Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ngày 13/5/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Hà Giang đã tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các Hội thành viên Liên hiệp Hội Hà Giang và các chuyên gia TVPB ở tỉnh.
Dự thảo “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” được bố cục gồm 07 chương, 74 điều quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hội thảo nhất trí cao với việc sớm ban hành Luật, đồng thời cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, để nội dung Luật được hoàn chỉnh, đầy đủ, cụ thể và khả thi cao, các đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các nội dung cụ thể về: Mở rộng phạm vi áp dụng và làm rõ đối tượng áp dụng của dự thảo Luật (tại Điều 1 của dự thảo luật); làm rõ thuật ngữ “cơ sở” và không nên quy định cụ thể về “thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp”, vì bản chất, nội dung và phương thức thực hiện cơ chế dân chủ ở doanh nghiệp rất khác với thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố (quy định tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật); quy định cụ thể và bổ sung thêm hình thức công khai thông tin phù hợp với những vùng miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, sử dụng ngôn ngữ khác nhau và cụ thể thời điểm công khai thông tin để Nhân dân biết (Điều 10); làm rõ khái niệm “cử tri” trong dự thảo luật cho thống nhất với Luật bầu cử 2015 (Điều 15); quy định rõ việc tổ chức thực hiện văn bản của cộng đồng dân cư phải do người đứng đầu đầu cộng đồng dân cư chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện chứ không phải do UBND cấp xã chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện (tại Điều 21); chỉnh sửa, bổ sung các quy định về Nhân dân giám sát, hình thức và trình tự cán bộ công chức, viên chức, người lao động kiểm tra, quy định về thanh tra nhân dân để đảm bảo tính thống nhất và không mâu thuẫn với các Luật khác như: Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tố tụng hành chính, Luật thanh tra 2010 (Điều 32, Điều 40 và Điều 41); rà soát, chỉnh sửa, bổ sung thêm một số điều, khoản quy định rõ hơn, cụ thể hơn, lô-gic hơn về “Nội dung quản lý nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở” (Chính phủ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp) cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp tổ chức thực hiện (từ Điều 64 đến Điều 71 chương VI của dự thảo luật).
Các ý kiến tham gia, góp ý đối với dự thảo Luật của đại biểu được Liên hiệp Hội Hà Giang tổng hợp báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để phản ánh về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị với Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV trong tháng 5 năm 2022./.