Hiểu Di chúc của Bác Hồ trong tình hình hiện nay
Trước lúc di xa, Bác Hồ đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bản Di chúc lịch sử, mang tính chất cương lĩnh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước giàu mạnh. Người luôn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, không phải chỉ trong tâm niệm mà thực sự cùng chúng ta hành quân đi tới tương lai.
Thực hiện Di chúc của Bác, chúng ta đã làm được nhiều việc theo đúng lời dạy của Bác và đã giành được thắng lợi lớn. Nhưng cũng có không ít việc chúng ta làm chưa tốt.
Di chúc của Bác hầu như bao quát toàn bộ các vấn đề cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, phải dày công nghiên cứu mới có thể đạt đến việc hiểu thấu đáo. Vì vậy, bài viết ngắn này chỉ dành cho một chủ đề mà trong Di chúc, Bác đã xem như là vấn đề "trước hết" và ngày nay đang trở thành nỗi niềm quan tâm của triệu triệu người có tâm huyết đối với sự nghiệp cách mạng, tiền đồ của dân tộc, đó là Đảng.
Dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX đã viết những trang sử hào hùng, chói lọi nhất trong toàn bộ lịch sử dân tộc. Thành quả đó không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập Đảng, người thầy của bao thế hệ cán bộ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mà được cả dân tộc công nhận là Đảng của mình.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là vào thời điểm Bác Hồ viết Di chúc, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn rất gay go và là giai đoạn cuối cùng mà Bác tuyệt đối tin tưởng ở sự tất thắng thì ngay trong Di chúc của Bác lại nêu lên cần phải "chỉnh đốn lại Đảng".
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng cũng không trách khỏi thiếu sót, sai lầm nặng nhẹ khác nhau, nhưng ở thời điểm đó, Đảng đang ở đỉnh cao về sức mạnh, về uy tín, về năng lực thực hiện sứ mạng lịch sử của mình.
Tuy nhiên, với tầm nhìn xa, Bác dặn dò phải có trước những công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn đặt ra ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn toàn thắng lợi để tránh bị động, thiếu sót và sai lầm, do đó, trước tiên là "chỉnh đốn lại Đảng". Như vậy, ở đâu và bất cứ lúc nào Bác cũng đều quan tâm đến nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng là Đảng, từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
Đặt vấn đề ưu tiên hàng đầu cho việc chỉnh đốn lại Đảng không có nghĩa là vì Đảng phạm những sai lầm thiếu sót nào đó nghiêm trọng, mà ở chỗ phải nâng cao chất lượng, năng lực lãnh đạo ở tầm cao mới đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng.
Ở mỗi bước chuyển của cách mạng Việt Nam, ở mỗi thời kỳ lịch sử mới, tất yếu không tránh khỏi có những vấn đề mới phải giải quyết, nảy sinh trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và cả trong nội dung, phương thức, phương pháp công tác, v.v...
Điều đáng chú ý là vào thời điểm Bác Hồ viết Di chúc, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn rất gay go và là giai đoạn cuối cùng mà Bác tuyệt đối tin tưởng ở sự tất thắng thì ngay trong Di chúc của Bác lại nêu lên cần phải "chỉnh đốn lại Đảng". |
Nhìn lại quá trình thực hiện Di chúc của Bác, mặc dù Đảng ta đã liên tục mở nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cũng đã thu được những kết quả nhất định, nhưng "những tồn tại, yếu kém trong công tác này không những không giảm mà có chiều hướng tăng và nghiêm trọng hơn"(1).
Sự bất cập trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộc lộ ở nhiều nơi, nhiều cấp. Trong đó cần khẳng định một nguyên nhân bao trùm là trong một thời gian dài chúng ta đã không quán triệt và thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác đã được nêu trong Di chúc về tầm quan trọng hàng đầu của việc chỉnh đốn lại Đảng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của giai đoạn mới.
Các bài giảng ở các trường Đảng về công tác xây dựng Đảng đều bắt đầu từ sự thuyết trình về ba lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức và sự kết hợp nhuần nhuyễn ba lĩnh vực đó với nhau để đạt đến kết quả tổng hợp xây dựng Đảng vững mạnh. Về mặt lý luận chung, không có gì phải bàn. Có lẽ cái đáng bàn là nội dung của các lĩnh vực đó như thế nào và nếu chưa xác định thì phải xác định, nếu đã đúng thì phát huy, nếu không thích hợp hoặc sai lầm thì sửa chữa để cho công việc chỉnh đốn Đảng thành công.
Vấn đề quan trọng nhất của một đảng vô sản, các thành viên của Đảng và quần chúng đi theo đảng là vấn đề lý tưởng. Lý tưởng là ước mơ khả thi, nội dung của lý tưởng là lợi ích có khả năng thực hiện trong tương lai với những nỗ lực chủ quan và điều kiện khách quan.
Người có lý tưởng sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, thậm chí hy sinh cả tính mạng vì lý tưởng. Lý tưởng tạo nên sự cố kết chặt chẽ giữa những người cùng chí hướng, thống nhất ý chí và hành động, phấn đấu cho mục tiêu chung, được cụ thể hóa bằng cương lĩnh chính trị, các chủ trương, chính sách và được bảo đảm thực hiện tốt. Lý tưởng của Đảng và cũng là của toàn dân tộc là độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Gần đây có nhiều biểu hiện về sự phai nhạt lý tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và một bộ phận không nhỏ trong lớp trẻ - người chủ của đất nước trong tương lai. Lại có những biểu hiện về tình trạng mất đoàn kết đáng lo ngại trong Đảng, tình trạng "trốn đánh xuôi kèn thổi ngược" trong quản lý xã hội, v.v...
Sau hàng trăm năm sống trong nô lệ, ước vọng của dân tộc ta là được sống trong độc lập tư do, nhân dân đã đi theo Đảng. Từ năm 1924, người cộng sản Hồ Chí Minh đã khẳng định "chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước" ở Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung. Dân tộc Việt Nam chấp nhận Đảng là của mình vì Đảng đã đáp ứng ước vọng đó bằng Cương lĩnh và tấm gương chiến đấu của Đảng.
Trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ chủ nghĩa yêu nước, dân tộc ta đã tiếp thu chủ nghĩa xã hội với tư cách là nguyện vọng vươn tới một xã hội tốt đẹp. Sau ngày 30/4/1975, trước những vấp váp của công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong 10 năm đầu ở nươc ta, tiếp theo đó là cơn choáng của các sự kiện sụp đổ hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, sự dao động về tư tưởng, về lý tưởng xã hội là điều dễ hiểu.
Cần nói thẳng ra rằng, trong việc giữ vững được chế độ xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng trong cơn bão táp đó, động lực chủ yếu vẫn là chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa dân tộc được nâng cao bởi chủ nghĩa Mác-Lênin mà đỉnh cao là hai cuộc thắng lợi vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dưới sự lãnh đạo tài ba của Đảng và Bác Hồ.
Như vậy, sau 25 năm bước vào giai đoạn mới - xây dựng chủ nghĩa xã hội, lý tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa ngang tầm và kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn với chủ nghĩa yêu nước để hình thành sức mạnh tinh thần tổng hợp đưa đất nước vững vàng tiến lên. Đi liền với vấn đề lý tưởng là cương lĩnh chính trị, chủ trương, chính sách và công tác tổ chức để thực thi thật tốt đường lối, chủ trương, chính sách đó.
Lý tưởng xã hội chủ nghĩa chỉ thực sự trở thành sức mạnh vật chất khi cương lĩnh chính trị, đặc biệt là các chủ trương, chính sách được thực hiện thật tốt, nhờ đó thu hút được tâm hồn của con người - đảng viên hay không đảng viên - vì họ thấy rõ những bậc thang về lợi ích cả trước mắt và lâu dài cho các nhân và gia đình, cho dân tộc, cho toàn xã hội để cùng nhau phấn đấu.
Trong Di chúc, đoạn viết về Đảng, Bác Hồ nhấn mạnh: "Đảng ta là một đảng cầm quyền". Tiếp ngay sau đó Bác viết: "Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". |
Kiên trì giáo dục, tuyên truyền lý tưởng là hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng sẽ trở thành nói suông nếu không đi đôi với nó là những hành động cụ thể. Chắc chắc không ai ngây thơ để đòi lý tưởng phải trở thành hiện thực trong chớp mắt, từ trên trời rơi xuống mà phải bằng nỗ lực của mỗi người, của mọi người và đi từ ít xã hội chủ nghĩa đến nhiều xã hội chủ nghĩa hơn.
Nhận thức lý trí về lý tưởng, trước đây có lúc ta gọi ngắn gọn là "giác ngộ chủ nghĩa", nhờ đó người cộng sản đã xả thân vì chủ nghĩa, trở thành lãnh tụ của quần chúng ít nhất ở một nhóm người và trong những hoàn cảnh, điều kiện nhất định, lãnh tụ của cả một dân tộc.
Nhưng mọi việc đều có giới hạn. Tiếp thu lý tưởng không thể không thông qua nhận thức về lý trí nhưng sẽ trở thành không tưởng hoặc đi đến phai nhạt, thậm chí đánh mất lý tưởng nếu tách rời lý trí và thực tiễn khi nhận thức sự vật.
Trước đây chúng ta đã phác thảo mô hình của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cùng những đặc trưng của nó. Đó là một cố gắng lớn. Nhưng hình như nó chưa đủ sức thuyết phục và chưa đủ sức chi phối chủ đạo trong ý chí và hành động của đảng viên, của người vạch chính sách và thực hiện chính sách nói chung trên tổng lộ trình đi đến đích của lý tưởng.
Có một thực tế là trong xã hội ta hiện nay nhiều hiện tượng tiêu cực đang diễn ra, đáng báo động, trong đó có một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy nhiên, nhân dân ta vốn có lòng tin và rất trung thành đối với Đảng nên tin chắc rằng Đảng ta sẽ tự chỉnh đốn, làm trong sạch Đảng để ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Để xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành công theo lời dạy của Bác Hồ nêu trong Di chúc, trong thời điểm hiện nay phải tạo ra được bước chuyển biến thực sự trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm cho Đảng thực sự vững mạnh, thực sự mang bản chất của giai cấp công nhân, đảm đương được sứ mệnh mà dân tộc giao phó, thực hiện thắng lợi đường lối và nhiệm vụ chính trị của Đảng dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn Việt Nam, làm cơ sở của sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động từ trong Đảng ra ngoài nhân dân, làm tiêu điểm cho cương lĩnh, chủ trương, chính sách và sự tu dưỡng đạo đức cách mạng, tổ chức kỷ luật trong Đảng.
Xét cho cùng, lý tưởng là cụ thể, phải làm rõ nét chất xã hội chủ nghĩa ít hay nhiều trong từng chủ trương, chính sách, trong đời thường cũng như hoạt động của mọi cán bộ, đảng viên, cấp càng cao càng có ý nghĩa. Cần bắt đầu trước hết từ đó.
Trong Di chúc, đoạn viết về Đảng, Bác Hồ nhấn mạnh: "Đảng ta là một đảng cầm quyền". Tiếp ngay sau đó Bác viết: " Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Nghiên cứu toàn bộ các bài viết, bài nói của Bác, tư tưởng này bao trùm lên mọi nơi, mọi lúc, mọi giai đoạn cách mạng. Nay Bác lại nhắc lại, gắn nó với vai trò của Đảng trong giai đoạn mới.
Đảng ta là đảng cầm quyền. Thật ra, Đảng ta đã là đảng cầm quyền từ sau Cách mạng Tháng Tám, nhưng do thực tế còn phải tiếp tục đấu tranh giành chính quyền nên ý nghĩa "Đảng cầm quyền" chưa mang tính xã hội trọn vẹn.
Di huấn của Bác lần này hướng về tương lai sau khi đất nước hoàn toàn độc lập và thống nhất. Giai đoạn mới dùng ở đây là kể từ mốc lịch sử đó và Đảng lả đảng cầm quyền trong thể trọn vẹn trong không gian đó, thời gian đó.
Làm theo lời dạy của Bác, Đảng đã làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước và sẽ phải thành công trong giai đoạn mới.
Sự chuyển biến giai đoạn cách mạng sau ngày 30/4/1975 đặt trước Đảng ta - Đảng cầm quyền, biết bao khó khăn, phức tạp khách quan và chủ quan, có cái do quá khứ để lại và có cái mới nảy sinh. Có thiếu sót, sai lầm này nọ, lớn hoặc nhỏ, những bất cập nếu có cũng là chuyện không làm sao hoàn toàn tránh khỏi.
Điều đáng nói là khâu trọng tâm trong Di chúc Bác Hồ nêu ra về vấn đề cán bộ đã không được quan tâm đúng mức ngang tâm yêu cầu của giai đoạn mới. Không ít thiếu sót, sai lầm kéo dài nhưng thiếu kiên quyết khắc phục, hậu quả nghiêm trọng vẫn còn dai dẳng và Đảng không thể không nhận trách nhiệm về mình. Đảng cầm quyền không đồng nghĩa với Đảng làm chính quyền. Đảng lãnh đạo đường lối, chủ trương, chính sách, biện pháp lớn, được thực thi thông qua công cụ chủ yếu là chính quyền nhà nước có phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức phục vụ chủ chốt là đảng viên.
Bác Hồ đã nhiều lần nêu vai trò quyết định của cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thực hiện chức năng kép là quản lý xã hội bằng pháp luật và là đầy tớ của dân. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đảng viên, cán bộ được giới thiệu giữ chức vụ then chốt trong bộ máy nhà nước. Cho nên, cán bộ, đảng viên làm tốt hay xấu nhiệm vụ của mình đều có ảnh hưởng rất quan trọng đến uy tín của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Lênin đã nhiều lần nói về chính quyền, giành chính quyền trong cách mạng khi đảng chưa trở thành đảng cầm quyền và sự khó khăn bội phần để giữ chính quyền khi Đảng là đảng cầm quyền.
Chúng ta không bi quan nhưng chúng ta lo âu sâu sắc, có lẽ không phải chứng minh bằng những vụ án mà ai cũng biết. Đó chỉ là những rác rưởi nổi trên mặt nước. Còn những cặn bã nguy hại hơn chìm sâu xuống đáy ở trong bộ máy nhà nước: ở đầy đủ các dạng, đủ cỡ cán bộ, đảng viên, có tổ chức hay riêng lẻ, cấu kết hay không giữa những kẻ thoái hóa trong bộ máy nhà nước với bọn xã hội đen bên ngoài, với nước ngoài. Ở một mức độ nào đó, sự yếu kém trong cơ thể đảng và bộ máy nhà nước ta là nguy cơ có thực và là căn bệnh đang phát triển.
Di chúc của Bác về Đảng đọc qua dễ được thu nhận như là những lời khuyên răn đơn thuần về đạo đức nhưng nếu nghiên cứu thấu đáo, di huấn của Bác chứa đựng toàn bộ tư tưởng của Bác về lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, về những việc phải làm, về động lực của con người, trong đó trước hết là về vai trò của cán bộ, đảng viên.
Trước đây một số năm, ta đã nhấn mạnh rằng vai trò lãnh đạo thể hiện và thông qua tổ chức. Điều đó đúng nhưng không đủ và nếu để che giấu sự xuống dốc về đạo đức, đời sống của Đảng viên, cán bộ thì là sai lầm. Nội dung lý tưởng đúng và có sức thuyết phục, cương lĩnh, chủ trương, chính sách, biện pháp tốt phù hợp từng giai đoạn mà không có con người thực hiện tốt thì không có ý nghĩa gì, thậm chí có hại.
Bác Hồ đã nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa".
Ngày nay, biện minh cho những sai lầm, thiếu sót do trình độ đảng viên không còn có tính thuyết phục nữa, mặc dù ai cũng thấy rằng trên con đường đi lên, kiến thức, trình độ phải không ngừng được nâng cao. Uy tín của Đảng, lòng tin vào chế độ, về tương lai của Đảng và chế độ trong nhân dân, phụ thuộc rất nhiều vào cán bộ, đảng viên chân chính nêu những tấm gương để noi theo, đó là những người đảng viên, cán bộ xả thân vì sự nghiệp lớn, mẫu mực về đạo đức, lối sống như Bác Hồ dạy.
Di huấn của Bác Hồ đã nêu vai trò của tự phê bình, phê bình trong công tác xây dựng Đảng. Nhân dịp kỷ niệm thực hiện Di chúc của Bác, Trung ương Đảng ta đã phát động cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mở một đợt tự phê bình trong toàn Đảng. Đó là một chủ trương đúng đắn, cần thiết và cấp bách.
Mong muốn rằng việc tự phê bình và phê bình thực sự được tôn trọng đúng với vai trò của nó trong nguyên lý xây dựng Đảng và nghiêm túc thực hiện di huấn của Bác. Trong nguyên lý xây dựng Đảng, tự phê bình và phê bình được xếp là một quy luật phát triển Đảng và thực hiện thường xuyên như không khí để thở, cơm để ăn, nước để uống.
Tuy nhiên, để tự phê bình và phê bình trở thành một hành động tự giác, cần trước hết phải giáo dục cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần lý tưởng của Đảng. Không có lý tưởng làm tiêu điểm để phấn đấu thì tự phê bình và phê bình nếu có làm cũng chỉ là hình thức và có lệ. Mặc khác, cũng cần thiết nêu thêm ở đây lời dạy của Lênin: " ... Và tất cả tính đặc thù của tình hình hiện nay phải thấu triệt những đặc điểm của thời kỳ quá độ từ một thời kỳ mà nhiệm vụ chủ yếu của chúng là là thuyết phục... sang thời kỳ mới mà nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta là quản lý".
Đảng ta là một đảng cầm quyền, tuyệt đại đa số các chức vụ chủ chốt đều là do đảng viên đảm nhiệm, sự tự giác của đảng viên là cơ sở hàng đầu nhưng chỉ dựa vào đó là không đủ, cần phải biết tổ chức, có những biện pháp về tổ chức để đảm bảo cho họ có sự tự giác đó và tổ chức cũng "tự giác" khi cần thiết đưa cán bộ, đảng viên vào khuôn phép của Đảng và Nhà nước.
------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.12.