Hoàng thúc Lý Long Tường - cuốn tiểu thuyết lịch sử liên quan đến triều Lý
Điều đáng nói là cuốn sách được viết bởi một nhà văn, nhà nghiên cứu Đông Phương người Hàn Quốc, ông Khương Vũ Hạc (Kang Moo Hak).
Sách dày gần 500 trang do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản tháng 5.2010. Theo TS Lưu Trần Luân, Trưởng ban Kinh điển – Lý luận của NXB, cuốn sách ra đời có sự nỗ lực của ông Lý Xương Căn, hậu duệ đời thứ 31 Vua Lý Thái Tổ và là hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường từ Hàn Quốc về Tổ quốc làm ăn và vừa được Chủ tịch nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Cuốn sách như một ấn phẩm chào mừng Thăng Long - Hà Nội nghìn năm.
Trong Lời giới thiệu GS sử học Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam , đã viết: ... “Đối chiếu tư liệu họ Lý ở Hàn Quốc với tư liệu Việt Nam thì Lý Long Tường là em vua Lý Cao Tông (1176–1210)... Lý Long Tường lớn lên khi vương triều Lý đang suy vong và trong cung đình diễn ra nhiều biến cố dồn dập dẫn đến sự sụp đổ của triều Lý và sự thay thế của triều Trần (1226 -1400).
Trước bối cảnh đó, Lý Long Tường cùng một số tôn thất nhà Lý đã tìm cách vượt biển ẩn tránh ra nước ngoài... Long Tường được vua Cao Ly ưu ái ban cấp cho đất cư trú. Ông cùng con cháu nhanh chóng hoà nhập vào cuộc sống của vương quốc Cao Ly và được nhân dân trong vùng yêu mến. Năm 1253, quân Mông Cổ tấn công Cao Ly đánh vào quốc đô và một cánh quân đánh vào Ủng Tân. Lý Long Tường đã đứng ra tổ chức kháng chiến cùng với quan quân trong phủ thành và nhân dân địa phương chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Sau năm tháng quân giặc bị thua phải xin hàng...
Nghe việc ấy vua rất khen ngợi sai đổi Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong cho ông tước Hoa Sơn quân vì An Nam có núi Hoa Sơn... Kể từ vị Tổ Lý Long Tường các thế hệ con cháu dòng họ Lý Hoa Sơn ngày càng phát triển và hoà nhập vào cộng đồng như cư dân Cao Ly trước đây cũng như Hàn Quốc sau này. Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng thúc hay Hoàng tử Lý Long Tường cùng tấm lòng của hậu duệ Lý Hoa Sơn không những là đề tài nghiên cứu khoa học hấp dẫn mà còn gây cảm hứng sáng tác văn học nghệ thuật...”.
Cuốn tiểu thuyết dành những trang xúc động miêu tả hai mối tình đẹp của Hoàng thúc với Ngô Anh Cơ, một cô gái tài danh của nước Đại Việt và tiểu thư Trịnh Anh Cơ, một trang quốc sắc của đất nước Cao Ly...
Ông Lý Xương Căn cho biết, cuốn sách đã làm ông rất xúc động và đã có tác dụng nâng cao hiểu biết, khắc sâu tình cảm của con cháu họ Lý đối với tổ tiên và cố quốc. Ông có nhã ý muốn dịch ra tiếng Việt và xuất bản cuốn tiểu thuyết lịch sử trên tại Việt Nam để con cháu họ Lý ở quê Tổ cũng như ở nước ngoài và mọi người Việt Nam được thưởng thức tác phẩm và qua đó, hiểu thêm về cuộc đời sóng gió và anh hùng của Hoàng tử Lý Long Tường cũng như tấm lòng luôn hướng về quê cha đất tổ của hậu duệ họ Lý Hoa Sơn.
Bản dịch của ông Trần Văn Thêm, chuyên viên Bộ Ngoại giao. Năm nay kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông Lý Xương Căn có ý định tái bản cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng thúc Lý Long Tường. Ông Trần Văn Thêm tuy tuổi cao nhưng cũng dành nhiều thời gian và công sức để chỉnh lý nâng cao chất lượng bản dịch...
Cuốn sách ra mắt tại Hà Nội như một sự kiện chào mừng 1000 năm Thăng Long. Nhân dịp ra mắt cuốn sách, có việc công bố quyết định của Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam công nhận quốc tịch Việt Nam của ông Lý Xương Căn. Như vậy kể từ chuyến vượt biển gần 800 năm trước của Hoàng tử Lý Long Tường, đến nay ông Lý Xương Căn là người đầu tiên họ Lý Hoa Sơn chính thức được mang quốc tịch Việt. Hà Nội có thêm một người nhập hộ khẩu vào thành phố sau gần 800 năm lưu lạc xứ người...