GS, TS Nguyễn Thanh Liêm: "Những nụ cười trẻ thơ là hạnh phúc của tôi"
Những bước đi đầu tiên
Sinh năm 1952, ở Quảng Xương (Thanh Hóa), trong một làng quê nghèo khó, gia đình Nguyễn Thanh Liêm sống trong cảnh nghèo đói, cơ cực. Năm 16 tuổi, anh đang học lớp 10 thì mẹ bị bệnh nặng và qua đời. Hình ảnh những cơn ho 'thắt ruột', vật vã chống lại những cơn đau của mẹ đã luôn ám ảnh anh. Sau cái chết của mẹ, gia cảnh anh đã khốn khó lại càng cùng cực hơn. Mọi việc dồn lên đôi vai của người cha nuôi sáu đứa con, trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt. Người anh trai cả đi bộ đội và hy sinh anh dũng. Nhìn cảnh người cha tần tảo sớm khuya, anh xin cha nghỉ học ở nhà làm ruộng để giúp đỡ gia đình, nhưng cha anh động viên 'con phải cố gắng học vì bản thân con và vì gia đình'. Ban ngày, anh vừa đi học vừa tranh thủ làm thêm. Ở trường, thầy giáo dạy môn văn thấy anh có năng khiếu về văn học nên đã động viên anh thi vào Trường đại học Tổng hợp. Nhưng ám ảnh về cái chết của mẹ và chứng kiến cảnh bà con xóm làng qua đời vì những căn bệnh không rõ nguyên nhân đã thôi thúc anh nộp hồ sơ thi vào Trường đại học Y Hà Nội và anh đã đỗ với số điểm cao.
Tháng 9-1970, anh ra Thủ đô học tại Trường đại học Y Hà Nội. Sau sáu năm miệt mài học tập, với thành tích xuất sắc, anh được nhà trường chọn là sinh viên học tiếp khóa đào tạo bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Ðức, chuyên ngành khoa Ngoại nhi. Năm 1979, anh ra trường với tấm bằng xuất sắc và được phân công về làm việc tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (ngày ấy Bệnh viện Nhi trung ương chưa thành lập). Ðến năm 1969, với tên gọi là Viện Bảo vệ Sức khỏe trẻ em. Năm 1997 được đổi tên là Viện Nhi. Có thời gian, Bệnh viện mang tên Bệnh viện Nhi Việt Nam - Thụy Ðiển. Năm 2003, đổi thành Bệnh viện Nhi trung ương.
Hành trình đi tìm lời giải những ca mổ khó
Bắt đầu từ ngày ấy, cuộc đời anh gắn liền với những ca cấp cứu, những ca mổ. Có những lúc anh phải rơi nước mắt khi thấy bất lực vì trình độ phẫu thuật nhi khoa còn hạn chế. Vào những năm ấy, một số loại bệnh như teo đường ruột bẩm sinh, dị tật không hậu môn, teo thực quản, phình đại tràng bẩm sinh... ở các bệnh nhi, hay bị biến chứng sau khi mổ, tỷ lệ sống thấp. Trong khi đó ở các nước tiên tiến thì ngược lại.
Năm 1985, anh được cử sang Thụy Ðiển học nâng cao kiến thức về Ngoại nhi..., trong suốt những năm tháng học tập ở đây, anh luôn đặt câu hỏi tại sao tỷ lệ bệnh nhi chết sau mổ ở các bệnh viện có chuyên khoa nhi ở Thụy Ðiển lại rất thấp? Sau những giờ học, thay vì nghỉ ngơi, đi chơi cùng các bạn sinh viên, anh xin phép nhà trường cho xuống nhà xác của Bệnh viện Ô-sa-la để nghiên cứu trên các thi thể. Miệt mài học tập và nghiên cứu, cuối cùng anh cũng đã tìm ra được câu trả lời dựa trên những phương pháp luận của khoa học và thực tế. Ngày trở về Việt Nam , trong hành trang là những kinh nghiệm, anh đã chữa, điều trị cứu sống nhiều bệnh nhi. Kể từ đó, tỷ lệ tử vong và di chứng sau phẫu thuật giảm đáng kể.
Năm 2000, khi anh có ý định muốn ghép tạng cho bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi trung ương, nhiều đồng nghiệp ở trong nước và ngoài nước đều e ngại. Vẫn biết bệnh viện còn thiếu bác sĩ, y tá có trình độ chuyên môn cao cũng như trang thiết bị hiện đại, nhưng chính ánh mắt của trẻ thơ nhìn anh mỗi lần được khám và điều trị, cùng sự ám ảnh về những cái chết của bệnh nhi đã trở thành động lực thôi thúc anh tìm mọi cách để giành lại cuộc sống cho các em. Câu chuyện bắt đầu từ một bệnh nhi có mẹ Việt Nam , cha Hàn Quốc. Trong thời gian sống cùng mẹ ở Việt Nam, em bé này bị ốm, cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương và được chẩn đoán là bị bệnh hiểm nghèo mà Việt Nam chưa chữa được. Ngay sau đó, cha mẹ em đã chuyển em sang Hàn Quốc vào Bệnh viện Samsung và tại đây em đã được cứu sống. GS Liêm kể, theo thông lệ quốc tế, bệnh viện nào tiếp nhận bệnh nhân của một bệnh viện khác thì sau khi chữa trị dù thành công hay không cũng phải thông báo kết quả cho bác sĩ điều trị ban đầu. Vì thế, sau khi cứu sống được em bé đó, bác sĩ người Hàn Quốc ở Bệnh viện Samsung đã thông báo kết quả điều trị. Sau một thời gian trao đổi, học hỏi kinh nghiệm,hai người đã trở thành những người đồng nghiệp thân thiết. Anh đã đề nghị bác sĩ Hàn Quốc ấy giúp đỡ trong việc ghép tạng và một tuần sau, bác sĩ này thông báo rằng, một người bạn của ông là bác sĩ Xuc-kô-li (Suk Koo Lee), một chuyên gia ghép tạng có nhiều kinh nghiệm ở Hàn Quốc đã nhận lời giúp đỡ.
Ðầu năm 2005, kíp phẫu thuật gồm các giáo sư, bác sĩ đến từ các bệnh viện ở Hàn Quốc, cùng toàn bộ trang, thiết bị hiện đại đã sang Việt Nam, phối hợp các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương ghép gan. GS Nguyễn Thanh Liêm không bao giờ quên được ca ghép gan đầu tiên ấy. Giáo sư và các đồng nghiệp cùng kíp bác sĩ Xuc-kô-li đã tiến hành ca ghép trong 12 giờ. Bệnh nhi là cháu Hoàng Anh Tuấn 14 tuổi ở Hòa Bình, bị xơ gan cổ trướng và người cho gan là anh Hoàng Văn Thanh, 46 tuổi, bố của cháu. Ca ghép tạng thành công ngoài sự mong đợi.
Ngọn lửa bền sáng tạo
GS Nguyễn Thanh Liêm là người dẫn dắt cho tất cả bác sĩ, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Nhi trung ương về tinh thần nhiệt tình, hết lòng vì trẻ thơ, ngọn lửa say mê sáng tạo trong anh đã được đồng nghiệp tiếp nhận và phát huy. Những đóng góp của anh và đồng nghiệp có thể nói ngang tầm quốc tế với những ca mổ như tách thành công bốn cặp trẻ song sinh dính nhau, trong đó có hai cặp Nghĩa - Ðàn, Cúc - An thuộc ca mổ phức tạp. Tám trường hợp ghép thận, bốn trường hợp ghép gan, ba trường hợp ghép tủy. Bên cạnh đó là những kỹ thuật cao như: mổ bệnh phình đại tràng bẩm sinh, kỹ thuật mổ không hậu môn bằng đường sau trực tràng, phẫu thuật chữa thoát vị cơ hoành ở trẻ mới sinh bằng nội soi lồng ngực và nghiên cứu kỹ thuật điều trị viêm mủ màng ngoài tim bằng cắt màng tim rộng qua nội soi lồng ngực... Sắp tới đây, Bệnh viện Nhi trung ương chuẩn bị ghép tế bào gốc để điều trị bệnh ly thượng bì bọng nước bẩm sinh là một loại bệnh gây tử vong cho trẻ em.
Tên tuổi GS Nguyễn Thanh Liêm gắn với những thành công của ngành phẫu thuật nhi khoa Việt Nam . Anh là người tiến hành ca ghép thận trẻ em đầu tiên ở Việt Nam , mở ra hướng điều trị cho trẻ em bị suy thận mãn tính và trẻ bị các bệnh gan, mật hiểm nghèo. Anh cũng là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi ở trẻ em, được đánh giá cao ở khu vực Ðông-Nam Á; là người tìm ra kỹ thuật mổ phục hồi chức năng cho trẻ em mắc bệnh teo cơ đen-ta, và từ đó đã kiến nghị Bộ Y tế ngừng tiêm chủng vào bắp cơ đen-ta, và thay vào đó là tiêm vào tĩnh mạch... 160 công trình nghiên cứu được xuất bản, trong đó có 30 công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí uy tín của thế giới. Ba lần được mời mổ trình diễn phẫu thuật nội soi tại Ðài Loan (Trung Quốc), In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, đồng nghiệp thế giới đánh giá rất cao. GS Nguyễn Thanh Liêm là người Việt Nam duy nhất được mời viết sách giáo khoa về phẫu thuật nhi cùng các giáo sư Anh và Mỹ, là người thẩm định các bài báo khoa học của nhiều tạp chí trên thế giới; giảng viên danh dự Truờng đại học Xít-nây; hội viên danh dự hội phẫu thuật Nhi Phi-li-pin; bằng danh dự của bệnh viện Hoàng gia Men-bơn (Melbourne) về những đóng góp xuất sắc cho công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em. Chủ trì hai đề tài cấp Nhà nước, ba đề tài cấp Bộ; đề tài nghiên cứu về cúm gia cầm; đề tài nghiên cứu về xơ hóa cơ đen-ta đã mang lại những lợi ích to lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Những công trình nghiên cứu mang ý nghĩa tầm khu vực và thế giới của GS, TS Nguyễn Thanh Liêm chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ người Việt Nam .
GS Nguyễn Thanh Liêm, là một trong những nhà khoa học lớn của y học Việt Nam . Ðiều đó được khẳng định sau những thành công của hàng loạt ca phẫu thuật vô cùng khó khăn mà ông và đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện thành công trong thời gian qua. Người ta dễ nhận ra ở GS Nguyễn Thanh Liêm một thầy thuốc giàu y đức. Anh làm việc không tiếc công sức, không biết mệt mỏi, luôn khao khát có thêm những đóng góp lớn hơn cho y học nước nhà. Với những đóng góp tích cực của ông cho nền y học Việt Nam, nhất là chuyên khoa ngoại nhi, GS Nguyễn Thanh Liêm đã đón nhận nhiều danh hiệu cao quý của Ðảng, Nhà nước trao tặng như: Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động hạng III, Thầy thuốc Nhân dân, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố và toàn quốc...