Học tập và phát huy truyền thống Phạm Ngọc Thạch
Năm 1937, đã về Sài Gòn mở phòng mạch và là người thầy thuốc tư duy nhất có máy điện quang, rất hiếm thời ấy. Giao du rộng nên sớm có uy tín trong giới tri thức thượng lưu và được chính quyền thuộc địa nể vì. Không ai ngờ rằng một người có nguồn gốc và vị trí xã hội như thế lại hướng tấm lòng về các phong trào yêu nước và cách mạng. Liền sau khi Nam Kỳ khởi nghĩa bị thực dân đàn áp khốc liệt, nhờ có “vỏ bọc” vững chắc, ông đã chứa chấp trong nhà và chữa bệnh cho một số chiến sĩ cách mạng. Ông được kết nạp vào Đảng trong thời kỳ này. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đại diện tối cao của chúng không ngần ngại giao cho ông đứng ra lập một tổ chức thanh niên với mục đích phục vụ mưu đồ của chúng. Được Bí thư Xứ uỷ (Ông Trần Văn Giàu) đồng ý, tương kế tựu kế xây dựng lực lượng cho cách mạng, cùng một số bạn hết sức thân thiết, ông tổ chức Thanh niên Tiền phong làm hậu thuẫn mạnh mẽ cho việc cướp chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ trong Cách mạng Tháng 8.
Được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam độc lập, sau đó ông được Hồ Chủ tịch giao trách nhiệm đi vận động ngoại giao ở các nước ủng hộ chính quyền Cách mạng Việt Nam còn non trẻ. Phụ trách việc bảo vệ sức khoẻ của cán bộ cao cấp, từ 1953, ông trở về Bộ Y tế với nhiệm vụ Thứ trưởng rồi Bộ trưởng năm 1956, đến đầu 1968 được cử về chiến trường Nam bộ, và mất tại đó.
Suốt thời gian công tác ở Bộ Y tế, ông vừa chỉ đạo chung, vừa làm Giám đốc Bệnh viện Miền Nam (BV A) sau trở thành Viện chống Lao Trung ương. Mỗi ngày thức dậy rất sớm, tranh thủ tập thể dục và đọc sách, đến làm việc vài giờ ở Bộ từ đầu buổi, xong đến bệnh viện khám bệnh, trưa mở lớp bồi dưỡng chuyên khoa cho cán bộ, rồi đi kiểm tra sức khoẻ cho cán bộ cao cấp, đến tối mới giải quyết công việc của Bộ, 8 – 9 giờ mới về ăn một thố lớn cơm đã nguội với mắm ruốc xào thịt, lại tiếp tục đọc sách cho tới khuya; ông là vị Bộ trưởng duy nhất hàng ngày tự mình lái xe dọc ngang trên đường phố Hà Nội.
Ông là vị Bộ trưởng đi xuống cơ sở nhiều nhất, khắp các tỉnh miền xuôi cũng như miền ngược, đầu trần xông pha sương gió, lên đến tận Đồng Văn, Quản Bạ (Hà Giang), đến tận giới tuyến Vĩnh Linh, vào tận các xã hẻo lánh, và là vị Bộ trưởng duy nhất đi về chiến trường miền Nam.
Chính ông, trên cơ sở thực tế của đời sống nhân dân ta lúc đó và những kinh nghiệm rút ra từ quá trình đi cơ sở, nhất là ở nông thôn, đã đề ra 5 phương châm nguyên tắc của ngành y tế, về sau được Đảng và Chính phủ công nhận là đường lối y tế cách mạng.
Mối quan tâm nhàng đầu là, đi đôi với việc không ngừng củng cố và nâng cao các đơn vị y tế ở Trung ương, tổ chức và tăng cường công tác y tế ở xã, bản, xây dựng cho kỳ được trong thời gian ngắn nhất các trạm y tế. Ngay ở chiến trường miền Nam , ông cũng đã chỉ đạo theo phương châm: trong khi địch cơ động bằng cơ giới, ta cơ động bằng tổ chức, phấn đấu giải quyết tại chỗ vấn đề sức khoẻ của dân.
Chính vì vậy, ông dành ưu tiên cao nhất cho việc đào tạo cán bộ. Liền sau ngày cán bộ miền Nam tập kết trên đất Bắc, ông đã chủ trương bổ túc văn hoá cho những y tá, dược tá, dựa vào đó đào tạo cấp tốc những y sĩ, bác sĩ thực hành tập trung vào những kiến thức cơ bản nhất về tổ chức và chuyên môn, rồi đưa anh chị em vào thực tế công tác. Hàng ngàn cán bộ từ nguồn gốc công nhân và nông dân đã trưởng thành, được tung về cơ sở vào chiến trường. Theo ông, không thần thánh hoá kỹ thuật, cứ mạnh dạn trao kỹ thuật cho anh em. Nhờ thế mà trong công tác chống bệnh mắt hột, hàng trăm cán bộ xã có thể mổ được lông quặm, trước đây chỉ giải quyết ở Trung ương và một số tỉnh lớn. Không ít cán bộ xã nắm vững việc phòng và chống sốt rét. Riêng về ngành lao, ông đã đưa kính hiển vi về xã, dạy cho cán bộ xã biết soi đàm trực tiếp để phát hiện bệnh lao, và đã cho tổ chức nhiều nhà điều dưỡng lao (xa - na lao) hoạt động rất hiệu quả, tách bệnh nhân lao khỏi gia đình để cô lập nguồn lây nhiễm và điều trị ngay tai xã của họ. Điều mà nhiều chuyên gia nước ngoài rất ngạc nhiên khi đến thăm y tế cơ sở Việt Nam là giữa bao nhiêu khó khăn chồng chất, ngay tại trạm y tế xã, người trưởng trạm chỉ là một y tá, mà có một sơ đồ khá chi tiết về những hộ gia đình trên địa bàn họ phụ trách, với những dữ liệu về các bệnh xã hội của từng người, điều mà ngày nay kể như không có được.
Tư tưởng chỉ đạo của ông là kịp thời cập nhật những kiến thức mới nhất của thế giới để tuỳ điều kiện mà áp dụng trong hoàn cảnh nghèo nàn và lạc hậu của đất nước. Cho nên không lấy làm lạ là nhiều bạn bè của ông ở Pháp thường xuyên gửi các sách báo cho ông và ông đã đọc thâu đêm.
Đối với Đông y, ông rất tâm đắc công việc làm của Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nhà khoa học trường phái Pasteur, và lấy thực tiễn làm trọng. Trong điều kiện ngày đó, chưa cần đòi hỏi phải phân tích ngay thành phần từng cây thuốc, cứ dựa vào kinh nghiệm của dân, dược liệu nào tỏ ra có tác dụng là cứ chấp nhận làm theo. Vì thế mà mỗi lần đi công tác về xã, bản, trong khi toàn đoàn mỏi mệt nghỉ trưa, ông đã để hàng giờ hỏi và nghe một cách nghiêm túc những lời mộc mạc của ông lang bà mế mà ông yêu cầu địa phương đưa đến.
Cũng như BS Nguyễn Văn Hưởng, ông say sưa công tác vệ sinh phòng dịch và tự ông đã kết hợp với địa phương nghiên cứu ba công trình vệ sinh ở nông thôn và cả ở thành thị: hố xí, giếng nước và nhà tắm. Đã một thời, hố xí 2 ngăn trở thành mục tiêu quan trọng ở xã. Sạch làng tốt ruộng, sạch bản tốt nương đã trở thành yêu cầu mà bí thư, chủ tịch xã nào cũng nằm lòng, và không ít trường hợp ông đã mời được Hồ Chủ tịch đến tham quan các xã điển hình. Cũng chính ông đã chỉ đạo việc đẩy mạnh sản xuất vắc xin các loại, và đặc biệt sản xuất thành công vắc xin Sabin chống bại liệt đã từng gây lo sợ cho các gia đình vào những năm cuối thập kỷ 1950.
Từ ngày ông mất – đã qua 40 năm - lần hồi đi theo hiện đại, cán bộ ngành y dược đã quên dần những bài học sâu sắc mà ông để lại. Hội Truyền thống Phạm Ngọc Thạch tuy đã được thành lập ngót 15 năm, nhưng hoạt động còn rời rạc, chưa thể hiện được hết truyền thống tốt đẹp của ông.
Nguồn: Thuốc & Sức khoẻ, số 355, 1 - 5 - 2008, tr 5