Học hàm là nhiệm vụ, không phải là vinh danh
PV: - Thế hệ của GS học tập trong điều kiện rất gian khó nhưng lại có rất nhiều nhà khoa học thành danh, đứng đầu nhiều ngành khoa học mũi nhọn. Với thế hệ của giáo sư, Danh lúc đó là Thực nhưng dường như Danh bây giờ bị đánh lận con đen, người ta chạy theo danh để trục lợi?
- GS.TS Nguyễn Lân Dũng : Những năm đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu đã khởi xướng phong trào Đông Du. Chủ trương cách tân của Đông Du không khác mấy với Đổi mới của chúng ta: Học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh nước ta. Lớp chúng tôi năm tới đã kỷ niệm 50 năm tốt nghiệp đại học. Chúng tôi được học những thầy giỏi và đầy tâm huyết, phần lớn chưa có học hàm, học vị gì cả. Các thầy giáo dạy cho chúng tôi phương pháp học tập, ý chí tấn công vào khoa học… Ngày đó, tinh thần thực học biểu hiện ở cả thầy lẫn trò. Phần thực hành trong các phòng thí nghiệm rất được coi trọng. Ngày nay, tinh thần này đã giảm đi rất nhiều. Có thông tin đăng trên báo: 80% giáo sư không sử dụng Internet, tôi không tin đến mức kỳ lạ như thế! Không cập nhật được thông tin khoa học đang biến đổi từng ngày, từng giờ thì dạy sinh viên thế nào được?
- Phải chăng do chúng ta chưa thực sự đãi ngộ đúng mức nên cũng không đòi hỏi cao?
- Không thể nói là do chuyện đó được. Đã là giáo sư, tiến sĩ thì sao không nuôi nổi mình? Lương chắc là không đủ rồi nhưng chả nhẽ lại thua cả những người văn hoá thấp. Hoàn cảnh nước ta hiện nay, khi đã dùng tới 30% ngân sách để trả lương mà vẫn rất thấp thì ai cũng phải làm thêm một việc gì đó để vừa có ích cho xã hội, vừa tăng thêm thu nhập. Tôi chọn việc phổ biến kiến thức khoa học trên báo Nông nghiệp Việt Nam chẳng hạn. Mục tiêu người trí thức không phải là cái danh, cái lợi, mà là sự cống hiến. Còn với những người chỉ mong mưu cầu danh lợi thì không đáng gọi là trí thức. Tôi không bình luận về những người đó. Giáo sư Hồ Ngọc Đại có nói: “Học hàm, học vị như cái đồng hồ, lúc nào người ta hỏi giờ thì mới xoè ra”. Tôi viết báo không muốn ký GS.TS, nhưng nhiều toà soạn cứ thích chua thêm vào (!). Theo tôi, học hàm giáo sư, phó giáo sư là nhiệm vụ mà trường đại học giao cho, nhiệm vụ tất nhiên có đi đôi với quyền lợi nếu như anh thực sự hoàn thành tốt nhiệm vụ đó.
- Vậy nguyên nhân của sự tràn lan các tiến sĩ, giáo sư có danh nhưng không thực là gì?
- Là căn bệnh thành tích, là bệnh háo danh. Tôi có người quen là giáo viên. Học sinh dốt đến mấy chị cũng phải cho 5 điểm nếu không trường sẽ mất thành tích. Căn bệnh đó đã nhiễm ngay từ bậc tiểu học trở lên. Thực tế, ở bậc đại học, rất ít hay không có sinh viên nào bị đánh trượt khi bảo vệ luận văn tốt nghiệp, thậm chí được đến điểm 8 cũng đã xị mặt ra rồi.
- Giáo sư đã chấm trượt luận văn nào chưa?
- Chưa, nhưng tôi chữa. Tôi không chấp nhận và bắt sửa chữa lại. Tất nhiên mất rất nhiều công sức.
- Đó là những luận văn mà giáo sư hướng dẫn?
- Không, cả những luận văn tôi phản biện. Có một trường hợp làm luận án tiến sĩ mà tôi nhớ rất rõ. Cả hội đồng bỏ phiếu xuất sắc, nhưng tôi thấy không xứng đáng nên cố thuyết phục để bỏ đi từ xuất sắc. Luận văn đó đã sai ngay từ phương pháp nghiên cứu bởi vì hai người hướng dẫn thì một người đúng chuyên môn lại đi nước ngoài mất, còn nhiều thành viên trong hội đồng không thuộc chuyên môn hẹp đó.
- Nghĩa là giáo sư chưa bao giờ đánh trượt một ai?
- Không thể đánh trượt trong điều kiện như hiện nay. Đánh trượt là tiêu diệt người hướng dẫn à?
- Theo giáo sư, phải giải quyết tình trạng này bằng cách nào?
- Phải chấn chỉnh từ nhiều quan niệm sai lầm lâu nay của chúng ta. Phải xem học hàm, học vị không phải là quyền lợi, là danh vị mà chính là nhiệm vụ. Chỉ có những người tham gia giảng dạy đại học mới được phong giáo sư, phó giáo sư. Nước nào cũng vậy. Mỗi vị trí phải có một nhiệm vụ nhất định, một chất lượng nhất định. Đã 50 năm qua rồi, vậy mà Nhà nước chúng ta không tạo ra được một cách đích đáng những nhà khoa học đầu ngành. Còn nhớ khi Quốc hội hỏi: Kế hoạch xây dựng Thuỷ điện Sơn La, các nhà khoa học đầu ngành cho biết đã đủ an toàn hay chửa? Mỗi người nói một phách (!). Rồi Chương trình “Trồng mới 5 triệu hecta rừng“. Các nhà khoa học bảo: Có 5 triệu hecta đất đai cần trồng mới cây rừng. Khi duyệt tiền xong rồi lại cũng là các nhà khoa học bảo: Lấy đâu ra 5 triệu hecta đất trống để trồng mới (!). Ngày Cách mạng Tháng Tám mới thành công, Hồ Chủ tịch tin cậy và giao từng nhiệm vụ cho một số trí thức, khi đó phần lớn chỉ là cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, nhưng là người có thực tâm, thực tài. Bác đã lựa chọn rất trúng và sau mấy chục năm họ đều là những tấm gương rất lớn, đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Thứ nữa, hiện nay, chúng ta không có tiêu chí rõ ràng trong việc phong chức danh. Tiêu chí phải rất cụ thể và thoả đáng về chất lượng công trình, về người hướng dẫn, người làm luận văn, người tham gia hội đồng… Đừng để tình trạng như trong đợt phong đầu tiên: đã có câu vè: Nước ta có chuyện nực cười, chưa đỗ lớp mười đã được Giáo sư (!). Và đặc biệt, tôi phản đối tiêu chí bỏ phiếu kín trong hội đồng. Chúng ta có thể thêm tiêu chí đạo đức, nhưng còn bỏ phiếu kín là việc rất không nên. Tại sao lại phải bỏ phiếu kín, chúng ta làm khoa học cơ mà. Khoa học cần chính xác, chứ không cần mối quan hệ, không cần vận động hành lang. Chúng ta cần công khai thảo luận trong hội đồng, tất nhiên không cần công khai ra ngoài. Chính vì bỏ phiếu kín mà tôi có những người bạn giảng dạy lâu năm rất giỏi, thừa nhiều so với mọi tiêu chuẩn để phong giáo sư, nhưng cuối cùng sau vài lần không đủ phiếu anh ta không đăng ký nữa, vì cho là một số cá nhân trong hội đồng thật sự thiếu trong sáng. Những trường hợp như vậy trách nhiệm thuộc về ai?
- Xin cảm ơn giáo sư !
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 2 (1824), ngày 6/1/2006