Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 19/11/2014 21:45 (GMT+7)

Hệ thống thủy điện mini của hai lão nông dân ở Bình Phước

Đưa “ánh sáng” cho các hộ nghèo

Ông Vương Ngọc Bửu Sơn (55 tuổi, ngụ sóc Tà Cố, xã Long Tân, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước - tên thường gọi “ông Sơn ánh sáng”) là người tiên phong của sóc biết tận dụng sức nước để tạo ra nguồn điện. Chỉ tay lên ba cái cầu dao điện, ông Sơn nói: “Mỗi cái cầu dao là của mỗi loại điện năng khác nhau: Điện lưới quốc gia, điện tự làm từ sức nước và điện năng lượng mặt trời. Cả ba loại điện năng này đều hoạt động rất hiệu quả”.

Ông Sơn kể lại: “Năm 1994, tôi đưa gia đình rời Tiền Giang lên sóc Tà Cố, xã Long Tân lập nghiệp. Những ngày đầu khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhất là không có điện thắp sáng”. Trăn trở với điều này, ông Sơn quan sát địa hình nơi đây thuận lợi để làm điện từ sức nước. Đặc biệt là vào mùa mưa, mực nước ở các con sông, suối dâng cao, dòng chảy mạnh, làm thủy điện sẽ rất hiệu quả.

Nắm được lợi thế đó, năm 1999, ông Sơn lặn lội ra tỉnh Khánh Hòa để học hỏi mô hình làm hệ thống thủy điện mini. Sau một năm tìm hiểu, đến năm 2000 ông đã sáng chế thành công mô hình máy phát điện từ sức nước và đưa vào hoạt động. Ông Sơn cho biết, để làm hệ thống thủy điện mini ông đổ bê tông ngăn con suối lại, sau đó ông xây những rãnh nhỏ để dòng nước chạy vào. Tiếp đến, ông cho gắn những tua-bin phát điện vào từng rãnh nhỏ rồi nối dây điện. Khi dòng nước đổ vào những rãnh nhỏ (có gắn các tua-bin) sẽ làm cho tua-bin quay và lúc này tua-bin phát ra điện. Theo ông Sơn, kinh phí cho mỗi tua-bin phát điện hoàn chỉnh chỉ với 1 triệu đồng, dễ làm mà lại hiệu quả, đủ cung cấp điện sinh hoạt trong gia đình và một số hộ xung quanh.

Bà Thị Gái (ngụ cùng sóc) là hộ dân được kéo điện trực tiếp từ nhà ông Sơn chia sẻ: “Được ông Sơn giúp đỡ, con cái tôi có điện để học hành, buổi tối cả nhà quây quần xem tivi vui lắm!”

Thành công với hệ thống thủy điện mini, ông Sơn còn nhiệt tình hướng dẫn những hộ dân sống gần khu vực suối làm theo cách của mình. Đến nay, trong sóc đã có 6 hộ thành công với cách làm này. Ông Điểu Ngôn (ngụ cùng sóc) vui mừng nói: “Có điện, gia đình tôi rất vui! Nhờ học cách làm thủy điện của ông Sơn mà cuộc sống gia đình tôi thay đổi rất nhiều”.

Niềm đam mê với ánh sáng của ông Sơn không dừng lại ở đó. Vào mùa khô, khi mực nước xuống thấp, thủy điện không hoạt động được ông lại mày mò nghiên cứu, lắp đặt, sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời.

Giờ đây khi điện lưới đã kéo vào tới thôn, bản nhưng gia đình ông vẫn chỉ quen xài “điện nhà”, một mặt để tiết kiệm cho điện lưới quốc gia, mặt khác tiết kiệm chi phí cho gia đình. “Công suất 60kW/tháng, với lượng điện năng này, một hộ gia đình ở nông thôn đủ thắp sáng” - ông Sơn nói.

Thu hơn 500 triệu đồng/năm nhờ hệ thống thủy điện mini

Năm 1996, ông Đinh Văn Khiêu (54 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) rời quê hương Thái Bình vào Bình Phước lập nghiệp. Ban đầu ông cùng vợ làm thợ may nhưng cái nghèo cứ mãi đeo đuổi. Ông xoay sang nghề làm vườn, vay mượn của người thân được ít tiền, vợ chồng ông mua gần 4ha đất sình lầy và bắt tay vào đào ao, nuôi cá, làm chuồng trại. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật cộng với tính siêng năng, chí thú làm ăn nên đàn cá và heo lớn nhanh, thu nhập của gia đình ông từ đó cũng được cải thiện. Kinh tế tạm ổn nhưng ông vẫn chưa an lòng bởi khu rẫy của gia đình chưa có điện (rẫy cách quá xa lưới điện), do đó tối nào gia đình cũng phải thắp đèn dầu.

Năm 2007, ông Khiêu mày mò làm hệ thống thủy điện nhỏ để tạo ra điện phục vụ sinh hoạt gia đình. Ý tưởng này bắt nguồn khi ông thấy con suối cạnh vườn có thể tận dụng được để tạo ra nguồn điện. Nhờ sự hướng dẫn của những người có kinh nghiệm cùng với quyết tâm và niềm đam mê sáng tạo, ông bắt tay vào thực hiện công trình thủy điện mini.

Ban đầu, ông Khiêu gặp rất nhiều khó khăn như: không lường được nguồn nước của con suối, lượng nước quá mạnh làm vỡ đập, tua-bin không chạy… Nhưng ông vẫn không nản chí. Đúc kết kinh nghiệm từ những thất bại, ông mày mò, nghiên cứu thành công hệ thống điện sinh hoạt chạy bằng sức nước.

Theo ông Khiêu, để làm được hệ thống thủy điện này, trước hết phải đắp một con đập bằng bê-tông nhằm ngăn dòng nước, đồng thời mua 2 tua-bin, dây dẫn điện… Nguyên lý hoạt động của hệ thống là khi dòng nước chảy vào cánh quạt của 2 tua-bin quay sẽ tác động vào hai cục Điamô khiến nó quay theo và phát ra điện. Khi có luồng điện, nối ba dây điện (gồm 2 dây nóng và 1 dây nguội) vào bộ thu điện. Chi phí để hoàn thành hệ thống này gần 30 triệu đồng.     

Ông Khiêu chia sẻ: “Khi hệ thống thủy điện vận hành, đông đảo người dân trong vùng đều đến xem và hồi hộp chờ đợi. Thế rồi tua-bin quay, tạo dòng nước xoáy, công trình thủy điện mini tạo ra nguồn điện. Thấy điện sáng ai cũng tặc lưỡi khen”.

Nhờ hệ thống điện mini tự mày mò sáng chế, gia đình ông Khiêu không chỉ dùng để thắp sáng, tiết kiệm điện năng mà còn phục vụ cho tích cực sản xuất. Xuất thân từ một hộ nghèo khó nhưng nhờ biết khai thác tối đa nguồn điện vào việc nuôi trồng, nay gia đình ông Khiêu đã khấm khá với thu nhập hàng năm hơn 500 triệu đồng.

Chia tay những nông dân chúng tôi ra về, trong lòng cảm thấy khâm phục, vì họ là những người dám tiên phong đi đầu để đưa ánh sáng về cho gia đình và hộ dân nghèo trong ấp. Từ đó, giúp kinh tế gia đình trở nên khấm khá hơn.  

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.