Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 29/06/2022 21:59 (GMT+7)

GS.TS Phạm Văn Thức: Chọn ngành Y đừng nghĩ để kiếm tiền, làm giàu

GS.TS. Phạm Văn Thức chia sẻ, chọn ngành Y là xác định để chữa bệnh cứu người, chứ không phải như lời nhiều lời kháo: "Ngành y giàu lắm, cứ vào rồi sau ra mở phòng khám lấy tiền”

Thử thách lớn nhất của một bác sĩ là yêu nghề

Liên lạc với GS.TS.NGND Phạm Văn Thức, Chủ tịch HĐKH Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Ủy viên BCH Liên hiệp các Hội KH&KT Hải Phòng lúc nào cũng thấy ông bận rộn.

GS.TS. Phạm Văn Thức chia sẻ, một ngày của ông luôn “kín lịch” từ sáng tới tận chiều tối, có khi đến đêm. Theo đó, buổi sáng ông đến bệnh viện giao ban, khám bệnh, chiều lên lớp giảng bài cho sinh viên, học viên cao học hoặc nghiên cứu sinh. Buổi tối, nếu có luận văn, luận án cần phải đọc thì ông lại tiếp tục làm việc.

tm-img-alt
GS.TS. Phạm Văn Thức. Ảnh: NVCC.

"Ngày nào cũng bận rộn, đôi khi cả thứ 7. Rồi chủ nhật khi bệnh nhân có yêu cầu thì cũng vẫn phải làm việc. Tôi tên là Thức nhưng lại ngủ rất ngon. Tôi thường phải để chuông báo thức thì mới dậy được”, GS Thức nói. Chia sẻ với PV Tri thức và Cuộc sống, GS Phạm Văn Thức cho hay, ông sinh ra trong một gia đình nghèo của xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông nội ông là một lang y, chuyên làm thuốc chữa bệnh cứu người. Cha ông cũng là y tá, luôn nhiệt tình, nỗ lực giúp đỡ bệnh nhân. Từ thuở nhỏ, cậu bé Thức đã cảm thấy việc chữa bệnh và điều trị cho mọi người là niềm vui lớn lao và hun đúc tình yêu trong ông đối với ngành Y. Năm 18 tuổi, ông thi đậu vào Trường Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông thi đỗ và tiếp tục học hệ đào tạo nội trú sau đại học. Ra trường, khi được hỏi là muốn nhận nhiệm vụ ở Hà Nội hay Hải Phòng, ông đã xin về Hải Phòng vì tình yêu quê hương và khát vọng xây dựng ngành Y của Trường ĐH Y Hải Phòng lớn mạnh. Cho đến nay, ông đã góp phần phát triển Trường Đại học Y Hải Phòng với đầy đủ 07 mã ngành đào tạo đại học (Đa khoa, Y học dự phòng, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền, Dược sỹ, Cử nhân điều dưỡng, cử nhân kỹ thuật y học) và 50 mã ngành đào tạo sau đại học bao gồm: CKI, CKII, Nội trú, Thạc sỹ, Tiến sỹ). Đặc biệt, Trường còn có một chuyên ngành đặc thù duy nhất, chỉ có tại trường Đại học Y dược Hải Phòng là chuyên ngành Y học biển.

tm-img-alt

 GS.TS. Phạm Văn Thức, Chủ tịch Hội đồng trường trao học bổng Quỹ Viện sĩ cho tân sinh viên thủ khoa và tân bác sĩ thủ khoa. Ảnh: NVCC.

Cả tuổi trẻ dành trọn cho nghề Y, và cho đến giờ vẫn tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ, GS Phạm Văn Thức chia sẻ, thử thách lớn nhất của một người thầy thuốc đó là phải yêu nghề thực sự. Vì chỉ yêu nghề thì mới vượt qua áp lực công việc.

“Khi vào ngành Y, mỗi người cần phải trả lời câu hỏi: Vào ngành Y vì điều gì? Vì tình yêu hay chỉ coi là một nghề kiếm tiền? Bởi giữa nghề khám bệnh cứu người và nghề để kiếm tiền có sự khác nhau. Có người kháo nhau: “ngành Y giàu lắm đấy, cứ vào rồi mở phòng khám để lấy tiền giàu lắm”, không phải như vậy. Mà đã vào ngành Y thì phải xác định để chữa bệnh cứu người. Và có tình yêu với nghề thì cũng mới vượt qua được những áp lực”, GS Thức nói. Theo GS Thức, ngành Y có đặc thù đó là tình huống với bệnh nhân là tình huống với con người. Mà tính cách mỗi bệnh nhân có sự khác nhau, phải lựa để xử lý cho hài hòa, hợp lý. Không ít lần bác sĩ phải đối mặt với việc bị bệnh nhân hiểu lầm, trách móc. Những lúc đó, không có tình yêu với nghề sẽ không vượt qua được. Và một điều cũng rất quan trọng, đó là khi có đam mê với nghề thì mới giỏi được. Bởi tình yêu với nghề khiến một bác sĩ luôn luôn muốn học hỏi, tìm tòi, cập nhật những phác đồ mới để điều trị cho bệnh nhân, và giảng cho sinh viên. “Ngành Y là học suốt đời, học từng ngày, từng giờ, và suốt đời gắn với bệnh nhân. Hạnh phúc của người bác sĩ, người thầy đó là khi bệnh nhân khỏi bệnh, phấn khởi; các em sinh viên phản hồi bài giảng của thấy hay, ý nghĩa”, GS Thức chia sẻ.

Tăng học phí cao đột ngột, sinh viên nghèo không theo được

GS Phạm Văn Thức cho hay, quan điểm của ông vào nghề Y không phải để kiếm tiền hay làm giàu, nhưng BS cũng cần đảm bảo được mức thu nhập để có thể yên tâm, sống được với nghề. Đây là điều khiến ông trăn trở nhiều.

tm-img-alt

 GS Phạm Văn Thức nhận bằng giáo sư danh dự của Trường ĐH Kanazawa Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Theo GS Thức, hiện nay, mức lương của một BS vẫn được chi trả chưa xứng đáng. Đặc biệt, mức lương ra trường của một BS học 6 năm cũng chỉ bằng mức lương khởi điểm của sinh viên những trường khác học 4 năm, đó là điều bất hợp lý. Lẽ ra, mức lương này cần phải bằng với một thạc sĩ khi ra trường.

“Điều này cũng đã được bàn nhiều bởi các bộ ban ngành, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được”, GS Thức cho hay. Nhiều năm gắn bó với ngành Y, và ở vị trí đứng đầu một cơ sở đào tạo, điều khiến GS Phạm Văn Thức trăn trở nữa, đó là đào tạo lớp thế hệ kế cận. Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến về việc tăng học phí đối với ngành Y, theo GS Thức, đó là việc cần làm nhưng phải có lộ trình. Lý do là vì, trước đây, chúng ta chủ yếu có các bệnh viện công. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều bệnh viện được giao cho tự chủ hạch toán. Câu hỏi đặt ra là, nếu không có sự đầu tư từ phía Nhà nước thì lấy đâu kinh phí để đưa các thiết bị kỹ thuật cao, hiện đại ở nước ngoài về? Điều này liên quan đến việc sinh viên khi đi thực tập, đối với bệnh viện tư, liệu sinh viên có được thực tập trên các thiết bị hiện đại đó hay không? Chính vì thế, nhiều ý kiến ủng hộ việc tăng học phí là để đầu tư cho các trang thiết bị hiện đại này. Hiện nay, với mức học phí chỉ 9-14tr/năm cho một sinh viên ngành y so với các mặt bằng khác là quá thấp. “Tuy nhiên, cần phải có lộ trình tăng để đáp ứng với nhu cầu đào tạo, chất lượng đào tạo và phải theo chỉ đạo của Chính phủ. Nếu tăng học phí đột ngột ở mức quá cao thì không chỉ sinh viên nghèo mà ngay cả sinh viên bình thường cũng khó mà theo được”, GS Thức nói. Theo GS Thức, cũng có thể học tập mô hình nước ngoài, đó là học phí thu cao nhưng nhà nước cho sinh viên vay. Đến khi khi sinh viên ra trường, đi làm sẽ hoàn trả lại cho Nhà nước.

tm-img-alt

GS.TS Phạm Văn Thức nhận danh hiệu Viện sĩ Y học tại Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp. Ảnh: NVCC

GS.TS.NGND Phạm Văn Thức sinh ngày 06/10/1959. Trong suốt quá trình công tác, ông đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 2016, ông là người Việt Nam đầu tiên được Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp phong tặng danh hiệu Viện sĩ. Vừa qua, ông đã nằm trong số 106 trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vinh danh, được nhận bằng khen từ Chủ tịch Nước. Ông chia sẻ, mong muốn lớn nhất của ông từ khi ra trường đến giờ là trở thành một bác sĩ giỏi, điều trị bệnh nhân nhanh khỏi bệnh, có uy tín với đồng nghiệp… Được vinh danh đối với ông là điều bất ngờ, vinh dự và nhắc nhở ông thêm trách nhiệm, đóng góp  đối với sự phát triển quê hương Hải Phòng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế.

Mời quý độc giả xem video: GS.TS. Phạm Văn Thức được Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp phong tặng danh hiệu Viện sĩ. Nguồn: NVCC

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới