Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 10/05/2006 15:08 (GMT+7)

GS. NGND Đinh Xuân Lâm với nền Sử học nước nhà

Là chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm UNESCO - Thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam , ông đang phụ trách chỉ đạo xây dựng nhiều công trình nghiên cứu, xuất bản và hiệu đính để tái bản nhiều tác phẩm cũ có giá trị về lịch sử, văn hoá. Ngoài ra, ông còn hợp tác với nhiều địa phương từ Bắc vào Nam như: Cao Bằng, Quảng Ninh, Bạc Liêu… liên kết làm chương trình viết “Địa chí”. Thời gian gần đây ông chủ tịch nhiều hội thảo nghiệm thu những công trình lớn. Tháng 6 năm 2003 vừa qua ông là người phản biện đề tài chọn năm thành lập và ngày truyền thống của ĐHQGHN.

GS.Đinh Xuân Lâm sinh năm 1925 tại xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Quê hương ông là một vùng địa linh, nhân kiệt: Có rặng núi Thiên Nhẫn hùng vĩ - nơi xưa kia Lê Lợi từng đóng căn cứ Lục niên thành, với sông Ngàn Phố bao quanh, uốn khúc đổ xuống ngã ba Tam Soa hợp lưu với Ngàn Sâu tạo thành dòng sông La thơ mộng. Dưới chân đồi Linh Cảm rợp bóng thông, dòng sông êm đềm chảy, xuôi nguồn hoà với sông Lam tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Người dân nơi đây cần cù, khéo léo với nghề làm đồ gỗ tinh xảo, và từ xưa đã nổi tiếng về truyền thống hiếu học - từ Nho học chuyển sang Tây học, thời nào cũng có nhiều người đỗ đạt, thành danh. Ông thuộc dòng Đinh Nho - một dòng họ lớn. Cụ thân sinh ông giữ chức tri huyện Yên Định - Thanh Hóa, sau Cách mạng thángTám được làm việc ở Tòa án tỉnh Thanh Hóa cho tới lúc nghỉ hưu. Tuổi thơ của ông đã trôi qua một cách êm đềm trong một gia đình Nho giáo nhưng ảnh hưởng lối sống của tầng lớp tiểu tư sản trí thức thành thị. Vì vậy ngay từ nhỏ, ông mong muốn sau này sẽ vào ngành Luật để nối nghiệp cha.

Ảnh từ phải sang: Các Giáo sư: Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê và Văn Tạo
Ảnh từ phải sang: Các Giáo sư: Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê và Văn Tạo
Năm 1944, ông đỗ tú tài Ban Triết học - Văn chương của Trường Khải Định (nay là Trường Quốc học Huế). Thời gian này, niềm say mê của ông là đọc sách, báo. Ông đọc nhiều sách văn học, sáchlịch sử Việt Nam , Trung Quốc. Và ông cho rằng việc yêu mến môn Lịch sử, phần lớn cũng do ảnh hưởng của cha. Những cuốn tư liệu được cụ thân sinh ông dịch ra tiếng Việt: “Ngọc phả chép sự tích ChửĐồng Tử và hai nàng Tiên Dung, Tây Cung”; “Trần Công Xán”; “Thục An Dương Vương sự tích” (do BGD - TP.HCM xuất bản năm 1962 và 1968) như thúc giục, động viên ông đến với những cuốn sách lịch sử ViệtNam.
Dự định theo ngành Luật nhưng yêu môn Sử, chưa kịp vào đại học thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông tham gia hoạt động cách mạng và cuộc đời ông rẽ sang một bước ngoặt lớn.

“Đối với tôi đó là đêm lịch sử trong cuộc đời mà tôi sẽ không bao giờ quên - Đêm đó tôi đã gặp được những người cách mạng chân chính: Vào khoảng nửa đêm 19/8/1945, quân cách mạng vào chiếm huyện, nơi ông thân sinh tôi làm việc. Sự việc ập đến, gia đình tôi đang hoang mang trước đoàn người rầm rập, giáo mác trong tay, hừng hực khí thế…, bỗng có một người nói to: “không được trói ông huyện”, và người đàn ông đó tiến lại, nhìn tôi rồi hỏi: “Người thanh niên này là ai?”. Bố tôi trả lời: “Đó là con trai tôi, mới học ở Huế về”. Khi biết tôi đã đậu tú tài, ông có vẻ mừng một cách rất thành thực khiến tôi cảm động. Ông hỏi: “Bây giờ cách mạng thành công rồi, “cậu” định học gì?” Lúc đó nếu tôi nói sẽ học Luật để ra làm quan thì rất phi lý và lạc điệu, vì vậy tôi trả lời sẽ đi học trường Thuốc hoặc Nông nghiệp. Nghe tôi nói vậy ông liền bảo: “Cậu nghĩ được như vậy là rất quý. Bây giờ cách mạng thành công rồi, những ngành đó rất cần”… Cuộc tiếp xúc ổn thoả và để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc với những người cách mạng, với người mà sau này tôi mới biết đó là ông Lê Chủ - một nhà cách mạng nổi tiếng - người phụ trách cướp chính quyền ở các tỉnh phía tây Thanh Hóa”.

Vốn có tinh thần dân tộc lại rất cảm phục những nhà cách mạng chân chính, ông tham gia hoạt động cách mạng. Và một thời gian sau, ông vào ngành giáo dục cũng rất tình cờ: Sau khi xem thông báo tuyển dụng, ông làm đơn nộp nhà trường, và được bổ dụng làm Giáo sư Trường Colegè Đào Duy Từ ở Thanh Hoá.
Năm 1954 miền Bắc giải phóng, ông được cử ra Hà Nội học nâng cao ở khoa Sử - Đại học Sư phạm Văn khoa. Được lên thẳng năm thứ hai nên hai năm sau (1956) ông tốt nghiệp đại học loại xuất sắc và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy khoá đầu tiên của trường Đại học Sư phạm, sau chuyển sang Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cùng ở lại trường một lượt với ông còn có ba đồng nghiệp: Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Nguyễn Văn Sự.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của GS.Trần Văn Giàu, ngay năm đầu tiên ông đã biên soạn cuốn “Lịch sử Việt Nam từ 1897đến 1914” đứng tên chung với GS.Trần Văn Giàu và đồng nghiệp Nguyễn Văn Sự. Cho đến nay, công trình đầu tay này vẫn là một trong những công trình ưng ý nhất của ông. Sau một thời gian làm trợ giảngcho GS.Trần Văn Giàu, năm 1958 ông được cử làm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử cận hiện đại Việt Nam cho đến khi về hưu (1990).
Chịu ảnh hưởng lớn của người thầy - GS.Trần Văn Giàu - một nhà cách mạng, nhà triết học, nhà sử học lớn, ông đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam. Và từ đó ông khẳng định rằng:“Chủ nghĩa yêu nước của Hồ Chí Minh có sự tiếp thụ truyền thống yêu nước chống xâm lược tốt đẹp của gia đình, của quê hương, dân tộc, nhưng đã khác về chất với chủ nghĩa yêu nước của các sĩ phu thờitrước. Đặc điểm của chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh mang dấu ấn sâu sắc tính nhân dân, tính nhân văn, tính giai cấp. Đó là tình thương yêu bao la đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và khôngchỉ giới hạn phạm vi trong nước mà còn mở rộng mối quan tâm đối với giai cấp nhân dân lao động ở các nước trên thế giới”.

Trong quá trình nghiên cứu Sử học phục vụ giáo dục - đào tạo ở bậc đại học, ông chủ yếu đi sâu ba mảng đề tài chính. Đó là: Phong trào đấu tranh yêu nước chống xâm lược thời cận đại cuối thế kỷ XIX với các nhân vật tiêu biểu như: Trương Định, Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích, Hoàng Hoa Thám...; Phong trào yêu nước cách mạng đầu thế kỷ XX với hai nhân vật tiêu biểu: Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh; Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ năm 1959, Viện Sử học, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, Uỷ ban Khoa học xã hội, Viện Khảo cổ học, Viện Dân tộc học, Viện Đông Nam á lần lượt được thành lập, cùng với các Khoa Sử của các trường đại học ra sức đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Thời kỳ này, đội ngũ nghiên cứu được đào tạo bài bản, công tác điền dã được đẩy mạnh đã giúp cho việc sưu tầm các nguồn tư liệu được phong phú hơn. Giáo trình đại học và các công trình nghiên cứu được in ấn phổ biến rộng rãi. Sự giao lưu trao đổi quốc tế cũng giúp nền Sử học nước ta lớn mạnh. Đây cũng là khoảng thời gian các công trình nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật có giá trị mà ông trực tiếp chấp bút hoặc tham gia đều lần lượt được công bố, trong đó có cuốn giáo trình dùng cho sinh viên các trường đại học.
Giảng dạy, sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, giới thiệu và công bố nhiều chuyên khảo, ông còn tham gia biên soạn sách giáo khoa Lịch sử phổ thông và sách hướng dẫn giáo viên phổ thông. Từ những năm 60, liên tục qua các năm, hiện nay ông đang chủ biên sách giáo khoa Lịch sử lớp 9 cải cách.
Ông được phong học hàm Phó giáo sư năm 1980, Giáo sư năm 1982. Và năm 1988 ông cùng GS.Nguyễn Lân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân đầu tiên của ngành Sử. Với “nghề giáo”, ông tâm sự: “Giả sử như kiếp sau có phép hồi sinh, tôi lại làm nghề thầy giáo”.
Được biết các lớp sinh viên của ông tham gia đào tạo sau khi ra trường đều công tác tốt, nhiều người sau khi tốt nghiệp đã trở thành cán bộ nghiên cứu tốt và có triển vọng, có người là cán bộ nghiên cứu ở các viện, các trường học, các cơ quan báo chí… Những lớp sinh viên thành đạt ấy đã nhân hạnh phúc của người thầy lên gấp bội. Và trong quá trình làm công tác giảng dạy, ông tham gia nhiều Hội thảo Sử học quốc tế ở châu Âu. Những chuyến đi thỉnh giảng ở một số trường đại học của Pháp, Hà Lan, Madagasca - châu Phi… đã tạo nên những mối quan hệ sâu sắc, tốt đẹp giữa ông với những nhà sử học nghiên cứu về Việt Nam ở các nước trên thế giới.

Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, những năm gần đây, ông vẫn tham gia các chương trình nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh và các vấn đề thuộc lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, về đặc điểm chủ nghĩa đế quốc Pháp… Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm UNESCO - Thông tin tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam , chủ tịch nhiều hội thảo, phụ trách chỉ đạo xây dựng nhiều công trình nghiên cứu..., tuy rất bận nhưng ông không bỏ qua những đề tài mà ông tâm đắc. Thời gian gần đây, ông có nhiều công trình nghiên cứu về truyền thống đấu tranh, yêu nước, cách mạng, về tư tưởng Hồ Chí Minh: Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (Tạp chí Cộng sản). Tư tưởng Hồ Chí Minh với bản sắc văn hoá dân tộc (Nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật). Văn hóa phương Tây - một trong những nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về thế giới (Nghiên cứu châu Âu). Và nhiều bài viết về những nhân vật lịch sử cận đại, và phong trào yêu nước thời kỳ cận đại. Các tác phẩm như: Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục; Danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh; Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường; Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Cách mạng Việt Nam;… Đảng Cộng sản Việt Nam - những trang sử vẻ vang; Tư tưởng Hồ Chí Minh về Độc lập Dân tộc và Chủ nghĩa - Xã hội là những tác phẩm mới (năm 2003). Những bài luận văn của ông được đăng trên báo, tạp chí, trong số đó: “Chung quy vẫn là vấn đề phương pháp luận” - là tác phẩm mà ông tâm đắc nhất trong thời gian gần đây.

Hiện nay, Giáo sư Lâm đang tham gia viết, biên soạn “Giáo trình Lịch sử Việt Nam” của Khoa Sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sắp tới để kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Giáo sư, đã có những bài viết của đồng nghiệp và học trò viết về ông với những kỷ niệm, tình cảm rất chân thành.

GS.NGND. Đinh Xuân Lâm đã dành cả đời cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học - Một con người toàn tâm toàn ý với “nghề Sử”. Đến nay ở tuổi 79, nhưng trông ông vẫn rất “phong độ” với vóc dáng khoan thai, sắc da hồng hào, đôi mắt sáng hiền từ, vầng trán rộng và mái tóc dài ánh như cước… Trông ông luôn toát lên một phong cách rất “nghệ sĩ”.

Nguồn: http://100years.vnu.edu.vn

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…