Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh khuyên mọi người “hãy tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc các tác phẩm của Khổng Tử…” (2). Tác phẩm tiêu biểu nhất tư tưởng của Khổng Tử là Luận ngữ.Trong Luận ngữ, Khổng Tử tỏ ra rất quan tam đến chữ “tín”, đến quan hệ giữa lời nói và việc làm. Khổng Tử nói:
“Người xưa rất sợ nói những gì mà không làm được” ( Cổ nhân ngôn chi bất xuất, sĩ cung chi bất đải dã. Luận ngữ, Lý nhân).
“Người quân tử cần thận trọng ở lời nói, nhanh chóng ở việc làm” ( Quân tử dục nạp ư ngôn nhi mẫn ư hành. Luận ngữ, Lý nhân).
Thậm chí còn khuyên hãy làm trước đã rồi mới nói sau:
“Người quân tử phải làm trước rồi mới nói sau” ( Tiên hành kỳ ngôn nhi hậu tòng chí. Luận ngữ, Vi chính).
“Nói thì phải làm”, tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu này hầu như được nhắc đến một cách nghiêm túc không những trong suốt cả 20 thiên niên của sách Luận ngữmà còn trong cả Tứ thư ngũ kinhcủa Nho giáo.
“Nói thì phải làm” tưởng chừng có vẻ đơn giản nhưng cho đến nay vẫn còn là chuyện dài nhiều tập. Chẳng biết có được bao nhiêu người đã “làm theo”? Tại sao vậy? Có nhiều lý do lắm, nhưng hãy tạm chỉ ra vài lý do sau đây:
Thứ nhấtnói mà “không biết”.
Ngày xưa Lão Tử có nói “Người biết thì không nói, người nói thì không biết” ( Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri. Đạo đức kinh,Chương 56).
Đương nhiên không cần phải tuyệt đối hóa “biết” và “nói” trong quan hệ đối lập như vậy, nhưng thực ra “nói mà không biết” đâu phải là chuyện “xưa nay hiếm”. Chẳng phải lắm người lúc nào cũng thao thao bất tuyệt nào là “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa”, “toàn cầu hóa”… nhưng lại không biết “hóa” như thế nào, cho nên “nhiều cán bộ và đảng viên có hóa gì đâu”. Thiên hạ nói thì cũng cứ nói theo “chẳng những quần chúng không hiểu mà cả cán bộ cũng không hiểu” (3). Không hiểu thì làm sao được?
Thứ hailà nói mà “không làm” hoặc “không thể” làm. Nghĩa là “lực bất tòng tâm”. Phải nói! Phải hứa! Cần thì cứ vẽ voi, mặc cho thiên hạ chẳng lạ gì cái cảnh “ba voi không được bát nước xáo”. Làm gì có chuyện “quân tử nhất ngôn”, quân tử “chính cống” là quân tử cần phải “nói đi nói lại”. “Nói đi nói lại” là điệp khúc không hạn chế ở không gian, thời gian nào cả, là “nhạc nền” của bài ca “không thể” làm. Chẳng phải Hồ Chí Minh đã nhắc nhở từ lâu rồi sao”
“Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa, là chớ đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được” (4).
“Miệng nói tay phải làm mới được” (5).
Thứ balà “không muốn” làm. Cái “không muốn” thường được ngụy trang bằng cái “không thể”. Không phải tôi không muốn làm điều thiện, không phải là tôi không muốn xử lý nước thải theo đúng quy trình, nhưng quá tốn kém nên “không thể” làm được. Tuy tôi “không muốn” nhưng tôi vẫn cứ nói tôi là người bảo vệ môi trường số một. Bởi vì lắm lúc chỉ cần nói thôi cũng đã được bằng khen rồi cần gì phải làm? Không phải là tôi “không muốn” chôn rác thải của bệnh viện ở nơi an toàn, nhưng cất công, mất sức quá nên tôi “không thể” làm…
Đạo dức học xưa nay đề cập đến “điểm yếu” của ý chí và gọi dó là “ý chí nhu nhược” (Weakness of Will). Nhà triết học Kant (1724 - 1804) cách đây hơn 2 thế kỷ đã phê phán điều đó. Theo ông, nhận thức của con người đã hạn chế chính họ trong “vương quốc tự nhiên”. Phục tùng là hành động duy nhất của con người đối diện với “vương quốc tự nhiên”. Nhưng con người còn có cái gọi là “vương quốc tự do”. “Ý chí” mà Kant gọi là “lý tính thực tiễn” (Parktische Vernunft) đã làm cho con người có quyền “lựa chọn” và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó, nghĩa là con người mới là kẻ “lập pháp” chứ không phải tự nhiên. Cái gọi là “không thể” đương nhiên không thểtồn tại ở “vương quốc tự do”. Điều “thiện” không phụ thuộc vào năng lực mà chỉ đòi hỏi ở cái “tâm”, có nghĩa là “muốn” hay “không muốn” mà thôi. Tuy nhiên “vương quốc tự do” thường hướng về nghĩa vụ, trách nhiệm hơn là quyền lợi, hướng về chohơn là được, cho nên thiên hạ thường “kính nhi viễn chi”. Kant cho rằng điều “bất hợp lý” đó chắc chắn sẽ được khắc phục ở thế giới bên kia. Càng cho bao nhiêu ở thế giới bên này thì sẽ được càng nhiều ở thế giới bên kia. Trọng tải để giải quyết điều đó không ai khác ngoài Thượng đế. Từ “ý chí” (lý tính thực tiễn), Kant đã chứng thực (chứ không phải chứng minh) sự tồn tại của Thượng đế. Nhưng than ôi! Trong thời đại kinh tế thị trường hiện nay, cho dù Thượng đế được chứng thực đến đâu đi nữa cũng không “thực chứng” bằng đồng đô la.
Ở phương Đông, hơn hai nghìn năm trước, Khổng Tử cũng lên án về cái “không muốn” được ngụy trang dưới cái “không thể” đó:
Nhiễm Cầu nói: “Chỉ tại vì năng lực bị hạn chế chứ không phải học trò không thích đạo của Thầy”. Khổng Tử nói: “Nếu đúng là do năng lực bị hạn chế thì phải hiện ở lúc làm, cũng giống như người đi đường, đi đến nửa đường rồi mới biết mình là người không thể tiếp tục đi được nữa, còn nhà ngươi chưa đi mà đã bảo là không thể đi được” (Nhiễm Cầu viết: Phi bất duyệt Tử chi đạo, lực bất túc dã.Tử viết: Lực bất túc giả, trung đạo nhi phế, kim nhữ hoạch. Luận ngữ, Ung Dã).
Khổng Tử cho rằng ở lĩnh vực đạo đức không có cái gọi là “không thể”:
“Phải chăng đạo đức nhân ái quá xa vời không thể với tới được? Nếu ta muốn thực hiện đạo đức nhân ái thì nó sẽ đến ngay với ta mà thôi” ( Nhân viễn hồ tai? Ngã dục nhân, tư nhân chí hỹ! Luận ngữ, Thuận nhi).
Hồ Chí Minh cũng đồng quan điểm như vậy. Đạo đức không phải là vấn đề thuộc về năng lực, quá khó đối với con người, thực ra ai cũng làm được nếu muốn, bởi vì thực ra nó “không có ì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra” (6).
Ấy vậy nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay càng ngày thiên hạ càng vịn vào triết lý “ý chí nhu nhược”, muốn làm điều thiện lắm chứ! Ai mà không biết, ai là không muốn làm điều thiện? Chẳng qua là “thân bất do kỷ” mà thôi.
Nào ngờ cả những kẻ “phản diện” lẫn những người nhân danh “chính diện” hẳn hoi cũng đều “xài” triết lý này. Tôi đâu phải “không muốn” bảo vệ môi trường nhưng tôi “không bắt được quả tang” và lắm khi tôi cũng chưa biết là có ô nhiễm hay không, mặc dù dòng nước đen ngòm, mùi hôi nồng nặc, mặc dù mọi người ai cũng biết chỉ mình tôi là không biết. Nhưng dẫu có biết rằng sông Thị Vải, Đồng Nai, Sài Gòn, Tiền Giang, Hậu Giang… và cả sông Hồng, cái nôi của văn hóa lúa nước đang càng ngày càng bị ô nhiễm thì cũng chẳng làm được gì, đành vậy! Kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, chỉ tiêu tăng trưởng GDP làm sao không thấm nước mắt của người dân được? “Một bộ phận giàu trước” đương nhiên là không sai nếu như nó kéo theo “đại bộ phận giàu sau”. Nói cách khác, nó chỉ đúng khi nó là điều kiện chứ không phải mục đích, khi nó là nguyên nhân chứ không phải la kết quả.
Không nên lẫn lộn giữa “nguyên nhân” và “kết quả”, lẫn lộn giữa “lực bất tòng tâm” và “tâm bất tòng lực”, lẫn lộn giữa cái “không muốn” và “không thể”. Cái “không biết” và không thể” thuộc lĩnh vực năng lực, trí tuệ, cái “không muốn” thuộc lĩnh vực đạo đức. Không biết cái nào là nguyên nhân cái nào là hệ quả? Nhưng có lẽ cả hai đều là nguyên nhân của “nói” mà “không làm”.
Thế mới biết con đường xa nhất trên đời này vẫn là con đường từ cái miệng đến cái tay.
Chú thích
1. Hồ Chí Minh,Về đạo đức cách mạng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr 41.
2. Hồ Chí Minh, Về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng , Nxb Khoa học Xã hội, 1998, tr 142.
3. Hồ Chí Minh,Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb Sự thật Hà Nội, 1977, tr 20 - 21.
4. Hồ Chí Minh,Về đạo đức cách mạng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr 34 - 35.
5. Sđd , tr 22.
6. Sđd , tr 34.