Hạt móc mèo
Vì có nhiều người hỏi vấn đề này thực hư thế nào? Chúng tôi xin cung cấp một số thông tin sau:
Cây móc mèo, còn gọi là móc diều, vuốt hùm; tên khoa học là Caesalpinia minaxHance, họ đậu (Fabaceae). Đây là cây bụi mọc trườn, dài 3 – 6m, sống nhiều năm, toàn cây có nhiều gai sắc hình nón và lông ngắn màu vàng. Lá mọc so le, kép hai lần hình lông chim, cuống chung dài 30 – 40cm, có 8 – 10 đôi cuống phụ dài 8 – 12cm, mang 6 – 12 cặp lá chét hình trái xoan, dài 2 – 3,5cm, rộng 5 – 1,3cm. Cụm hoa là chùy ở đầu cành, cuống cụm hoa cũng có nhiều gai. Hoa màu vàng nhạt, 5 lá đài dính liền, 5 cánh hoa rời, 10 nhị, chỉ nhị có lông ở nửa dưới, bầu có gai. Quả loại đậu, hơi dẹt, dài đến 13cm, rộng 4,5cm, dày 2 – 3cm, phủ đầy gai, chứa 5 – 7 hạt gần hình cầu, vỏ hạt dầy, cứng, màu nâu đen. Cây mọc hoang ở vùng núi, ven đường nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung của Việt Nam , có nơi trồng làm hàng rào. Cây này còn mọc ở Lào, Thái Lan, Campuchia và phía nam Trung Quốc (Vân Nam , Quảng Đông, Quảng Tây…).
Trong dân gian, người ta dùng rễ và hạt ngâm rượu ngậm trị đau răng, dùng rễ để sắc hay ngâm rượu uống chữa đau nhức. Sách “ Nam dược thần hiệu” ghi: Lấy một hạt đốt tồn tính, tán bột, hòa vào nước uống chữa đau bụng quặn. Hạt móc mèo cũng được dùng trong y học cổ truyền Trung Quốc để chữa sốt, cảm cúm, vết thương, vết loét, các bệnh ngoài da, và gẫy xương.
Năm 2001, JIANG Ren-Wang và các nhà khoa học Hồng Kông đã chứng minh trong hạt móc mèo có 5 neocaesalpin mới và 8 chất furanditerpenoid. Thử tác dụng sinh học đã xác nhận chúng có tính kháng vi rút 3 ở người (Human parainfluenza virus 3).
Chưa có tài liệu khoa học nào nói hạt móc mèo trị ung bướu, và trị u trong cổ. Những thông tin này cần được các nhà khoa học kiểm chứng. Trong khi chưa biết đầy đủ công dụng của nó thì không nên tự ý dùng làm thuốc uống, có thể nguy hiểm đến tính mạng.