Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 09/06/2006 00:49 (GMT+7)

Hồ Chí Minh và Quốc hội đầu tiên của nước nước Việt Nam DCCH

Như chúng ta đã biết, trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh rất quan tâm xem các nước xây dựng và quản lý nhà nước thế nào.

Trong yêu sách gửi đến Hội nghị hoà bình Véc-xây năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ: “Trong khi chờ đợi cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý thuyết chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thực sự, cần cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người châu Âu, phải thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật” (1). Đây là biểu hiện đầu tiên về tư tưởng nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh.

Để tiếp tục cổ động tuyên truyền rộng rãi tư tưởng pháp quyền sơ khai, Hồ Chí Minh đã viết bản yêu sách thành lời ca, đó là Yêu cầu ca (2).

Bảy xin hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.

Câu ca trên bao hàm khái niệm hiện đại: Nhà nước - pháp quyền, thế là cách ngày nay gần 80 năm, Bác Hồ đã nêu lên khái niệm mà bây giờ mới thành phổ biến.

Ngày 3-2-1930, trong Hội nghị thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày “Chính cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam”, trong đó nêu rõ: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ Công nông binh” (3). Chính cương vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng khẳng định cách mạng Việt Nam phải đi từ cách mạng tư sản dân quyền rồi mới tiến tới làm cách mạng xã hội, để xây dựng một Nhà nước pháp quyền.

Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Tháng 5-1941, Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, đánh dấu một sự biến chuyển lớn về đường lối, đó là nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh để đánh Pháp đuổi Nhật.

Hội nghị xác định: “Sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần dân chủ, chính quyền cách mạng của nước dân chủ ấy không phải thuộc riêng một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc… Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hoà lấy lá cờ đỏ, sao vàng năm cánh làm lá cờ Tổ quốc. Chính phủ ấy do Quốc gia đại hội cử ra” (4).

Đến tháng 10 năm 1944, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta trước phải có một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí cho toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội, gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và uy tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang” (5).

Rõ ràng nhận thức về nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh càng ngày càng rõ ràng hơn, cụ thể hơn.

Giữa tháng 8 năm 1945, Chính phủ Nhật Bản đã đầu hàng. Quân Nhật ở Đông Dương bị tê liệt. Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang cực độ. Quân Đồng minh sắp kéo vào Đông Dương. Thực dân Pháp ráo riết tìm cách quay trở lại.

Chiều ngày 16-8-1945, Việt Nam Quốc dân Đại hội đại biểu họp ở Tân Trào (nay gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Đại hội được tiến hành rất khẩn trương để các đại biểu có thể mang lệnh khởi nghĩa về các địa phương. Theo đề nghị của Tổng bộ Việt Minh, Quốc dân Đại hội quyết định thành lập Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tức như Chính phủ nhân dân lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Vì vậy có thể coi Quốc dân Đại hội Tân Trào như Quốc hội lâm thời. Đại hội giao cho chính phủ lâm thời thực hiện chương trình mười điểm. Chương trình này cũng có thể coi là Hiến pháp lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Như vậy, kể từ bản Yêu sách của dân An Nam (năm 1919) đến Quốc dân Đại hội Tân Trào (1945) 26 năm đã trôi qua, tư tưởng xây dựng một nhà nước pháp quyền trong Hồ Chí Minh được cụ thể hoá từng bước, với những việc làm rất cụ thể từ thấp đến cao, bước trước chuẩn bị tiền đề cho bước sau, nhận thức chuẩn bị cho hành động.

Cách mạng tháng Tám thành công, Uỷ ban Dân tộc Giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đó là Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thẻ, đợi ngày triệu tập Quốc hội đề cử ra một Chính phủ cộng hoà chính thức.

Chiều ngày 2-9-1945tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Một kỷ nguyên mới trong lịch sử tiến hoá của dân tộc Việt Nam bắt đầu: Kỷ nguyên Độc lập - Tự do.

Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết, một trong sáu vấn đề đó là phải tổ chức Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội chính thức và cử ra Chính phủ của dân, đồng thời thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp. Người nhấn mạnh: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Tôi đề nghị chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…” (6).

Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14/SL quyết định cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân đại biểu Đại hội họp ngày 16, 17-8-1945 tại Khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân Đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên.

Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân Đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hoà. Xét rằng trong tình thế hiện giờ sự triệu tập Quốc dân Đại hội không những có thể thực hiện mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống ngoại xâm”… (7).

Bản sắc lệnh gồm 7 điều quy định rõ: “Trong một thời hạn 2 tháng kể từ ngày ký Sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân Đại hội” (điều 1), “Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường” (điều 2), “Một Ủy ban để dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được thành lập” (điều 5), “Để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Ủy ban khởi thảo Hiến pháp 7 người sẽ thành lập” (điều 6). Có thể nói trong lịch sử của các dân tộc vừa đấu tranh giành độc lập, chưa bao giờ một Sắc lệnh về Tổng tuyển cử được ban hành sớm đến như vậy.

Mười hai ngày sau, ngày 20-9-1945, Chính phủ lâm thời lại ban hành Sắc lệnh số 34/SL về thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu (8).

Tiếp đến, ngày 26-9-1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39/SL về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 9 người đại diện cho các ngành, các giới (9).

Ngày 17-10-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 51/SL quy định rõ thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bí mật.

Ngày 2-12-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 71/SL bổ khuyết điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người ứng cử vào Quốc hội.

Chúng tôi dẫn ra một số sự kiện trên để khẳng định Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã cố gắng làm hết sức mình để cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên giành thắng lợi.

Như mọi người đều biết, cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong hoàn cảnh rất đặc biệt: giặc ngoài, thù trong; tình hình kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, vì vậy cuộc Tổng tuyển cử thực chất đó là cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc quyết liệt.

Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử, điều này chứng tỏ Chính phủ luôn tôn trọng quyền tự do, dân chủ của nhân dân, quý trọng người có tài, có đức, đoàn kết với mọi lực lượng yêu nước, quan tâm đến quyền lợi tối cao của dân tộc. Đúng như Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà.

Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái, trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.

Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ đoàn kết” (10).

Ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật 6-1-1946(theo quy định cũ là ngày 23-12-1945). Lệnh lùi ngày Tổng tuyển cử nhằm tạo điều kiện cho công việc chuẩn bị chu đáo lâu hơn nữa và nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử.

Ngày 24-12-1945, Việt Minh, Việt Cách và Việt Quốc đã ký bản “Biện pháp đoàn kết” gồm 14 điều chính và 4 điều phụ. Bản “Biện pháp đoàn kết” nhấn mạnh: Độc lập trên hết, Đoàn kết trên hết; Ủng hộ Tổng tuyển cử Quốc hội và kháng chiến; Đình chỉ công kích lẫn nhau bằng ngôn luận và hành động.

Ngày 1-1-1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thêm thành phần Chính phủ để thực hiện mục tiêu lớn “Làm cho cuộc toàn dân tuyển cử được thành công mỹ mãn và chuẩn bị sẵn sàng việc khai Quốc hội” (11).

Cùng thời gian, Ủy ban dự thảo Hiến pháp ra đời theo Sắc lệnh 34/SL đã làm việc rất khẩn trương và hoàn thành bản dự án. Bản dự án Hiến pháp đã được Hội đồng Chính phủ thảo luận, bổ sung và chỉnh sửa.

Ngày 10-11-1945, trên báo Cứu Quốc đã đăng toàn văn bản dự án Hiến pháp Việt Nam để cho mọi người dân được tự do thảo luận, góp ý. Trong Thông cáo của Chính phủ nêu rõ: “Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập Hiến pháp của nước nhà nên Chính phủ công bố Bản dự án Hiến pháp này để mọi người được đọc kỹ càng và được tự do bàn bạc phê bình… Ủy ban dự thảo Hiến pháp sẽ tập trung các đề nghị sửa đổi và ý kiến của nhân dân rồi trình lên toàn quốc đại hội bàn luận” (12).

Nhân dân cả nước đã đón chào ngày Tổng tuyển cử lịch sử như đón chào một ngày hội lớn - Ngày hội non sông.

Tại Hà Nội, 118 vị Chủ tịch các Ủy ban nhân dân và tất cả các giới đại biểu làng xã công bố một bản kiến nghị: “Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”.

Đáp lại nguyện vọng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư trả lời: “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khác cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ cuộc Tổng tuyển cử đã định.

Tôi ra ứng cử ở Hà Nội, nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa.

Xin cảm tạ các đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.

Tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền vận động Tổng tuyển cử được tiến hành bằng nhiều hình thức mít tinh, tuần hành đến tận các bản làng xa xôi hẻo lánh. Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng tù và rộn ràng giục giã mọi người. Cả núi rừng cùng thức dậy đón chào ngày hội non sông.

Chính phủ liên hiệp lâm thời đã họp vào ngày 3-1-1946do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì để kiểm tra lần cuối cùng công việc chuẩn bị Tổng tuyển cử.

Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự cuộc mít tinh lớn của hơn hai vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội tại Việt Nam học xá (nay thuộc khu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) để chào mừng Tổng tuyển cử, sau đó Người đã gặp gỡ bà con nhân dân phường Phúc Tân khuyên mọi người cố gắng làm tròn nghĩa vụ công dân của mình.

Báo Quốc hội số đặc biệt ngày 6-1-1946 đã dành khổ lớn trên trang nhất in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bút tích của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiêu của nước ta”.

Ngày 6-1-1946, nhân dân không phân biệt giàu nghèo, gái trai, già trẻ nô nức đi tới các nơi bỏ phiếu. Vì “Chẳng phải một sớm một chiều mà có được lá phiếu hôm nay. Lá phiếu của tự do, giành được từ cuộc đấu tranh lâu dài bằng biết bao máu và nước mắt. Cho tới ngày hôm qua, vì những lá phiếu này máu vẫn còn phải đổ. Bốn mươi hai cán bộ đã hy sinh tại miền Nam , trong công tác vận động Tổng tuyển cử” (13).

Cuộc Tổng tuyển cử ở phía Nam diễn ra vào ngày 23-12-1945do lệnh hoãn không kịp, còn đại bộ phận cả nước tiến hành vào ngày 6-1-1946.

Tất cả 71 tỉnh thành có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu của các đảng phái khác nhau, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu dân tộc ít người.

Cuộc bầu cử tại Hà Nội được chuẩn bị chu đáo. Phố phường rực rỡ cờ hoa. Hàng chục vạn cử tri phấn khởi thực hiện nghĩa vụ công dân. Hồ Chí Minh đi bỏ phiếu tại số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ).

Kết quả 172.765 trong tổng số 187.880, tức 91,95% cử tri của 74 khu phố nội thành và 118 làng ngoại thành Hà Nội đã đi bỏ phiếu. Số phiếu bầu cử khá tập trung, 6 trong 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Người trúng cử thấp phiếu nhất đạt 52,5%, người đạt phiếu cao nhất là Hồ Chí Minh được 169.222 phiếu tức 98,4%.

Ngày 2-3-1946, Quốc hội họp kỳ thứ nhất. Để chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên này, ngày 7-1-1946, Hội đồng Chính phủ họp và quyết định thành lập “Ủy ban trù bị khai Quốc hội” (14).

Gần 300 đại biểu Quốc hội đã dự phiên họp. Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đồng ý mở rộng số đại biểu thêm 70 người nữa, số ghế này dành cho Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mệnh đồng minh hội.

Quốc hội đã lập Chính phủ chính thức, Cố vấn đoàn, Kháng chiến uỷ viên hội và bầu Ban thường trực Quốc hội. Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội đã trịnh trọng tuyên bố với nhân dân Việt Nam và thế giới: Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam .

Vận mệnh quốc gia Việt Nam ở trong tay Quốc hội Việt Nam . Chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hoà, có nhiệm vụ bảo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân. Các dân tộc ở trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền hạn và nhiệm vụ ngang nhau.

Tiếp đến, tại kỳ họp thứ 2 (họp từ ngày 28-10 đến 9-11-1946), Quốc hội thảo luận sôi nổi để bổ sung và sửa đổi từng điều cụ thể bản dự án Hiến pháp. Ngày 9-11-1946, với 240 đại biểu tán thành (15), Quốc hội đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng có điều kiện suy ngẫm về tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những kinh nghiệm quý báu rút ra từ trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khoá I do Người trực tiếp chỉ đạo.

_____________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập I, NXB Chính trị Quốc gia – HN 1996, tr. 435-436.

2. Xem báo Nhân Dânngày 30-1-1977.

3. Hồ Chí Minh tuyển tập, tập I, NXB Sự Thật 1980, tr.301.

4. Văn kiện Đảng 1939-1945, tập 3. Ban NCLSĐTƯ Hà Nội 1977, tr. 443.

5. Văn kiện Đảng (từ25-1-1939đến2-9-1945).NXB Sự Thật, Hà Nội 1963, tr. 446-447.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội 1987, tập 6, tr 6-7.

7. Xem ViệtNamquốc dân công báosố ra ngày 29-9-1945. Trích theo Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, Sđd, tr. 31.

8. Ủy ban có Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu.

9. Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hoè, Cù Huy Cận, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Hữu Đang, Lê Văn Giang, Nguyễn Văn Chúc, Nguyễn Hữu Tiến, Tâm Kính.

10. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 4, tr. 72.

11. Văn kiện Đảng 1945-1954, tập I, tr. 57.

12. Xem báo Cứu Quốcsố ra ngày 10-11-1945.

13. Võ Nguyên Giáp: Những năm tháng không thể nào quên. NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội 1977, tr. 114.

14. Ủy ban gồm 5 người: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hoè, Cù Huy Cận, Dương Đức Hiền.

15. Tham dự kỳ họp này có 242 đại biểu như vậy chỉ có 2 phiếu không tán thành.

Nguồn: Xưa và Nay, số 83, 1/2001

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.