GS.TSKH. Nguyễn Khánh Dư và “gia tài” của một người thầy
Vâng, tôi là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
Có lần ông được phỏng vấn mà câu hỏi đặt ra hết sức hóc búa: “Nếu người nước ngoài hỏi giáo sư (GS) trong các lần đi nước ngoài để tham dự hội nghị khoa học hay hợp tác khoa học ở nhiều nước trên thế giới rằng: “Ông có phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) không? Xin ông cho biết về sự liên quan của Đảng CSVN đối với công việc ông đang làm?”, GS không ngần ngại nói ngay: “Vâng, tôi là đảng viên đảng CSVN. Tất cả mọi cử chỉ, hành động, hoạt động chuyên môn, khoa học kỹ thuật và đào tạo cán bộ của tôi đều được thực hiện theo đường lối cách mạng... Khoa học là di sản chung của cả thế giới, không phân biệt là của các nước tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi luôn luôn nghiên cứu những đặc điểm của y tế, y học Việt Nam trong điều kiện cụ thể của nhân dân và đất nước. Và chúng tôi không ngừng áp dụng một cách sáng tạo các thành tựu của y học thế giới vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam với mục đích cuối cùng là “Vì sự nghiệp khoa học và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Ông là một trong số rất ít người có tuổi Đảng (57) còn lớn hơn tuổi nghề (55). Con đường mà ông bước chân vào nghề y được xuất phát từ sự yêu nước và dấn thân cho Đảng, cho sự nghiệp bảo vệ, giải phóng dân tộc. Ông tham gia Mặt trận Việt Minh từ rất sớm. Năm 1947, cũng như tất cả thanh niên Việt Nam yêu nước khác, cậu đã tình nguyện ra mặt trận theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài mặt trận, chứng kiến cảnh đồng đội, đồng bào đã ngã xuống hay bị thương trong điều kiện thiếu thốn thuốc men, phương tiện y tế, cậu hết sức đau xót và một ý nghĩa rất nhân văn đã được nhen nhúm từ đó: “Nếu sau này được học hành tốt sẽ quyết dấn thân vào ngành y để cứu sống được nhiều người hơn”.
Năm 1950, người thanh niên yêu nước Nguyễn Khánh Dư được vinh dự kết nạp vào Đảng CSVN (khi đó gọi là Đảng Cộng sản Đông Dương). Một bước ngoặt lớn trong cuộc đời - cuối năm 1953, cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp đi gần tới thắng lợi, để chuẩn bị cho một tương lai lạc quan trong công cuộc xây dựng lại đất nước, ông được gửi sang học ở Liên Xô, tại Trường Đại học Y khoa Matxcơva 1 mang tên Xêtrênôp. Học tới năm thứ 5, mặc dù vẫn chỉ là sinh viên nhưng ông được tin tưởng giao hướng dẫn thực hành cho sinh viên y khoa năm thứ 3, 4 tại một bệnh viện (BV) thực hành của trường ở thành phố Tule. Sau 6 năm miệt mài học tập, ông trở về nước phục vụ Tổ quốc với tấm bằng hạng ưu.
Năm 1964, ông trở lại Matxcơva để bảo vệ luận án Phó tiến sĩ với đề tài: “Điều trị phẫu thuật bệnh hẹp van động mạch chủ và các hẹp van tim khác phối hợp”. Ngay sau thời gian này, trước sự hy sinh của đồng bào Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã thôi thúc người bác sĩ trẻ từ Liên Xô tình nguyện trở về tham gia kháng chiến. Năm 1973, ông được tăng cường cho tiền tuyến với cương vị là Chủ nhiệm Khoa ngoại Bệnh viện lâm sàng Trung ương miền Nam Việt Nam (Bệnh viện E). Tại chiến trường Vĩnh Linh - Quảng Bình, nơi được xem là “túi bom của tuyến lửa”, ông đã tiến hành những ca mổ hết sức phức tạp dưới hầm, trong tiếng gào rú của bom đạn. Rất nhiều chiến sĩ và đồng bào đã được ông cứu sống.
Đến năm 1981, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học với đề tài: “Điều trị phẫu thuật vết thương và di chứng vết thương mạch máu lớn ngoại biên” tại Liên Xô. Đề tài luận án của ông được Hội đồng khoa học Viện hàn lâm y khoa Liên Xô đề nghị cho viết thành một cuốn sách chuyên khảo bằng tiếng Nga. Cuốn sách này đã được Nhà xuất bản Y học Matxcơva ấn loát và phát hành năm 1985. Năm 1984, ông được phong học hàm Giáo sư I, năm 1991 phong học hàm Giáo sư II. Ông thông thạo 3 thứ tiếng nước ngoài: Anh, Pháp, Nga.
Từ ngày 1/5/1975, ông đã có mặt tại Sài Gòn. Tiếp đó là những năm tháng miệt mài làm việc với tinh thần khoa học và sáng tạo tại BV Chợ Rẫy trên cương vị là Phó giám đốc; là Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật lồng ngực - tim mạch Trường đại học Y Dược TP. HCM. Theo BSCKII. Đồng Lưu Ba - hiện là Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực tim mạch BV Chợ Rẫy: “Chỉ tính riêng ở BV Chợ Rẫy, GS. Dư đã đào tạo cho 7 tiến sĩ, hàng chục bác sĩ chuyên khoa II loại giỏi. Điểm quý nhất, nhớ nhất ở thầy Dư là tinh thần làm việc không mệt mỏi, từ sáng, tối, nửa đêm... cần đến sự hướng dẫn là thầy có mặt đúng lúc. Thầy rất tận tình với học trò...”. Có một điểm hiếm có ở người thầy rất đặc biệt này là chỉ đạo mổ qua điện thoại. Ông đã thực hiện công việc này một cách thích thú với mục đích duy nhất là cứu sống người bệnh. Trong số đó, BV Nghĩa Bình, Quy Nhơn đã lần đầu tiên thành công ngoạn mục trong ca cấp cứu khẩn vết thương tim “có 1 không 2” nhờ vào sự chỉ đạo qua điện thoại của thầy Dư lúc 1 giờ sáng. Có 2 điều tâm đắc ông dành riêng cho học trò mình là: “Ngoài chuyên môn, người thầy thuốc phải luôn luôn đặt chữ “Đức” lên đầu, khi hành nghề phải xứng đáng với 5 chữ: Thầy thuốc như mẹ hiền. Khi đã học được nghề thì không nên giấu nghề mà phải hướng dẫn cặn kẽ cho người đi sau. Việc truyền nghề không đến nơi đến chốn sẽ đưa đến hậu quả là người tiếp thu sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân”. Chính vì tâm niệm tất cả vì người bệnh, vì khoa học, không màng đến vụ lợi và hư danh nên GS đã hoàn toàn chinh phục được lòng yêu mến của đồng nghiệp, sự kính trọng của học trò và niềm tin yêu nơi bệnh nhân. GS. Lâm Hồng Trường - Chủ nhiệm bộ môn Trường Đại học Y Dược TP. HCM cho biết: “GS. Dư là thế hệ đàn anh của chúng tôi. Ở GS, trí tuệ đã hòa vào rất tự nhiên với phong cách và đạo đức của một con người, không có gì gượng gạo cả”. Từ năm 2001 đến nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng GS vẫn tiếp tục làm chuyên viên và cố vấn ngoại khoa cho 2 bệnh viện lớn là: Thống Nhất và Quân y 175; vẫn tiếp tục dạy học, tham gia chấm luận án tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, II cho học trò với tư cách là Chủ tịch Hội đồng, là phản biện độc lập cho nhiều bản luận án tiến sĩ y học... Và nhất là “tinh thần vẫn minh mẫn, đôi bàn tay vẫn dẻo dai, vững chắc” để ông tiến hành rất nhiều ca mổ theo lời mời của một vài bệnh viện ở TP.HCM.
Gia tài của một thầy thuốc
Thầy Dư cùng học trò sau ca phẫu thuật thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy. |
GS. Dư còn là người lập nên một bảng phân loại mới về các di chứng vết thương mạch máu lớn ngoại biên. Bảng phân loại này hiện nay được coi là tiên tiến, hiện đại nhất của thế giới.
Không dừng ở đó, GS còn có hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, hàng chục đầu sách chuyên khảo, đào tạo nhiều thế hệ học trò mà trong đó có rất nhiều tiến sĩ nay đã thành danh...
Và trong cái gia tài quý báu đó, thật khó có thể kể hết hàng nghìn bức thư từ rất nhiều địa chỉ khác nhau, trong nước cũng như nước ngoài gửi đến cho nhà khoa học, nhà giáo, người thầy thuốc ưu tú Nguyễn Khánh Dư. Mỗi bức thư kể về một tâm tình, một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều nói lên lòng khâm phục và quý mến người thầy thuốc đức độ, đầy tài năng đã cứu sống và cho mình “được sinh ra lần thứ 2”. Họ gọi ông là con người có trái tim nhân hậu, hòa chung nhịp đập với trái tim người bệnh.
Mới đây, khi gặp ông tại nhà riêng, tôi thật sự cảm phục khi thấy GS, dù vào ngày nghỉ chủ nhật nhưng ông vẫn cặm cụi bên bàn làm việc, cẩn thận ghi chép từng ca mổ đã thực hiện của ngày hôm trước cũng như lên lịch mổ cho các ngày tiếp theo. Liếc nhìn cuốn sổ “Phẫu thuật từ sau Tết Đinh Hợi”, tôi thấy lịch làm việc của ông quả thật đáng nể. Trung bình một ngày ông vẫn thực hiện từ 2 đến 4 - 5 ca mổ, kể cả ngày thứ bảy, thậm chí có ngày tới 6, 7 ca. Không những thế, ông vẫn xuất sắc với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Phẫu thuật lồng ngực tim mạch TP. HCM. Nhận lời mời của Hội thảo Hội tim mạch học can thiệp quốc gia lần thứ 2 vào tuần đầu tháng 10/2007, ông đang say sưa soạn báo cáo khoa học về “Biến chứng hiếm gặp trong quá trình can thiệp không xâm lấn” và tự tay vẽ lấy tất cả hình ảnh minh họa. Ông như trẻ hơn tuổi 77 của mình rất nhiều, vẫn nhanh nhẹn và tận tụy.
Dù không có cái may mắn được làm học trò của GS ngày nào nhưng tôi đã kịp học ở chính con người ông một sự minh chứng cho sức lao động bền bỉ, tác phong của nhà khoa học chân chính và một trái tim giàu tình người.