Nếu trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức khác nhau, Ban soạn thảo có tinh thần cầu thị hơn thì có thể tránh được một số nhược điểm làm giảm giá trị của Nghị định.
Như đã nêu ở trên, dù có những ưu điểm rất cơ bản trên, Nghị định 88/NĐ-CP cũng chứa đựng một số nhược điểm quan trọng, gây phản ứng gay gắt của tuyệt đại đa số các hội và nhiều cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp.ởđây tôi chỉ nói đến những nội dung quan trọng nhất cần sớm được nghiên cứu sửa đổi lại cho hợp lý.
Hiện nay bên cạnh những hội hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể có trong tổ chức của mình các hội viên cá nhân và hội viên tập thể như Hội khoa học lịch sử, Hội Đông Y, Hội tin học…thì có cả những tổ chức hội chỉ tập hợp các hội tập thể, không có các hội viên cá nhân, như Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, và Liên minh các hợp tác xã Việt Nam v.v…Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức này cũng khác với các hội thông thường. Vì vậy theo ý kiến của tôi nên có một chương trong Nghị định dành riêng cho các tổ chức này.
Về vấn đề quản lý các hội, tôi đồng ý với nguyên tắc Bộ Nội vụ thống nhất quản lý nhà nước đối với tất cả các loại hội đúng như đã qui định trong Nghị định (điều 32). Hội hoạt động trong lĩnh vực nào thì chịu sự quản lý nhà nước của bộ, ngành chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó (điều 23, khoản 2). Tuy nhiên hoạt động của hội vô cùng phong phú và đa dạng. Ví dụ, hệ thống báo chí của Liên hiệp hội do Bộ văn hoá-Thông tin quản lý, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do Bộ khoa học và công nghệ quản lý, … Việc đưa các hội về cho từng bộ quản lý mang tính chất hành chính như đã ghi trong Nghị định và dự thảo văn bản hướng dẫn là không hợp lý. Lại càng không nên để Bộ Nội vụ và Bộ ngành đồng thời thực hiện nhiệm vụ quản lý các hội (điều 32 và điều 33). Để tạo điều kiện cho các hội hoạt động thuận lợi và có hiệu quả, chỉ nên giao cho các bộ ngành thực hiện chức năng bảo trợcác hội là đủ. Tất nhiên cũng cần nêu rõ những nội dung cần bảo trợ để các các bộ thực hiện sự bảo trợ một cách thống nhất, không tuỳ tiện. Vì vậy, cần loại bỏ những nội dung mang tính chất quản lý hành chính của các bộ chuyên quản đối với hội ra khỏi văn bản Nghị định. Ví dụ cần bỏ câu “ Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động công nhận”(câu 2, khoản 1, điều 7). Thay vào đó là Bộ Nội vụ công nhận ban vận động thành lập hội. Bỏ cụm từ: Bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoạt động (khoản 3, điều 23). Viết lại toàn bộ điều 33, chỉ để lại nội dung chủ yếu của khoản 2 của điều này.
Theo tinh thần hội nhập quốc tế và đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như theo Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị cần cho phép các hội, đặc biệt là các hội khoa học và kỹ thuật, quyền kết nạp Việt kiều và người nước ngoài tham gia hội với tư cách hội viên liên kết, hội viên danh dự. Trong một số trường hợp có thể mời họ tham gia hội với tư cách hội viên chính thức. Ví dụ, nên mời các giáo sư Trần Thanh Vân (Pháp), Trịnh Xuân Thuận (Mỹ) làm hội viên chính thức Hội Vật lý Việt Nam…Đến hội khoa học và kỹ thuật mà các trí thức Việt kiều yêu nước không được tham gia hoạt động với tư cách hội viên liên kết, danh dự và trong một số trường hợp là các hội viên chính thức thì làm sao thu hút họ tham gia phục vụ đất nước? Làm sao giải thích được chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc?
Cần xem xét lại khoản 11 điều 22 của Nghị định và xử lý vấn đề các hội tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế một cách linh hoạt hơn. Cụ thể là nên cho phép các hội địa phương cũng như hội trung ương có thể đồng thời tham gia một số tổ chức khu vực hay quốc tế. Ví dụ như Hội tin học Việt Nam và Hội tin học Thành phố Hồ Chí Minh đều có thể tham gia các tổ chức tin học trong khu vực và quốc tế. Điều này không phương hại đến bất kỳ ai, nhất là khi các tổ chức khu vực hay quốc tế lại là những tổ chức khoa học chuyên sâu, tổ chức nghề nghiệp. Ngay như ở Việt Nam cũng đang có tình hình đó. Ví dụ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội luật gia, Hội làm vườn, Hội Đông y, Hội khoa học lịch sử, thậm chí một số cá nhân tiêu biểu của các hội đó đều là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong khi chúng ta đang đề cao sự tham gia của công dân vào việc nước và việc xã hội theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tôi cho rằng nên bỏ phần cuối của câu: Tư vấn, phản biện các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động hội theo đề nghị của tổ chức và cá nhân (khoản 6, điều 22). Có rất nhiều vấn đề các hội có thể có ý kiến tư vấn mà không cần có đề nghị của tổ chức và cá nhân. ý kiến tư vấn của Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đối với các dự án làm sạch nước Hồ Tây của Thành phố Hà Nội. Các kiến nghị liên quan đến dự án của Bộ Quốc phòng xây dựng Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam…đều thuộc sáng kiến của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội, chứ không phải theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội hay Bộ Quốc phòng.
Cuối cùng cũng phải nói thêm rằng trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng lực lượng trí thức yêu nước vượt qua nhiều hy sinh, gian khổ đã có những đóng góp rất to lớn cho nền độc lập dân tộc và cho sự phát triển đất nước. Ngày nay trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước tiến vào nền kinh tế tri thức, khi Đảng đã khẳng định rằng khoa học và công nghệ là động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế- xã hội, thì việc xếp Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, một tổ chức đại diện cho lực lượng trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, vào một vị trí xã hội như hiện nay là hoàn toàn không thoả đáng, khó hiểu và không thể lý giải. Nhưng đó là vấn đề cần thảo luận trong một dịp khác. Mặt khác, hiện nay Bộ Nội vụ đang chủ trì xây dựng Luật về Hội, chúng tôi cho rằng chất lượng của bản dự thảo sẽ tốt hơn nếu ngay từ đầu đã có sự tham gia của đại diện Liên hiệp hội, trước hết là của Hội Luật gia Việt Nam.
Hồ Uy Liêm*