Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao, nhà giáo – nhà khoa học tài năng, nhà hoạt động xã hội tận tâm
Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao cho miền Nam, năm 1968 ông được cử sang làm nghiên cứu sinh (NCS) tại Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva (MGU) ở Liên Xô theo diện Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam . Người hướng dẫn làm Luận văn là GS D.D. Ivanenko, nhà vật lý nổi tiếng, một trong hai nhà vật lý vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, đã đề xuất về sự tồn tại của hạt nơtron trong hạt nhân nguyên tử. Tháng 1 năm 1972, Nguyễn Ngọc Giao bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, và là một trong những người đầu tiên nhận bằng PhD ở Liên Xô, theo mô hình Anh - Mỹ. Năm 1973 – 1974 ông lại được cử sang Matxcơva làm tiếp thực tập sinh cao cấp tại MGU và sau đó giảng dạy tiếp ở trường ĐHTH Hà Nội đến ngày giải phóng.
Tháng 9-1975, ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông được cử về công tác tại Trường đại học Khoa học Sài Gòn, về sau thành ĐHTH TP. Hồ Chí Minh. Ngoài công tác giảng dạy ông vừa đảm nhiệm chức trách Phó Chủ nhiệm Khoa rồi năm 1986 là Chủ nhiệm khoa Vật lý, sau khi nhận học hàm Phó GS năm 1984. Năm 1990 ông được bầu làm Hiệu trưởng ĐHTH TP. Hồ Chí Minh và đến 1992 ông được phong học hàm GS. Khi ĐHQG TP Hồ Chí Minh được thành lập ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách công tác nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế. Trong hơn 10 năm (1990 – 2001) GS Nguyễn Ngọc Giao là Uỷ viên Hội đồng tổ chức các trường đại học khối Pháp ngữ AUPELF-UREF (Conseil d’ Administration), nay là AUF… Từ 2000 đến 2003 ông là Chủ tịch Tổ chức đại học khối Pháp ngữ khu vực châu Á – Thái Bình Dương (CONFRASIE).
Trong gần nửa thế kỷ GS Nguyễn Ngọc Giao có nhiều cống hiến trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội, những năm giảng dạy ở đại học, lĩnh vực mà ông đảm nhiệm trải rất rộng, từ các môn Toán cho Vật lý (Đại số, Giải tích, Lý thuyết nhóm), các môn Vật lý lý thuyết (Lý thuyết trường, Lý thuyết Hạt cơ bản, Trường hấp dẫn) đến Triết học trong Vật lý. Các giáo trình do ông viết cho các môn đã nêu được nhiều sinh viên sử dụng trong học tập nhiều năm, đặc biệt các tỉnh phía Nam . Ngoài công tác giảng dạy và quản lý, GS Nguyễn Ngọc Giao đã dành nhiều công sức cho nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ kế cận. Ông đã công bố trên 40 công trình về lý thuyết hạt cơ bản và vũ trụ học trên các tạp chí khoa học và các hội nghị khoa học. Ông đã hướng dẫn tốt nghiệp cho nhiều Cử nhân, Thạc sĩ và 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.
Là một nhà khoa học ở một nước, mà trình độ học thuật còn xa với thế giới, GS Nguyễn Ngọc Giao rất coi trọng công tác phổ biến kiến thức khoa học cho quảng đại quần chúng, ông viết nhiều sách phổ biến kiến thức vật lý, trong đó có nhiều cuốn được tái bản nhiều lần: 1, - Tìm hiểu thế giới nguyên tử, NXB TP. HCM (1984; 2. - Hạt nhân nguyên tử, NXB GD (1997) tái bản (1998).; 3. – Vũ trụ được hình thành thế nào?, NXB GD (1997), tái bản lần thứ 7 (2006, NXB ĐHQG TP. HCM (2009: 4. - Những điều kỳ thú về các hình thái hỗn loạn – chaos, NXB GD (1998), tái bản (1999).; 5. – Văn minh ngoài Trái Đất, NXB GD (1999), tái bản lần 5 (2005).; 6. - Hạt cơ bản và Vũ trụ học, NXB ĐHQG TP. HCM (2001); 7. – Thông tin, Computer và thực tại vật lý, NXB ĐHQG TP. HCM (2008). Ngoài ra, GS Nguyễn Ngọc Giao còn tích cực tham gia báo cáo các thành tựu khoa học mới tại nhiều câu lạc bộ quần chúng hay các trường học tại TP. Hồ Chí Minh.
Hoạt động xã hội, nghề nghiệp của GS Nguyễn Ngọc Giao cũng là đặc điểm nổi bật trong sự nghiệp của ông trong hơn 20 năm qua. Năm 1987, ông đã tham gia thành lập Hội Vật lý TP. HCM và liên tục giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội nhiều nhiệm kỳ… Từ 1990 ông là uỷ viên thường vụ Hội Vật lý Việt Nam, và giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội Vật lý hai nhiệm kỳ. Năm 2002 ông trúng cử Chủ tịch Liên hiệp Hội KH&KT TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 4 (2002 – 2007) và tái đắc cử Chủ tịch nhiệm kỳ 5 (2007 – 2012). Ông là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam từ 2002, nhiệm kỳ 5 (2004 – 2009), và nhiệm kỳ 6 (2010 – 2015)… Ông là Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 8 (2004 – 2009) và nhiệm kỳ 9 (2010 – 2014).
Do những đóng góp quan trọng và liên tục trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu, quản lý khoa học và hoạt động xã hội, ngoài danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1990) và Nhà giáo Nhân dân (2002), ông được tặng Huân chương Lao động hạng II (2000), hạng III (1995), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng III (1985). Huân chương “Cành cọ hàn lâm” Pháp (1998) và nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen của các cấp.
GS.TS Nguyễn Ngọc Giao đã bước qua ngưỡng tuổi 70 “xưa nay hiếm”, nhưng chúng ta tin rằng ông còn cống hiến nhiều và lâu dài cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng như cho các hoạt động xã hội khác. Những thành quả đã đạt được chứng tỏ ông là một thầy giáo, một nhà khoa học tài năng và nhà hoạt động xã hội tận tâm. Những thành công của ông đều có sự đóng góp của bà Vũ Thị Quy, người bạn đời rất mực thuỷ chung, một cô gái Hà Nội chính hiệu và là một trong những “hoa khôi” của khoa Vật lý của ĐHTH Hà Nội.
Chúng tôi, Ban biên tập Vật lý Ngày nay, Bộ môn Vật lý lý thuyết ĐHQG Hà Nội, và những người đồng nghiệp một thời gần gũi và cũng là những bạn bè thân thiết, xin chúc GS và gia đình mạnh khoẻ hạnh phúc và chúc GS tiếp tục đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự phục hưng giáo dục của nước nhà.
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, GS.TSKH Lê Minh Triết, GS.TSKH Đào Vọng Đức, GS.TSKH Trần Hữu Phát, GS.TSKH Nguyễn Văn Hùng, GS.TS Nguyễn Văn Thoả, GS.TS Nguyễn Quang Báu, TS Phạm Thúc Tuyền, PGS. Phạm Công Dũng, PGS.TS. Nguyễn Đình Dũng.