Hiểu kỹ Hồ Chí Minh hãy nói đến tư tưởng của Người
Đối với một con người, 40 năm đã là một nửa đường đời, nhưng với một dân tộc thì bốn thập kỷ chỉ là khoảnh khắc. Nhân kỷ niệm lần thứ 40 thực hiện Di Chúc của Bác Hồ, GS Tương Laimạnh dạn gợi lên đôi điều suy nghĩ: làm thế nào nghiên cứu để hiểu thật sâu sắc, để thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau đây xin giới thiệu bài đầu tiên trong loạt 4 bài của ông. Cách đây cả ngàn năm, thiền sư Vạn Hạnh đã ví chuyện thịnh suy nối tiếp nhau chỉ như thời gian hạt sương treo trên đầu ngọn cỏ [thịnh suy như lộ thảo đầu phố! Tuy vậy, khoảnh khắc lịch sử của bốn thập kỷ qua với dân tộc ta quả là thời đoạn của những biến động dữ dội trong đời sống đất nước ở vào thời đại của những đổi thay mà những bộ óc cho dù là thiên tài cũng không sao lường trước được. Người ta nhận ra rằng, dường như con đường cũ dừng ở đây. Thế giới đã thay đổi, và kiểu tư duy tuyến tính không còn thích hợp vớí một thế giới phi tuyến tính… những ai chần chừ, tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục đơn giản của quá khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Và rồi thời gian đúng là viên quan tòa công minh phán xét những thành bại của một sự nghiệp, những hay dở của một đời người, những đúng sai của một tư tưởng. Độ lùi của bốn thập kỷ chắc cũng đủ để cảm nhận được việc nghiên cứu để hiểu đúng tư tưởng Hồ Chí Minh quả là một việc có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Nó giúp soi tỏ thực trạng của đời sống đất nước dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh được hiểu một cách trung thực đối với những gì mà Hồ Chí Minh trọn đời ấp ủ, để khi ra đi còn thiết tha dặn lại về “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. “Tư tưởng Hồ Chí Minh”không đơn thuần chỉ là sự vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng lý luận của “ học thuyết C.Mác” vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam . Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu những phần tinh tuý nhất của học thuyết khoa học và cách mạng đó. Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp đã bôn ba khăp năm châu bốn biển, Hồ Chí Minh đã hấp thu vào mình trí tuệ, văn hoá của cả loài người, vì thế, Bác Hồ được thế giới nói đến như là một danh nhân văn hoá. Có được điều đó, trước hết là do Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc về dân tộc mình, thấm nhuần lịch sử và văn hoá của dân tộc. Nhờ nắm vững cái cốt lõi phương pháp biện chứng của học thuyết C.Mác gắn với tư duy thực tiễn của người cách mạng Việt Nam gắn bó máu thịt với dân tộc mình, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp hài hoà đó. |
Con người mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền những sự kiện lịch sử Việt Nam với những biến động lớn của thế giới trong một thời đoạn lịch sử đặc biệt với những đột phá thật bất ngờ.
1. Nguyễn Ai Quốc, đến với học thuyết của C.Mác và Ph. Angghen, đến với tư tưởng của V.I Lênin, từ thân phận của một người mất nước, một người dân thuộc địa, một người được hấp thu nền học vấn và triết lý phương Đông, rồi được bổ sung văn hóa và triết lý phương Tây, trước hết là văn hóa Pháp.
Con người ấy, so với C.Mác, Ph Angghen và V. I Lênin, thì trải nhiều oan nghiệt, cay đắng về thân phận cá nhân hơn nhiều. Từ thân phận của một người mất nước, Nguyễn Ái Quốc trở thành một người yêu nước như chính cái tên Ái Quốc mà người thanh niên phải rời đất nước để tìm đường cứu nước.
Từ thân phận ấy, Hồ Chí Minh dễ có sự thông cảm sâu sắc hơn và mãnh liệt hơn với người dân thuộc địa nói riêng và những người lao động nghèo khổ, những dân tộc đang bị nô lệ, bị giày xéo phải gánh chịu áp bức, bất công trên thế giới nói chung. Sự cảm thông ấy không chỉ dừng lại ở thân phận cá nhân để nhìn ngắm và suy đoán về thế giới, mà đã vượt khỏi chính mình để có được cái tầm cao của người chiến sĩ cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Chính với cái tầm ấy mà người cứu nước Hồ Chí Minh trở thành người chiến sĩ cách mạng quốc tế. Hồ Chí Minh phải trở thành người chiến sĩ cách mạng quốc tế thì mới thực hiện được sự nghiệp cứu nước. Từ bước khởi đầu sự nghiệp cho đến khi từ biệt thế giới này, mục tiêu nhất quán của con người yêu nước Hồ Chí Minh là cứu nước, là giải phóng dân tộc.
Ba phần tư thế kỷ này chất chứa bao nhiêu sự biến, tác động mạnh đến số phận của nhiều dân tộc trên hành tinh này.
Tuy nhiên, cũng như C.Mác, Ph Angghen và V.I Lênin, Hồ Chí Minh không thấy được những biến động dữ dội về đời sống chính trị làm thay đổi diện mạo của thế giới mà sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa cùng với những bước tiến như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ của một phần tư cuối thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, những sự biến nổi bật nhất. Đặc biệt khoa học và công nghệ, một phần tư thế kỷ này có những bước tiến lớn hơn rất nhiều những thế kỷ trước gộp lại.
Chứng kiến những biến động ấy khiến cho tầm mắt không ít người đươc mở rộng hơn nhờ vào “sự xé toang một tấm màng bưng bít, sự hiện ra và sáng lên của sự thật, sự tan vỡ một số huyền thoại, sự phá sản nhiều giáo điều, sự bộc lộ những sai lầm trầm kha, sự nhận thức mới, không phải về lý tưởng mà về lý luận cách mạng, thực tiễn hoạt động và thực tế đời sống, sự khơi dậy những niềm hy vọng mới, sự bắt đầu một quá trình thanh lọc và tái tạo đầy hứa hẹn”.
Do được sống giữa trung tâm của những cơn bão táp cách mạng và cũng là trung tâm của văn hóa, văn minh loài người, đôi mắt của Nguyễn Ái Quốc được mở rộng, tầm nhìn của “người yêu nước”ấy vượt xa hơn, cao hơn những đồng chí và đồng bào của mình, vì vậy Nguyễn Ái Quốc đã trở thành Hồ Chí Minh.
3. Hồ Chí Minh đã từng là người đứng ở vị trí quyền lực cao nhất của Đảng và Nhà nước của một nước Việt Nam đã giành được độc lập, tự do trong 24 năm, từ tháng 8.1945 đến tháng 9.1969, sau cũng ngần ấy năm đã từng là lãnh tụ của Đảng, của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trước 1945.
So với V.I Lênin chỉ có 7 năm lãnh đạo Nhà nước Xô Viết (1917-1924), Hồ Chí Minh có hơn gấp ba thời gian ở cương vị Chủ tịch nước.
Với 24 năm là lãnh tụ của một Đảng cầm quyền, là Chủ tịch Nước, đứng ở đỉnh cao quyền lực, song Hồ Chí Minh trước sau vẫn thủy chung như nhất là người lãnh tụ của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, chiếm trọn trái tim của nhân dân, xứng đáng với lời ghi nhận của nhân dân và của Đảng: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Quả là hiếm có lãnh tụ cách mạng nào có điều kiện tắm mình trong những quằn quại suy tư, những khát vọng rộng lớn của con người đến như vậy. Hồ Chí Minh, vì thế, là người chiến sĩ cách mạng có những rung động thơ, những rung động của một nhà thơ. Nhà thơ trong nhà cách mạng Hồ Chí Minh.
Để có được một số bài thơ hay mà không phải nhà cách mạng nào cũng có được: “ Trong tâm hồn Hồ Chí Minh luôn luôn phảng phất có thơ”(Phạm Văn Đồng). Đấy là một nét độc đáo trong nhân cách Hồ Chí Minh. Điều này khiến cho Hồ Chí Minh biết cảm nhận và rung động mãnh liệt, sâu lắng với con người trong sự sống đa dạng và phức tạp của nó.
Câu thơ hay nhất cũng là câu thơ nói đến khát vọng tự do: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng. Cay đắng chi bằng mất tự do”. Mà nói đến tự do của con người, con người thơ Hồ Chí Minh đặt vấn đề ở tầm triết lý sâu thẳm về thân phận con người trong cuộc đấu tranh vì tự do: “Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật, Cùm chân sau trước cũng tranh nhau; Được cùm chân mới yên bề ngủ, Không được cùm chân biết ngủ đâu?”.
5. Bắt đầu sự nghiệp của mình với việc đi tìm con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đến với “những người cùng khổ” để hiều rõ thêm, sâu thêm về con người, về quyền của con người. Từ người mất nước, sục sôi trong huyết quản dòng máu của người yêu nước, thành người cách mạng, người chiến sĩ quốc tế, Nguyễn Ái Quốc trở thành Hồ Chí Minh, lãnh tụ của dân tộc trong thế kỷ XX, để rồi khi ra đi thì lời dặn lại thiết tha nhất cũng là đối với con người: “Đầu tiên là công việc đối với con người”!
Có thể nói, sức lay động mãnh liệt nhất trong tình cảm Hồ Chí Minh, chiếm lĩnh vị trí trung tâm trong tư tưởng Hồ Chí Minh là con người, là “công việc đối với con người”.Công việc ấy bao trùm lên toàn bộ sự nghiệp của Hồ Chí Minh và cũng là công việc quan trọng nhất của Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Đảng của Hồ Chí Minh. Sự nghiệp ấy là một “cuộc chiến đấu khổng lồ… chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi”.
Hồ Chí Minh có một ham muốn, và “ham muốn đến tột bậc”ấy cũng dành cho con người, cho hạnh phúc của con người. Một khi điều đó chưa được thực hiện trọn vẹn, trái tim của Hồ Chí Minh vẫn chưa yên: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nổi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.Câu này nói với phóng viên báo Granma ngày 14.7 1969, năm mươi ngày trước khi Bác ra đi.
Liệu đến bao giờ “Sẽ đến thời khắp bốn phương tử tế. Cuối con đường có lẽ gặp con người”(Việt Phương)?