thành lập Hội Cao Đài cứu quốc 12 phái hiệp nhất, bầu ra ban chấp hành gồm:

- Chủ tịch: cụ Cao Triều Phát (phái Minh Chơn Đạo).

- Phó chủ tịch: kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt (ban Chỉnh đạo).

Ông Nguyễn Văn Khảm (phái Tây Ninh trung thành).

- Tổng thư ký: ông Trần Minh Nhựt (phái Bạch y Chơn lý), cùng một số ủy viên thuộc các chi phái khác.

Hội Cao Đài cứu quốc trở thành một thành viên của Mặt trận Việt Minh.

Trong hội nghị tháng 10 - 1948, Hội quyết định thành lập hai đoàn thể: Thanh niên Cao Đài cứu quốc và Phụ nữ Cao Đài cứu quốc.

Ngày 24 - 10 - 1948, Hội ra Tuyên ngôn gồm 5 điểm:

1. Không nên nhìn nhận một số chức sắc tiên phong và tín đồ có đi theo giặc, bị kết án phản quốc.

2. Không thừa nhận bất cứ một chính phủ nào của thực dân Pháp lập ra đặng lừa gạt đồng bào quốc dân trong giờ phút quyết liệt này.

3. Ủng hộ chính thể Dân chủ Cộng hòa Việt Nam.

4. Hướng dẫn toàn chức sắc, chức việc, tín đồ trong nước cũng như ở hải ngoại tham gia triệt để cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

5. Hoan hô và tín nhiệm Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh đã anh dũng tranh đấu ròng rã ba năm nay chống lại xâm lược của thực dân Pháp, chỉ vì muốn thực hiện cho nước Việt Nam thống nhất, độc lập, dân chủ, phú cường.

Nhiều cán bộ của Hội đảm đương các chức vụ quan trọng trong bộ máy khách chiến. Cụ Cao Triều Phát được Hồ Chủ tịch cử làm cố vấn Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ (sắc lệnh số 132/SL ngày 15 - 12 - 1948). Đại biểu 17 đoàn thể và chính đảng ở Nam Bộ bầu cụ làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt) Nam bộ. Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt (3 - 1951) bầu cụ giữ chức Phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt toàn quốc. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt (Phó chủ tịch Hội) được cử làm ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ phụ trách công tác thương binh xã hội. Ông Huỳnh Văn Tồn là Phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt Nam bộ. Ông Trần Ngọc Lên là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 308… Nhiều cán bộ khác của Hội hoạt động tích cực trong các cơ quan chính quyền, mặt trận và các đơn vị bộ đội cấp tỉnh, huyện, xã.

Một số cán bộ của Hội đã anh dũng hy sinh. Có thể đơn cử một vài trường hợp: Phó chủ tịch Hội, kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt, bị địch bắt ngày 2 - 6 - 1949 khi thực dân Pháp mở trận càn lớn vào Đồng Tháp Mười, không khuất phục trước thủ đoạn mua chuộc của địch nên bị chúng tra tấn dã man đến kiệt sức và đã qua đời khi mới 34 tuổi. Ông Quách Văn Tuấn (tức Minh Tâm), một ủy viên Ban chấp hành Hội, bị giặc sát hại ngày 21 - 1 - 1949. Một ủy viên khác, ông Nguyễn Trung Nhàn, bị giặc bắt trong cuộc ruồng bỏ ở Đông Thành…

Trung ương đánh giá cao những đóng góp của Hội vào công cuộc kháng chiến cứu quốc. Trong thư đề ngày 26 - 1 - 1949 gửi cụ Cao Triều Phát, đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Tổng bộ Việt Minh viết: “Toàn thể 12 phái Cao Đài đã hiệp nhất lại dưới sự lãnh đọa của cụ, sát cánh cùng toàn thể đồng bào Nam bộ không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, kháng chiến oanh liệt chống thực dân xâm lược. (…). Trước sức đoàn kết chặt chẽ của các tôn giáo chung quanh Chính phủ kháng chiến, mưu mô dùng tôn giáo để chia rẽ dân tộc ta của thực dân Pháp bị thất bại hoàn toàn.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ngày 18 - 12 - 1954 Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Hội Cao Đài cứu quốc Huân chương kháng chiến hạng II vì “đã nêu cao tinh thần đoàn kết kháng chiến cứu nước”. Riêng cụ Cao Triều Phát, Chủ tịch Hội, được Hồ Chủ tịch tặng thưởng hai huân chương (Huân chương Độc lập hạng II và Huân chương Kháng chiến hạng I) và được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cùng với Hội Phật giáo cứu quốc, Hội Công giáo kháng chiến và các thành viên khác của Mặt trận Việt Minh - Liên Việt, Hội Cao Đài cứu quốc đã góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Hội đã viết nên một chương vẻ vang trong giáo sử đạo Cao Đài Việt Nam.

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

VUSTA tham dự Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới
Diễn đàn Đối thoại Tri thức Toàn cầu Muscat và Hội nghị lần thứ ba của Đại Hội đồng Khoa học Thế giới được tổ chức từ ngày 26-31/01/2025 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Oman. Đại diện VUSTA có Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh tham dự.
VUSTA làm việc với tổ chức Korea CEO Summit
Hà Nội, ngày 3 tháng 2 năm 2025 – Tại trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh đã có buổi làm việc với ông Park Bong Kyu, Tổng giám đốc của tổ chức Korea CEO Summit. Hai bên đã chia sẻ thông tin và trao đổi về khả năng hợp tác để tổ chức Diễn đàn Đô thị Văn hóa Công nghiệp Hội tụ 2025 (CICON 2025).
Vĩnh Phúc: Sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh
Sáng ngày 07/02/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc (LHH) tổ chức Hội nghị thông qua đề án sáp nhập Hội Kiến trúc sư vào LHH tỉnh. Phó Chủ tịch phụ trách LHH Đỗ Trung Hiếu và Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nguyễn Đạm đồng chủ trì hội nghị.
Tạp chí Việt Nam Hội nhập mở chuyên mục tuyên truyền về ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV CỦA ĐẢNG
VNHN Ngay từ những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025), thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương và cụ thể hóa từ Nghị quyết của Cấp ủy Viện chủ quản và Tạp chí Việt Nam Hội nhập – Ban Biên tập tạp chí Việt Nam Hội nhập đã chính thức xây dựng chuyên mục Tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.