Giáo sư, phó giáo sư: Tuyển chọn và sử dụng
Cách thứ nhất nặng về mặt tôn vinh: cách sau thiên về sử dụng. Nước ta theo cách thứ nhất. Có nên vận dụng song hành cả hai cách này hay không là vấn đề nên tiếp tục suy xét.
2.Ở nước ta bắt đầu triển khai phong chức danh đã hơn hai mươi năm. Các đợt đầu tiên được dư luận tán đồng vì chúng ta phong cho các nhà khoa học có cống hiến trong hai cuộc chiến tranh và xây dựng hoà bình. Hội đồng chức danh biết rất rõ về đối tượng được phong. Nhiều trường hợp còn khuyến khích làm hồ sơ để xét duyệt. Các đợt sau tình hình phát triển phức tạp hơn. Kết quả xét duyệt ít được đồng tình! Trong những cuộc trao đổi riêng thậm chí có người đánh giá số người xứng đáng chỉ đạt 30 – 40%.
Tình trạng này cũng có lý do khách quan của nó. Diện xét quá rộng khiến các hội đồng chức danh không biết được cụ thể từng con người như trước đây mà sự xét phong chỉ dựa trên hồ sơ khai báo, định lượng để tính điểm. Ai đủ điểm thì phong. Hình thức này đã được phê phán với một câu rất đắt: Xét duyệt theo định lượng là cơ giới máy móc, không phản ánh được chất lượng thực.
Tuy rằng ở nước ta danh hiệu GS, PGS chỉ là sự tôn vinh, “mang lại danh không mang lại thưc”, nhưng trong cơ chế thị trường cũng có một số người bằng con đường khác đã có “thực” còn muốn có thêm “danh”! Cách xét duyệt cơ giới hiện nay đang tạo điều kiện cho họ.
Dựa trên số bài báo được đăng, số sách được xuất bản, vô tình đã đề quá cao vai trò của ban biên tập các tập san, các nhà xuất bản thành một thứ “siêu” hội đồng. Nếu coi các tác phẩm được đăng ở nước ngoài có điểm cao hơn được đăng trong nước, lại biểu lộ tư tưởng sùng ngoại khó chấp nhận. Các nhà khoa học nước ta đều biết rất rõ ràng nhiều luận điểm khoa học được đề cao ở nước ngoài không được các nhà khoa học nước ta đồng tình, nhất là trong lĩnh vực triết học, kinh tế, xã hội, nông, lâm, y…
Thứ hai, đánh giá chất lượng bài báo trên cơ sở có nhiều tài liệu tham khảo, số trang. Gần đây, tôi được biết một quy định lạ: Các bài đăng tạp chí không có phần tài liệu tham khảo sẽ không được tính điểm. Trước đây, những bài báo này vẫn được tính điểm. Tình hình đó dẫn đến hiện tượng khi xét tính điểm phong GS cho mình, một PGS thấy rằng nếu bỏ điểm của những bài báo theo quy định trên thì số điểm ông còn không đủ để phong PGS chứ chưa nói là để được phong GS!
Bên cạnh đó, yêu cầu có hướng dẫn thành công TS thì lập tức có tiến sĩ rởm; yêu cầu chủ biên sách khoa học thì lại có chuyện phụ chủ biên; cần mấy bằng ngoại ngữ lập tức có ngay!
Mặt yếu của phương pháp lượng hoá hiện nay ngày càng bộc lộ rõ nét.
3.Phong GS, PGS rất cần để xây dựng và tập hợp đội ngũ khoa học phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Làm thế nào chính xác được như các đợt đầu tiên? Sở dĩ các đợt đầu tiên chính xác là vì người cầm lá phiếu bầu chức danh hiểu rất rõ người họ bầu không phải chỉ dựa trên hồ sơ và tính điểm.
Theo tôi, nên khôi phục lại cách làm rất khoa học của Uỷ ban Khoa học Nhà nước trước đây đã làm (hiện nay nhiều nước cũng đang làm). Ngày ấy Uỷ ban Khoa học Nhà nước tổ chức rất tốt hoạt động các ban chuyên ngành như Ban Sinh vật - Địa, ban Toán – Lý… thường xuyên tổ chức các cuộc trao đổi khoa học chuyên đề để các nhà khoa học cùng chuyên ngành có dịp giao lưu học tập hiểu biết lẫn nhau, do đó bình bầu lựa chọn rất chính xác. Từ kinh nghiệm đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cần nắm chắc danh sách các cán bộ hoạt động cùng chuyên ngành, tạo điều kiện giao lưu và khi bầu chức danh thì bầu theo cách bỏ phiếu tín nhiệm của các nhà khoa học cùng chuyên ngành.
Có quan niệm cho rằng làm như vậy sẽ có sự đố kỵ trong chuyên ngành. Nhưng “tránh vỏ dưa sẽ gặp vỏ dừa” mà sự không thành công của phương pháp lượng hóa là kinh nghiệm. Hãy tin ở chữ tâm của các nhà khoa học!
Tất nhiên, tổ chức lại được công việc này đòi hỏi nhiều công phu nhưng không có cách nào hơn, nên bắt đầu làm từ bây giờ!
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 102 (1820), 23/12/2005