Hồ Chí Minh - nhà báo của tờ Nhân đạo
Từ 1917 đến 1923, nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam (hồi đó người ta gọi là An Nam hay Đông Dương) đã sống ở Pháp. Tất cả những người viết tiểu sử ông đều thống nhất viết rằng giai đoạn đó có tính quyết định trong diễn biến của tư tưởng, trong sự hình thành bản chất chính trị, mở đầu cho một cuộc đời hoạt động sôi nổi hiếm có. Lúc mới đến, hiểu biết chính trị của ông còn rất sơ lược. Tất nhiên là theo tiêu chuẩn châu Âu của chúng ta. Vì ông biết rất cụ thể điều mà ông muốn: giải phóng đất nước. Nhưng ý thức được hạn chế của phong trào quốc gia, ông đi tìm con đường giải phóng.
Nguyễn Ái Quốc đã tham gia các loại câu lạc bộ chính trị khác nhau, những nơi tranh luận khác nhau. Mặc dầu bản tính kín đáo tự nhiên, ông vẫn phát biểu để nói về Việt Nam, và nói chung là vấn đề thuộc địa. Ông bắt đầu đến với các nhóm cánh tả Pháp, Đảng Xã hội, Tổng công đoàn CGT, Liên đoàn nhân quyền. Ông thường gặp Léon Blum, Jean Longuet, Marcel Cachin, Paul Vaillant-Coutiorier, Marius Moutet, Pierre Monatte. Về sau, ông vẫn còn giữ kỷ niệm cảm động về những người Pháp đầu tiên đó đã gọi ông là “thưa ông”, hay một tên gọi mới đối với ông, “đồng chí”. Năm 1918 ông gia nhập Đảng Xã hội, trở thành một trong những người dân thuộc địa đầu tiên ghi tên trực tiếp vào đời sống chính trị Pháp. Chẳng hạn, ta đã thấy ông trong ngày 1-5-1920, lên nói trước đám đông trước Toà thị chính Kremlin-Bicêtre (nghĩa là vào dịp đó tên ông đã xuất hiện, có lẽ lần đầu tiên, ngày 2-5, trên báo L’Humanité).
Đảng Xã hội lúc đó đang trải qua một cuộc tranh cãi mà mỗi tháng một phình to. Có nên ủng hộ nước Cộng hoà Xô Viết không? Nhất là có nên gia nhập Quốc tế Cộng sản non trẻ không? Nguyễn Ái Quốc chưa được đào tạo tổng thể cho phép ông phân tích các luận điểm lúc đó. Điều duy nhất đáng kể đối với ông: ai quan tâm đến vận mệnh dân tộc mình? Ai dấn thân để bảo vệ. Những người bảo vệ “ngôi nhà cũ” của chủ nghĩa xã hội về điểm này, đối với ông có vẻ thụ động một cách kỳ lạ. Ngược lại, những người chủ trương gia nhập, mà người ta bắt đầu gọi là “những người cộng sản”, lại kiên quyết hơn trong lĩnh vực đó. Mùa hè 1920, tờ L’Humanité đăng bài Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Nguyễn Ái Quốc đã được đọc. Phát hiện đó đã khiến ông hoàn toàn ngả theo những người chủ trương gia nhập. Tháng 12, ở Tours, ông biểu quyết cùng với đa số để thành lập một đảng mới. Một bức ảnh nổi tiếng chụp ông, người mảnh mai, rụt rè, đang phát biểu. Bên cạnh ông là một người quen thuộc, hơi vạm vỡ hơn, của Paul Vaillant-Couturier. Và không phải ngẫu nhiên mà hai người lãnh đạo tương lai của cộng sản quốc tế lại ngồi cạnh nhau.
Từ năm 1920 đến khi ông rời nước Pháp vào mùa hè 1923, Nguyễn Ái Quốc hoạt động rất tích cực. Ông là thành viên sáng lập của Liên hiệp Thuộc địa. Ông lập tờ báo, mang tên đầy ý nghĩa Le Paria, tập hợp những người dân thuộc địa từ bốn phương của đế chế. Ông nhắc lại các lập luận trong cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp (xuất bản ở Paris 1925). Mặc dầu là cộng sản và mọi người đều biết vậy, ông vẫn tranh thủ mọi cơ hội để diễn đạt trên các báo khác. Chẳng hạn ông đã gửi bài cho tờ Populaire và tờ Libertaire. Ông còn đến với Hội Tam điểm.
Nhưng từ đấy về sau, đặc biệt là ông đã dành tài năng làm báo của mình cho tờ L’Humanité: khoảng 20 bài trong hơn một năm. Phần lớn các bài đều viết về Đông Dương, nhưng là một nhà quốc tế chủ nghĩa, Nguyễn Ái Quốc còn viết về sự bần cùng của người da đen châu Phi, tình trạng phong trào công nhân Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với nhà cách mạng Việt Nam, học trò tốt của Lênin, tờ báo cộng sản trước hết phải là người giáo dục và người động viên.
Một người giáo dục: xuất phát từ nhận định rằng người Pháp lúc đó, những chiến sĩ của đảng mới cũng như những người khác, hầu như không biết gì về tình hình thuộc địa. Trong L’Humanité số 25-5-1922, ông tố cáo “sự thờ ơ của vô sản chính quốc đối với các thuộc địa”. Để sửa chữa thiếu sót này, Nguyễn Ái Quốc mô tả rất nhiều tình hình đó. Quả thật, ông viết, vô sản Pháp đang chịu đau khổ. Nhưng người dân thuộc địa còn ở trong tình trạng “nghìn lần đau khổ hơn”. Với văn phong đã khiến ông nổi tiếng, ông đã xen lẫn giọng điệu phản kháng với những nhận xét chua cay, đưa ra rất nhiều ví dụ. Luôn luôn cụ thể, ông đưa ra những con số đơn giản: nước Pháp chi 350.000đồng cho ngân sách Đông Dương về giáo dục, đối lại với 35 triệu chi cho quân sự (L’Humanité, 28-8-1923).
Nhưng tờ báo đồng thời phải là người tổ chức. Vào thời buổi mà ý tưởng đó còn mới mẻ, ông nhấn mạnh đến sự bổ sung trong đấu tranh của công nhân Pháp với người dân thuộc địa. Mỗi bài báo đều được Nguyễn Ái Quốc kết luận bằng một lời kêu gọi hành động: các chiến sĩ phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề thuộc địa. Trên lĩnh vực phản thực dân, Đảng Cộng sản Pháp non trẻ còn nhiều cố gắng phải thực hiện. Nhiều đảng viên cho rằng những lời phản đối của các nghị sĩ cũng đủ. Nguyễn ái Quốc cùng với những người dân thuộc địa cộng sản khác và một vài chiến sĩ châu Âu hàng đầu (ở chính quốc hay ở Bắc Phi), thuộc những người cho rằng toàn thể đảng mới phải dấn thân không những bằng lời nói, mà cả bằng hành động. Ông đấu tranh kiên trì, chẳng hạn để vấn đề thuộc địa được đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội 3 năm 1922 (và đã được chấp nhận). Ông đã đạt được việc đưa vào báo L’Humanité một mục về thuộc địa thường xuyên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp thân mật nhà báo Pháp Lêôphighe Alain Ruscio(Nhà sử học Pháp) |