Hồ Chí Minh trong mắt một người từng “ở phía bên kia”
Đối với Giáo sư Trần Chung Ngọc, sự khiêm nhường như vậy không xuất phát từ thực tế là ông từng cầm súng trong hàng ngũ ngụy quân cả thời Pháp lẫn thời Mỹ xâm lược Việt Nam, dù điều đó có khiến ông cảm thấy "viết về ông Hồ lại càng khó hơn" như ông giãi bày. Cái chính là, theo lời ông, "viết về một nhân vật có tầm vóc quốc tế như Hồ Chí Minh có thể nói là không dễ".
Điều đáng trân trọng là Trần Chung Ngọc viết về Hồ Chí Minh với "một sự lương thiện trí thức", "một sự hiểu biết đúng đắn" - dẫu có "giới hạn" như Giáo sư tự nhận - "về cuộc đời của ông Hồ, và nhất là, về ông đã làm gì cho đất nước Việt Nam" để phản bác lối viết "theo cảm tính thù hận Quốc gia chống Cộng, trong khi thực sự không hiểu, không biết gì về Hồ Chí Minh" của những kẻ "thuộc giới chống Cộng cực đoan" chuyên "đưa ra những chi tiết lặt vặt, cộng với xuyên tạc, dựng đứng v.v... nhằm ám sát tư cách cá nhân" với "những cường điệu chứng tỏ trình độ thấp kém về lịch sử của người viết".
Tuy chỉ là "vài nét", nhưng Giáo sư Trần Chung Ngọc đã làm rõ được hai điều rất quan trọng về Hồ Chí Minh. Đó là "những gì đã tạo nên ông Hồ" và "ông (Hồ) đã làm gì cho đất nước Việt Nam ".
Để giúp người đọc hiểu thêm về "những gì đã tạo nên ông Hồ", Trần Chung Ngọc đã trích dẫn những đoạn dài trong một cuốn sách của nhà báo lừng danh thế giới Wilfred Burchett (1911-1983) viết về Hồ Chí Minh (lời dịch của Trần Chung Ngọc):
"Sự thực là người nông dân Việt Nam nghèo khó nhất, ngay cả thất học, về phương diện văn hóa và đạo đức thường cũng cao hơn người Mỹ. Anh ta biết nhiều hơn về lịch sử đất nước của anh ta - không chỉ vì đất nước anh ta có vài ngàn năm lịch sử nhiều hơn Mỹ để mà biết đến - mà vì những điều này đã thấm vào trong người anh ta từ sữa mẹ. Ngay từ bé, anh ta sống trong một môi trường tràn ngập với những câu chuyện về gia tài lịch sử, hoặc được kể ngay khi còn nằm trong lòng mẹ, hoặc qua những màn kịch diễn lại những trang sử oai hùng của 2.000 năm lịch sử chống ngoại xâm của những gánh hát di động, hoặc những truyền thuyết về các "thành hoàng làng", hoặc là những câu chuyện về tổ tiên đã bảo vệ non sông như thế nào, hoặc là những chuyện đau khổ của người dân bị đàn áp bởi ngoại nhân nên đòi hỏi một sự đứng lên để chống đối v.v...
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một gia đình nông dân Mông Cổ, tháng 7/1955. |
"Ông Hồ Chí Minh là mẫu mực thu nhỏ của tất cả những điều trên. Và đúng là, cũng như một cái gì đó trong mỗi người Việt Nam đều có trong Hồ Chí Minh, một cái gì đó trong Hồ Chí Minh đều có trong hầu hết những người Việt Nam ngày nay, dấu ấn của ông trên dân tộc Việt Nam thật là sâu đậm".
"Một vấn đề mà Tổng thống Nixon cũng như các vị tiền nhiệm có thể không lưu ý đến nhưng chắc chắn là dân Việt Namkhông thể không biết, đó là Hồ Chí Minh là của toàn thể quốc gia Việt Nam . Không có một lằn ranh giới nào ở Vĩ tuyến 17 có thể làm cho người dân miền Nam xa lìa Hồ Chí Minh dù rằng thủ đô được đặt ở miền Bắc. Hồ Chí Minh đã được chấp nhận là lãnh tụ và là nguồn cảm hứng cho mọi người Việt Nam - trừ số người đã lần lượt phục vụ những quan thầy Nhật, Pháp, rồi Mỹ".
Giáo sư Trần Chung Ngọc cho rằng Burchett viết hay, "không phải vì tác giả ca tụng ông Hồ, mà tác giả đã viết về những gì đã tạo nên ông Hồ: Không phải thuần túy chỉ là Marx, là Lênin hay Mao Trạch Đông, mà chính là lịch sử 2.000 năm chống ngoại xâm của Việt Nam đã tạo nên ông Hồ".
Giáo sư Trần Chung Ngọc đã chắt lọc từ hàng trăm tài liệu khảo cứu mà ông đọc về Hồ Chí Minh để tìm ra điều được coi là hồn cốt của những gì mà Hồ Chí Minh đã làm cho đất nước Việt Nam - độc lập và thống nhất Tổ quốc. Đúc kết được điều đó vì Trần Chung Ngọc hiểu được rằng "mục đích không hề thay đổi của ông (Hồ) là thực hiện nền độc lập và thống nhất của Việt Nam ".
Trần Chung Ngọc cũng trích dẫn ý kiến của nhiều học giả và sử gia Âu - Mỹ đánh giá về tầm vóc quốc tế của Hồ Chí Minh. David Thomas, một cựu quân nhân Mỹ, Giáo sư nghệ thuật, Đại học Boston, người từng tổ chức một cuộc triển lãm tranh ảnh Hồ Chí Minh ở Oakland, California, theo trích dẫn của Trần Chung Ngọc, coi Hồ Chí Minh là "con người đã làm thay đổi bộ mặt lịch sử thế giới".
Thomas nói: "Tôi kính trọng tính chính trực của ông ta (Hồ Chí Minh). Có vẻ như là ông ta chỉ có một nhiệm vụ trong đời, và đó là giải phóng Việt Nam ra khỏi người Pháp, và ông ta đã thành công. Hãy suy nghĩ về điều đó, một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam đã đánh bại một nước như nước Pháp và quay lại đánh bại chúng ta. Điều này chưa từng có trong lịch sử. Và tôi kinh ngạc bởi điều đó. Chúng ta phải ngưỡng mộ con người đã làm được như vậy".
Rõ ràng là nhờ có Hồ Chí Minh mà "thế giới đã biết nhiều hơn về Việt Namvà không còn dám coi thường Việt Namtuy Việt Nam vẫn còn là một nước tương đối nghèo và kém phát triển" như lời Trần Chung Ngọc.
Xin lưu ý là những điều Trần Chung Ngọc viết về Hồ Chí Minh cũng như những nội dung mà ông trích dẫn từ các nhà báo và học giả phương Tây đánh giá về Hồ Chí Minh không nhằm ca ngợi Người mà nhằm nói lên một sự thật để phản bác những luận điệu của bọn bồi bút chống Cộng luôn tìm cách xuyên tạc thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trần Chung Ngọc coi những kẻ này mà điển hình là Minh Võ và Huỳnh Lương Thiện là "lớp người chỉ viết bậy, cốt hả lòng thù hận, cho nên không cần đến trí tuệ, không cần đến kiến thức, không cần đến trình độ, và không cần đến liêm sỉ".
Điều mà Giáo sư Trần Chung Ngọc muốn thể hiện qua bài viết của ông là sự thật về Hồ Chí Minh không thể bị xuyên tạc. Thay cho lời khẳng định, ở phần cuối bài, ông đã dẫn lời Jules Archer, một học giả người Mỹ, viết trong cuốn "Ho Chi Minh":
"Khi những trang sách về cuộc đời của ông được cân nhắc, và hòa bình sau cùng tái lập trên đất nước thê thảm của Việt Nam, ông Hồ Chí Minh sẽ vĩnh viễn được các nông dân đã từng yêu kính và đứng sau lưng ông, coi ông như là một người Việt Nam vĩ đại nhất trong lịch sử của họ - người "Bác" kính ngưỡng của nước ông".
"Cộng sản hay không, ông Hồ Chí Minh cũng sẽ đi vào lịch sử như là một người Việt Nam yêu nước vĩ đại, là một trong những khuôn mặt phi thường của thế giới trong thế kỷ này".