Hai vĩ nhân, chung một ngày kỷ niệm
Cả hai người đều hiến dâng trọn đời mình cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc, đều là nhà tư tưởng, nhà lãnh đạo, nhà văn hóa kiệt xuất... đã mang trái tim, khối óc của mình phục vụ cho mục đích cao cả là giải phóng dân tộc.
Ở José Martí, lý tưởng giải phóng dân tộc gắn liền với ước mơ xóa bỏ mọi bất công xã hội, mang lại hạnh phúc cho các tầng lớp nhân dân lao động đã thể hiện thường xuyên trong suốt quá trình hoạt động của mình.
Còn ở Hồ Chí Minh, với lòng yêu nước nồng nàn, đã vượt muôn ngàn gian khổ để tìm đường cứu nước, vạch ra chân lý sáng ngời: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.
Nhiều học giả Cuba và Việt Nam đều cho rằng, dường như lịch sử đã khéo lựa chọn, giao phó cho Hồ Chí Minh tiếp nối sứ mệnh mà José Martí chưa hoàn thành, nhằm giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
Nhờ sống và làm việc trong nhiều năm ở ngay sào huyệt của chủ nghĩa đế quốc, thực dân nên cả José Martí và Hồ Chí Minh đều có một nhãn quan chính trị sáng suốt, nhạy bén, nhận diện kẻ thù một cách chính xác.
José Martí đã có lần nói: "Tôi đã sống trong lòng con quỷ dữ nên hiểu rõ tâm địa của nó" và nhận xét đế quốc Mỹ là "phương Bắc tráo trở và tàn bạo, khinh miệt chúng ta...". Ông là một số rất hiếm những nhà cách mạng ở Tây bán cầu vào cuối thế kỷ XIX đã lên tiếng khẳng định: Thực dân Tây Ban Nha là kẻ thù trước mắt của dân tộc mình, đồng thời sớm nhìn thấy nguy cơ bành trướng của đế quốc Mỹ đối với Cuba và các nước Mỹ Latinh khác.
Sau chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (ngày 15-7-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định âm mưu của đế quốc Mỹ là kéo dài chiến tranh, tiến tới thế chân thực dân Pháp xâm lược Đông Dương và Người chỉ rõ: "Hiện nay, đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương".
Chủ trương thành lập một chính đảng để lãnh đạo cách mạng là mối quan tâm hàng đầu của José Martí và Hồ Chí Minh.
Trong một thời gian dài cho đến năm 1892, José Martí đã hoạt động ráo riết để sáng lập Đảng cách mạng Cuba (tiền thân của Đảng Cộng sản Cuba ngày nay), một Đảng có đường lối cách mạng thực sự, tập hợp được nhiều tầng lớp lao động và những người yêu nước chân chính, để cùng nhau bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc, là giành cho kỳ được độc lập, tự do thực sự cho Tổ quốc.
Đầu thế kỷ XX, vào năm 1930, Hồ Chí Minh chính là người đã tổ chức, rèn luyện và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ thắng lợi.
Thật khó mà nói hết được những điểm tương đồng thật kỳ diệu về tư duy, hành động cũng như trong cuộc sống đời thường của José Martí và Hồ Chí Minh với tác phong khiêm tốn, giản dị và gần gũi với mọi đối tượng...
José Martí, người anh hùng dân tộc Cuba. |
Không hẹn mà gặp, trong lĩnh vực thơ ca, hai bậc vĩ nhân đã có những điểm giống nhau đầy lý thú, thể hiện trong nội dung giáo dục sâu sắc, đầy sức thuyết phục, rung động lòng người, mang chất trữ tình, thiết tha với Tổ quốc, quê hương...
Càng suy ngẫm những câu thơ tưởng chừng mộc mạc của José Martí và Hồ Chí Minh, ta càng cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu tiến lên phía trước. Đặc biệt, những vần thơ của José Martí và Hồ Chí Minh đều hiện rõ tầm cao trí tuệ và tính chiến đấu cách mạng. Ví dụ như:
"Thơ tôi ngắn ngủi chân thành
Chứa đầy chất thép đúc thành
gươm đao
Thơ tôi tha thiết vẫy chào
Gửi người dũng sĩ bước vào
đấu tranh".
Cũng với ý đó, Hồ Chí Minh đã viết:
"Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết
xung phong".
Có thể nói "Những vần thơ giản dị" của José Martí và "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh là những tác phẩm vô giá cho các thế hệ ngày nay và mai sau.
Gần đây nhất, trong một cuộc trò chuyện với tôi, đồng chí Fredezmán Turró Conzález, Đại sứ Cuba tại Việt Nam nhắc lại câu chuyện có ý nghĩa lịch sử là: Khi đang sống lưu vong và hoạt động cách mạng trên đất Mỹ, José Martí đã viết truyện ngắn nhan đề: "Cuộc dạo chơi trên đất nước của người An Nam" đăng ở tạp chí Edad de Oro (Tuổi vàng), giới thiệu cho các độc giả của Cuba và châu Mỹ về cuộc sống lao động cần cù, sáng tạo, với nền văn hóa lâu đời, phong phú và nêu bật tinh thần đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đồng thời bày tỏ niềm tin tất thắng vào cuộc đấu tranh đó.
Vì vậy, đồng chí Fidel Castro đã từng nói: "José Martí chính là người Cuba, người Mỹ Latinh đầu tiên phát hiện ra Việt Nam ".
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những tình cảm đặc biệt đối với cách mạng và nhân dân Cubaanh em, luôn vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị trong sáng Việt Nam- Cuba .
Nhiều luận điểm mang tính dự báo chiến lược và chỉ đạo thực tiễn của José Martí và Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Những tinh hoa của tư tưởng dân chủ, cách mạng tiến bộ của José Martí hiện đang trở thành một thứ vũ khí tinh thần sắc bén của nhân dân Cuba trong cuộc chiến về tư tưởng, phê phán mọi hiện tượng tiêu cực trong nước và vạch trần những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động bên ngoài nhằm chống phá cách mạng Cuba.
Tư tưởng Hồ Chí Minh qua những lời giáo huấn của Người trên mọi lĩnh vực đã và đang được các thế hệ Việt Nam học tập và làm theo, kế thừa một cách xứng đáng.
Nhân dân hai nước Cubavà Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào chính đáng về hai vị lãnh tụ kính yêu của mình. Sự nghiệp và tấm gương vĩ đại của José Martí và Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường mà nhân dân Cuba và nhân dân Việt Nam đang tiến bước để xây dựng và bảo vệ đất nước mình ngày càng tươi đẹp và vững chắc.